Cách tiếp cận nào với Thành phố thông minh?

Bài báo giới thiệu hai cách tiếp cận với thành phố thông minh: Cách tiếp cận “cứng” sử dụng công nghệ thông tin ở mức độ cao: công nghệ truyền tín hiệu không dây, các cảm biến tích hợp trong hệ thống hạ tầng và phát triển các phần mềm để xử lý những gói dữ liệu lớn1; cách tiếp cận “mềm”, hay từ dưới lên (bottom-up) trao cho người dân quyền tiếp cận các dữ liệu và cho phép họ tham gia vào quá trình hoạch định chính sách. Tác giả đề xuất cần phải áp dụng đầy đủ tất cả các khâu của vùng “cứng” (như tăng cường tính hiệu quả của giao thông đô thị hay sử dụng năng lượng) và vùng mềm (chẳng hạn như nâng cao chất lượng giáo dục, bảo tồn di sản kiến trúc, bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương, hỗ trợ tinh thần khởi nghiệp, có chính sách thu hút người tài…) khi tiếp cận với Thành phố thông minh.

Các thành phần chủ yếu của thành phố Thông minh: Quản lý đô thị, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, an ninh công cộng, phát triển bất động sản, giao thông, điện nước.

Một trong những xu hướng thu hút đầu tư vào các thành phố hiện nay trên thế giới là chiến thuật branding – xây dựng thương hiệu cho thành phố, một chiến thuật phổ biến là thuê một KTS thuộc hạng “ngôi sao” (kiểu như các KTS nhận Giải thưởng kiến trúc Prizker), thiết kế một công trình tạo điểm nhấn cho thành phố – Ví dụ Jean Nouvel thiết kế những tòa tháp (khá giống nhau) cho thành phố Barcelona (Tây Ban Nha) và Doha (Qatar). Chiến lược này xem chừng ngày càng ít hiệu quả bởi các KTS ngôi sao thường không đổi mới được phong cách của mình, đâu đâu cũng thấy một loại kiến trúc tương tự nhau. Có thể kể ra ví dụ: KTS Frank Ghery trong các công trình Gian hòa nhạc Walt Disney tại Los Angeles và Bảo tàng Gugenheim Bilbao, hay Jean Nouvele với những tòa tháp hình viên đạn đầu tù…

Chiến lược branding thứ hai cho thành phố, có vẻ bài bản và tốn kém hơn là khoác cho nó thương hiệu thành phố Thông minh. Vậy thành phố Thông minh là gì?

Theo Caragliu và Nijkamp 2009: “Một thành phố được coi là “thông minh” khi nguồn đầu tư vào con người và vốn xã hội và hạ tầng giao thông và hệ thống công nghệ thông tin hiện đại hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững và chất lượng cuộc sống cao, đi kèm một sự quản lý khôn ngoan các tài nguyên thiên nhiên, thông qua hành động tham dự của công dân.

Có thể thấy đây là một định nghĩa khá chuẩn, khá tham vọng và…khá lý thuyết về thành phố thông minh. Nhưng đây mới là định nghĩa của giới hàn lâm về thành phố thông minh. Trong thực tế, các dự án thành phố thông minh được khởi xướng và vận hành như thế nào?

Hai cách tiếp cận với thành phố thông minh

Vào năm 2014, nhóm nghiên cứu của GS Neirotti thuộc Đại học Torino (Ý) sau khi khảo sát 70 dự án về Thành phố Thông minh tại khắp các châu lục trên thế giới đã chỉ ra rằng: Chưa có một sự đồng thuận chung nào về thành phố Thông minh3. Mặc dù vậy, có một sự thống nhất lớn rằng: Việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (Information and Communication Technolog hay ICT) giúp cho thành phố sử dụng có hiệu quả hơn tài nguyên của mình. Cần lưu ý một chút: Công nghệ thông tin chỉ là một phần của thành phố thông minh.

Xin nói thêm, công nghệ thông tin ở đây là công nghệ thông tin sử dụng theo thời gian thực. Tức là các dữ liệu truyền về trung tâm gần như ngay lập tức và được xử lý bằng các hệ thống phân tích dữ liệu. Ví dụ tại Barcelona, các cảm biến được đặt tại những bãi đỗ xe và truyền dữ liệu về hệ thống trung tâm. Hệ thống này sau đó lại truyền tín hiệu đến các biển báo điện tử đặt tại những nơi công cộng cho phép người dân biết được tình trạng còn trống hay không của bãi đỗ xe4. Những hệ thống ICT kiểu như thế này hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách trong việc đưa ra các quyết định đúng đắn. Tuy nhiên, phần ít được nói trong các dự án về thành phố Thông minh – nhưng lại là một khía cạnh không thể thiếu đó là: Thành phố thông minh phải là một thành phố đầu tư vào vốn xã hội và đầu tư vào con người.

Nhóm nghiên cứu của GS Neirotti nhận thấy có hai cách tiếp cận cơ bản đến thành phố Thông minh: Một là cách tiếp cận “cứng”, trong đó công nghệ thông tin được sử dụng với mức độ cao. Hoạt động và các quyết sách của loại thành phố này được hỗ trợ bởi công nghệ truyền tín hiệu không dây, sử dụng các cảm biến tích hợp trong hệ thống hạ tầng và phát triển các phần mềm để xử lý những gói dữ liệu lớn5. Cách tiếp cận thứ hai được gọi là “mềm” – hay từ dưới lên (bottom-up). Trong cách tiếp cận này, công nghệ thông tin chỉ đóng một vai trò hạn chế, quyền tiếp cận các dữ liệu thuộc về người dân và cho phép họ tự đưa ra quyết định của mình. Cách tiếp cận mềm dựa trên những nền tảng như giáo dục, chính sách, văn hóa, khuyến khích thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, sáng kiến, sự bao gồm xã hội6 (social in clusion), tăng cường truyền thông giữa chính quyền và người dân. Vì vai trò hạn chế của nó nên hệ thống công nghệ thông tin không nhất thiết phải là giao tiếp theo thời gian thực.

Điều thú vị khi các nghiên cứu của nhóm Neirotti chỉ ra rằng: Các thành phố đầu tư nhiều vào vùng “cứng” thường ít đầu tư vào vùng “mềm” và ngược lại. Nghiên cứu cho thấy ở châu Á các dự án thành phố thông minh tập trung nhiều vào giao thông, trong khi ít tập trung vào các sáng kiến tăng cường hiệu quả của chính quyền, kinh tế và con người. Trong khi đó ở châu Âu các dự án lại nhấn mạnh vào khía cạnh mềm của phát triển thành phố thông minh.

Các kết luận quan trọng nhất của nhóm nghiên cứu là các thành phố ở các quốc gia sử dụng internet nhiều dễ có khả năng phát triển các sáng kiến trong vùng “mềm” hơn. Đó là phát triển Thành phố Thông minh trong lĩnh vực chính quyền và kinh tế (chẳng hạn xây dựng chính quyền điện tử, thương mại điện tử, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp). Họ khẳng định tầm quan trọng của công nghệ thông tin và vốn xã hội trong việc cho phép thực hiện chính quyền điện tử và thương mại điện tử dựa trên sự minh bạch và trao quyền cho người dân (citizen’s empowerment).

Thứ hai, thành phố nhỏ cho phép thực hiện các dự án thực nghiệm ở quy mô hạn chế – Ít bị trì trệ, ít bị ràng buộc bởi đầu tư đã có vào hệ thống công nghệ thông tin. Thành phố lớn ngược lại đối mặt với nhiều nhu cầu hơn về mặt thay đổi công nghệ thông tin nhưng lại dễ dàng thu hút các nhà đầu tư công nghệ thông tin hơn bởi thị trường lớn hơn.

Những điểm chung của các thành phố Thông minh trên khắp thế giới: Thành lập các đặc khu kinh tế, sử dụng năng lượng tái tạo, các tòa nhà thông minh, giao thông thông minh, kết nối băng thông rộng, cân đối giữa không gian xanh và không gian có mái, nằm tại vị trí mang tính chiến lược về mặt địa lý. Những thành phố thông minh điển hình như: 1) Songdo IBD (Hàn Quốc); 2) Hwaseong Dongtan (Hàn Quốc); 3) Masdar City, Abu Dhabi; 4) PlanIT Valley (Bồ Đào Nha); 5) Thành phố thông minh, Malta.

Các tác giả cũng cảnh báo: Một thành phố có hệ thống công nghệ thông tin hoàn hảo và các sáng kiến thông minh không nhất thiết là một thành phố sống tốt. Thay vì nêu cao các giá trị con người và chất lượng cuộc sống, thành phố dễ trở thành một môi trường mà trong đó công dân bị kiểm soát chặt chẽ, quyền riêng tư dễ bị vi phạm7. Thêm vào đó, khả năng tiếp cận với các dữ liệu lớn và hệ thống xử lý trung tâm cũng đặt ra vấn đề phải đối mặt với các loại tội phạm công nghệ thông tin hoặc khủng bố.

Kết luận

Cần cẩn trọng khi tiếp cận chủ đề Thành phố Thông minh. Phải đặt ra các câu hỏi chẳng hạn như liệu có nên thực hiện một dự án thành phố thông minh khi chúng ta chưa đủ điều kiện. Khi mà những vấn đề thiết yếu của đô thị như chống ngập lụt hay giảm ô nhiễm môi trường chưa được đáp ứng. Mặt khác, chúng ta cũng không quá bảo thủ để bỏ qua cơ hội sử dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao hiệu quả quản lý đô thị. Cách khả dĩ và cẩn trọng là phải áp dụng đầy đủ tất cả các khâu của vùng “cứng” (như tăng cường tính hiệu quả của giao thông đô thị hay sử dụng năng lượng) và vùng mềm (chẳng hạn như nâng cao chất lượng giáo dục, bảo tồn di sản kiến trúc, bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương, hỗ trợ tinh thần khởi nghiệp, có chính sách thu hút người tài.) trong khái niệm thành phố thông minh. Có như thế mới đáng công sức và tiền của để xây dựng thành phố thông minh. Bởi vì xây dựng thành phố thông minh là làm quy hoạch, mà vấn đề của quy hoạch suy cho cùng vẫn là những vấn đề Who get What – Ai nhận được gì?.

Dự án thành phố Thông minh

 

Chú thích:

  1. Dữ liệu lớn hay là big data: Các tập hợp dữ liệu lớn có thể dùng máy tính để phân tích được; từ đó người ta phát hiện ra các kiểu dạng, các xu hướng và các sự liên hệ nào đó đặc biết là mối liên quan đến hành vi và tương tác của con người.
  2.  Caragliu, A., C. Del Bo, and P. Nijkamp. “Smart Cities in Europe, Series Research Memoranda 0048.” VU University Amsterdam, Faculty of Economics, Business Administration and Econometrics, Amsterdam (2009).
  3. P. Neirotti, A. De Marco, A. Cagliano, G. Mangano and F. Scorrano, “Current trends in Smart City initiatives: Some stylised facts”, Cities, vol. 38, pp. 25-36, 2014.
  4. F. Guerrini, “Are Smart Cities Really Smart?”, Forbes, 2016.
  5. Dữ liệu lớn hay là big data.
  6. Sự bao gồm xã hội hay social inclusion nghĩa là mọi thành phần xã hội đều được tham gia và hưởng lợi từ các chính sách đô thị. Bao gồm các đối tượng đặc biệt như người khuyết tật và người già.
  7. Nguyên văn: môi trường nhà tù (panoptical environment). Xuất phát từ ý tưởng của Jeremy Bentham, panopticon là một loại nhà tù đặc biệt trong đó người cai ngục có thể kiểm soát tất cả mọi tù nhân trong khi người tù không hề biết mình đang bị theo dõi.

 

TS. Nguyễn Hồng Ngọc

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 6/2017)