Nhà lá mái ở Phú Yên: Kiến trúc sinh thái – cần bảo tồn và phát triển du lịch

Nơi xuất hiện
Hơn nửa thế kỷ trước, tiến sỹ văn khoa Pierre Gourou(*) – Uỷ viên thông tấn viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, trong chuyến đi khảo sát các ngôi nhà ở Việt Nam từ Thanh Hoá đến Bình Định, đã tìm ra những điểm khác nhau của ngôi nhà ở mỗi vùng(**). Nguyên do chọn Quảng Trị làm nơi nghiên cứu của miền Trung, bởi lẽ qua những lần đi khảo sát, ông nhận thấy đa số kiểu nhà ở chung quanh Huế đều giống loại nhà ở Quảng Trị và nhiều ngôi nhà ở Huế đã được mua lại từ Quảng Trị rồi tháo ráp chuyển vào. Trong mô tả có một chi tiết khá thú vị: Đó là một loại nhà ở đã tồn tại từ lâu ở Quảng Trị, có hai tầng mái. Kiểu kết cấu phần mái như vậy giống với các mái nhà ở của các vùng cách xa, từ tận Bình Định đến Phú Yên. Đến hôm nay ta gọi chung với cái tên là nhà Lá Mái (ảnh A, bản vẽ A). Nhà Lá Mái ở miền Trung gồm có các loại nhà: Nhà Rội/Rọi (cột chôn xuống đất), nhà thượng Rường hạ Rội (thường có cột ở giữa, bản vẽ B) hoặc nhà Rường phổ biến (cột kê trên đá tán/đá tảng), đặc biệt nhà có hai tầng mái (mái dưới hay trần đắp đất trên sàn bằng tre hoặc gỗ, tầng trên là khung đỡ bằng tre lợp tranh hoặc lá) (a.B, bản vẽ B1và B2)

nhà bà Lê thị Bảng
Nhà bà Lê Thị Bảng

mat cat - nha la mai , nhà bà LE THI BANG

Nhà Lá Mái ở Quảng Trị được mô tả là một loại nhà Rường (ông Pierre Gourou gọi là nhà Rương) (1) nằm trên dải đồi đất bazan ở Cửa Tùng tại làng Liêm Công Tây. Được biết ngôi nhà này xưa hơn các ngôi nhà hiện có ở vùng này (năm 1934); theo chủ nhân thì nó được dựng từ khởi nghĩa Tây Sơn cuối thế kỷ 18. Năm 2005, tôi cùng các bạn KTS trở lại vùng Quảng Trị nói trên nhưng đã biến mất do chiến tranh, chỉ còn ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Thu ở xã Vĩnh Trung, thôn Thủy Trung là ngôi nhà lá mái trước kia mà cha ông đã mua từ làng Di Loan (địa danh nầy ông P.Gourou ghi nhầm là Di Luân), nhưng nay phần mái đất đã tháo bỏ và thay bằng mái lợp tranh. Vài năm trở lại đây, tôi nhiều lần đến vùng trung du huyện Tiên Phước Quảng Nam và đã phát hiện ra ở đây trước năm 1940 (2) hầu như các ngôi nhà khá giả vùng trung du nầy đều là nhà lá mái. Vài lần đến các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, những loại nhà này chỉ còn tồn tại rất ít và mái nhà lợp tranh, lá hầu như đã bị thay đổi. Loại nhà nầy nhiều nhất ở vùng Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn (bản vẽ C) tỉnh Quảng Ngãi, nhưng ngôi nhà còn giữ mái tranh ở đây cũng đã phá bỏ vào năm 2010 (nhà ông Nguyễn Cứu, thôn An Hải Tây). Tại Ninh Thuận, khi khảo sát mặt bằng truyền thống những ngôi nhà của người Chăm, ngôi nhà dành cho người già khá giả, bố trí chính giữa khuôn viên có mặt quay về hướng Nam được gọi là Thang Lâm (3) (C1 và C2) và bảo tàng dân tộc học Việt Nam đã mua lại và phục dựng, trưng bày tại sân bảo tàng. Nhà có kết cấu hai tầng mái, đây chính là ngôi nhà lá mái, có lẽ người Việt xưa khi vào xứ Đàng Trong, cụ thể là vượt qua sông Gianh đã học cách làm nhà của người Chăm xưa? (4) mà ông Piere Gourou đã mô tả.

Qua thông tin trên báo và trên mạng, ngôi nhà họ Ma ở xã Long Bình thị xã Sông Cầu tỉnh Phú Yên cũng là nhà lá mái. Tuy nhiên, khi đến tìm hiểu vào tháng 2/2008 thì ngôi nhà đã bị tháo dỡ bán. Thật tiếc không được đo vẽ, vì theo mô tả của ông Phan Đình Phùng (bài phỏng vấn), lúc ấy là giám đốc bảo tàng Phú Yên, đó là ngôi nhà lớn và đẹp nhất vùng này. Vì vậy, tôi chỉ có thể tìm hiểu những ngôi nhà ở phía bắc sông Cầu – Những ngôi nhà mà theo tôi có thể gìn giữ dễ dàng vì khai thác vật liệu tại chỗ để tu bổ và dễ dàng khai thác du lịch khi thuận tiện trong giao thông (nằm trên quốc lộ 1A).

mặt chính nhà TRẦN HIỆP
Mặt chính nhà Trần Hiệp

BAN VE MẶTCẮT NHÀ TRẦN HIỆP

Định nghĩa và cách gọi tên ở từng vùng
Theo Pierre Gourou: “Nhà Lá Mái là loại nhà rương lợp tranh…; mái nhà có hai lớp gồm: Một mái đầu tiên bằng đất nện để khô và một mái thứ hai lợp tranh, đỡ bằng những phên đan bằng tre thô sơ được bó đất cẩn thận, khoảng cách giữa hai lớp mái đạt mức tối đa ở trên nóc 40cm…” (bản dịch của Đào Hùng). Tương tự ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, ngoài trần đan bằng tre còn xuất hiện trần bằng những tấm gỗ ghép lại được gọi là “mái xông”(5), hay là trần bích (bích có nghĩa là tường), tuỳ theo từng vùng để đỡ lớp đất sét bên trên, kiểu kiến trúc này khá phổ biến ở vùng Cửa Tùng, ở phía Nam sông Gianh có tên gọi khác nhau:
– Ở Quảng Trị gọi là nhà Mái xông.
– Ở Quảng Nam gọi là nhà Bỏ đất (hay Trần bích)
– Ở Quảng Ngãi, đảo Lý Sơn gọi là nhà Đắp.
– Ở Bình Định, Phú Yên gọi là nhà Lá mái.
– Kiến trúc nhà ở cổ truyền người Chăm gọi là Thang Lâm

Kỹ thuật dựng nhà
1. Mái
Ở thời điểm cách đây khoảng 50 năm rất khó khăn để có ngói lợp nhà: Xa trung tâm sản xuất ngói, đường giao thông kém, vật liệu này lại dễ vỡ. Vì vậy, qua sự trải nghiệm của người đi trước cộng với tri thức bản địa đã giúp cho những con người ở những vùng này sử dụng tối đa các vật liệu sẵn có tại địa phương trong phương cách dựng nhà.

a. Phần mái đất (trần) (6)
Chỉ cần khai thác tre trồng quanh làng, chẻ nhỏ đan thành từng tấm rồi ngâm nước bùn (ở ruộng thấp bên dưới chân đồi). Thời gian ngâm kéo dài đến 3 tháng là tốt nhất. Các tấm tre này được lắp vào trần nhà, được đỡ bằng những đà gỗ hoặc tre (giữ nguyên thân) cũng được ngâm bùn, kế tiếp là một lớp đất sét ở ruộng có độ dẻo được nhào trộn với rơm (thân cây lúa sau khi thu hoạch) chặt nhỏ đắp lên trên các tấm tre. Ở cù lao Ré không có rơm người trộn với cỏ đế, còn ỏ sông Cầu tre được ngâm nước muối. Lớp hỗn hợp đất sét được đắp lên, được nén chặt bằng chày, búa gỗ cho đến khi đạt được độ dày khoảng 8-10cm. Với một số nhà khá giả có phần trần lót cho lớp đất sét là các tấm ván bằng gỗ dày từ 2,5 – 3cm được lắp khít các cạnh vào nhau theo chiều rộng của lòng nhà. Các tấm ván này được giữ lại bằng những đà trần (đặt dọc ở bên trên).

b. Phần mái tranh.
Với những lỗ mộng còn để lại ở những đầu cột, kết hợp với những thông tin của những người cao tuổi từ Quảng Nam vào Phú Yên cung cấp thì khoảng cách mái nhà tranh bên trên với mái đất bên dưới vẫn không thay đổi so với mái ngói mới hôm nay. Ngày trước, khi làm phần mái tranh thì bắt buộc phần mái đất bên dưới phải thi công xong. Cụ Huỳnh Anh ở huyện Tiên Phước. Quảng Nam cho biết: Các đầu cột nhà cụ ngày trước được xếp đá liên kết bằng đất sét cao đến 40-50cm, sau đó đặt bộ khung tre bên trên rồi lợp tranh như nhà tranh tre bình thường. Và dĩ nhiên, để chống gió lốc thì bộ khung tre được neo giữ bằng dây mây, dây rừng với bộ khung gỗ bên dưới.

Tiếp cận với một ngôi nhà tại Phù Mỹ, Bình Định, còn nguyên mái tranh (2004) hoặc ngôi nhà ở thôn Thạch Khê, thị trấn Sông Cầu, tỉnh Phú Yên (2008-2010) phần khung tre đỡ mái tranh được chống đỡ bằng nhiều đoạn gỗ, tre ngắn với trần mái bên dưới, đầu cột tiếp xúc với mái đất được đắp cao tạo thành ụ và đa số các mái đất đều được đắp nghiêng theo mái tranh bên trên, phần bề mặt được miết kỹ. Nếu phần mái tranh bị dột nước, bề mặt đất không bị xói và nước dễ chảy xuôi theo mái đất ( ả.. D).

2. Vách nhà
Là loại nhà Rường, nên hầu như toàn bộ khung nhà, mái đất, mái tranh đều chịu lực trên các cột gỗ kê trên đá tán. Vậy nên, phần thân/vách nhà nếu là kết cấu bằng đất cũng không hề gì. Lớp đất bao bọc dày 10-11cm có nơi dày đến 22cm do làm hai lớp mầm và trỉ (nhà ông Đổ Hữu Toại, Tây Sơn Bình Định) mà vật liệu chỉ là Thổ – Mộc. Cắt ngang một đoạn vách gồm các thành phần sau:
– Phần lõi: thân cau ngâm bùn chẻ nhỏ đặt đứng theo chiều cao thân nhà gọi là cây mầm, tre cũng được ngâm bùn chẻ nhỏ đặt ngang theo chiều dài nhà gọi là cây trỉ. Cau và tre được liên kết với nhau bằng dây lạt tạo ô có kích thước 10x10cm.
– Phần bao: cũng đơn giản như mọi nhà vách đất chứa hỗn hợp đất sét trộn với rơm (đào hố rồi đổ hai loại vào với nhau, dùng chân nhào kỹ, trát đều lên các lớp cốt tre và cau sao cho bề mặt vách đất khá phẳng cả hai mặt). Riêng phần bao của vách nhà được người thợ ở Bình Định và Phú Yên công phu hơn còn thêm giấy bổi giã nhuyển trộn thêm nhớt cây bời lời trát đều và phẳng ở mặt ngoài, trông như vách sơn vôi nước hôm nay.

3. Mặt bằng tổng thể
Trong các tỉnh chúng tôi đi khảo sát từ năm 2002 đến nay, chỉ có duy nhất ngôi nhà của bà Lê Thị Bảng, 86 tuổi (chủ nhân ngày trước là ông Bùi Đắc Dư (1869-1895) ở thôn Phú Xuân, xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn (Bình Khê) thị trấn Phú Phong, Bình Định và nhà ông Phùng Quang Duyên thôn Chánh Lộc xã Xuân Lộc, Phú Yên là còn giữ nguyên mặt bằng tổng thể của ngôi nhà Lá Mái với các công năng sau (bản vẽ E, mặt bằng tổng thể):
– Nhà chính: Thờ cúng và nơi nghỉ ngơi của đàn ông.
– Nhà cầu: Nhà nối với nhà chính cũng là nơi nghỉ ngơi của phụ nữ.
– Nhà lẫm: Kho chứa lúa.
– Nhà bếp, sân cát (bao gồm sân phơi bên trong): Nấu nướng và chế biến nông sản.
Những ngôi nhà ở Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên đa số chỉ giữ lại phần nhà chính, các công trình khác đã thay đổi. Một số thông tin chỉ còn có thể tham khảo ở người già trong địa phương hoặc từ nguồn tự liệu ghi chép của Pierre Gourou.

4. So sánh nhà Lá Mái ở Lộc Yên, Tiên Phước, Quảng Nam và nhà Mái Lá ở Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên.
Qua mô tả của Pierre Gourou và trong đợt đi khảo sát gần đây, những ngôi nhà ở Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Trị (từ năm 2002 đến nay) cho biết hầu như nhà lá mái nói trên đã thay bằng vật liệu mới phổ biến là với mái ngói. Từ những tư liệu viết đến hình ảnh kết hợp những đợt thực tế đo vẽ, chụp ảnh chúng tôi có những nhận xét sau:
– Khoảng cách từ trần đất đến mái tranh ở Quảng Trị thấp, ở Quảng Nam là trung bình, Bình Định là cao (Xem bảng thống kê):
Nét chung:
– Tận phía Nam sông Gianh, Quảng Trị từng tồn tại những ngôi nhà Lá Mái.Phổ biến ở tỉnh Bình Định và phía Bắc tỉnh Phú Yên
– Nhà Lá Mái phải có hai tầng mái, thường là nhà của phú nông (vì nhiều tài sản, vật dụng quý hiếm cần bảo quản phòng tránh hoả hoạn, chống bão hữu hiệu).
– Nhà Lá Mái được làm bằng vật liệu: bằng lá (tranh, dừa) tre, gỗ và đất đá, được khai thác tại chỗ.
– Nhà Lá Mái luôn có hai kiểu thức kết cấu vì nóc: vì kèo xuyên tâm và vì kèo có trụ trốn/con đội.

Sự cấp thiết cần phải bảo tồn
a. Nguyên nhân:
(1) Vật liệu tranh, tre, gỗ đến thời kỳ bị hư hỏng, có tuổi thọ không dài, tính ổn định thấp trong điều kiện khí hậu ở miền Trung Việt Nam;
(2) Người dân hay chủ nhân ngôi nhà hôm nay không hiểu giá trị của loại nhà có trần bằng đất và mái bằng tranh, một loại kiến trúc đặc biệt chỉ có duy nhất ở miền Trung;
(3) Nguồn vật liệu tranh rạ dùng lợp mái trở nên khan hiếm do người dân không trồng nữa hoặc các nấm tranh mọc tự nhiên cũng bị phá để trồng các loại cây khác). Mặt khác cả người thi công cũng không hiểu biết về cách xử lý bảo quản truyền thống các vật liệu thảo mộc này. Việc phun thuốc chống mối mọt cho loại vật liệu này cũng rất tốn kém;
(4) Đô thị hoá nông thôn.
– Do tác động của vật liệu mới xuất hiện ở thành thị như: Bêtông, tôn, ngói mới, gạch men… cùng với sự hiểu sai về “xoá bỏ nhà tạm là tranh, tre, nứa” nên chủ nhân nhanh chóng phá bỏ các mái tranh, mái đất bằng cách lợp tôn, lợp ngói mới, thay trần đất bằng nhựa hoặc bêtông hoá cột, trụ, tường… nền lót gạch men, khung cửa bằng nhôm… Đồng thời mong muốn thay đổi ngôi nhà xưa sang kiến trúc hiện đại, chủ nhân đã tháo dỡ, thay thế một số bộ phận, bán ngôi nhà của mình đi.
– Việc mở rộng mặt bằng sinh hoạt (nhà giảm số cột) để phù hợp với điều kiện sinh hoạt hiện tại của gia đình; sự phân chia hoặc quy ước về chỗ ở của các thành viên trong gia đình bị xoá bỏ hoặc cải biên (phong tục) đã dẫn đến kiến trúc thay đổi.

b. Ý nghĩa bảo tồn
Nhiều năm trở lại đây, các nhà nghiên cứu kiến trúc Việt Nam quan tâm đến việc nghiên cứu các kiến trúc từ vật liệu thiên nhiên đến bố trí không gian hoà hợp, thân thiện với môi trường sống chung quanh. Một chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu kiến trúc vùng nhiệt đới, PGS.TS. Hoàng Huy Thắng đã đề cập đến kiến trúc nhà ở với những khái niệm như: “Kiến trúc sinh thái”, “Kiến trúc môi trường”, “Kiến trúc xanh”, “Kiến trúc có hiệu quả năng lượng” và “Kiến trúc bền vững”.
– Kiến trúc sinh thái: Những ngôi nhà xưa – nhà Lá Mái, có phải là kiến trúc sinh thái không? Ta có thể nêu lên những yếu tố của ngôi nhà mà GS Thắng đã đề cập về khái niệm sinh thái. Ngôi nhà nằm ở vùng đồi gò thuộc Quảng Trị, Quảng Nam và cả Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên chịu ảnh hưởng vùng nhiệt đới gió mùa, gió Lào nóng. Để chống nóng hữu hiệu, người ta phải đắp thêm lớp đất trung gian ở giữa mái để giảm bức xạ nhiệt của mặt trời. Lớp vỏ bao mái và thân nhà cũng giảm nóng và giảm lạnh. Như vậy loại mái đất trộn rơm đã khắc phục cái bất lợi của thiên nhiên, khí hậu nóng ẩm vùng nhiệt đới cũng như phòng tránh những giông sét thường xảy ra ở vùng gần núi, có thể gây ra hoả hoạn cho những ngôi nhà này bất cứ lúc nào.
– Kiến trúc môi trường: Tính ưu việt của loại nhà Lá Mái, là nguồn nguyên liệu được khai thác tại chỗ mà không làm ảnh hưởng môi trường sống chung quanh. Như đã mô tả ở phần trên, ngoài việc lấy đất ở chân ruộng làm nhà còn với mục đích làm cao bờ ruộng trồng lúa hoặc ao nuôi cá. Rơm, rạ, tre ngâm hoặc thân cây cau chẻ nhỏ cũng không qua chế biến, gia công phức tạp để có thể gây ô nhiễm môi trường. Và quan trọng nhất là những ngôi nhà ở Tiên Phước, Quảng Nam, đá được khai thác tại chỗ (xung quanh vườn đồi) để giải phóng diện tích canh tác, tăng thêm diện tích đất; ngoài ra người ta còn dùng đá gia cường, gia cố bờ kè, lối ngõ vững chãi, vừa ấm cúng vừa xanh mát cho nơi cư trú. Ở Cù Lao Ré không có rơm rạ, người ta dùng cỏ đế, đá núi, đá san hô làm mái nhà, thân nhà, ngõ đi. Tại Bình Định, Phú Yên người ta dùng lá dừa khô, tranh săn, đá ong xây dựng nhà.
– Điều mà chúng ta cần phải luôn suy nghĩ là những vật liệu mà chúng ta đã và đang sử dụng hôm nay đều tạo ra nhiều chất thải gây nguy hại đến nguồn nước, không khí, đến tầng Ôzon mà nhiều nhà môi trường đang cảnh báo như lượng khí thải độc, bụi, khói từ các nhà máy sản xuất xi măng, từ nhà máy thép, kính, Inox, nhôm, nhựa; gạch nung bằng củi, than đá; các mỏ đá được khai thác bằng hoá chất, chất nổ… Với ngôi nhà Lá Mái, lớp đất làm trần ngăn cách mái tranh giữ cho ngôi nhà ấm áp vào mùa đông, mát mẻ vào mùa hè góp một phần tiết kiệm năng lượng điện, không phải sử dụng quạt, máy điều hoà. Một điều quan trọng mà chúng ta đang quan tâm về sự biến đổi khí hậu, như lương mưa ngày càng lớn hơn, gió bão cũng cấp cao hơn nhưng theo chủ nhân như nhà cụ Trần Hiệp trong cơn bão năm 2009 những người hàng xóm đã qua nhà cụ nấp tránh bão có thể tạm thời giải thích rằng lớp đất làm trần đủ nặng,và mái có độ dốc lớn để ngôi nhà không thể đổ được.
– Một vấn đề cuối cùng là nhà Lá Mái có phải là kiến trúc bền vững không? Không chỉ là sự bền vững của vật liệu mà là sự bền vững hệ sinh thái. Theo TS Nguyễn Đức Nguyên: “Khó có một định nghĩa tách bạch, rạch ròi về kiến trúc bền vững…”. Tuy vậy nhóm danh từ Kiến trúc bền vững hiện nay đã được dùng khá phổ biến và các học giả đều thừa nhận nó có nguồn gốc từ khái niệm “phát triển bền vững” xuất hiện vào những năm 70 của thế kỷ XX. Tác giả lưu ý đến tính bền vững môi trường và bền vững xã hội với các yếu tố chính sau:
+ Giảm chất thải, nguồn phát sinh chất thải vào môi trường;
+ Sử dụng vật liệu tái sinh dạng thô;
+ Loại trừ các chất độc hại;
+ Đảm bảo sức khoẻ và an toàn cho người lao động;
+ Nâng cao chất lượng cuộc sống, cân bằng những tác động lên cộng đồng cư dân địa phương.

Như vậy, kiến trúc nhà Lá Mái đã sử dụng các loại vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, không tạo ra sản phẩm chất thải, khí độc trong quá trình gia công chế biến cũng như khi tháo bỏ làm ảnh hưởng môi trường sống của cộng đồng xung quanh, trở thành một phần trong hệ thống sinh thái như cách diễn giải của Philip Swenz (Thực vật nuôi động vật, động vật nuôi thực vật). Những ngôi nhà Lá Mái ở Tiên Phước, Quảng Nam nói riêng lại càng tạo nên tính gắn kết của cư dân vùng trung du với môi trường thiên nhiên xung quanh, cùng hòa hợp và khắc phục các điều kiện khí hậu của khu vực, càng có giá trị hơn khi tại vùng sông nước Sông Cầu, những ngôi nhà có mái lợp từ lá dừa vật liệu khai thác ngay tại vườn nhà. Ngôi nhà của cụ Hiệp đã giúp cho người hàng xóm trú ẩn tránh gió bão vào năm 2009 (gia đình kể lại), chính lớp đất nặng đắp trên trần (cái vỏ) nhà đã giúp cho ngôi nhà trụ vững, vậy nhà Lá Mái cũng có thêm công năng chống bão. Đây là sự sáng tạo của con người địa phương giữa ngôi nhà ở với cảnh quang chung quanh mang ý nghĩa “sinh thái nhân văn” (chữ của TS Nguyễn Đức Nguyên) hôm nay nhiều nhà nghiên cứu đã nhắc đến thuật ngữ “nhân học trong kiến trúc”.

PGS Nguyễn Minh Sơn nói rằng “Kiến trúc truyền thống Việt Nam luôn hướng hoà nhập thân thiện với thiên nhiên”. Còn Ken Yeang, một KTS nổi tiếng của Malaysia đã đưa ra khái niệm về “lớp vỏ công trình” coi đó là “bộ lọc môi trường” để lọc khí hậu từ bên ngoài vào bên trong nhà. Lớp vỏ công trình gồm: Mái, thân nhà; Đó chính là “cầu nối giữa con người với thiên nhiên…”; Và nói thêm: “Ta gìn giữ, bảo tồn lại kiến trúc này không chỉ để bảo tồn những gì được để lại, mà phải đảm bảo sự tồn tại của sinh quyển như một tổng thể”.

c. Những ngôi nhà ở Sông Cầu, Phú Yên cần thiết phải bảo tồn và phát triển du lịch
– Nhà ông Lê Công Thiện thôn Thạch Khê, xã Xuân Lộc.
– Nhà ông Nguyễn Thanh Tâm, xóm Quán, thôn Thạch Khê, xã Xuân Lộc (chủ nhân ngày trước là ông Nguyễn Đình Lung – cửu phẩm văn giai thời vua Thành Thái).
– Nhà ông Phùng Quang Duyên, thôn Chánh Lộc, xã Xuân Lộc.
– Nhà cụ Trần Hiệp, thôn Bình Thạnh, xã Xuân Bình (cấp thiết).

Khi đề cập về vấn đề phải Bảo Tồn loại kiến trúc nầy, tôi nghĩ đến việc đầu tiên là các chủ nhân đang sở hữu có đồng ý cùng những nhà bảo tồn chung tay gìn giữ không?

Sự khó khăn mà chúng ta –những người làm công tác bảo tồn là không gặp được tiếng nói chung của những sở hữu hôm nay. Vì vậy thực tế từ Quảng Trị đến Bình Định những mái tranh đã bị phá bỏ, may mắn chỉ còn duy nhất ngôi nhà của cụ Trần Hiệp ở thị xã sông Cầu, Phú Yên nói trên là còn nguyên mái lợp lá dừa.Vì vậy việc vận động chủ nhân hôm nay gìn giữ là chuyện khả thi với nguồn hổ trợ từ cơ quan quản lý. Cần tuyên truyền về giá trị những kiến trúc nầy để tránh phá, dỡ bỏ.

Nguyễn Thượng Hỷ
TCKT số 02/2015