Bảo tồn di sản Hội An và Mỹ Sơn gặp nhiều khó khăn

Ngày 16/12, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hội An, Mỹ Sơn qua 15 năm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Tại hội nghị, ngành văn hóa tỉnh Quảng Nam nhìn nhận, công tác bảo tồn và phát huy giá trị hai di sản này đang gặp nhiều khó khăn.

Di sản khu phố cổ Hội An, tháp Chăm Mỹ Sơn nằm trong môi trường khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt nên các di tích ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, tại Hội An và Mỹ Sơn vẫn còn nhiều di tích cần được đầu tư tu bổ trong khi đó nguồn ngân sách của địa phương chưa thể đáp ứng đủ…

Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, đề nghị bộ, ngành chức năng T.Ư cần có cơ chế đặc thù để bảo tồn, phát huy giá trị cho hai di sản văn hóa thế giới.

Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL), cho hay tỉnh Quảng Nam cần nghiên cứu cơ chế đặc thù ở di sản cố đô Huế. Qua đó, xây dựng cơ chế đặc thù cho hai di sản Hội An và Mỹ Sơn để trình Chính phủ.

Theo ông Hài, trong 15 năm qua, Hội An và Mỹ Sơn đã trở thành trung tâm du lịch lớn nhờ vào việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế.

Tính đến nay, Hội An đã tu bổ, tôn tạo 425 di tích, với tổng kinh phí là 188 tỉ đồng. Di sản Mỹ Sơn được trùng tu với kinh phí hơn là 85 tỉ đồng.

Từ khi được công nhận là di sản văn hóa thế giới, tổng lượt khách đến Hội An và Mỹ Sơn đạt con số gần 17 triệu lượt người. Trong đó, khách quốc tế đạt gần 9 triệu lượt người. Đặc biệt, mức GDP TP.Hội An từ 345 tỉ đồng (năm 1999) đã tăng lên hơn 3.000 tỉ đồng đồng (năm 2013).

Lượng khách du lịch đến Hội An tăng dần qua các năm. Nguồn thu từ vé tham quan từ năm 1999 đến tháng 6.2014 đạt 405 tỉ đồng.

Hoàng Sơn(Thanh Niên)

Thanh Niên