Từ trường hợp Nhà thờ Bùi Chu đến cách ứng xử với di tích kiến trúc chưa được xếp hạng

Trong những năm gần đây, câu chuyện các công trình di tích kiến trúc, đặc biệt là các công trình kiến trúc cũ – cổ chưa được xếp hạng bị xâm hại, hoặc thậm chí phá bỏ, luôn là chủ đề nóng thu hút sự quan tâm của cả cơ quan quản lý, chuyên gia và người dân. Dù vô tình hay hữu ý, việc để một công trình kiến trúc có giá trị bị mai một luôn được xem là một sự đáng tiếc cho các thế hệ mai sau. Thực tế là ngày càng nhiều các trường hợp công trình di tích kiến trúc chưa được xếp hạng, tiêu biểu như trường hợp hạ giải và cải tạo Nhà thờ Chánh tòa Bùi Chu, đang đặt ra nhiều thách thức cần đổi mới và hoàn thiện trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích kiến trúc chưa được xếp hạng.

Từ trường hợp một công trình kiến trúc có nhiều giá trị

Theo các tài liệu được công bố, nhà thờ Chánh tòa Bùi Chu thuộc xã Xuân Ngọc (Xuân Trường, Nam Định) được xây dựng năm 1884 bởi Giám mục người Tây Ban Nha Wenceslao Onate Thuận. Năm 1885, tức là một năm sau, nhà thờ được chính thức khánh thành đưa vào sử dụng. Với quy mô diện tích lớn và tuổi niên đại khoảng 135 năm, công trình được các chuyên gia về kiến trúc và văn hóa đánh giá cao về hệ thống các giá trị kiến trúc – văn hóa mỹ thuật. Về tổng thể, công trình được xây dựng ở vị trí hòa nhập với cảnh quan thiên nhiên hiện hữu, phía trước là sông Ninh cơ thơ mộng, có cây xanh, khuôn viên cảnh quan thoáng mát. Khối công trình chính có chiều dài 78 m, rộng 22m, cao 15m, tháp cao 35m, với kết cấu khung bằng tường gạch chịu lực kết hợp với những hàng cột gỗ lim đặt trên bệ xà điêu khắc tinh xảo. Trần được làm bằng hỗn hợp vôi rơm và vật liệu địa phương để tạo độ bền và nhẹ. Nhà thờ có những hình oval ba lá trên trần với nhiều chi tiết cầu kỳ, xuất hiện từ những góc nhỏ ô cửa sổ đến góc cao của trần thánh đường. Trần nhà thờ có dùng vôi rơm tạo những vòm cong thoáng nhẹ, phù hợp với khí hậu nhiệt đới miền Bắc. Cửa nhà nguyện bốn cánh, mỗi cánh là một biểu tượng ý nghĩa của các bí tích: rửa tội, thêm sức, thánh thể, hòa giải. Hình ảnh kết nối ba hình oval vừa thể hiện đường nét Ba-Rốc cổ kính vừa thể hiện nét phương Đông tạo ra không gian đa dạng, phù hợp với nơi chốn mà nó tồn tại.

Theo đánh giá của một số chuyên gia về kiến trúc và bảo tồn di sản, đây là một công trình kiến trúc cổ có giá trị không chỉ bởi sự kế thừa kiểu ngôn ngữ kiến trúc châu Âu mà còn có sự kết hợp các yếu tố, chi tiết, vật liệu của bản địa văn hóa Việt Nam để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, thể hiện sự giao lưu văn hóa Đông – Tây.

Toàn cảnh khuôn viên công trình nhà thờ Chánh tòa Bùi Chu
Chi tiết trang trí kiến trúc đặc trưng trên mặt đứng và nội thất công trình
Chi tiết trang trí kiến trúc đặc trưng trên mặt đứng và nội thất công trình

Tuy đã được trùng tu một số lần, trong đó 02 lần gần đây nhất là vào các năm 1974 và 2000, nhưng theo ý kiến của người quản lý và sử dụng công trình, công trình đã bị xuống cấp nặng và để đảm bảo an toàn cho việc sự dụng cho thời gian tới, công trình cần được hạ giải và xây dựng lại. Ý kiến chuyên gia Trần Đình Thành – Cục phó Cục Di sản văn hóa được công bố trên các phương tiện thông tin tại chúng cũng đánh giá sơ bộ Nhà thời Chánh tòa Bùi Chu đã bị xuống cấp, nhiều chỗ bị nứt, hỏng như cửa vào, các mái vòm hai bên tường. Thậm chí, tòa tháp trái bị nghiêng. Nội thất bên trong bị xuống cấp, mục, mọt, nhiều vật liệu có thể rơi xuống bất cứ lúc nào, trong khi nhiều hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng vẫn diễn ra ở đây. Vì vậy, giáo phận Bùi Chu có nhu cầu cải tạo, xây dựng mới đáp ứng nhu cầu sử dụng, đảm bảo tính thẩm mỹ và an toàn trong giai đoạn mới. Với lý do công trình chưa được chính thức xếp hạng di tích quốc gia, công trình hiện đang được giáo phận Bùi Chu trực tiếp sở hữu, bảo quản và sử dụng nên việc dân trong giáo phận chủ động quyên góp tự bỏ chi phí hạ giải và cải tạo mà không cần thông qua bất kỳ một cơ quan chuyên môn quản lý về bảo tồn di sản nào.

Một số chuyên gia kiến trúc – bảo tồn di sản đã nhấn mạnh việc phải bảo tồn công trình nhà thờ Bùi Chu như một công trình di sản kiến trúc dù công trình mới chưa chính thức được xếp hạng di sản kiến trúc quốc gia. Và việc để một công trình kiến trúc cổ 135 tuổi bị hạ giải và cải tạo xây mới sẽ là một sự tiếc nuối lớn về di sản văn hóa.

Dù đã có tin vui là công trình đã hoãn lại thời gian hạ giải được công bố ngày 15/05/2019 vừa qua và còn chờ các cơ quan chuyên môn bảo tồn di sản đánh giá để phân định làm rõ những vấn đề về chất lượng kết cấu công trình, nhu cầu bảo tồn và phương án thiết kế bảo tồn, thì nhiều chuyên gia và công luận vẫn không khỏi e ngại về việc có thể bảo tồn được một cách toàn vẹn, khoa học và hiệu quả các công trình di tích kiến trúc có giá trị Nhà thờ Chánh tòa Bùi Chu trong thời gian tới.

Đến câu chuyện khó khăn trong bảo tồn các di tích kiến trúc chưa được xếp hạng

Trường hợp đề xuất hạ giải và xây dựng mới nhà thời Bùi Chu có thể xem là câu chuyện điển hình mới nhất, nhưng không phải hiếm với công tác bảo tồn các di tích kiến trúc chưa được xếp hạng di sản quốc gia. Thời điểm năm 2016 đã từng có rất nhiều tranh luận của giới chuyên gia và người dân về trường hợp trùng tu tự phát phá hủy một số công trình đình làng chưa được xếp hạng, hay tháng 07/2018 với trường hợp phá bỏ dinh Thượng Thơ – 135 tuổi (59-61 Lý Tự Trọng, TPHCM), hay gần đây nhất là tháng 03/2018 là trường hợp quy hoạch phá bỏ các công trình di tích cũ khu Hòa Bình (TP Đà Lạt) để xây mới công trình cao tầng. Chính các ví dụ trên đã cho thấy những khó khăn chung trong công tác bảo tồn các công trình di sản kiến trúc nói chung, đặc biệt là các di tích kiến trúc chưa được xếp hạng. Sẽ rất khó có một giải pháp triệt để hoàn toàn nhưng hạn chế tối đa những thiệt hại đối với hệ thống công trình di tích lịch sử, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân là điều cần làm lúc này.

Dẫu biết rõ, trên cơ sở khoa học, các công trình như Nhà thờ Chánh tòa Bùi Chu dù chưa được chính thức xếp hạng di sản văn hóa nhưng có thể được xem là một dấu ấn lịch sử, vượt qua mọi giá trị vật chất thông thường, và phải được tôn trọng để gửi gắm các giá trị truyền thống – lịch sử – ký ức cho các giai đoạn tiếp sau. Tuy nhiên, cũng cần xem xét và quan tâm tạo điều kiện để đảm bảo tốt các nhu cầu sử dụng hàng ngày của người dân và thiết lập các trình tự thống nhất trong bảo vệ các công trình di tích lịch sử chưa được xếp hạng.

Trước tiên, khoảng cách giữa nhu cầu sinh hoạt và sử dụng của người dân với công tác quản lý – bảo tồn công trình di tích kiến trúc chưa được xếp hạng còn rất lớn. Vì công trình, được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày của người dân, thuộc sở hữu của người tổ chức và người dân nên nhu cầu cải tạo, xây mới các công trình cũ để nâng cao chất lượng sự dụng, đáp ứng nhu cầu tiện nghi và an toàn của người quản lý và sử dụng các công trình kiến trúc là có thật, thậm chí trong nhiều trường hợp là rất bức thiết bởi việc công trình đã bị xuống cấp, mất an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân. Do vậy, cần sớm có các chính sách, quy định hướng dẫn để cơ bản khỏa lấp và cân đối lợi ích cho các bên tham gia.

Tuy nhiên, trong bối cảnh còn thiếu các công cụ quản lý với các di tích kiến trúc có giá trị nhưng chưa được xếp hạng, cần xây dựng các quy chế quản lý có sự tham vấn của giới chuyên môn như (hội đồng di sản tại địa phương) và giám sát của cộng đồng để kịp thời phát hiện và khống chế sự biến đổi hoặc mai một của các công trình di sản dạng này, cũng như sự tham gia của các đơn vị nghiên cứu, thiết kế, thi công chuyên môn trong lĩnh vực bảo tồn di sản tham gia các công đoạn từ lập hồ sơ khảo sát đánh giá hiện trạng đến thiết kế và thi công trùng tu bảo tồn công trình.

Tiếp đến, việc đánh giá, xếp hạng di tích tại nhiều địa phương đã được thực hiện đúng trình tự luật định thời gian qua, nhưng thực tế vẫn còn nhiều công trình có giá trị nằm trong dân, thuộc sở hữu riêng của người dân còn chưa được kiểm kê, xếp hạng. Vì ranh giới thống nhất quan điểm theo từng góc nhìn của từng bên liên quan trong câu chuyện này (cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, người quản lý và sử dụng trực tiếp) trong những câu chuyện như thế này là rất khác biệt nên trong giai đoạn hiện nay, nhất thiết công tác bảo tồn các di tích kiến trúc phải được thực hiện theo đúng theo các hành lang pháp lý về quản lý và bảo tồn di sản để đảm bảo tính công bằng và nhất quán cho các bên liên quan, đặc biệt là tính chuyên môn và khoa học. Nhưng trường hợp các di tích chưa được xếp hạng có khả năng dễ dàng bị lọt và hủy hoại vẫn đang diễn ra như các phương tiện thông tin tại chúng đã phản ánh thời gian qua chứng tỏ công tác đánh giá, kiểm kê và quản lý di sản cần được đẩy mạnh nhiều hơn nữa, để có thể là cơ sở để có thể thực hiện bảo tồn di công trình di sản kiến trúc theo đúng quy trình và cách thức của pháp luật.

Cùng với đó, quy trình thực hiện đối với các công trình di tích kiến trúc chưa được xếp hạng từ khâu đánh giá, kiểm kê, xếp hạng, lập hồ sơ khảo sát – thiết kế, thi công… cần những khoản kinh phí lớn và thời gian dài, đòi hỏi tính chuyên môn cao. Rõ ràng đây là một trở ngại rất lớn để người dân và các tổ chức dân cư tại địa phương có thể chủ động tham gia. Rất cần có các hướng dẫn tuyên truyền mới để nâng cao nhận thực của chung công đồng về việc này, cũng như phát huy tốt các nguồn lực xã hội để cùng chung tay.

Cuối cùng, qua thực tế hầu hết các trường hợp Công trình nhà thờ Chánh tòa Bùi Chu hay Dinh thượng Thơ TPHCM, Khu Hòa Bình Đà Lạt đều chỉ được các cơ quan quản lý nhà nước chú ý và vào cuộc sau khi được các phương tiện báo chí và công luận nêu lên. Chính vì vậy, có thể coi đây là một kênh giám sát và phản biện rất tốt với riêng công tác bảo tồn di sản kiến trúc. Trong thời gian tới, cần có nhiều thêm các hành lang mở để đẩy mạnh hơn nữa khả năng phát hiện và giám sát của giới chuyên môn lý luận phê bình kiến trúc, bảo tồn di sản, kiến trúc sư, cộng đồng và người dân, để kịp thời phản ảnh cách trường hợp còn khiếm khuyết, giúp gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị của công trình kiến trúc di sản, đặc biệt, bao gồm cả các công trình di tích kiến trúc chưa được xếp hạng cho các thế hệ mai sau.

Hà Nội, ngày 13 tháng 05 năm 2019

ThS KTS Đặng Tiên Phong, ThS KTS Phạm Hoàng Phương