Định hướng nâng cao chất lượng hoạt động bảo tồn di sản kiến trúc đô thị Việt Nam – giai đoạn 2016 – 2020

Toàn cảnh công trình tôn tạo và phục chế Đình Tiên Hường.
Toàn cảnh công trình tôn tạo và phục chế Đình Tiên Hường.

1. Củng cố hoàn thiện hệ thống lý thuyết, cơ sở lý luận và xây dựng chuẩn mực về bảo tồn di sản kiến trúc, đô thị.

Nhiều học giả trên thế giới đều coi John Ruskin (1819 – 1900) và Violett Le Duc (1814 – 1879) là hai nhà lý luận về bảo tồn đầu tiên trên thế giới. Điều đó đồng nghĩa với việc lý thuyết về bảo tồn đã định hình từ giữa thế kỷ 19. Bảo tồn là một hoạt động thực hành và các hoạt động bảo tồn tại một số nước hàng đầu về lĩnh vực này như Italia, Anh, Pháp, Tây Ban Nha… chính là cơ sở thực tiễn hình thành và bổ sung cho lý thuyết bảo tồn với ý nghĩa như một ngành khoa học riêng biệt, đặc thù. Thêm vào đó, hoạt động hợp tác quốc tế như các hội thảo, hội nghị hay sự phối hợp tổ chức hoạt động bảo tồn của các nước trên thế giới đã tạo điều kiện để các chuyên gia từ các nước khác nhau có sự trao đổi, thống nhất nhiều vấn đề chung để bổ sung, điều chỉnh lý thuyết bảo tồn có giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, bảo tồn là một lĩnh vực khá phức tạp với sự đa dạng, phong phú về đối tượng cũng như các quan niệm và cách thức thực hiện. Chính vì vậy, trên thực tế không có một lý thuyết duy nhất nào có thể hoàn toàn ưu việt hơn phần còn lại, do đó tồn tại nhiều quan điểm, xu hướng và “trường phái” khác nhau đã được áp dụng cho hoạt động bảo tồn ở các nước. Mặt khác, những đối tượng của bảo tồn với những điều kiện tự nhiên, xã hội của mỗi nước, mỗi địa phương lại có những đặc trưng riêng biệt. Chính vì vậy, bên cạnh những vấn đề mang tính nguyên lý cơ bản được công nhận và thống nhất thì mỗi một khu vực, mỗi một nước lại xây dựng hệ thống lý thuyết riêng để áp dụng cho hoạt động bảo tồn thực tế ở nước mình.

Ở Việt Nam, hệ thống di tích lịch sử, văn hóa có những đặc thù riêng. Số lượng di tích đã được xếp hạng từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia rất lớn nên nhu cầu bảo tồn tôn tạo, phát huy giá trị rất cao. Các di tích kiến trúc ở Việt Nam phần lớn lại là những di tích “sống”, tức là chúng vẫn đang được sử dụng theo đúng chức năng vốn có của nó. Vì thế, mục tiêu đặt ra là: Vừa bảo tồn những giá trị lịch sử, văn hóa, vừa đảm bảo tạo điều kiện cho chúng tồn tại và được sử dụng bình thường trong cuộc sống đương đại. Các điều kiện tự nhiên môi trường cũng như điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam, đặc biệt khác xa với các nước châu Âu, nơi mà hoạt động bảo tồn di tích phát triển mạnh và hình thành những lý thuyết về chuyên ngành này. Như vậy rõ ràng là cần phải xây dựng một hệ thống lý thuyết bảo tồn của Việt Nam trên cơ sở tiếp thu các lý thuyết và kinh nghiệm của thế giới vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Điều này cũng phù hợp với nhận định: “Thực tế là do không có một lý thuyết duy nhất nào có thể hoàn toàn ưu việt hơn phần còn lại, nên có rất nhiều cách khác nhau mà các nhà bảo tồn đã dùng để áp dụng cho các di sản” (Salvador Munoz Vinas).

dfbdbvghnghn

Việc hạ giải mái tại đình Tiên Hường (Vĩnh Phúc) không theo quy trình gây hư hỏng ngói
và các thành phần của di tích một cách trầm trọng (nguồn: VOV)

Việc hoàn thiện hệ thống lý thuyết chuyên ngành bảo tồn di tích ở Việt Nam cần phải được thực hiện đồng bộ với các nội dung chính sau:

a. Giao cho một đơn vị chuyên ngành làm đầu mối tổ chức việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống lý thuyết cơ bản chuyên ngành bảo tồn di tích, với sự tham gia của các cơ quan, tổ chức liên quan, các chuyên gia bảo tồn và các chuyên gia của các lĩnh vực liên quan khác như lịch sử, khảo cổ, kiến trúc, mỹ thuật… Tổ chức hội thảo khoa học, lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia khác, hoàn thiện, thống nhất những vấn đề cốt lõi, cơ bản nhất xây dựng thành lý thuyết chuẩn tại giai đoạn này.

b. Từ hệ thống lý thuyết đã được xây dựng và thống nhất đó lập ra một bộ giáo trình chuẩn để làm tài liệu giảng dạy. Các tài liệu dùng làm giáo trình giảng dạy được lập ra theo các module phù hợp với các hình thức và nhu cầu đào tạo khác nhau liên quan đến chuyên ngành bảo tồn di tích, bao gồm một số dạng chính như: 

  • Các môn học hoặc chuyên đề trong chương trình đào tạo KTS tại các trường đại học.
  • Các môn học hoặc chuyên đề trong chương trình đào tạo cao học, nghiên cứu sinh ngành kiến trúc.
  • Các giáo trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về bảo tồn di tích cho các KTS, kỹ sư, cử nhân sẽ làm việc trong lĩnh vực bảo tồn di tích.

c. Từ hệ thống lý thuyết cơ bản, chuyển hóa thành các tài liệu, ấn phẩm để phổ biến kiến thức trong xã hội. Đây là những tài liệu không chuyên sâu như giáo trình giảng dạy chuyên ngành mà có tính tổng quan, cơ bản, dễ tiếp cận, nắm bắt để dành cho các đối tượng không chuyên nhưng có liên quan đến hoạt động bảo tồn và các tầng lớp khác nhau trong xã hội. Các tài liệu này sẽ có tác dụng nâng cao nhận thức của cộng đồng cũng như những người có liên quan đến hoạt động bảo tồn di tích.

d. Tạo sự nhất quán giữa cơ sở lý thuyết chuyên ngành đã được thống nhất và các văn bản pháp luật về di sản văn hóa và các lĩnh vực liên quan. Cụ thể, cần có sự nhất quán về các khái niệm, thuật ngữ, nguyên lý, nguyên tắc, quan điểm… Việc này một mặt có thể coi như đã pháp lý hóa các vấn đề lý thuyết đã được thống nhất, mặt khác tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động bảo tồn di tích trên thực tế, không có sự khác biệt giữa lý thuyết và nội dung trong các văn bản pháp luật gây trở ngại cho người thực hiện. Ngoài ra, nếu được tích hợp tốt, chính các văn bản pháp luật có tác dụng là một kênh phổ biến rộng rãi các vấn đề lý thuyết trên phạm vi toàn xã hội vì cộng đồng luôn luôn có xu hướng tiếp cận, cập nhật các vấn đề được nêu trong các văn bản pháp luật để ứng xử và thực hiện phù hợp trong tất cả các hoạt động xã hội.

Nguyên vật liệu và chi tiết tháo dỡ từ đình cổ Tiên Hường được phân loại riêng biệt và lưu giữ cẩn thận.
Nguyên vật liệu và chi tiết tháo dỡ từ đình cổ Tiên Hường được phân loại riêng biệt và lưu giữ cẩn thận.

2. Điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và cơ chế chính sách ngành bảo tồn di tích, di sản

Các văn bản pháp luật về bảo tồn di tích của nước ta hiện còn chưa đầy đủ, vẫn còn nhiều bất cập và đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng khoa học của các hoạt động bảo tồn di tích. Vì vậy điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về lĩnh vực bảo tồn di tích là một giải pháp quan trọng, cốt lõi và cấp bách.

Việc điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về bảo tồn di tích cần phải bắt đầu từ việc rà soát hệ thống văn bản pháp luật hiện hành, đối chiếu với hoạt động bảo tồn di tích để xác định: Những bất cập do sự thiếu nhất quán giữa các văn bản pháp luật về xây dựng và các văn bản pháp luật về di sản và bảo tồn di tích; Với những vấn đề đặc thù, chuyên ngành bảo tồn di tích còn thiếu văn bản pháp luật điều chỉnh và những cơ chế chính sách cần. Từ đó xác định nhu cầu điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện, có một chương trình, kế hoạch, mục tiêu cụ thể và xác định một lộ trình thực hiện hợp lý đáp ứng nhu cầu thực tế, vừa kịp thời giải quyết các vấn đề cấp bách vừa đảm bảo giải quyết tổng thể các vấn đề đặt ra trong một thời gian thích hợp.

Việc điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về bảo tồn di tích cần đặc biệt chú ý hai vấn đề quan trọng, “sống còn”, mang tính quyết định đến chất lượng công tác bảo tồn di tích, đó là: Hoạt động bảo tồn di tích khác với hoạt động xây dựng cơ bản thông thường, các vấn đề quy định về kinh phí để thực hiện đầy đủ các yêu cầu của công tác này. Nếu như vấn đề đầu giúp hoạt động bảo tồn di tích thoát khỏi vòng “kiềm tỏa” của các văn bản pháp luật về xây dựng để có thể giải quyết tốt hơn các yêu cầu của bảo tồn, thì vấn đề thứ hai tạo điều kiện cho việc đảm bảo chất lượng của bảo tồn di tích. Việc quy định kinh phí thích hợp cho các hoạt động bảo tồn di tích không chỉ đáp ứng nhu cầu của các hoạt động thực thi mà còn đáp ứng cả các nhu cầu của các hoạt động quản lý.
Một giải pháp quan trọng nữa là chính sách thưởng phạt trong hoạt động bảo tồn di tích. Đây là một vấn đề rất ít được đề cập đến trong các văn bản pháp luật, hoặc có đề cập thì khá chung chung, thiếu cụ thể, hoặc có thì lại không có tác dụng khuyến khích hay răn đe trong thực tế. Tu bổ di tích có thể dẫn đến việc làm mất mát những giá trị thậm chí huỷ hoại các di tích lịch sử, văn hoá mà không bao giờ có thể lấy lại được, nhưng hiện nay không có quy định về xử phạt tương ứng. Theo Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Điều 3 Mục 1 quy định: Mức phạt tiền tối đa đối với các cá nhân trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch là 50 triệu đồng. Mức phạt này là quá nhỏ so với tổng giá trị của một dự án tu bổ di tích (từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng) nên hoàn toàn không có giá trị răn đe.

3. Tăng cường quản lý chất lượng hoạt động bảo tồn di tích

  • Quản lý chất lượng hoạt động bảo tồn tu bổ di tích là một hoạt động nghề nghiệp có tính chuyên ngành, không phải là quản lý hành chính hay sự vụ. Việc này đòi hỏi năng lực, tính chuyên nghiệp của tổ chức, cá nhân đảm nhận trách nhiệm này (bao gồm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các đơn vị chức năng của trung ương và địa phương có chức năng, thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế bảo tồn trùng tu…). Như vậy, muốn nâng cao chất lượng bảo tồn di tích, cần nâng cao năng lực của các tổ chức, cá nhân quản lý chất lượng hoạt động bảo tồn, tu bổ di tích; thành lập các đơn vị, bộ phận chuyên trách nhiệm vụ này.
  • Quản lý chất lượng hoạt động bảo tồn tu bổ di tích phải được thực hiện đồng bộ, xuyên suốt từ khâu lựa chọn chủ đầu tư, đơn vị thực hiện đến các bước thẩm định, phê duyệt, giám sát, nghiệm thu sản phẩm, đánh giá chất lượng bảo tồn.
  • Quản lý chất lượng hoạt động bảo tồn tu bổ di tích phải dựa trên một hệ thống qui chuẩn, tiêu chuẩn được xây dựng riêng cho ngành bảo tồn di tích. Hiện nay chúng ta chưa có qui chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành tu bổ di tích nào, đây hiện là một khiếm khuyết lớn mà thực tế đã xảy ra những bất cập lớn. Ví dụ, việc hạ giải trong tu bổ di tích hoàn toàn khác với việc phá dỡ trong xây dựng, vậy mà tại đình Tiên Canh, Vĩnh Phúc, trong quá trình hạ giải di tích, công nhân đã dùng xẻng, cuốc xô ngói từ trên mái đình xuống, làm vỡ ngói, gây hư hại đến các chi tiết kiến trúc và một số mảng chạm khắc. Việc xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành bảo tồn di tích là rất cần thiết và cấp bách hiện nay.
  • Trong quản lý chất lượng hoạt động bảo tồn tu bổ di tích, thiết lập cơ chế và hệ thống quản lý hữu hiệu quan trọng hơn thanh tra, kiểm tra. Những sai lầm trong quá trình thực thi bảo tồn tu bổ di tích là không thể cứu vãn được. Các giá trị lịch sử, văn hóa của di tích một khi đã bị xâm hại, mất mát thì không thể vãn hồi. Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng của quản lý di tích là không để xảy ra sai sót trong quá trình thực hiện trùng tu. Nếu sai sót đã xảy ra thì việc thanh – kiểm tra chỉ mang tính chất xử phạt (cá nhân, đơn vị vi phạm), không thể lấy lại được các giá trị đã mất.
Đình Phong Cốc (di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia) trong quá trình trùng tu.  Ảnh: Ngô Đình Dũng (CTV)
Đình Phong Cốc (di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia) trong quá trình trùng tu.
Ảnh: Ngô Đình Dũng (CTV)

4. Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực ngành bảo tồn di tích

  • Xác định hình thức, phương thức đào tạo phù hợp với các điều kiện, hoàn cảnh ở Việt Nam hiện nay, hoàn thiện từ khâu đào tạo KTS chuyên ngành bảo tồn; xây dựng các chương trình đào tạo bổ sung cho KTS, kỹ sư, xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo chuẩn; xây dựng, củng cố các cơ sở đào tạo và các cán bộ làm công tác đào tạo nghiệp vụ tu bổ di tích.
  • Đào tạo nghiệp vụ bảo tồn di tích là một hoạt động thực hành, do vậy xây dựng chương trình đào tạo nhất thiết phải kết hợp lý thuyết với thực hành. Cần phải tổ chức những hoạt động học tập, nghiên cứu ngay tại di tích, nội dung đào tạo phải có các bài tập thực hành nhằm giải quyết, xử lý các vấn đề cơ bản trong bảo tồn tu bổ di tích, áp dụng trên những di tích thực tế.
  • Tiến hành đồng thời, song song việc xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp trong bảo tồn tu bổ di tích và chuyên nghiệp hóa đội ngũ đang hoạt động trong lĩnh vực này.
  • Xác định nhu cầu về nguồn nhân lực ngành bảo tồn di tích ở Việt Nam giai đoạn hiện nay và các giai đoạn tiếp theo, trên phạm vi toàn quốc và ở các vùng miền, địa phương (khác nhau). Từ đó xây dựng chiến lược và kế hoạch đào tạo thích ứng từng giai đoạn.

KTS Lê Thành Vinh
PGS.TS KTS Phạm Đình Việt
ThS. KTS Nguyễn Đỗ Hạnh

Trích BC của tiểu ban Bảo tồn di sản kiến trúc đánh giá kiến trúc đô thị Việt Nam 2010 -2015 (Phần II)

( Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07 -2015 ) 

 Phần 1: Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản kiến trúc, đô thị Việt Nam (giai đoạn 2010-2015)