Góp ý về hình thức kiến trúc công trình số 22-32 Lê Thái Tổ

LTS: Chuẩn bị triển khai xây dựng tổ hợp công trình Khách sạn và dịch vụ tại số 22-32 Lê Thái Tổ, Công ty cổ phần INTIMEX Việt Nam đang căng panô mặt đứng công trình mới theo kiểu kiến trúc Pháp. Nhận thấy hình thức kiến trúc của công trình mới không phù hợp với không gian kiến trúc, cảnh quan khu vực Hồ Gươm, một di sản cấp quốc gia đặc biệt, Hội đồng Kiến trúc của Hội KTS Việt Nam đã tổ chức lấy ý kiến của các thành viên và chuyên gia.

sieu-thi-intimex-1

 

Sau khi nghiên cứu và tổng hợp các ý kiến góp ý về kiến trúc công trình tại số 22-32 phố Lê Thái Tổ của Công ty cổ phần INTIMEX Việt Nam, Hội KTS Việt Nam có những ý kiến chính như sau:

1. Công trình có chức năng dịch vụ, thương mại và khách sạn là phù hợp.

2. Nhịp điệu mặt đứng kiến trúc mới không hòa nhập với đặc trưng kiến trúc đô thị và cảnh quan của khu vực. Do mặt đứng mới là một khối đồng nhất kéo dài liên tục không chú ý đến nhịp điệu mặt phố cũ nhờ sự giãn cách của 3 khối kiến trúc Pháp vốn đã trở thành hình ảnh quen thuộc có giá trị văn hóa kiến trúc Hồ Gươm.

3. Tổ hợp kiến trúc mặt đứng về phân vị, tỷ lệ giữa các phần cột, cổng, cửa chưa chuẩn mực, đặc biệt là các chi tiết kiến trúc và mầu sắc. Cầu kỳ nhưng đơn điệu và tạo nên ấn tượng xa lạ.

Hội KTS Việt Nam đề nghị UBND Thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm đến các ý kiến nêu trên để bảo tồn và phát huy giá trị hiệu quả nhất những giá trị của không gian Kiến trúc và cảnh quan Khu vực Hồ Gươm, Di sản quốc gia đặc biệt.

Trong số này, TCKT trân trọng giới thiệu đến bạn đọc Ý kiến của GS.TS.KTS Phạm Đình Việt – Thành viên Hội đồng Kiến trúc Hội KTS Việt Nam về hình thức công trình 22-32 Lê Thái Tổ.

Đánh giá thiết kế của một công trình nằm trong khu vực lịch sử của đô thị, cần nhìn nhận một cách toàn diện các yếu tố văn hóa – lịch sử và sự hài hòa của nó với không gian, nhịp điệu của các công trình kiến trúc trong khu vực. Vì vậy, khi nhận xét công trình của INTIMEX tôi có một số ý kiến sau:

1. Từ góc độ Văn hóa – Lịch sử:

Phố Lê Thái Tổ được người Pháp mở vào nửa sau thế kỷ 19 khi hoàn thiện toàn bộ hệ thống đường quanh hồ Hoàn Kiếm – Lúc đó mang tên Rrue Beauchamp với chức năng chủ yếu là các cửa hàng buôn bán theo phong cách châu Âu (giống như phố Tràng Tiền). Sau này, chúng ta cũng sử dụng với chức năng thương mại (cửa hàng giao tế). Phố có cấu trúc thành hai đoạn rõ rệt: Đoạn từ quảng trường Đông kinh nghĩa thục tới trước khách sạn Phú Gia có đường chạy ven hồ và các công trình kiến trúc có quy mô nhỏ và có sự giãn cách bởi các không gian trống và cây xanh, rất phù hợp với không gian ven hồ. Đoạn từ khách sạn Phú Gia tới ngã tư Lê Thái Tổ, Bà Triệu, Hàng Khay, Tràng Thi có không gian giãn cách với hồ khá lớn bởi vườn hoa và con đường đôi. Các công trình kiến trúc có quy mô và tầng cao vừa phải (2, 3 tầng) và đậm nét kiến trúc Pháp, đặc biệt nhịp điệu giãn cách của các công trình không lớn, các chi tiết cũng tinh tế với tỷ lệ phù hợp làm cho dãy phố trở nên thân thiện và gần gũi con người.

2. Từ góc độ gìn giữ không gian xung quanh hồ Hoàn Kiếm:

Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm đã đưa “Không gian kiến trúc – văn hóa lịch sử hồ Hoàn Kiếm” vào diện cần bảo tồn (thể hiện qua nhiều hội thảo và gần nhất vào tháng 10/2014). Ở đây, cần phải hiểu không gian cần bảo tồn không phải chỉ có mặt nước, đường ven hồ, vườn hoa… mà nó bao gồm cả hình khối, độ cao, màu sắc, phong cách của các công trình kiến trúc của các phố xung quanh hồ.

3. Từ góc độ chuyên môn về bảo tồn đô thị.

Điểm chủ đạo là bảo tồn hình thái của đô thị, nói cách hẹp hơn là hình thái của khu vực cần bảo tồn. Trong hình thái có các hình thái tự nhiên và hình thái của quy hoạch và công trình kiến trúc. Về hình thái tự nhiên ở đây không nói tới vì công trình này không ảnh hưởng nhiều. Hình thái về quy hoạch và công trình có nhiều yếu tố bị ảnh hưởng, những yếu tố chính là:

  • Nhịp điệu của dãy phố thể hiện ở độ cao thấp, sự giãn cách giữa các công trình.
  • Phân vị tổ hợp mặt đứng công trình.
  • Độ lớn (chiều cao, rộng, dài) và kiểu cách của các chi tiết.
  • Màu sắc…

Dựa trên ba điểm đã nêu tôi có một số ý kiến sau :

  • Về chức năng công trình: Vẫn giữ là công trình thương mại theo hình thức kinh doanh hiện đại là phù hợp với truyền thống của phố;
  • Công trình cũ không nằm trong danh sách những công trình cần bảo tồn nên việc cải tạo, xây mới đều có thể được. Nhưng do vị trí nằm trong khu vực lịch sử của Hà Nội nên việc thiết kế mới cần chú ý tới yếu tố văn hóa lịch sử và dáng hình kiến trúc đã có;
  • Độ cao của công trình tương đương với công trình cũ và xung quanh nên chấp nhận đuợc.
  • Về nhịp điệu chung của dãy phố thì chưa hòa nhập vì nó quá dài, trong khi nhịp điệu chung là có sự giãn cách;
  • Phân vị tổ hợp mặt đướng mất tỷ lệ giữa các phần cột, cửa và tỷ xích chưa phù hợp vì nó gây cho con người cảm giác xa lạ;
  • Các chi tiết thô, thiếu tinh tế;
  • Màu sắc nên dùng các màu công trình cũ đã sử dụng.

timthumb

Một số ý kiến đề nghị :

  • Cần phải sửa đổi lại thiết kế mặt tiền, có chú ý tới yếu tố kế thừa;
  • Nên chia khối mặt tiền công trình thành hai khối gần giống với công trình cũ, nên sử dụng tỷ lệ và các chi tiết của công trình cũ, đồng thời có sự liên kết hai khối lại với nhau – Như vậy, vẫn giữ được sự hoành tráng của công trình mà không phá vỡ nhịp điệu chung của tuyến phố;
  • Một giải pháp nữa có thể sử dụng: Giữ lại mặt tiền của hai công trình cũ và liên kết chúng với khối mới, tạo sự liên tục về hình ảnh công trình trong tiến trình phát triển. Đó là biểu hiện rất nhân văn của những người xây dựng biết dung hòa cái mới và cũ. Giải pháp này đã được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng như Mỹ, Đức, Australia và được đánh giá cao trong đời sống văn hóa

GS. TS. KTS Phạm Đình Việt
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2016)