Dấu xưa tháp Chăm Xuân Dương

Đã từng có một tổ hợp đền tháp (tháp Xuân Dương) Chăm tồn tại ở làng Nam Ô (thuộc P. Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu) mà các nhà nghiên cứu nhận định rằng có thể đây là di tích Chăm lớn và đặc biệt từng có ở Đà Nẵng.

Những ngày qua, Trung tâm Quản lý di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng và Viện khảo cổ học Việt Nam tiến hành đào khai quật thám sát di tích Chăm Xuân Dương. Thạc sĩ Phạm Văn Triệu – Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết, khi đào xuống 1 mét đất đã phát hiện được móng tháp và nhiều gạch Chăm. “Do đào thám sát nên việc phát hiện các hiện vật hay quy mô của tháp Chăm Xuân Dương chưa rõ ràng. Nhưng chúng tôi tin rằng, dưới lòng đất di tích này chứa đựng nhiều bất ngờ về di tích và văn hóa Chăm ở Nam Ô”- anh Triệu nói.

Dù trở thành phế tích từ lâu nhưng tháp Chăm Xuân Dương vẫn gắn bó với đời sống tinh thần của người dân Nam Ô. Trong miếu Bà ở làng Nam Ô, có những phiến sa thạch và những viên gạch Chăm có kích thước lớn. Dù không có tượng nhưng trên các bài vị chữ Hán, ta có thể nhận biết các vị thần được thờ ở đây. Theo ông Võ Văn Thắng–Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng thì gian giữa có bài vị thờ Thiên Y A Na và bài vị thờ Cao Các Quảng Độ, gian bên phải có bài vị thờ Bô Bô Phu Nhân và bài vị thờ Bổn Xã Thành Hoàng. “Thiên Y A Na là cách kết hợp phiên âm và dịch nghĩa của chữ Hán cho danh xưng “Pô Inư Nagar” trong tiếng Chăm, có nghĩa là “Thần Mẹ của Xứ Sở”, “Bô Bô” là cách dùng chữ Hán để ghi lại âm “Pô” trong tiếng Chăm, là một từ tôn xưng các vị thần hoặc người cao quý.

Điều này cho thấy di tích Chăm Xuân Dương có ảnh hưởng nhiều đến vùng đất này” – ông Thắng nói. Các sử liệu cũng từng đề cập về di tích Chăm Xuân Dương, sách Đại Nam Nhất Thống Chí trong mục chép về Núi Xuân Thiều có nhắc đến “cổ tháp Trà Vương di tích”. Vào năm 1928, nhà nghiên cứu Henri Parmentier ghi chép về di chăm Xuân Dương như sau: “Dấu vết Chăm tại Nam Ô thuộc địa phận làng Xuân Thiều, tổng Bình Thái. Nằm giữa một cái gò và bờ biển là một nền đất rộng nằm khuất trong một rừng cây rậm rạp. Người An Nam đã đến đây lấy gạch. Chúng tôi có thể nhận ra dấu vết của các bức tường và nền móng vuông của một ngôi tháp. Một khối đá cửa tháp còn thấy tại chỗ, về phía đông của ngôi tháp”. Sau này, nhiều hiện vật ở di tích chăm Xuân Dương được người Pháp quy tập về Bảo tàng Điêu khắc Chăm, mà đến bây giờ vẫn còn.


Sau khi đào thám sát, nền tháp Chăm Xuân Dương đã dần lộ ra.

Nghiên cứu về di tích Chăm Xuân Dương, tiến sĩ Lê Đình Phụng–Trưởng phòng lịch sử khảo cổ (Viện Khảo cổ học Việt Nam) cho rằng trong hệ thống tháp Chăm dọc miền Trung được xây dựng ven biển thì vị trí xây dựng của Xuân Dương rất đặc biệt. Bởi đây là tháp được người Chăm xây dựng gần biển nhất, đồng thời trấn giữ và nhìn ra cửa Hàn. Ngoài chức năng là đền thờ thì tháp Chăm được xem như ngọn hải đăng để định hướng đi biển của người Chăm, nên nó được xây dựng với quy mô khá to lớn. “Năm 1306, theo thỏa thuận sính lễ thì vua Chế Mân đồng ý cắt hai Châu Ô và Châu Lý để được cưới Huyền Trân công chúa, diện tích này bao gồm hết cả bờ bắc sông Thu Bồn nên tháp Xuân Dương cũng nằm trong phạm vi này.

Tuy nhiên, sau đó người Chăm cương quyết không giao vùng đất này cho nhà Trần, mà một trong những lý do người Chăm quyết giữ là có liên quan đến tháp Xuân Dương. Bởi tháp Xuân Dương có vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Chăm. Nơi họ làm lễ cúng trước khi ra biển và định hướng từ biển vào đất liền, là tiền cảng thị của người Chăm ở vùng đất này” – ông Phụng nói. Đầu thế kỷ XX, dấu tích của tháp Chăm Xuân Dương vẫn còn, tuy nhiên trải qua những biến thiên của lịch sử, bây giờ tháp Chăm này chỉ còn trong ký ức và sách sử. “Tôi đồ rằng tháp Chăm Xuân Dương có quy mô giống với di tích Chăm Chiên Đàn ở Quảng Nam. Tuy nhiên muốn hiểu rõ về tháp Chăm Xuân Dương này, thì chúng ta cần một cuộc khai quật trên diện tích 500 m2, để tìm hiểu về quy mô các tháp móng. Tháp Chăm Xuân Dương không chỉ có giá trị về khảo cổ học mà nó còn cho chúng ta biết giá trị lịch sử và văn hóa của vùng đất Đà Nẵng” – ông Phụng nói.

Theo kế hoạch của Trung tâm Quản lý di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng, năm 2016 sẽ tiến hành khai quật di tích Chăm Xuân Dương, trước khi khu vực này được xây dựng để trở thành khu du lịch sinh thái. Đây là thông tin đáng mừng, bởi nếu không được khai quật, hẳn tháp Chăm Xuân Dương sẽ chỉ còn trong ký ức mà thôi.

Hoàng Anh / CAND