Di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội : Thiên thời + Địa lợi + Nhân hòa

Ngày 31/7/2010, sau một thời gian thẩm định hồ sơ và kiểm tra tại chỗ, khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Xin được chung vui và cám ơn tất cả những người có trách nhiệm đã hết sức nỗ lực, những người bạn đã hết sức ủng hộ Việt Nam để đạt được quyết định này. Nhìn lại cách đây chừng 1 năm mọi chuyện còn dẫm chân tại chỗ, thậm chí chỉ 1-2 tháng trước vẫn còn phải tranh cãi gay cấn, để thấy đây là một sự kiện rất có ý nghĩa, một món quà cho Hà Nội vào đúng dịp Đại lễ 1000 năm. Tuy nhiên, danh hiệu Di sản thế giới không phải chỉ để “trang trí” cho dịp Đại lễ 2010, mà cần được phát huy giá trị lâu dài và hiệu quả. Trong khi đó chúng ta chưa thực sự chuẩn bị chu đáo trên thực tế để tiếp nhận danh hiệu này, mà chủ yếu là vận động thuyết phục để 18/21 quốc gia thành viên Ủy ban Di sản công nhận – chính vì vậy quyết định của UNESCO phải kèm theo một loạt khuyến nghị về việc mở rộng nghiên cứu di sản và cải thiện điều kiện quản lý bảo tồn.

 

Giờ đây, khi mục tiêu trở thành di sản thế giới đã đạt được thì câu chuyện Hoàng Thành Thăng Long rất có thể lại rơi vào tình trạng đóng băng như trước vì không còn động lực nào thôi thúc. Việc nghiên cứu thì có thể bị xem là đã xong cơ bản, kết quả đã được thừa nhận nên không cần tiếp tục nữa mà nên chuyển sang hành động (“tích cực” thì khai quật trên diện rộng, “thận trọng” thì phục dựng hình ảnh bằng máy tính – lại có ý kiến nên dừng lại và “suy nghĩ”), trong khi công tác quy hoạch bảo tồn vẫn dẫm chân tại chỗ. Mặt khác, các nhà quản lý và đầu tư có thể cùng chung một ý nghĩ “lạc quan” rằng khu vực bảo tồn đã được xác định nên từ giờ có thể xây dựng và phát triển thoải mái tại những lô đất lân cận (không nằm trong phạm vi di sản hiện có). Hệ quả là dù thế nào thì Hoàng thành Thăng Long cũng sẽ phải đối diện với nguy cơ bị đưa vào Danh sách đỏ các di sản bị đe dọa.

 

Nguy cơ đó là hoàn toàn có thực: ngày 25/6/2009 UNESCO đã tước bỏ danh hiệu Di sản thế giới của Thung lũng sông Elber ở Dresden (Đức), sau 3 năm đưa vào Danh sách đỏ để cảnh báo (2006) và 2 lần trì hoãn quyết định để thuyết phục chính quyền hủy bỏ dự án bắc cầu ngang qua đây – kể cả gợi ý ủng hộ phương án làm đường hầm thay thế cầu để bảo tồn cảnh quan – nhưng không được. Trước đó (2007) một khu bảo tồn thiên nhiên ở Oman cũng đã bị loại khỏi danh sách Di sản thế giới. Ở Hà Nội, nếu năm 2004 việc chuyển dự án Trung tâm Hội nghị quốc gia để bảo tồn di chỉ khảo cổ được đánh giá là một điểm cộng, thì nay việc xây dựng Nhà Quốc hội với quy mô to lớn không kém ngay tại đó lại là một điểm trừ bất lợi và khó có thể lý giải. Vài năm nữa khi lại thêm một công trình cao tầng của Bộ Quốc Phòng mọc lên ngay bên di tích Bắc môn thì nguy cơ ấy rất có thể sẽ trở thành hiện thực – nhất là khi chúng ta chưa thể thực hiện được những khuyến nghị của UNESCO về đảm bảo phạm vi vùng đệm, sự tiếp cận di sản và diễn giải các giá trị.

 

Phương Đông quan niệm con người nằm trong sự hài hòa với trời đất (Thiên – Địa – Nhân), nhưng “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” nên cái gì sinh ra để trường tồn được với thời gian cũng phải hội đủ 3 yếu tố Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa. Phương Tây lại có câu ngạn ngữ: ai khởi sự là đã làm được một nửa công việc – cũng có nghĩa là trách nhiệm được đặt lên vai những người kế tiếp: sẽ hoàn tất nửa còn lại một cách mỹ mãn, hay là để nó cứ mãi dang dở, thậm chí bị đẩy lùi về chỗ ban đầu. Có thể nói Thiên thời và Địa lợi là những yếu tố khách quan đã được tận dụng để có được một sự khởi đầu thành công, nhưng chính cái Nhân hòa quyết định nửa tương lai còn lại của di sản lại là yếu tố đáng quan ngại, vì thực sự nó rất phức tạp mà chưa đạt được sự hội tụ cần thiết, hơn nữa lại là yếu tố chủ quan nên dễ bị duy tình hoặc duy ý chí. Rồi từ đây nhìn lại thì liệu thiên thời vẫn còn hay đã hết? Địa lợi liệu còn khai thác được đến đâu?

Thiên thời là thời cơ / cơ hội thuận lợi trời cho, nó vô hình và diễn tiến khách quan, chúng ta chỉ có thể tận dụng nó tùy theo nhận thức của mình chứ không thể tạo ra theo ý muốn. Thiên thời có thể chỉ là một thời điểm xác định nhưng cũng có thể là cả một thời kỳ / một thời đại. Với câu chuyện Hoàng thành, chúng ta mới tận dụng thời cơ gắn với một mốc thời gian cụ thể là năm 2010 (gần hơn nữa là vào dịp Đại lễ đầu tháng 10) như một thời hạn chót để hối thúc. Thời cơ kiểu này sẽ không còn nữa, trong khi nguy cơ thì luôn tiềm tàng và có chiều hướng gia tăng.

Song nếu nhìn rộng hơn nữa thì có thể thấy rằng thế giới đang bước sang một thời đại mới trong nhận thức về các giá trị văn hóa, từ chỗ lấy châu Âu làm trung tâm (Eurocentrism) đã mở rộng ra các khu vực khác của thế giới (Euroexcentrism), và đó là cơ hội / vận hội cho chúng ta trong việc nghiên cứu và phát huy giá trị di sản của Hoàng Thành. Các hiến chương và văn kiện về bảo tồn cho thấy sự mở rộng nội hàm của khái niệm di sản (đồng thời cũng là phạm vi của công tác bảo tồn) từ các công trình riêng lẻ đến cụm công trình và quần thể cho tới các khu vực đô thị và sang các cấu trúc phi vật chất, các yếu tố tinh thần / phi vật thể; cách tiếp cận bảo tồn chú trọng các mối liên kết văn hóa có phạm vi bao quát rộng hơn, thoát khỏi ảnh hưởng độc tôn của châu Âu, hướng tới sự đa dạng văn hóa và các di sản bản địa. Đặc biệt trong 2 thập kỷ gần đây có thể thấy xu thế tiếp thu / ghi nhận những vấn đề đặc thù của văn hóa / kiến trúc Á Đông (sự lồng ghép đa thành phần, đa nguồn gốc) để bổ sung cho lý luận bảo tồn vốn hình thành và dựa trên nền tảng của văn hóa phương Tây.

Nước Úc – quốc gia phương Tây nhưng nằm ở phương Đông, với sự đa dạng của văn hóa chính thống và văn hóa bản địa – mở màn cho xu thế này với Hiến chương Burra (1979, sửa đổi nhiều lần vào các năm 1981, 1988, 1999) về bảo tồn các địa điểm có ý nghĩa văn hóa (tức là có các giá trị về lịch sử, thẩm mỹ, khoa học, xã hội / tinh thần), theo đó đặc trưng của địa điểm không chỉ là cấu trúc vật chất mà còn phụ thuộc vào bối cảnh, môi trường chung quanh và các yếu tố phi vật thể khác. Quy hoạch bảo tồn phải đi trước để xác định những đặc tính làm cho địa điểm có tầm quan trọng và đặc biệt.

Nhật Bản – quốc gia phương Đông theo kiểu phương Tây – nối tiếp với Văn kiện Nara về tính xác thực (1994) xem xét lại và mở rộng khái niệm về các khía cạnh của tính nguyên gốc để kiểm định các đề cử công nhận Di sản thế giới, cũng xuất phát từ yêu cầu tôn trọng sự khác biệt về văn hóa. Theo đó phương pháp giữ gìn tính nguyên gốc của di sản phụ thuộc vào quan niệm văn hóa của mỗi dân tộc, từ đó đề ra nguyên tắc chỉ đạo giúp các quốc gia đề xuất hướng tiếp cận mới trong việc bảo tồn di sản văn hóa của mình.

Trung Quốc – quốc gia châu Á đông dân nhất thế giới, với nền văn hóa lâu đời và một quỹ di sản khổng lồ, chỉ riêng các địa điểm di sản cấp quốc gia đã có khoảng 1300 và cấp địa phương là trên 7000 – cũng xây dựng cho mình những Nguyên tắc bảo tồn các địa điểm di sản của Trung Quốc (2000, chỉnh sửa 2004), dựa trên các Hiến chương quốc tế Venice 1964 và Burra 1999. Theo đó các địa điểm di sản có các giá trị lịch sử, thẩm mỹ và khoa học (với những khía cạnh cụ thể), việc bảo tồn phải làm rõ và giữ nguyên bối cảnh lịch sử của địa điểm, đồng thời phải mang lại lợi ích về kinh tế và xã hội. Trung quốc cũng đề xuất cách thức ứng xử (chuyển vị và phục dựng) đối với những di chỉ / di sản bị đe dọa phá hủy bởi thiên tai và các dự án phát triển

Việt Nam cũng được gắn tên với 2 văn kiện của UNESCO. Nghị định thư Hội An (2003) về vấn đề bảo tồn các khu phố lịch sử của châu Á (với đặc trưng cơ bản là “cảnh quan văn hóa” – sự thống nhất hình thái cấu trúc và cảnh quan đô thị với truyền thống văn hóa và sinh hoạt của dân cư), dựa trên các nguyên tắc về sự tham gia của cộng đồng, sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển du lịch, bảo tồn di sản kiến trúc gỗ trong các khu phố lịch sử, đối phó với các nguy cơ trong quy hoạch di sản, củng cố sự hợp tác giữa chính quyền với giới chuyên môn và hợp tác quốc tế.

Gần đây nhất là Tuyên bố Hà Nội (2009) về Cảnh quan đô thị lịch sử – những khung cảnh đương đại chứa đựng dấu ấn lịch sử phản ánh một thời kỳ nhất định trong quá trình hình thành và phát triển đô thị, và vì vậy cần được nhận diện để bảo tồn cho tương lai với tư cách là những di sản. Vấn đề được đặt ra như một khái niệm mới của các đặc tính di sản / một hạng mục mới của các địa điểm di sản, từ đó hình thành những nguyên tắc để điều tiết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, như là sự kết nối bổ sung cho các giá trị di sản trên các khía cạnh môi trường, thị giác, văn hóa, tinh thần và xã hội.

Trong bối cảnh như vậy, Luật Di sản văn hóa của Việt Nam (2001) chỉ xác định các di sản nói chung có 3 giá trị (lịch sử, văn hóa, khoa học – riêng các danh lam thắng cảnh có giá trị lịch sử, thẩm mỹ và khoa học – Điều 1 & 4) nhưng không chỉ rõ những khía cạnh cụ thể của mỗi giá trị nên khó cho việc xác định và diễn giải. Bản thân sự phân định như vậy đã không thỏa đáng, vì các di sản kiến trúc ít hay nhiều đều có giá trị thẩm mỹ, còn các thắng cảnh thì chỉ một vài cái có giá trị khoa học nhưng hầu hết đều có giá trị văn hóa – chúng do tự nhiên tạo ra nhưng được con người tích hợp thêm giá trị văn hóa không nhỏ (thông qua việc phát hiện cái đẹp, đặt tên / địa danh, gắn với những truyền thuyết / hình ảnh có tính biểu trưng, thể hiện tâm tư nguyện vọng của cộng đồng, phản ánh tinh thần dân tộc, bổ sung các công trình để khai thác sử dụng). Rõ ràng là hệ thống giá trị của ta còn rất mơ hồ và để lọt nhiều yếu tố – chẳng hạn các địa danh cũng là một thành phần của cảnh quan văn hóa – lịch sử có giá trị di sản nhưng chưa hề được đề cập.

Các nội dung giá trị của khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long dù đã được công nhận là di sản thế giới nhưng nếu so với các tiêu chí của UNESCO thì vẫn có một độ vênh nhất định phải giải quyết bằng sự biện luận và diễn giải. Đó là do chúng ta mới tập trung tìm hiểu khía cạnh lịch sử thông qua các di vật khảo cổ và các phế tích kiến trúc rời rạc, thiếu tính tổng thể, trong khi hệ thống giá trị của di sản còn có các khía cạnh nghệ thuật / thẩm mỹ, thông tin / khoa học, văn hóa – xã hội và giá trị biểu trưng / tinh thần vẫn chưa được để tâm nghiên cứu. Các giá trị văn hóa – xã hội vốn được tích lũy theo thời gian và sau 13 thế kỷ liên tục chắc chắn là không hề nhỏ, nên giờ đây cần được làm rõ và tạo cơ hội để có thể cộng hưởng với giá trị lịch sử trở thành đặc biệt độc đáo và đặc sắc. Tính biểu tượng là một đặc trưng văn hóa tiêu biểu, cho nên giá trị biểu trưng cũng rất cần được xác định như là sự đúc kết từ các yếu tố tinh thần (của thời gian, của địa điểm, của chức năng, của con người) và được cụ thể hóa cho dễ hình dung, dễ hiểu, dễ tiếp thu. Ví dụ: biểu tượng của Thăng Long – Hà Nội “ngàn năm văn hiến” không thể là Khuê Văn Các (dù gắn với Văn Miếu nhưng tuổi thọ mới hơn một thế kỷ), càng không phải là Tháp Rùa (vì không hề có giá trị nghệ thuật), mà nên khai thác hình tượng chùa Một Cột cũng cùng độ tuổi 1000 năm và đang hiện hữu trong khu vực lân cận di sản. Các giá trị thông tin / khoa học cũng cần được củng cố và kiểm chứng tính xác thực thông qua việc chủ động truy tìm và nghiên cứu các nguồn tư liệu trực tiếp và gián tiếp đang nằm tại các kho lưu trữ trong và ngoài nước. Gần đây mỗi khi thời cuộc “có việc” là lại có người tìm được tài liệu, khi thì mộc bản khắc bài Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn, hay mấy tờ sắc phong / biên bản / báo cáo khẳng định chủ quyền,.., cho nên khả năng có sự đột phá hay phát hiện mới trong khía cạnh này là rất lớn.

Về mặt Địa lợi, có thể nói di sản nằm ở vị trí đắc địa ngay tại khu vực trung tâm ổn định của Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay, với sự tập trung nhiều loại di sản / di tích của nhiều thời đại trong phạm vi lân cận. Tuy nhiên lợi thế này chưa được khai thác đúng tầm để tạo nên sự tích hợp các giá trị, mà vẫn bị tình trạng “chia năm xẻ bảy” theo hiện trạng và liên kết một cách lỏng lẻo, không cái nào đạt được tính toàn vẹn. Ngay trong phạm vi di sản thế giới đã có sự phân lập: khu 18 Hoàng Diệu có tính chất là một di chỉ khảo cổ, âm xuống lòng đất; khu trung tâm Cột Cờ – Cửa Bắc lại là tập hợp những di tích riêng lẻ của các thời kỳ khác nhau trên mặt đất; sự liên hệ giữa 2 bên về tổng thể không có vì ngăn cách bởi đường Hoàng Diệu. Khu vực Hoàng thành (trung tâm quyền lực thời phong kiến) và Quảng trường Ba Đình (trung tâm hành chính – chính trị hiện thời) đều được công nhận là 2 di sản quốc gia đặc biệt (2008), nhưng tồn tại bên cạnh nhau một cách biệt lập và gượng ép. Vì vậy những mối liên hệ đã có rất cần được bảo lưu, nếu bị cắt đứt sẽ rất khó phục hồi – thậm chí có thể trở thành xung đột như tại khu vực xây dựng Nhà Quốc hội.

Một cách tự nhiên nên coi các khu vực nói trên là những thành phần của một địa điểm di sản chung (mà về mặt vị trí thì đúng là như vậy) – với ý nghĩa là trung tâm hành chính / chính trị tập trung liên tục qua các thời kỳ lịch sử, từ thời tiền Thăng Long cho đến ngày nay. Việc liên kết các khu vực / hạng mục rất khác biệt nhau như vậy có thể thông qua vấn đề cảnh quan đô thị lịch sử theo tinh thần của tuyên bố Hà Nội (2009). Cảnh quan đô thị lịch sử được hiểu là “những quần thể gồm một nhóm công trình cùng với các cấu trúc và các không gian mở, kể cả các di chỉ khảo cổ và cổ sinh học trong ngữ cảnh tự nhiên và sinh thái của chúng, tạo thành nơi định cư của con người trong môi trường đô thị có liên quan đến một thời kỳ nhất định mà sự hấp dẫn và giá trị của nó được thừa nhận trên các khía cạnh khảo cổ, kiến trúc, tiền sử, lịch sử, khoa học, thẩm mỹ, văn hóa – xã hội hoặc sinh thái”. Khái niệm này – cùng với những đặc tính “integrity” quan trọng nhất (physical / visual / functional integrity) – cần được diễn giải phù hợp với đặc thù văn hóa của Hà Nội, trong bối cảnh cụ thể của địa điểm di sản hợp nhất. Trong trường hợp này, có thể tham chiếu Hiến chương Burra kết hợp với Văn kiện Nara về tính xác thực, theo đó ý nghĩa văn hóa của địa điểm có thể thay đổi theo dòng lịch sử và nhận thức về nó có thể thay đổi theo những thông tin mới thu nhận được. Hơn nữa, có thể chấp nhận việc xây dựng công trình mới như một phương thức để cộng sinh các giá trị nếu nó không làm sai lệch / mờ mịt ý nghĩa văn hóa của địa điểm, không làm giảm cách thể hiện và đánh giá.

 

Để tích hợp thêm các giá trị văn hóa và biểu trưng, có thể nghiên cứu mở rộng phạm vi vùng đệm lên phía Bắc, xuống phía Nam và sang phía Tây, bao gồm cả đền Quán Thánh, nhà thờ Cửa Bắc, chùa Châu Long, chùa Một Cột, đình – chùa Ngọc Hà, Văn miếu – Quốc Tử Giám, Y Miếu, Bích Câu đạo quán,.. (với ý nghĩa biểu hiện sự đa dạng văn hóa, dung hợp các tôn giáo và tín ngưỡng). Về phía Đông, nếu có thể coi khu vực Bộ Quốc Phòng với quy mô ổn định như hiện nay cũng là khu vực đệm / cách ly (giảm thiểu nguy cơ vì không ai khác có thể xâm hại di sản từ phía này), thì có khả năng hình thành chuỗi cảnh quan đô thị lịch sử từ Tây sang Đông gồm: Ngọc Hà (làng trong phố), Ba Đình – Hoàng Thành (trung tâm chính trị – lịch sử) – khu phố cổ (đô thị truyền thồng) và khu phố cũ (cảnh quan đô thị cận đại) ở phía Nam, với sự chuyển hóa các hình thái kiến trúc – đô thị tương ứng. Vùng đệm như vậy cũng chứa đựng hầu hết những dấu tích cơ bản của vòng thành Hà Nội thời Nguyễn (xây kiểu Vauban), thậm chí cả một đoạn La thành Thăng Long (đoạn đầu đường Hoàng Hoa Thám). Trong khu vực này còn có thể khai thác một hệ thống các di tích / công trình tưởng niệm / tượng đài / bảo tàng,.. gắn với danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh và rất nhiều nhân vật lịch sử khác.

Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa?

Bảo tồn là tổng thể các biện pháp nhằm đảm bảo sự tồn tại lâu dài / bền vững và tự nhiên của di sản – ở đây bao hàm cả 3 tầng ý nghĩa: các giá trị di sản, hình thể di sản (đối tượng kiến trúc / cấu trúc vật chất chứa đựng các giá trị) và địa điểm di sản (môi trường / bối cảnh xung quanh). Sự tồn tại tự nhiên (và bền vững) có nghĩa là di sản phải được “sống” chứ không bị “đóng băng” (ví dụ: bị bảo tàng hóa, cách ly khỏi đời sống xã hội), được gắn với những hoạt động nhất định của cộng đồng để được thường xuyên chăm sóc (bảo quản, sửa chữa), hạn chế những sự can thiệp lớn gây xáo trộn / gián đoạn đời sống (ví dụ: trùng tu / phục chế) và tạo được nguồn kinh phí hỗ trợ / bổ sung cho bảo tồn. Do đó quy hoạch bảo tồn phải đi trước để làm rõ và hệ thống hóa các giá trị di sản, trên cơ sở đó xác định phương thức bảo tồn để duy trì trạng thái cộng sinh tối ưu giữa các giá trị và cơ thể di sản, giữa di sản và địa điểm, đồng thời có các biện pháp thích hợp để diễn giải / giới thiệu rộng rãi các giá trị đó.

Như vậy bảo tồn di sản đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều lĩnh vực, huy động nhiều nguồn lực, rất dễ gặp phải sự xung đột về quan điểm và lợi ích. Với khái niệm “di sản” được mở rộng, thì càng phải phối hợp các biện pháp thuộc các lĩnh vực khác nhau nhằm đảm bảo sự tồn tại tự nhiên và bền vững của các giá trị và đặc trưng di sản. Cho nên một nguyên tắc cơ bản trong việc thực hiện bảo tồn là phải đảm bảo được sự đồng thuận của các đối tượng có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Nhưng trong việc nghiên cứu và xây dựng chiến lược bảo tồn thì sự đồng thuận quan điểm không phải là điều kiện tiên quyết, mà quan trọng hơn cả là sự chia sẻ thông tin và hợp tác có trách nhiệm, tôn trọng tiếng nói chuyên môn. Trong thời gian vừa qua, giới khảo cổ học đã độc quyền đi trước và có thể xem là đã hoàn thành nhiệm vụ lập hồ sơ để công nhận Di sản thế giới. Nay đã đến lúc phải tạo điều kiện cho các nhà chuyên môn về bảo tồn và các chuyên ngành có liên quan nhập cuộc để làm rõ hệ thống giá trị di sản, lập quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long gắn liền với khu trung tâm chính trị Ba Đình.

Vấn đề là chúng ta chưa có cơ chế phối hợp đa ngành trong lĩnh vực này và chưa có cơ quan chuyên trách đóng vai trò là nhạc trưởng, nên vẫn bị tình trạng thiếu phối hợp “mạnh ai người nấy làm”, “cờ đến tay ai người nấy phất”, nặng nề hơn thì là “nói một đằng, làm một nẻo”, “đánh trống bỏ dùi”. Vì vậy cần phải có sự thống nhất cao trong nhận thức và quyết tâm cao trong hành động của các cấp trong việc lập quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị của khu vực di sản này. Lưu ý rằng trên cơ sở quy hoạch bảo tồn mới có thể quyết định việc nên tiếp tục khai quật ở những vị trí nào để tìm bằng chứng thực tế khẳng định cho giả thuyết khoa học. Bản thân Hiến chương Lausanne về các di sản khảo cổ (1990) cũng đã nói rất rõ rằng: một nguyên tắc tối quan trọng là không được phá hoại các chứng tích, mà việc khai quật luôn bao hàm việc chọn lọc một số dữ liệu và để mất những dữ liệu khác, cho nên luôn ưu tiên cho các kỹ thuật quan sát trên không và thám sát hơn, chỉ khai quật những di chỉ bị đe dọa phá hủy – trường hợp đặc biệt để nghiên cứu hoặc để trưng bày cho công chúng thì trước hết phải có sự đánh giá toàn diện và khoa học về di chỉ. Việc phục dựng bằng mô hình hay bằng kỹ thuật số khi không có đủ cứ liệu trực tiếp thì nhiều phần là phỏng đoán, tiềm ẩn nguy cơ tạo cho công chúng nhận thức sai lệch về di sản, nếu không có phần mềm chuyên dụng và được quản lý tốt cũng dễ bị ngộ nhận / nhầm lẫn với thông tin khoa học. Phải nói thẳng là các cứ liệu cho việc phục dựng (thậm chí chỉ là phục hiện) không có nhiều trong hố khai quật mà cần tìm kiếm trong các loại kho lưu trữ (kể cả ở nước ngoài). Việc triển lãm chỉ vài trăm hiện vật khảo cổ nhân dịp đại lễ đặt ra vấn đề về cách thức bảo quản và trưng bày hàng triệu hiện vật còn lại – của cả những điểm khai quật khác nữa. Mặc dù Bảo tàng Hà Nội đang gấp rút hoàn thiện ở Mỹ Đình, nhưng một bảo tàng / nhà trưng bày ngay tại địa điểm di sản (quy tụ tất cả những gì liên quan đến Thăng Long trong phạm vi La thành) vẫn là nhu cầu thiết yếu. Không biết Quốc hội (với tư cách là cơ quan lập pháp tối cao) có thể quyết định “nhường” vị trí hiện nay của mình để xây dựng bảo tàng và chuyển nhà Quốc hội sang khu vực Bộ Quốc Phòng như mấy năm nay vẫn đang dùng tạm?

Cuối cùng, Hà Nội cần thành lập một trung tâm đào tạo về di sản để bồi dưỡng nhân lực trong lĩnh vực bảo tồn và quản lý các địa điểm văn hóa cũng như tập huấn các hướng dẫn viên về các vấn đề, nguyên tắc và thực tiễn di sản, với sự phối hợp chặt chẽ về chuyên môn của các trường đại học và các tổ chức đào tạo/ nghiên cứu về bảo tồn. Di sản thế giới phải được xem là tài sản của quốc gia, thậm chí là của toàn nhân loại, cho nên phải đảm bảo cho người dân có khả năng tiếp cận di sản và tham gia vào việc tổ chức các sinh hoạt văn hóa / sinh hoạt cộng đồng, để lồng ghép được những nội dung hoạt động “sống” vào các không gian di sản đang bị “đóng băng” hiện nay.

 Tài liệu tham khảo:

1. Viện KHCNXD. Khoa học công nghệ bảo tồn, trùng tu di tích kiến trúc. 2003.

2. ICOMOS China. Principles for the Conservation of Heritage Sites in China. 2004. 

3. Nguyễn Vũ Phương. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc trung tâm lịch sử đô thị Hà Nội theo hướng du lịch văn hóa. Luận án. 2006.

4. Rethinking Cultural Heritage – Experiences from Asia and Europe. 2007.

5. Forum UNESCO – University and Heritage. Historic Urban Landscape. Hội thảo lần thứ XII. Hà Nội. 2009.

TS.KTS Nguyễn Trí Thành