Bảo tồn di sản trong thời kỳ đô thị hóa (P1)

Bảo tồn là việc gìn giữ các di sản lịch sử văn hóa và thiên nhiên dưới nhiều cấp độ khác nhau, bao gồm các mặt hoạt động như gia cố, trùng tu . . . Ngày nay việc bảo toàn di sản văn hoá đã được công nhận là bộ phận hợp nhất của sự nghiệp phát triển môi trường và văn hoá. Các chiến lược quản lý để có thể đứng được trước mọi sự biến đổi mà vẫn tôn trọng di sản văn hoá cần phải hội nhập việc bảo toàn vào các mục tiêu kinh tế và xã hội đương đại, kể cả với du lịch.

Bảo tồn – với mục đích là kéo dài đời sống của di sản văn hoá và, nếu có thể, làm sáng tỏ các thông điệp mỹ thuật và lịch sử nằm trong di sản mà không làm mất tính xác thực và ý nghĩa của di sản. Bảo tồn là một hoạt động văn hoá, mỹ thuật, kỹ thuật và thủ công dựa trên các nghiên cứu có hệ thống về nhân văn và khoa học. Bảo tồn phải tôn trọng bối cảnh văn hoá.

​Trên thế giới công tác bảo tồn đô thị cổ, các di sản văn hóa kiến trúc được cộng đồng thế giới và chính quyền các quốc gia quan tâm đặc biệt. Hội đồng quốc tế về công trình và cảnh quan(ICOMOS) họp tại Venise năm 1964 đã công bố hiến chương quốc tế bảo tồn và tôn tạo các công trình cảnh quan”. Được sửa đổi năm 1979 tại hội nghị Burra( Australia). Năm 1972 tại Paris hội đồng UNESCO của liên hiệp quốc đã ra bản “công ước quốc tế về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới”. việt nam đã tham gia công ước này từ ngày 19/10/1987. cho đến nay, hội đồng bảo tồn thế giới đ công nhận gần 500 di sản của quốc gia, trong đó phần quan trọng của các di sản là các đô thị cổ, các khu phố cổ như Cario (Ai Cập), Istanbul( Thổ Nhĩ kỳ), Roma, Florence (Italia), Peterburg(Nga), Varsava(Ba lan), Ăng co Vát, Ăng co Thom (Campuchia)…

Tại các nước trên thế giới, di sản văn hóa kiến trúc được xem như một yếu tố cần thiết để tìm hiểu bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Là một phần quan trọng không thể thiếu trong đời sống hiện đại khi nhu cầu du lịch văn hóa phát triển mạnh như hiện nay.

Một góc Sài gòn xưa

Ở nước ta chỉ mới hai tháng sau khi đọc bản tuyên ngôn độc lập, Hồ chủ tịch đã chăm lo đến công tác bảo tồn. Cụ ban hành sắc lệnh bảo tồn các công trình cũ – Sắc lệnh 65/SL/1945 ký ngày 23/11/1945 của Hồ Chí Minh : “ấn định nhiệm vụ Phương Đông Bác cổ học viện” có nhiệm vụ bảo tồn tất cả các cổ tích trong toàn cõi Việt Nam. Sắc lệnh đã đánh giá cao vai trò của di sản văn hoá coi “Việc bảo tồn cổ tích là việc cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước nhà”. Sắc lệnh nêu rõ: “Nghiêm cấm việc phá hủy những đình chùa, đền miếu hoặc nơi thờ tự khác, những cung điện, thành quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bia ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo hay không, có ích cho lịch sử, nhưng chưa được bảo tồn”.

Ngày nay, luật di sản 2001 cũng làm rõ và chỉ ra các chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân và góp phần phát triển kinh tế –  xã hội.

Tuy nhiên, hiện có nhiều vấn đề còn tồn tại trong việc công nhận và chính sách bảo vệ di tích. Muốn lập hồ sơ công nhận di tích một công trình hồ sơ phải đảm bảo hai yếu tố:

  • Đơn đề nghị của đơn vị chủ quản:

Hiện nay gần như không có đơn vị chủ quản nào muốn làm đơn công nhận di sản với công trình mà mình đang sở hữu/ sử dụng. Bởi lẽ, thủ tục làm đơn ,bản vẽ, đánh giá, nghiên cứu lịch sử rất rườm rà. Phần lớn chủ sở hữu /CDT không có chuyên môn, phải thuê mướn rất mất thời gian và mất nhiều tiền. Nếu được công nhận sau khi nộp hồ sơ thì khâu quản lý sửa chữa rất mất thời gian, rất ít sự tham gia hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước và quản lý di sản. Chỉ duy nhất Hội An có cơ chế giúp đỡ người dân trong việc xin phép và xây dựng.

Sau khi được công nhận, nhà nước cũng rất ít kinh phí chu cấp cho việc trùng tu, tôn tạo công trình (đối với công trình nhà nước quản lý). Đối với công trình tư nhân thì chủ đầu tư tự bỏ tiền ra trong khi phải đảm bảo các tiêu chuẩn như vật liệu thay thế, biện pháp thi công, yếu tố thẩm mỹ,…

Dinh Thượng Thơ thời xưa
  • Công trình đó phải có giá trị tiêu biểu và tất cả các yếu tố gốc vẫn còn giữ nguyên vẹn:

Đây là vấn đề gây mâu thuẫn về mặt thực tế của di tích. Các tháp Chăm, nền tháp cổ, công trình hành chính,… sau khi tiếp quản từ chế độ trước để lại bị cơi nới vô tội vạ mà không có sự nghiên cứu kỹ lưỡng. Với thời gian dài di tích không được tu bổ, thì rất khó để đảm bảo nguyên vẹn yếu tố gốc. Dinh Thượng thơ không nằm ngoài quy luật đó.

Việc công nhận một di sản không thể không có ý kiến từ cộng đồng kết hợp với hội đồng đánh giá xếp hạng. Di sản không thể thiếu sự hỗ trợ tối đa từ phía nhà nước, không thể thiếu các chính sách ưu đãi hỗ trợ từ phía nhà nước và cộng đồng trong xã hội. Vì di sản mục đích chính là phục vụ cộng đồng xã hội. Di sản phải được quản lý bởi thiết chế văn hóa thay vì một công ty của nhà nước hay của hội đoàn, nghiệp đòan.

Sự công nhận về di sản không chỉ đơn giản là vấn đề bảo vệ những công trình lịch sử hay những công trình xây dựng cũ mà quan trọng hơn, phải bảo tồn toàn bộ môi trường lịch sử của di sản với vai trò quan trọng trong sự đa dạng của văn hóa. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng việc thẩm định di sản, xếp hạng di sản thuộc về kiến trúc hay trí tuệ và thừa nhận tầm quan trọng của nó.

Đôi nét về Dinh Thượng Thơ:

Được xây dựng vào năm 1860, Dinh Thượng Thơ (Direction de l’intérieur – Sở Nội vụ) hay còn được biết đến với cái tên Bureaux du Directeur de l’intérieur (Văn phòng giám đốc nội vụ, 1863-1891) hay Bureaux du Secrétariat du gouvernement de la Cochinchine (Văn phòng ban thư ký chính phủ Nam Kỳ, 1894-1945) dưới thời Pháp thuộc.

Lục trong các tài liệu về Sài Gòn Cochinchine chỉ thấy nói sơ sài về dinh này. Công trình là nơi điều hành trực tiếp của các thanh tra sự vụ bản xứ về toàn bộ vấn đề dân sự, tư pháp và tài chính của thuộc địa (Tòa nhà 59-61 Lý Tự Trọng, quận 1 – Sở thông tin truyền thông TPHCM). Nó còn xây dựng trước cả Hotel de viile de Saigon (UBND TP.HCM ngày nay).

Cho đến năm 1888, chức năng của cơ quan này được nhập vào Thơ Ký Thống đốc Nam kỳ (vị trí 213 Đồng Khởi) và bản đồ năm 1890 cho thấy một tòa nhà quy mô lớn hơn được xây dựng như hiện nay. Vào đầu thế kỷ 20, cơ quan này còn có tên là Văn phòng Chính phủ.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, tòa nhà có một giai đoạn ngắn được dùng làm trụ sở Bộ Nội vụ, kể từ năm 1955 là Bộ Kinh tế của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Tòa nhà còn xuất hiện trong phim Người Mỹ thầm lặng bản năm 1958.

Xem tiếp : Bảo tồn di sản trong thời kỳ đô thị hóa (P2)

KTS.Cao Thành Nghiệp
© Tạp chí Kiến trúc