Phố Cổ Hà Nội : Sống – Động

11807166_10207178467878423_4186084202400698999_o

 Có lẽ những ai xa Hà Nội chừng một năm gần đây thôi, khi trở lại cũng khó mà nhận ra một phố Cổ Hà Nội SỐNG – ĐỘNG ngày đêm. Đó là sự chung tay không chỉ của riêng của mỗi cư dân với bản tính luôn vận động, sáng tạo, linh hoạt thích ứng thời cuộc mà còn cả là công sức – cộng lực từ phía chính quyền các cấp, đặc biệt là những cán bộ trẻ – nhiệt tâm của Ban Quản lý khu phố cổ Hà Nội. 

SỐNG

Từ khi hình thành tại khu vực giáp dòng sông Hồng (về phía Bắc và phía Đông), Khu Phố cổ (KPC) Hà Nội trở thành phần Thị của Thành (liền kề về phía Tây) với các phường hội, khu phố nghề cung cấp các mặt hàng phục vụ Kinh thành. Với vị thế đất cao, tốt lại thuận tiện giao thương đường thủy, bộ và đường sắt (cầu Long Biên phía Đông Bắc), nên nơi đây trở thành khu vực có mật độ dân cư, mật độ xây dựng và hoạt động kinh doanh buôn bán thuộc loại lớn nhất cả nước.

 Đến nay phố Cổ vẫn “sống” và sống ở mức cao. Cùng với Chợ đầu mối Đồng Xuân – Bắc Qua, các con phố đều tham gia vào hoạt động dịch vụ, buôn bán tạo nên một Chợ Trời khổng lồ giữa trung tâm đô thị lịch sử. Các mặt hàng tuy theo phố nhưng không hẳn cố định, được linh hoạt thay đổi, thích ứng. Cấu trúc nhà cũng vì thế mà thay đổi theo: Từ chỗ cấu trúc công trình gồm cả cửa hiệu + nơi ở + xưởng sản xuất đến nay do phục vụ bán buôn, bán lẻ các mặt hàng nhập từ khắp nơi, công trình lại phá bỏ cả không gian sân trong để có được diện tích lớn nhất.

11036902_10207179301499263_6989529022069405756_o
(ảnh trong bài: KTS Nguyễn Phú Đức)

Không cần đến bảo tồn, phát triển du lịch thì nhịp sống nơi đây vẫn luôn sống động ngày đêm. Đây cũng vô tình trở thành yếu tố cản trở công tác bảo tồn công trình giá trị hoặc giãn dân ra khu vực mới. D ự án giãn dân phố Cổ sang khu vực mới có từ hơn chục năm nay nhưng vẫn khó thực hiện dứt điểm bởi người đã đi nhưng lòng đều muốn giữ lại hộ khẩu phố Cổ để được hưởng các lợi thế về trường điểm, bệnh viện, dịch vụ… chất lượng cao của quận Hoàn Kiếm

Với lợi thế đó, giá trị đất tại KPC luôn ở vị trí cao nhất cả nước. Có lẽ từ đó mới xuất hiện câu vè đối từ xa xưa “Giàu nhà quê không bằng ngồi lê phố Cổ”.

ĐỘNG

11866430_10207179133775070_8959556384610518066_nĐể “sống” thì KPC phải gìn giữ các giá trị gốc và phát huy chúng trong cuộc sống đương đại. Thử tưởng tượng nếu một phố Cổ ngày nay với toàn bộ các công trình xây mới chen chúc, lộn xộn thì chắc chẳng ai muốn đến vì không lưu được ký ức của nơi chốn..

Còn để “động” thì phải bổ sung sức sống mới: Các chức năng mới, huy động và thu hút được mọi tầng lớp nhân dân tham gia.
Nói vậy, KPC Hà Nội không chỉ “sống” kiểu nằm yên hưởng lộc Trời hay phá đi để không ai đến. Đến phố Cổ Hà Nội những ngày này mới thấy sự chuyển biến mạnh mẽ, trong thời gian qua từ đơn vị quản lý đến dân cư khu vực.
Hình ảnh những công trình cao tầng trong KPC xây dựng vượt quá nhiều lần về quy mô, đột phá cả về không gian hình thái… đã cho thấy một phố Cổ luôn “động”: Biến hóa để thích nghi, khai thác tối đa giá trị và diện tích đất.
Mô hình quản lý phố Cổ chuyển từ 1 Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội làm Trưởng ban nay do Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (Quyết định số 3414/QĐ-UBND ngày 27/8/2007 của UBND Thành phố). Ban Quản lý phố Cổ Hà Nội – Đơn vị trực tiếp quản lý với chủ yếu là lực lượng trẻ đã làm chuyển biến, sống động cho cả KPC Hà Nội, tạo nên những từ ngữ mới như thương hiệu “ngã tư quốc tế Tạ Hiện”, “phố đi bộ đêm”….
Các hoạt động sống động về đêm không đơn điệu chỉ là các kios buôn bán dọc phố Hàng Đào – Hàng Đường – Hàng Ngang – Chợ Đồng Xuân hay ăn uống mà còn là những hoạt động văn hóa: Tái tạo các lễ hội truyền thống về phường nghề, cuộc sống xưa, hát chầu văn; Biểu diễn văn nghệ với các nhạc cụ hiện đại, dân tộc tại các nút giao thông trên các tuyến phố trong khu bảo tồn cấp 1.
Ấn tượng nhất là nỗ lực giải phóng mặt bằng, khôi phục các điểm di tích gắn với phố Cổ như đền Bạch Mã, đình Nam Hương, đình Yên Thái, chùa Lý Quốc Sư, chùa Bà Đá, đình Nam Hương, đền Quan Đế, đình Kim Ngân, đình Phả Trúc Lâm, chùa Kim Cổ, chùa Cầu Đông, đình Đức Môn, đình Đông Thành, đình Tú Thị, quán chùa Huyền Thiên, chùa Vĩnh Trù, đình Tân Khai, chùa Thái Cam…
Những nhu cầu thiết yếu của cư dân cũng được quan tâm như cải tạo chỉnh trang Trường Tiểu học Hồng Hà (40 phố Lãn Ông), việc tổ chức các hoạt động, trò chơi dân gian cho trẻ em, các khu vệ sinh hiện đại… 
Các tổ chức dân phòng khu phố cũng tham gia công tác an ninh buổi đêm trong phố đi bộ. Công ăn việc làm được tạo dựng thêm cho mọi cư dân phố Cổ. Những hộ lớp trong cũng tạo nên những công việc như trông xe hoặc buôn bán nhỏ dọc phố, nếu kiểm soát. Nếu dần dần kiểm soát được giá cả trông xe thì KPC thực sự tuyệt vời đối với mọi du khách dù khó tính nhất.

Sự sống động của KPC đã thu hút những đơn vị, tổ chức nước ngoài quan tâm, hỗ trợ. Năm 1999, thành phố Hà Nội đầu tư kinh phí giải phóng mặt bằng 5 hộ dân, thành phố Toulouse (Pháp) hợp tác nghiên cứu và hỗ trợ kinh phí bảo tồn ngôi nhà cổ đầu tiên số 87 phố Mã Mây nhằm giới thiệu đến du khách cách bảo tồn nhà ở truyền thống, nâng cao điều kiện sống. Dự án này đã làm thay đổi phố Mã Mây từ một phố vắng thành phố phố phát triển du lịch. Năm 2000, thành phố Toulouse hỗ trợ kinh phí trùng tu đình Đồng Lạc số 38 phố Hàng Đào. Từ 2000 – 2002, thành phố Toulouse, vùng Thủ đô Bruxelles (Vương quốc Bỉ) thực hiện dự án Asia Rehab do Liên minh Châu Âu hỗ trợ “ Nâng cao điều kiện sống cho người dân Phố cổ Hà Nội”, đề xuất giải pháp kỹ thuật cho bảo tồn và cải thiện điều kiện sống của người dân, là tiền đề quan trọng cho các dự án triển khai sau này và là cơ sở để Liên minh châu Âu tiếp tục hợp tác với Thành phố Hà Nội về bảo tồn di sản. Các số nhà tiếp tục được trùng tu:19 Hàng Đồng, 51 Hàng Bạc, 135 Hàng Bạc, 105 Hàng Buồm…

Công cụ kiểm soát phát triển

Quy hoạch bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị KPC được Bộ Xây dựng phê duyệt tại Quyết định số 70 BXD/KT-QH ngày 30/3/1995 kèm theo Quyết định số 45/1999/QĐ- UB ngày 04/6/1999 của UBND Thành phố ban hành Điều lệ tạm thời về Quản lý xây dựng, bảo tồn và tôn tạo KPC Hà Nội nhưng phải sau gần 20 năm, Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc KPC Hà Nội được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 6398/QĐ-UBND ngày 24/10/2013 lần này mới thực sự thúc đẩy KPC Hà Nội tiếp tục sống động, khắc phục các hạn chế, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội. Quy chế lần này không chỉ được xây dựng trên cơ sở ý kiến các Bộ, Sở Ban Ngành Thành phố mà được lấy ý kiến rộng rãi đến dân cư KPC, nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các chuyên gia, tổ chức nước ngoài chuyên ngành quy hoạch, đô thị như Vùng Ill de France, Toilouse, Aref (Pháp)…

So với các quy định tại Điều lệ tạm thời trước đây thì Quy chế lần này có các điểm mới chính như sau:

Phạm vi nghiên cứu và áp dụng Quy chế: Ngoài phạm vi, ranh giới Khu phố Cổ 82ha như quy hoạch được duyệt xác định trước đây thì trong Quy chế này đề xuất không gian vùng đệm có quy mô 55,7ha nhằm bổ trợ chức năng, bổ sung hạ tầng khu vực cho KPC;

Bảo tồn các không gian, cấu trúc quy hoạch đặc trưng: Quy chế đề xuất các không gian đặc trưng, giá trị cần được bảo tồn, gìn giữ như các tuyến phố chính, không gian mở, ô phố đặc trưng với loại hình kiến trúc giá trị chiếm đa số…;

Xác định Vùng Bảo tồn tôn tạo và Vùng Kiểm soát phát triển của KPC: Trên cơ sở giá trị về không gian, cấu trúc quy hoạch đặc thù; rà soát các loại hình công trình có giá trị và để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của KPC, Quy chế đề xuất 2 vùng với mục tiêu cụ thể: Vùng 1 (quy mô 28ha) – Bảo tồn tôn tạo, quản lý hạn chế xây dựng và Vùng 2 (quy mô 54ha) – Phát triển, kiểm soát chức năng. Việc phân vùng này sẽ xác định rõ các khu vực cần tập trung bảo tồn và các khu vực được xem xét xây dựng nhằm ổn định hình thái chung khu vực và để khắc phục tình trạng công trình xây dựng lộn xộn như hiện nay;

Kiểm soát không gian vùng phụ cận, hỗ trợ chức năng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho KPC: Căn cứ quy hoạch chung, quy hoạch các khu vực liền kề, Quy chế đề xuất vùng phụ cận có quy mô 55,7ha, gồm 2 không gian:

  • Không gian Vùng phụ cận (quy mô 10,7ha bao gồm không gian từ Ranh giới Khu phố Cổ đến hết thửa đất lớp ngoài của các tuyến phố đường bao xung quanh Khu phố Cổ) nhằm kiểm soát không gian hài hòa giữa KPC với khu vực liền kề; 
  • Không gian khu vực hỗ trợ chức năng hạ tầng, bên ngoài của KPC (quy mô 45ha bao gồm 02 phường ngoài đê: Phúc Xá, Chương Dương-phía Đông, không gian ngầm công viên Vạn Xuân – phía Bắc và phố Lý Nam Đế – phía Tây KPC) nhằm xác định các khu đất dự trữ cho việc hỗ trợ các chức năng còn thiếu, yếu trong KPC như trường học, bến bãi đỗ xe.

Quy chế cập nhật và đưa ra cách ứng xử phù hợp đối với các nội dung hạ tầng kỹ thuật mới như đường sắt đô thị và hướng tới việc tổ chức đi bộ trong KPC.

Bảo tồn và phục dựng các loại hình kiến trúc đặc trưng, giá trị: Trên cơ sở phân loại, đánh giá các loại hình công trình kiến trúc trong Khu phố Cổ, Quy chế đề xuất không chỉ bảo tồn loại hình kiến trúc nhà truyền thống mà còn bổ sung hai loại hình kiến trúc giá trị: kiến trúc thuộc địa và kiến trúc trang trí với các quy định nhằm bảo tồn và phục hồi có kiểm soát các loại hình kiến trúc này thành đặc trưng kiến trúc công trình nhà ở KPC Hà Nội;

Phố Cổ Hà Nội tự thân đã SỐNG. Chính quyền và nhân dân KPC đang làm sống động thêm, bổ khuyết tăng cường chức năng mới để KPC không chỉ là minh chứng của một thực thể trong cấu trúc đô thị Hà Nội xưa mà còn thể hiện sức sống của sự quản lý, kiểm soát hiệu quả, gắn bó và thiết thực vị dân sinh.

Bài và ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức 
(Bài đăng trên Tạp chí kiến trúc, Số 08-2015)