Những vấn đề mới, có tính đột phá của QHC XD ĐT Vĩnh Phúc đến 2030 và tầm nhìn đến 2050

Ngày 14/11/2007, tại văn bản số 6603/VPCP-CN, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương nghiên cứu quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Ngày 08/01/2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 20/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2050. Tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cơ quan nghiên cứu, đề xuất quy hoạch là Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering (Nhật Bản).
Sau gần ba năm thực hiện lập quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc, ngày 26/10/2011 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1883/QĐ- TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là một quyết định rất quan trọng có ý nghĩa “đột phá” về những vấn đề mới trong công tác quy hoạch đô thị của nước ta.

Sơ đồ phân bổ hệ thống đô thị vùng kinh tế trọng điểm phía bắc

1. Về tư tưởng chủ đạo.
Tại cuộc họp Tỉnh ủy ngày 28/06/2007, Đồng chí Bí thư tỉnh ủy Trịnh Đình Dũng, nay là Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã chỉ đạo “Mục tiêu của quy hoạch xây dựng là xác định được không gian đô thị trong tương lai, để tỉnh Vĩnh Phúc trở thành thành phố vào những năm 20 của thế kỷ XXI: là đô thị “đối trọng” với thành phố Hà Nội và là “cầu nối” sự phát triển giữa thành phố Hà Nội và các  tỉnh phía Bắc”.
Thông thường, việc lập quy hoạch chung một đô thị bó hẹp vào trong ranh giới hành chính, tuy nhiên đối với đô thị Vĩnh Phúc, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “Xây dựng đô thị hạt nhân – hợp nhất gồm thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên, huyện Bỉnh Xuyên và các khu đô thị hóa nhanh thuộc các huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường, Tam Dương, Tam Đảo để từng bước hình thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh Vĩnh Phúc trong tương lai và về lâu dài, Bộ Xây dựng và tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng  “ Đô thị Vĩnh Phúc sẽ trở thành thành phố trực thuộc trung ương”.
Tư tưởng chỉ đạo này hoàn toàn phù hợp với quy luật đô thị hóa hiện đại, quá trình liên kết không gian của các đô thị láng giềng gần trong một vùng đô thị lớn, để tích tụ trở thành một đô thị hợp nhất, nhờ đó có thể phát huy được sức mạnh tổng hợp của đô thị hạt nhân”, làm “đầu tầu” thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội của một vùng lãnh thổ.

2. Những lợi thế của địa điểm lập quy hoạch chung.
Phạm vi lập quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc gồm: Thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên, huyện Bình Xuyên, một phần các huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường, Tam Dương, Tam Đảo với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 31.860 ha.
Đây là vùng đất có nhiều lợi thế do nằm liên kế với thủ đô Hà Nội, có nguồn nước dồi dào, quỹ đất xây dựng cao ráo, gần sân bay quốc tế Nội Bài, đặc biệt là nơi hội tụ các quan hệ liên vùng:  Đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, quốc lộ 2A, quốc lộ 2B , quốc lộ 2C , quốc lộ 23, đường vành đai 4 và 5 của thủ đô Hà Nội, tạo tiền đề hình thành đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế.
Xét theo quan niệm phong thủy, thì địa điểm đô thị Vĩnh Phúc thuộc vùng đất tốt và hiếm: phía sau dựa vào dãy núi Tam Đảo, phía trước hướng về sông Hồng, bên phải là cố đô Phong Châu, bên trái là thủ đô Hà Nội, trải qua hàng nghìn năm lịch sử đã tập trung tại đây nhiều di sản văn hóa tạo nên một nền văn hiến riêng tích hợp hồn nơi chốn.

Sơ đồ định hướng sử dụng đất toàn tỉnh Vĩnh Phúc

3. Tầm nhìn hướng đến một vùng đô thị lớn, bền vững trong thế kỷ XXI.
Trong đồ án quy hoạch xây dựng vùng Tỉnh, đô thị Vĩnh Phúc sẽ là đô thị lõi của hệ thống đô thị Vĩnh Phúc với quy mô dân số sẽ là 1,8 triệu người vào năm 2030, trong đó quy mô dân số của hệ thống đô thị, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ là 1,2 – 1,3 triệu người và quy mô đô thị Vĩnh Phúc sẽ là 1,0 triệu người.
Trong tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ trở thành vùng đô thị lớn, trực thuộc trung ương, trong đó đô thị Vĩnh Phúc là hạt nhân sẽ trở thành đô thị rất lớn, phát triển bền vững, nơi mà  “tất cả những người sống, làm việc, nghỉ dưỡng tới thăm đều cảm thấy hạnh phúc”. Các tiêu chí cụ thể hóa tầm nhìn của đô thị Vĩnh Phúc gồm:
–    Sức mạnh cạnh tranh cao dựa vào nội lực và sức liên kết;
–    Xanh, sạch, đẹp và văn hóa có bản sắc riêng, khiến người dân có thể yêu mến, tự hào;
–    Cuộc sống tiện nghi, an toàn với không gian sống chất lượng cao;
–    Tài chính đô thị lành mạnh;
–    Quản lý đô thị tốt.
4. Cơ cấu quy hoạch dựa trên mô hình đô thị sinh thái, phát triển đa cực và đồng tâm.
Cơ cấu quy hoạch đô thị được hình thành trên cơ sở 4 quan điểm chủ đạo sau:
–    Gắn kết với vùng thủ đô Hà Nội, lấy Thành phố Vĩnh Yên và Thị xã Phúc Yên làm trung tâm, từ đó mở rộng phạm vi đô thị hóa ra các vùng lân cận.
–    Xây dựng đô thị tập trung, đa cực, kết nối với các khu chức năng dựa trên hệ thống giao thông công cộng hiện đại và đồng bộ.
–    Phát triển đồng tâm và tạo thành vành đai xanh ven đô và các hành lang xanh cách ly bảo vệ môi trường, gìn giữ cân bằng sinh thái đô thị.
–    Hình thành trục không gian xanh Bắc Nam với chức năng là trục giao thông, kiến trúc- cảnh quan, thoát nước, gắn kết với các khu di tích văn hóa lịch sử và các công trình phục vụ quan trọng của đô thị Vĩnh Phúc.
Trên cơ sở các quan điểm chủ đạo, hình thành mô hình cấu trúc đô thị gồm 06 trọng điểm: 02 trọng điểm tổng hợp cấp đô thị cấp khu vực và 04 trọng điểm chuyên môn là giao dục, giao lưu, lưu thông hàng hóa, du lịch nghỉ dưỡng, cây xanh và mặt nước
Các trục chủ đạo gồm: Trục liên kết vùng, trục liên kết đô thị, trục vành đai, trục đồ thị, trục không gian Bắc- Nam và trục giao thông công cộng của đô thị
Ba vùng chức năng gồm: Vùng trung tâm đô thị, dân cư đô thi, và vùng các khu công nghiệp tập trung.

5. Những định hướng lớn phát triển đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030
Về định hướng phát triển không gian và quy hoạch sử dụng đất, tổng diện tích đất đô thị là 31.860 ha được phân thành 3 khu vực lớn là : Khu dân dụng 14.500 ha bằng 45,5% đất đô thị trong đó đất xây dựng các đơn vị ở là  9.570ha, đất phục vụ công cộng là 1.880 ha; đất cây xanh thể dục thể thao 620 ha và đất giao thông đô thị là 2.430 ha.Các khu chức năng ngoài khu dân dụng có diện tích là 10.570 ha bằng 33.2% đất đô thị dành để bố trí các khu công nghiệp (5.020 ha), các khu cây xanh, mặt nước, công viên, TDTT (2.278,50 ha), giao thông đối ngoại (1.1360 ha) đất quốc phòng (350 ha) và đất khác 6.790 ha bằng 21.30% đất đô thị.
Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan được dựa trên nguyên tắc chung là xây dựng đô thị Vĩnh Phúc trở thành một đô thị có hình ảnh đẹp, hài hòa với thiên nhiên,với cốt lõi là trục không gian Bắc Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho dân cư có thể tiếp cận dễ dàng với các di tích văn hóa lịch sử và môi trường đô thị thông qua mạng lưới giao thông công cộng.
Hình ảnh đô thị được thiết lập trên cơ sở hệ thống các vùng cảnh quan đặc trưng, các trục không gian, các đầu mối và các điểm nhấn, tạo điều kiện cho quá trình cảm thụ lĩnh hội và nhận dạng dễ dàng diện mạo đô thị của con người.
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị gồm giao thông, cấp nước, cấp điện, thông tin liên lạc, vệ sinh môi trường, được quy hoạch theo hướng đáp ứng đủ nhu cầu đồng bộ, hiện đại, phù hợp và bền vững.
Đặc biệt, trong đồ án quy hoạch chung, nhóm tác giả đã rất coi trọng việc xác đinh sức chứa, các ngưỡng cân bằng sinh thái và các nhóm giải pháp đồng bộ về quy hoạch trị thủy dựa trên yếu tố tự nhiên và phong thổ, nhằm đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu và phòng tránh thiên tai, coi đó như giải pháp bảo vệ môi trường quan trọng.
Với các nhóm giải pháp thực hiện có tính khả thi cao, có thể khẳng đinh đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do công ty Nikken Sekkei Civil Engineering (Nhật Bản) lập là một đồ án quy hoạch mẫu mực, có chất lượng cao với những vấn đề mới có tính đột phá, hướng đô thị Vĩnh Phúc đến hệ thống các giá trị đích thực của đô thị Việt Nam trong thế kỷ XXI, là thế kỷ của đô thị trong xu thế toàn cầu hóa.

PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh