40 năm Kiến trúc Việt Nam đổi mới – Thách thức – Hội nhập

Bản đồ quy hoạch chi tiết thành phố Hà Nội đến năm 2020
Bản đồ quy hoạch chi tiết thành phố Hà Nội đến năm 2020

I. Đổi mới

Trong những năm tháng chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ – ngay khi bom đạn giặc Mỹ điên cuồng trút xuống các tỉnh thành miền Bắc nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố trước toàn thế giới: “Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác có thể bị phá hủy hoàn toàn… Song chúng ta quyết không sợ, sẵn sàng hy sinh tất cả. Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đánh thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn…”

Đại thắng Mùa Xuân 1975 đã hoàn tất ước nguyện của Bác: Nước Việt Nam thống nhất, độc lập tự do – Bắc Nam liền một dải và Công cuộc xây dựng lại đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn theo lời dạy của Người đã đi qua được chặng đường 40 năm. Nhìn lại bức tranh toàn cảnh diện mạo đất nước từ đô thị tới vùng nông thôn có thể dùng hai chữ để miêu tả: “Đổi mới”

Thật vậy, trong suốt 40 năm qua, nhất là sau ngày đổi mới kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng XHCN (năm 1986), công cuộc xây dựng đất nước đã có những bước tiến dài. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng xác định quan điểm mục tiêu Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước, công cuộc đô thị hóa nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Hồ Giảng Võ với khách sạn Hà Nội cùng những tòa nhà cao tầng
Hồ Giảng Võ với khách sạn Hà Nội cùng những tòa nhà cao tầng

Nếu như năm 1986: dân số đô thị Việt Nam là 11.870.000 người, dân nông thôn 62.473.000, tỷ lệ đô thị hóa 19%; thì đến năm 2014: dân số đô thị đã là 30.097.000 người, dân nông thôn 60.803.000 người, tỷ lệ đô thị hóa 33.1%

Hệ thống đô thị trên toàn quốc đến năm 2013 đã có: 2 đô thị đặc biệt, 14 đô thị loại I, 10 đô thị loại II, 53 đô thị loại III, 63 đô thị loại IV, 628 đô thị loại V. Trong đó, 5 đô thị thuộc cấp quản lý Trung ương, 137 đô thị thuộc cấp Tỉnh (Thị xã) và 628 thuộc cấp Huyện (thị Trấn). Chất lượng đô thị ngày được cải thiện về chất, cố gắng theo kịp sự phát triển về lượng, đời sống cư dân đô thị ngày càng được nâng cao. Ở đây, đặc biệt phải nói đến TP HCM, như một điển hình tiêu biểu cho sự đổi mới đời sống nhân dân và thay đổi tích cực diện mạo đô thị của đất nước. Từ một trung tâm công nghiệp lớn, TP HCM được xác định là đô thị lớn nhất nước, rồi đô thị đặc biệt và bây giờ là đô thị hạt nhân của vùng theo QĐ 2631/QĐ –TTG tháng 12-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội TP HCM đến năm 2020 – tầm nhìn đến năm 2050”.

Cầu Hàm Rồng - TP Đà Nẵng
Cầu Hàm Rồng – TP Đà Nẵng

Thành tựu xây dựng TP HCM trong 40 năm qua có thể tóm lược: “Đảng bộ và chính quyền các cấp của Thành phố đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, cụ thể hóa các chủ trương chung của Đảng và Nhà nước thành những chính sách cụ thể, tập hợp được các tầng lớp nhân dân, khai thông được các nguồn lực trong xã hội với quy hoạch phát triển đô thị. Đến nay, TP HCM đã từng bước hình thành được hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội, đáp ứng các yêu cầu phát triển chính trị, kinh tế văn hóa xã hội. Môi trường kiến trúc cảnh quan đã có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại. Nếp sống văn minh đô thị đã hình thành trên cơ sở kế thừa, phát huy những truyền thống tốt đẹp của nhân dân TP…” (trích tham luận của đồng chí Lê Hồng Quân – Ủy viên TƯ Đảng – Chủ tịch TP HCM trong bài “TP HCM – Đô thị văn minh – hiện đại – tình nghĩa”).

Bản đồ quy hoạch chung TP HCM đến năm 2020
Bản đồ quy hoạch chung TP HCM đến năm 2020

Nói đến Đổi mới đô thị phải nói đến việc nâng cao đời sống người dân thông qua việc xây dựng nhà ở và các công trình công cộng phục vụ tiện ích cho tất cả mọi người. Về phát triển nhà ở, từ chỗ bình quân 4m2 /người thời bao cấp trước ngày thống nhất, đến nay bình quân đầu người đã là 15m2 . Khắp các đô thị mọc lên các khu chung cư cao tầng khang trang hiện đại với các căn hộ đầy đủ tiện nghi, với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hoàn chỉnh. Các công trình phục vụ công cộng như: Trung tâm thương mại, văn hóa, thể thao, hệ thống siêu thị, trường học… đầy đủ thuận tiện phục vụ đời sống cư dân đô thị. Nhà ở cho người lao động thu nhập thấp, cho công nhân, xã hội cũng đã được dành một tỷ lệ thích đáng trong các khu đô thị mới.

Thể loại nhà công cộng hiện đại ngày càng xuất hiện nhiều cả về thể loại lẫn số lượng: Các cao ốc văn phòng với kiến trúc hightech (kỹ thuật cao) đã trở thành phổ biến; các dạng công trình công cộng trước đây xa lạ với chúng ta thì nay đã quen dần và xuất hiện khắp mọi tỉnh thành như: trung tâm thương mại, trung tâm văn hóa, thể thao, các nhà ga hàng không trong nước, quốc tế… Các công trình ngân hàng hiện đại và rồi các cây cầu hoành tráng bắc qua sông, qua biển, hệ thống Metro (xe điện ngầm) cũng đã và đang được xây dựng tại TP HCM và Hà Nội….

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã hồi sinh, góp phần mang lại hiệu quả về phát triển kinh tế -  xã hội và môi trường của thành phố.
Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã hồi sinh, góp phần mang lại hiệu quả về phát triển kinh tế – xã hội và môi trường của thành phố.

II. Thách thức

Cùng với những thành tựu đáng tự hào, những “đổi mới” đáng khích lệ, chúng ta không khỏi băn khoăn trăn trở với những tồn tại thách thức xuất hiện ngày một nhiều, ngày một lớn trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

– Phát triển đô thị về chất chưa tương đương với phát triển về lượng. Nhiều đô thị được nâng cấp từ loại III lên II, từ II lên I theo kiểu gượng ép, “đỗ vớt” (cho “nợ” vài chỉ tiêu đô thị…) kết quả là đô thị được lên cấp, song đời sống người dân trong đô thị không lên chút nào…

– Việc quản lý đô thị còn nhiều bất cập. Cán bộ quản lý thiếu và yếu dẫn đến nhiều tình trạng lộn xộn, manh mún… nhiều tồn tại bức xúc đặc biệt trong quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị… giao thông – cấp thoát nước.

– Những bất cập, tiêu cực trong đời sống kinh tế, xã hội cũng được phản ánh ngày càng rõ trong lĩnh vực kiến trúc quy hoạch nhất là với các dự án khu đô thị và đặc biệt trong các dự án bất động sản…

– Vấn đề xây dựng nông thôn mới mặc dù gần đây có được chú trọng hơn, song thành quả chưa đáp ứng được sự mong đợi dù còn rất khiêm tốn của người nông dân. Đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân nhiều vùng nông thôn có được nâng cao song nguy cơ cấu trúc không gian làng xã truyền thống bị phá vỡ trong làn sóng đô thị hóa ngày một rõ rệt. Chủ trương đổi đất lấy hạ tầng, bán đất cho chủ dự án… đã và đang dẫn đến hình thành một tầng lớp dân cư không tư liệu sản xuất, không nghề nghiệp, không công ăn việc làm…

– Bản sắc dân tộc trong văn hóa kiến trúc – một vấn đề quan trọng mà Đảng ta đã dành hẳn Nghị quyết 05 – Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc” mặc dù đã được giới KTS nước nhà cố gắng nghiên cứu tìm hiểu, song kết quả chưa được là bao. Một thời gian dài chúng ta đắm mình mê man trong xu hướng “kiến trúc nhại cổ” “kiến trúc kiểu Pháp”, kiến trúc “nhà chóp”, mái măng-sac lan tràn khắp nơi từ đô thị tới nông thôn từ đồng bằng lên miền núi, bất kể công trình là nhà công cộng, nhà ở, hay trụ sở công quyền. Nó được coi như là “mốt thời thượng” ăn sâu vào ý thức nhiều người dân kể cả một số quan chức chủ đầu tư có quyền quyết định lựa chọn phương án kiến trúc để xây dựng. Kiểu kiến trúc “trưởng giả” lai căng có phần ngô nghê “trọc phú” ấy đã gây vô vàn lãng phí tiền của xã hội, đồng thời tạo hình ảnh phản cảm, phá nét đẹp kiến trúc truyền thống lâu đời của ông cha ta vốn lấy thiên nhiên làm nền, lấy cảnh quan làm trọng.

Đến nay, mặc dù tệ nạn trên đã được đẩy lùi, song định hướng trong bước đường sắp tới của kiến trúc Việt Nam là gì vẫn còn là một câu hỏi không dễ tìm lời giải đáp.

Khu đô thị mới Nam Thăng Long Hà Nội
Khu đô thị mới Nam Thăng Long Hà Nội

Thách thức to lớn nhất chính là việc giữ được bản sắc văn hóa kiến trúc trong quá trình hội nhập khu vực và thế giới với bối cảnh môi trường sống đang ngày bị xuống cấp – biến đổi khí hậu cùng với hậu quả nước biển dâng ngày càng tác động xấu trầm trọng, đe dọa sự xâm hại và tồn tại của nhân loại nói chung và Việt nam (một trong 5 nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất) nói riêng.

Chúng tôi xin dành phần ba của bài viết này để phân tích sâu sắc hơn về vấn đề trên

Khách sạn JW Marriott Hanoi1
Khách sạn JW Marriott Hanoi

Tòa nhà Quốc Hội
Tòa nhà Quốc Hội

Trung tâm Hội Nghị Quốc Gia1
Trung tâm Hội Nghị Quốc Gia

III. Hội nhập và định hướng phát triển

Bước vào thế kỷ XXI, trong khi kiến trúc thế giới đang mạnh mẽ bước lên đỉnh cao của con sóng “Quốc tế hoá kiến trúc bản địa và bản địa hoá kiến trúc quốc tế”, đó là Kiến trúc Xanh – Kiến trúc bền vững thì chúng ta vẫn đang loay hoay trong việc “Xây dựng một nền kiến trúc hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc” với những lúng túng không dễ gì tháo gỡ. Bản sắc dân tộc là gì? Công trình kiến trúc như thế nào thì được coi là có bản sắc dân tộc? – Không ít các nhà quản lý đã đưa ra yêu cầu giới kiến trúc phải chỉ ra “bản sắc kiến trúc Việt Nam” là những chi tiết kiến trúc cụ thể nào: là đầu đao hình rồng, là chi tiết “con nghê”, “con phượng” hay “bậc tam cấp”, “cửa bức bàn”… để rồi lắp nó vào công trình hiện đại với mong muốn có được ngôi nhà “đậm đà bản sắc”…?

Đúng là một bài toán không có lời giải, hay nói cách khác là: Bài toán ra sai đầu bài. Không phải ai cũng có thể hiểu và chia sẻ với ý nghĩa câu nói của Kenzo Tange (một KTS Nhật lừng danh thế giới): “Truyền thống dân tộc là một vòng đá đeo cổ quý giá, nhưng chúng ta phải phá vỡ chúng thành những mảnh nhỏ và ghép chúng lại dưới dạng mới” và “Không ai ấu trĩ đem một mái nhà cổ úp lên một công trình kiến trúc hình hộp rồi bảo đó là dân tộc – hiện đại. Cần phải thấu hiểu một cách tường tận, sâu sắc những nguồn gốc hình thành kiến trúc truyền thống. Ở bất cứ nơi nào, kiến trúc truyền thống cũng được tạo dựng thông qua điều kiện thiên nhiên, khí hậu, tập quán sinh họat của con người mà có được không gian, tỷ lệ và hình thức kiến trúc địa phương thích hợp, đó là cái hồn của kiến trúc truyền thống cần phải nắm bắt và khai thác”

Đã hơn nhiều lần các cây đại thụ trong làng kiến trúc thế giới đã chỉ ra rằng: Bản sắc kiến trúc là cái mà ta không thể nhìn thấy được, không thể sờ thấy được mà chỉ có thể cảm nhận được, tận hưởng được khi ta liên tưởng xâu chuỗi chúng với lịch sử phát triển văn hoá xã hội…Đúng như điều mà KTS Frank Lloyd Wright, thủ lĩnh của trường phái kiến trúc hữu cơ Hoa Kỳ, khuyên các KTS trẻ : “Hãy quên đi mọi thứ kiến trúc trên trái đất này nếu anh chưa hiểu được rằng nó chỉ có thể là tốt đẹp ở tại xứ sở của nó và ở vào đúng cái thời của nó”.

Không phải vô cớ mà giới KTS toàn cầu trong Hội nghị KTS Thế giới tổ chức tại Bắc Kinh đầu thế kỷ XXI đã đi đến 2 khái niệm, 2 mục tiêu, 2 phương châm hành động là Kiến trúc Xanh – kiến trúc bền vững đều cùng chung một nội hàm là hướng tới sự chung sống thân thiện, bằng thái độ ứng xử thông minh và hiểu biết thiên nhiên. Sự phát triển thần kỳ của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là vào nửa cuối của thế kỷ XX, đã nâng vị thế của con người trong mối quan hệ với tự nhiên lên một tầm cao đáng kể. Cũng từ đây đã dẫn đến không ít những ngộ nhận, những suy nghĩ lệch lạc, lầm lẫn, những hành động, việc làm đối chọi, thách thức với thiên nhiên trong nhiều lĩnh vực hoạt động của con người, đặc biệt là trong xây dựng và kiến trúc, đã dẫn đến những hậu quả không nhỏ, cả trước mắt cũng như về lâu dài, trong phạm vi một quốc gia và phạm vi toàn cầu. Đó là điều mà chúng ta cùng nhiều thế hệ mai sau đang và sẽ phải trả giá. Trong một thời gian dài, kiến trúc hiện đại quá chú trọng kỹ thuật tạo môi trường nhân tạo cho nơi ở mà quên đi việc con người cần phải sống hài hòa với tự nhiên. Hậu quả là phung phí năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, môi trường sống ô nhiễm trầm trọng, nguy cơ biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng hiển hiện làm cho toàn thế giới và đặc biệt là các nước phương Tây bừng tỉnh. Ngày nay, người ta đã xét lại quan niệm thiết kế kiến trúc, ý thức hơn về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng. Một trào lưu kiến trúc mới ra đời với viễn cảnh tốt đẹp hướng về tương lai: Kiến trúc sinh thái – Kiến trúc xanh hay còn gọi chung là kiến trúc phát triển bền vững.

Trong Kiến trúc hiện đại – dân tộc, yếu tố dân tộc trong kiến trúc mới dừng ở mức phản ánh và phù hợp với các yếu tố thiên nhiên (địa hình, khí hậu), tâm lý lối sống của con người bản địa thì ở Kiến trúc sinh thái – kiến trúc xanh sự phản ảnh và phù hợp với các yếu tố tự nhiên được nâng lên thành sự giữ gìn và thân thiện với thiên nhiên môi trường (Sinh thái tự nhiên). Còn sự phản ánh và phù hợp với các yếu tố tâm lý, tập quán lối sống được chuyển hoá thành việc gìn giữ bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hoá, xã hội (Sinh thái nhân văn).

Có thể nói Kiến trúc hiện đại – dân tộc đã bước một bước tiến dài về chất để chuyển hoá thành Kiến trúc sinh thái, kiến trúc xanh.

Vì vậy, Kiến trúc sinh thái – Kiến trúc xanh là xu hướng phát triển tiến bộ tất yếu của kiến trúc thế giới song nó sẽ không thể trở thành kiến trúc quốc tế chung chung cho mọi quốc gia, không đặc trưng, không bản sắc.

Nhìn lại trào lưu kiến trúc hiện đại của những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Lúc đó, kiến trúc hiện đại phát triển tới đỉnh cao, tại hầu hết các quốc gia có nền kiến trúc phát triển đều hình thành cái gọi là xu hướng “kiến trúc quốc tế”, hay còn gọi là “kiến trúc nhảy dù”. Chúng xuất hiện khắp mọi nơi, chúng giống nhau cả về nội dung bên trong và hình thức bên ngoài, bất kể ở nơi đâu, Á hay Âu, trên núi hay dưới biển… Sau đó, kiến trúc Hậu hiện đại ra đời, đưa kiến trúc trở về với những giá trị văn hóa, thẩm mỹ trong quá khứ của kiến trúc bản địa, nhằm tạo nên nét đặc trưng riêng biệt.

Kiến trúc ngày nay đang lặp lại bước đi ấy theo chiều xoắn ốc của quy luật phát triển, nhưng ở mức độ cao hơn. Một “Thế giới phẳng” đem đến xu hướng kiến trúc hiện đại sinh thái – kiến trúc xanh hiện hữu tại các quốc gia trên thế giới. “Hiện đại” là yếu tố của kiến trúc quốc tế – còn “sinh thái” – “xanh” là yếu tố bản sắc đặc trưng của mỗi quốc gia, mỗi vùng miền. Như đã nói ở trên “sinh thái” ở đây bao gồm sinh thái tự nhiên (thiên nhiên, khí hậu, môi trường…) và sinh thái nhân văn (con người, văn hóa, xã hội…). Kiến trúc phản ánh một trong hai khía cạnh sinh thái tự nhiên hoặc sinh thái nhân văn đã đủ chứa đựng, khẳng định bản sắc, cái riêng của đất nước ấy, dân tộc ấy rồi. Nếu phản ánh được cả hai khía cạnh sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn thì đó sẽ là một kiến trúc hoàn chỉnh tuyệt vời với cả hai yếu tố nội hàm hiện đại và dân tộc.

Quay trở lại với nền kiến trúc nước nhà để tìm lời giải đáp cho câu hỏi về định hướng kiến trúc Việt Nam trong thế kỷ XXI.

Kiến trúc phát triển bền vững chắc chắn là câu trả lời duy nhất đúng. Chúng ta không thể lạc bước và cũng không thể quá tụt hậu trên con đường phát triển chung của kiến trúc thế giới. Đây là một công việc rất khó khăn, rất lâu dài, và rất có thể các thế hệ con cháu chúng ta mới có thể nhận dạng khuôn hình của nó, song sẽ không có ngày đó nếu ông cha của chúng không bắt đầu công việc từ bây giờ.

Điểm lại một số công trình, dự án chúng ta có trong thời gian qua, có thể dễ dàng nhận ra xu hướng này qua các vườn treo trên các cao ốc, qua các vườn trống ở tầng 1, nơi giao tiếp với cộng đồng, nơi xóa nhòa ranh giới bên trong và bên ngoài công trình. Những khoảng không giữa hai lớp kính bao che tường ngoài để tăng hiệu quả thông gió tự nhiên theo chiều đứng, những khu vườn đục thông ở các tầng so lệch nhau tạo luồng thông gió tự nhiên theo chiều ngang, những bề mặt hấp thu năng lượng mặt trời và năng lượng gió (vốn là thế mạnh của các nước nhiệt đới) đang gặp thường xuyên trong các đồ án tại các cuộc thi và cả trong một số dự án đang thực hiện. Đó là những tín hiệu đáng mừng trong công cuộc tìm kiếm không biết mệt mỏi một nền kiến trúc Việt có cái riêng để nhận diện, để tự hào…

Cùng với sự hiện diện tại Việt Nam các hệ tiêu chí kiến trúc xanh của một số nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Anh, Singapore…, Hội KTS Việt Nam từ lâu đã tổ chức nghiên cứu, ứng dụng và từng bước hình thành Hội đồng Kiến trúc xanh, Tiêu chí Kiến trúc xanh… Hội đồng Kiến trúc Xanh đã tổ chức thi và bình chọn đợt I được 11 công trình Kiến trúc xanh năm 2012. Và mới đây Cuộc tuyển chọn Công trình Xanh lần II năm 2014 đã chọn được 10 công trình xanh tiêu biểu.

Trong thực tiễn sáng tác và xây dựng trên đất nước Việt Nam đã có nhiều tác giả trong và ngoài nước đầy nhiệt huyết, chuyên tâm nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực kiến trúc sinh thái – kiến trúc xanh. Một trong những điểm sáng đáng tự hào đó là Võ Trọng Nghĩa, một KTS trẻ về tuổi đời. Các công trình của anh với vật liệu tự nhiên tre, trúc, rơm, rạ… hồn nhiên mọc lên từ đất, mang đậm tư tưởng sinh thái, triết lý xanh, “sống” nhờ gió và nước chứ không nhờ máy điều hòa. Rất nhiều giải thưởng quốc tế có uy tín đã được trao tặng cho các tác phẩm nhỏ về quy mô song lớn về “tầm vóc” của anh như: Giải Nhì Giải thưởng Kiến trúc Quốc tế ở Mỹ cho các công trình bằng tre năm 2007; Giải Bạc Holcim Châu Á Thái Bình Dương năm 2008; Giải Bạc Holcim Toàn cầu năm 2009; Giải thưởng Kiến trúc Thế giới IAA 2009 cho “Bar Gió và Nước” và “Trung tâm văn hoá cà phê Trung Nguyên”; Giải thưởng Nhà thiết kế Tiên phong (Design Vanguard 2012) cho công trình Trường học tại Bình Dương; Giải thưởng về Công trình tiêu biểu của thế giới năm 2012 do Archdaily bình chọn cho công trình Stacking Green House; Giải thưởng tại Liên hoan Kiến trúc thế giới WAF 2012… và mới đây là ba Giải Nhất Festival kiến trúc thế giới 2014 về hạng mục “nhà ở”, “khách sạn nghỉ dưỡng” và “dự án tương lai”.

Phải chăng đó chính là sự xác nhận Kiến trúc Xanh – kiến trúc phát triển bền vững là hướng đi đúng đắn của kiến trúc thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng, là sự tôn vinh và khích lệ tài năng, sức sáng tạo của KTS trẻ Việt Nam mà Võ Trọng Nghĩa là đại diện tiêu biểu

Tượng đài Khát vọng thống nhất - khu di tích đôi bờ Hiền Lương Giải thưởng nhà nước 2011 - KTS. Nguyễn Tiến Thuận
Tượng đài Khát vọng thống nhất – khu di tích đôi bờ Hiền Lương
Giải thưởng nhà nước 2011 – KTS. Nguyễn Tiến Thuận

Khu hiệu bộ Đại học FPT Hà Nội, Giải thưởng Kiến trúc Xanh SPEC 2014 - KTS Võ Trọng Nghĩa
Khu hiệu bộ Đại học FPT Hà Nội, Giải thưởng Kiến trúc Xanh SPEC 2014 – KTS Võ Trọng Nghĩa

Thay lời kết

Tìm một con đường, tìm một lối đi cho sự phát triển kiến trúc Việt Nam trong bối cảnh hội nhập của thế kỷ XXI cần một tầm nhìn chiến lược, cởi mở và tích cực, trong đó vai trò định hướng của Hội KTS Việt Nam là một yếu tố quan trọng góp phần xây dựng một nền kiến trúc tiên tiến hiện đại mang đặc trưng truyền thống dân tộc – Nền Kiến trúc Xanh – Phát triển bền vững của Việt Nam.

 

GS.TS.KTS Nguyễn Việt Châu
Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam

(Tham luận tại Hội thảo khoa học “40 năm Văn nghệ Việt Nam – Đổi mới và hội nhập”)
Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2015