Cầu Long Biên Hà Nội bảo tồn và phát triển

Cầu Long Biên Hà Nội
Cầu Long Biên Hà Nội là chiếc cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng, do Pháp xây dựng (1898-1902) đặt tên là cầu Doumer (theo tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer), dân gian còn gọi là cầu Cân hay cầu sông Cái hay là cầu Bồ Đề (vì nó được bắc qua bến Bồ Đề thuộc huyện Gia Lâm)…

t
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm công trường khôi phục cầu Long Biên năm 1973

Cầu dài 2290m qua sông và 796m cầu dẫn, gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40m (kể cả móng) và đường dẫn vào cầu xây bằng đá. Cầu dành cho đường sắt đơn chạy ở giữa, hai bên dành cho xe cơ giới và người đi bộ. Đường cho các loại xe là 2,6m, và đường cho người đi bộ là 0,4m. Luồng giao thông của cầu thép hướng đi xưa ở phía trái chứ không phải phía bên phải cầu như các cầu thông thường khác….

Cây cầu được thiết kế với kiểu dáng độc đáo do Dagdé & Pillié thiết kế giống với kiểu dáng của cầu Tolbiac ở quận 13 Paris, trên tuyến đường sắt Paris-Orléan Pháp (theo Bách khoa toàn thư Wikipedia).
Cầu Long Biên là loại cầu có độ dài nhất trên thế giới vào thời đó, nó thể hiện những thành tựu về công nghệ xây dựng cầu quốc tế đương thời. Và sau hơn 110 năm tồn tại, Cầu Long Biên vẫn là di sản đô thị của văn hóa Pháp ở Hà Nội.

Trong dân gian, cầu Long Biên có câu vè sau:
Hà Nội có cầu Long Biên
Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng
Tàu xe đi lại thong dong
Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi

phuot-dem-ha-noi-34

Cầu Long Biên – Hà Nội là chứng nhân lịch sử cho cuộc rút lui của quân đội Pháp năm 1954, sau cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Trong chiến tranh chống Mỹ xâm lược, cuộc chiến tranh phá miền Bắc Việt Nam (1965-1968) cầu bị máy bay Mỹ ném bom hỏng 7 nhịp và 4 trụ lớn. Chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai của Mỹ (năm 1972) làm hỏng 1500m cầu và 2 trụ lớn bị cắt đứt. Tuy nhiên, mạch máu giao thông trên cầu vẫn được thông suốt. Sau hòa bình, cầu Long Biên được sử dụng cho tàu hỏa, xe đạp và người đi bộ.

Cầu Long Biên Hà Nội tuy mới được công nhận là di tích văn hóa lịch sử di sản đô thị nhưng từ lâu đã đi vào ký ức đẹp đẽ và hào hùng trong lòng người dân Hà Nội.

Cầu đường sắt đô thị qua sông Hồng tuyến Yên Viên – Ngọc Hồi trùng với cầu Long Biên hay cách xa?
Tuyến đường sắt đô thị số 1, Yên Viên – Ngọc Hồi là tuyến đường sắt có ý nghĩa quyết định đối với mạng lưới đường sắt đô thị của Hà Nội vì nó được kết nối với đường sắt quốc gia. Trong tuyến Yên Viên – Ngọc Hồi có một công trình quan trọng đó là cầu đường sắt đô thị qua sông Hồng.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa đưa ra 3 phương án cho cầu đường sắt đô thị qua sông Hồng; song cả 3 phương án không thể bảo tồn và phát triển được cầu Long Biên.
Ngay từ năm 2001, một Nghị định thư giữa chính phủ Pháp và Việt Nam đã được ký theo đó Pháp sẽ hỗ trợ kinh phí để bảo tồn cây cầu Long Biên do Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ trước.
Đến cuối năm 2007, Chính phủ đã cho phép thực hiện dự án đường sắt đô thị Yên Viên – Ngọc Hồi và dự án cải tạo khôi phục cầu Long Biên thành hai dự án riêng biệt.
Sau khi đưa ra 3 phương án không được dư luận đồng tình, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị dùng phương án xây cầu mới cách cầu cũ 30m về phía thượng lưu.
Phương án cầu mới này quá gần sẽ ảnh hưởng đến cầu cũ nên vẫn rất khó bảo tồn cảnh quan cho cầu Long Biên. Cầu Long Biên có lẽ là cầu duy nhất hiện nay trên sông Hồng đoạn qua đô thị Hà Nội, tạo dáng đặc sắc trên sông và tạo điểm nhấn cảnh quan thanh bình xưa.

Không hiểu sao lúc này Bộ Giao thông vận tải lại cho rằng “Cầu cũ cách cầu mới 30m là tối ưu” ?
Năm 2005 – 2009 dự án bảo tồn cầu Thăng Long qua nhiều cuộc Hội thảo đã đạt được sự đồng thuận từ phía Pháp và Việt Nam. Dự án bảo tồn nguyên vẹn do Pháp tài trợ và Việt Nam xây cầu mới cho đường sắt đô thị, cách cầu Long Biên 186m về phía thượng lưu để cầu mới không ảnh hưởng cầu cũ tuy có thể bị bất lợi về hướng tuyến và đền bù giải tỏa, nhưng văn hóa và lịch sử mới là vô giá.

Cuối cùng, vào giữa năm 2010, phương án cầu mới cách cầu cũ 186m về phía thượng lưu đã được tư vấn khuyến nghị, Theo Bộ Giao thông vận tải, phương án này đã được Hà Nội thống nhất vào tháng 11/2010.

Bảo tồn và phát triển cầu Long Biên
Khái niệm di tích và di sản ngày nay đã được mở rộng như: di sản lịch sử, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, di sản đô thị, Di sản thiên nhiên… thậm chí công nhận cả những công trình kỹ thuật là di sản, nếu những công trình ấy đứng vững trong thời gian và hàm chứa giá trị trước tiên về lịch sử, sau đó là nhân chứng của tiến bộ khoa học công nghệ.

Do vậy, cầu Long Biên nên được công nhận là di tích văn hóa lịch sử hoặc di sản đô thị, có những giá trị lịch sử, giá trị về kỹ thuật – công nghệ hơn một thế kỷ trước đây và về cảnh quan đô thị để bảo tồn và phát triển.

Về bản chất, bảo tồn là giữ lại, phát triển là thay đổi, trong thực tế khó có giải pháp nào trọn vẹn cả 2 vế này. Vì thế, chúng ta phải tìm tòi các yếu tố hài hòa.

Nếu cầu Long Biên là một công trình kiến trúc có giá trị cần được bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị với tư cách là một thành phần cấu thành của đô thị, một công trình di sản, thì vừa có thể duy trì công trình, vừa cải tạo thích ứng với những mục đích mới trong đời sống xã hội đương thời.

Trước tiên cần trùng tu, nâng cấp và khôi phục những đặc điểm cơ bản về diện mạo và cấu trúc của cầu, giải tỏa nhà bám cầu và cải tạo thích nghi để phục vụ nhu cầu văn hóa và du lịch, trên cơ sở tôn trọng những đặc điểm cấu trúc và hình dáng của cầu.

Về lâu dài, chỉ nên quy hoạch cầu thành tuyến dành cho xe máy, xe đạp và cho người đi bộ.
Một số ý tưởng ban đầu thể hiện cách tiếp cận hiện đại đối với việc bảo tồn và phát triển di sản cầu Long Biên như sau:
1-Những đề xuất cùa Công ty cổ phần cầu Rồng và KTS Nguyễn Nga – Việt kiều Pháp ở Paris về “bảo tàng” và “sinh động hóa” bản thân cây cầu, tổ chức vườn treo trên đường dẫn lên cầu, tổ chức không gian hàng trong các không gian vòm dưới đường dẫn, bảo tàng mỹ thuật…

2- GS.TSKH.KTS Hoàng Đạo Kính đưa ra ý tưởng: Không gian ở giữa cầu, nơi có đường xe lửa và rộng chừng 4m, hầu hết nên dành cho việc tổ chức một dãy dài các gian hàng trưng bày, các shop đồ hàng lưu niệm và hàng thủ công, các điểm dịch vụ đa dạng, các quầy hàng giải khát… có kính gắn bên và mái che ở trên ít ảnh hưởng đến hình dáng của cây cầu. Ở châu Âu người ta gọi dãy hành lang như thế này là passage, là một trung tâm mua sắm, dạo chơi ở nhiều đô thị lớn. Với giải pháp này ta có thể tạo nên một dạng “Chợ-Cầu” có một không hai.

3- KS Vũ Đức Thắng (TPHCM) cho rằng: Sông Hồng là long mạch vĩ đại của Hà Nội, phải bảo tồn gìn giữ long mạch này không kém gì giữ mạng sống. Cầu Long Biên từ hơn một trăm năm trước đã cố gắng không xâm hại dòng chảy tự nhiên của thủy mạch này. Cao độ đáy dầm ở mức +15m cao hơn mực nước lũ lịch sử sông Hồng là +12,4m. Dòng chảy sông Hồng khoảng 1000m nhưng khi xây cầu đã không bóp hẹp dòng chảy mà mở rộng tới 1680m bao trọn mọi khả năng đổi dòng để cho sông thông suốt tùy nghi bên lở bên bồi. Trên sông Hồng có 18 trụ chiều ngang là 18 x 4,40m (bằng 79,20m), độ chiếm dụng lòng sông bằng 4,7%. Lịch sử đã chứng tỏ trong 110 năm đầy biến động, dòng sông Hồng chảy lang thang trong châu thổ của nó vẫn không hề đe dọa sói lở mố cầu và nghiêng lệch các trụ cầu. Tuy nhiên, cầu Long Biên khi bị tàn phá thì các đống đổ nát của nó và các trụ cầu xây chen chi chít đã ngang nhiên vi phạm pháp luật xây dựng về thủy lợi và thủy vận giữa trung tâm thủ đô. Nay chiến tranh đã lùi xa…điều đó có nghĩa là phải dỡ bỏ hết các chướng ngại vật lấn chiếm xâm phạm dòng chảy sông Hồng trái với pháp quy hiện hữu…để bảo tồn long mạch của Thủ đô và dòng chảy thiên nhiên của sông Hồng.

Mặt khác, đề nghị xây dựng một quy hoạch “Bảo tàng Cầu Long Biên” có cơ sở khoa học, chọn lọc những cái tiêu biểu xứng đáng, trong suốt lịch sử biến động của cây cầu để bảo tồn có hệ thống cho hậu thế mai sau.

Nguyễn Đăng Sơn
Phó Viện trưởng – Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng