Lãng phí lớn từ các bãi tạm giữ xe vi phạm

Do vướng mắc các thủ tục pháp lý, cũng như tâm lý “bỏ của chạy lấy người” của các chủ phương tiện khiến tình trạng các xe ôtô, xe máy quá hạn xử lý vi phạm giao thông tại các điểm trông giữ xe ngày càng gia tăng. Điều này không chỉ gây khó khăn trong công tác xử lý vi phạm của các ngành chức năng, mà còn gây lãng phí tài sản nhà nước và của người dân.

Điểm trông giữ xe vi phạm luật giao thông tại Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) lâu ngày không có người đến nhận.
Điểm trông giữ xe vi phạm luật giao thông tại Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) lâu ngày không có người đến nhận.

Những “đống sắt” bạc tỷ

Tại điểm trông giữ xe Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) hiện đang lưu giữ hàng trăm xe vi phạm. Bên cạnh những chiếc xe máy số, xe ba gác giá trị thấp, có cả những xe tay ga đắt tiền như SH, Spacy, Liberty,… đang nằm “chờ chết” bởi cả bãi xe rộng lớn nhưng không hề có mái che, để mặc mưa nắng, bụi đất phủ đầy dẫn đến tình trạng các phương tiện bị hoen gỉ, hỏng hóc. Thậm chí, không ít xe do để quá lâu, cỏ mọc um tùm chung quanh, rất khó nhận ra. Nằm ở góc bãi tập kết là những đống xe đạp, xe máy bị hỏng chỉ còn trơ bộ khung chất chồng lên nhau như một đống sắt vụn khổng lồ. Kể cả những xe máy được xếp thành hàng, phần lớn cũng xuống cấp trầm trọng, nhiều xe bị vỡ yếm, bong tróc, nếu được định giá cũng chỉ thuộc dạng… “đồng nát”.

Không riêng gì bãi xe này, tại một số điểm trông giữ xe vi phạm khác như Bồ Đề, Nam Trung Yên,… ngoài xe máy các loại, nhiều xe ôtô từ hạng bình dân cho tới hạng sang như Huyndai, Kia, Camry, Mercedes, Lexus,… cũng nằm phủ bụi. Chủ bãi xe Bồ Đề (quận Long Biên) dẫn chúng tôi xem khu tập kết xe máy phân khối lớn (mỗi chiếc xe có mức giá hơn 200 triệu đồng) được chất đống. Hàng chục xe có giá trị lớn nhưng bị vứt chỏng chơ vài ba năm nay không có người đến nhận, khiến chủ bãi vừa không thu được phí mà tài sản thì ngày càng bị hỏng hóc. Vào thời kỳ cao điểm, mỗi ngày bãi tiếp nhận hơn 200 ô-tô, xe máy các loại, trong đó có khoảng 50 đến 60 phương tiện không xác định được chủ, khiến số lượng xe “vô chủ” tập kết ở bãi ngày càng lớn. Do không có nguồn thu từ những xe vi phạm loại này, cho nên bãi không có kinh phí để đầu tư, bảo quản phương tiện. Hiện nay, ngoài việc trông giữ xe theo hợp đồng, bãi không tiếp nhận những xe vi phạm giao thông chuyển đến nữa. Chủ bãi xe này cũng khẳng định, số lượng ôtô, xe máy “vô chủ” đang ngày càng tăng, nếu các cơ quan chức năng không có các giải pháp xử lý triệt để, vấn đề này sẽ tạo ra nhiều khó khăn đối với các bến, bãi trong việc bảo đảm nguồn thu cũng như vận hành lực lượng trông giữ phương tiện. “Nói xe “vô chủ” để mọi người dễ hình dung chứ thực chất xe nào cũng có chủ, nhưng làm thế nào để tìm ra chủ đích thực, điều đó đòi hỏi các cơ quan phải có các giải pháp thực tế. Chẳng hạn như, thành lập một trang mạng trực tuyến trong đó truyền tải những hình ảnh, thông số kỹ thuật, đặc điểm xe,… để những người mất xe có thể truy cập, liên hệ để tìm lại chiếc xe của mình” – chủ bãi xe Bồ Đề nhấn mạnh.

Tình trạng nêu trên không chỉ diễn ra tại Hà Nội mà còn diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Tại TP Đà Nẵng, số lượng xe quá hạn xử lý vi phạm nằm tại các điểm trông giữ xe khá lớn, tuy nhiên, nhiều xe đã trông giữ lâu ngày nhưng các chủ phương tiện không đến nhận khiến tình trạng quá tải đang ngày càng tăng. Tương tự, tại TP Hồ Chí Minh, mặc dù các điểm trông giữ xe được đầu tư kỹ lưỡng, các phương tiện được xếp dựng theo hàng lối đàng hoàng và có mái che nhưng sức chứa của các điểm này chỉ khoảng 900 đến 1.000 chiếc xe, dẫn đến tình trạng quá tải. Trong khi đó, việc thu phí trông giữ xe lại không được bảo đảm, khiến tình trạng các phương tiện giao thông bị xếp chồng chất, để mặc mưa nắng gây hư hại tài sản ngày một tăng.

Cần xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý

Mặc dù các lực lượng chức năng đã có nhiều giải pháp nhằm xử lý triệt để các xe vi phạm, cũng như “giải phóng” sự quá tải tại các điểm trông giữ phương tiện vi phạm giao thông, nhưng dường như vẫn chưa đủ, bởi trong vài năm trở lại đây, tình trạng quá tải tại các điểm trông giữ xe vi phạm có dấu hiệu ngày càng tăng. Nhìn nhận vấn đề này, đại diện Phòng CSGT đường bộ – đường sắt, Công an TP Hà Nội cho biết, tình trạng các xe ôtô, môtô và các loại phương tiện giao thông bị tạm giữ do vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đã hết thời hạn tạm giữ, nhưng người vi phạm không đến giải quyết để nhận lại phương tiện là một thực tế. Các cơ quan chức năng áp dụng các chế tài xử lý, trong đó có quy định việc tạm giữ phương tiện tham gia giao thông là biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn, bảo đảm thi hành quyết định xử phạt hay để xác minh, làm rõ các tình tiết liên quan hành vi vi phạm pháp luật. Để giải quyết vấn đề nêu trên, Phòng CSGT đã và đang tích cực, thường xuyên phối hợp các đơn vị chức năng trong và ngoài ngành tiến hành xác minh phương tiện có liên quan vụ án hình sự hay không, nguồn gốc, chủ sở hữu và thông báo trên phương tiện truyền thông đại chúng, niêm yết tại trụ sở đơn vị và bàn giao phương tiện cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Luật sư Lê Hồng Hiển, Giám đốc Công ty luật Nay và Mai khẳng định, tình trạng quá tải tại các điểm trông giữ phương tiện vi phạm giao thông đang ngày càng gia tăng, nhất là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do nhiều chủ phương tiện vi phạm không đến giải quyết để nhận lại xe vì giá trị xe vi phạm bị tạm giữ có giá trị thấp hoặc xe không chính chủ, xe có nguồn gốc bất hợp pháp,… nhưng cơ quan công an không thể thanh lý được các xe vi phạm này do chưa đến thời hạn được thanh lý, bán đấu giá tài sản vi phạm để sung công quỹ Nhà nước. Do đó, để giảm tải tại các điểm tạm giữ xe vi phạm cũng như tránh lãng phí nguồn lực, chi phí cho việc duy trì, trông giữ các phương tiện vi phạm, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, thực hiện đồng bộ các giải pháp như: phải xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ nói chung và trong lĩnh vực tạm giữ, xử lý tang vật vi phạm hành chính nói riêng. Theo đó, chỉ nên áp dụng hình thức tạm giữ phương tiện đối với những hành vi vi phạm giao thông nghiêm trọng hoặc khi có căn cứ xác định phương tiện vi phạm có nguồn gốc không rõ ràng, hoặc bất hợp pháp. Đồng thời, việc tạm giữ các phương tiện vi phạm có thể giao cho bên thứ ba có chức năng trông giữ xe thực hiện, chi phí trông giữ xe do bên vi phạm chịu. Ngoài ra, cần rút ngắn thời gian “chờ” để thanh lý các xe vi phạm, nếu quá thời hạn này mà chủ phương tiện vi phạm không đến giải quyết thì cơ quan có thẩm quyền có quyền bán đấu giá các xe vi phạm để nộp phạt, đồng thời giải tỏa áp lực quá tải đối với các điểm tạm giữ xe.

Liên quan vấn đề nêu trên, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia trong lĩnh vực giao thông khẳng định, nhiều năm qua, các lực lượng chức năng đã thu giữ hàng trăm xe ô-tô, trong đó có những chiếc trị giá hàng tỷ đồng cùng hàng nghìn xe máy. Thế nhưng, những khối tài sản này do không được xử lý kịp thời, bảo quản lại không tốt, dẫn tới tình trạng xuống cấp, hỏng hóc gây lãng phí lớn. Không chỉ vậy, nó còn khiến nhiều điểm trông giữ bị quá tải. Người ta thường đổ lỗi chuyện này cho luật, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể xử lý được ngay nếu các bộ, ngành liên quan thật sự vào cuộc. Trong đó, cần thực hiện quyết liệt một số vấn đề, như phương tiện bị thu giữ quá thời hạn quy định thì có quyền bán đấu giá để sung công. Tiếp đến, điều kiện để nhận lại xe vi phạm cũng phải “co giãn” hơn, không nên quá cứng nhắc, phụ thuộc vào luật. Hơn nữa, nếu mức phạt với tổng số tiền lớn hơn giá trị thực của chiếc xe, chắc chắn chủ xe sẽ bỏ phương tiện không chịu đến nhận,… Có thể thấy, bên cạnh những quy định của pháp luật, điều người dân trông chờ đó là sự xử lý hài hòa giữa người thực hiện chính sách với các chủ phương tiện. Trong đó, phải thông báo cho chủ phương tiện nắm được đầy đủ thông tin về quá trình xử lý phương tiện của mình. Nếu không đến làm các thủ tục nhận lại phương tiện, có thể tiến hành bán đấu giá, tránh trường hợp tài sản để lâu ngày, bị tồn đọng, gây hư hỏng, lãng phí như hiện nay.

Hiện tại Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt (Công an TP Hà Nội) đang tạm giữ khoảng 1.500 phương tiện giao thông các loại do vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trong đó, nhiều phương tiện đã quá thời hạn tạm giữ nhưng người vi phạm không đến giải quyết. Nguyên nhân chủ yếu là xe có nguồn gốc bất hợp pháp, mức xử phạt và các chi phí đi lại, phí trông giữ cao hơn giá trị của phương tiện bị tạm giữ…

Theo Hoàng Anh/Nhân dân