Ai Cập khởi động 4 siêu dự án, tổng vốn 72 tỷ USD

Trong đó, 45 tỷ USD sẽ được dùng để xây thủ đô mới, số còn lại sẽ được đầu tư vào các dự án năng lượng.

Trong ngày họp thứ hai của Hội nghị phát triển kinh tế Ai Cập (EEDC), Ai Cập đã ký hàng loạt thoả thuận đầu tư với các quốc gia Arab và các tổ chức quốc tế với tổng giá trị lên tới hàng chục tỷ USD.

Cụ thể, Ai Cập ký với Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) thỏa thuận trị giá 45 tỷ USD để xây dựng thủ đô hành chính kinh tế mới ở phía Đông thủ đô Cairo.

Lễ ký diễn ra dưới sự chứng kiến của Tổng thống nước chủ nhà Abdel-Fattah al-Sisi với Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng UAE Mohammed bin Rashed al-Maktoum.

Dự kiến, thủ đô hành chính – kinh tế mới ở phía Đông Cairo sẽ rộng khoảng 28.000 ha.

Đồng thời, Bộ trưởng Dầu mỏ Ai Cập Sherif Ismail cũng đã ký thoả thuận trị giá 12 tỷ USD với Tổng giám đốc Tập đoàn BP của Anh Bob Dudley về việc mở rộng hoạt động thăm dò dầu khí ở trên biển Địa Trung Hải và khu vực bờ Đông, bờ Tây sông Nile.

Đây là thoả thuận lớn nhất từ trước đến nay về năng lượng tại Ai Cập nhằm giúp nước này đảm bảo sản xuất 25% lượng dầu trong nước và thu hẹp khoảng cách về nhu cầu dầu mỏ ở các khu vực khác nhau.

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Isamil ký thoả thuận trị giá 5 tỷ USD với tập đoàn sản xuất dầu mỏ của Italy Eni Claudio Descalzi về hát triển và thăm dò dầu thô.

Chính phủ Đức và tập đoàn Siemens cũng cho biết hãng này đã đạt được “các thỏa thuận chắc chắn” về dự án nhà máy điện với Ai Cập có tổng trị giá 10 tỷ USD.

Theo thỏa thuận được hai bên nhất trí, Siemens sẽ xây dựng tại Ai Cập một nhà máy điện chu trình hỗn hợp có công suất 4,4 GW, một nhà máy điện chạy bằng năng lượng gió có công suất 2 GW và một nhà máy sản xuất cánh quạt cho tuốc bin phong năng.

Hội nghị EEDC diễn ra từ ngày 13 – 15/3 ở khu nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh (Sam En Sếch) bên bờ Biển Đỏ, dưới sự bảo trợ của Saudi Arabia và UAE. Hội nghị đặt mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài và vực dậy nền kinh tế Ai Cập vốn bị suy giảm mạnh sau hơn 4 năm bất ổn chính trị và an ninh. Tại phiên khai mạc hội nghị, các nước Arab ở vùng Vịnh đã cam kết hỗ trợ và đầu tư cho Cairo 12 tỷ USD, Mỹ đề xuất đầu tư 4 tỷ USD.

Tham dự hội nghị ngoài 23 tổ chức khu vực và quốc tế còn có hơn 20 nguyên thủ và 2.000 quan chức chính phủ, lãnh đạo các công ty đa quốc gia và các nhà kinh tế đến từ hơn 112 nước.

Các nhà phân tích cho biết hội nghị không chỉ kỳ vọng thu hút nhiều tỷ USD đầu tư vào Ai Cập mà còn chuyển đi thông điệp về sự trở lại của Ai Cập trên trường quốc tế.

Trên thực tế, sự có mặt của đông đảo các nhà lãnh đạo thế giới và giới đầu tư cho thấy cộng đồng quốc tế đang có sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chính quyền và người dân Ai Cập, quốc gia đang ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống khủng bố và các nhóm Hồi giáo cực đoan.

Kể từ khi lên nắm quyền tháng 6/2014, Tổng thống Ai Cập al-Sisi đã tiến hành một loạt cải cách kinh tế quan trọng, trong đó có việc cắt giảm trợ cấp năng lượng và áp dụng nhiều biểu thuế mới để giải quyết tình trạng thâm hụt ngân sách ngày càng gia tăng./.

(VGP News)

VGP News