Ngôi nhà ở truyền thống các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc – Một dạng kiến trúc xanh Việt Nam

Từ các miền quê Việt – không ai quên được những ngôi nhà ở cổ truyền của ông cha với mái tranh rạ, (dừa, cọ) cột kèo: gỗ, tre; phên liếp, nứa, đất; cửa đi, cửa sổ thoáng với những tấm che nắng linh hoạt, khi di chuyển hoặc hư hỏng thì ngôi nhà hầu như không để lại dấu tích – mọi vật liệu làm nhà đều từ thiên nhiên nên lại trở về hòa nhập với đất. Tại vị trí đó người ta có thể xây một ngôi nhà mới hoàn toàn, hoặc chuyển thành vườn, ruộng – nghĩa là không để lại vùng đất ô nhiễm nào cả. Đó chính là một dạng “kiến trúc xanh”. 
Ngôi nhà đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay vẫn còn giữ lại được rất nhiều những yếu tố “xanh” từ một vài phân tích khía cạnh “xanh” của những ngôi nhà đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, mong rằng có thể ứng dụng nhiều hơn trong kiến trúc hiện đại.
Ngôi nhà dân tộc Hà Nhì, dẫn tộc Mường trong sử dụng vật liệu tự nhiên, tái tạo
Hiểu về kiến trúc xanh:
Trên thế giới, có nhiều định nghĩa “kiến trúc xanh” của các tổ chức và cá nhân khác nhau. Theo Briand Edwards thì kiến trúc xanh được tổ hợp từ 3 yếu tố năng lượng – môi trường – sinh thái. Với các giáo sư trường Đại học NWS (Australia) thì kiến trúc xanh là kiến trúc hướng tới thải khí các bon bằng không. Theo hệ thống quy chuẩn của Đài Loan thì kiến trúc xanh gồm 9 tiêu chí, nhưng thực chất gồm bốn tiêu chí cơ bản: tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, thân thiện môi trường và ít ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Ở Việt Nam, kiến trúc xanh thực ra là một vấn đề không mới, vẫn còn nhiều cách nhìn nhận khác nhau nhưng chưa hình thành được hệ thống quy phạm – một chế tài bắt buộc phải tuân thủ khi thiết kế xây dựng công trình mà mới chỉ dừng ở mức luận đàm, cảnh tỉnh, kêu gọi. Trong thực tế, chưa có một công trình nào được thiết kế xây dựng thực sự “xanh”.
Ở đây người viết xin tạm đề xuất các tiêu chí kiến trúc xanh trong điều kiện Việt Nam:
-Dùng vật liệu tự nhiên tái sinh, vật liệu công nghiệp.
-Tiêu hao năng lượng sản xuất thấp.
-Tiết kiệm năng lương, sử dụng năng lượng tái tạo.
-Tiết kiệm nước và sử dụng nhiều nước tái tạo.
-Đảm bảo sức khỏe và tiện nghi sống con người tốt hơn.
-Giảm thiệu phát thải khí các bon.
-Ít chất thải, chất thải có khả năng tái sinh.
-Giảm thiểu ảnh hưởng sinh thái tự nhiên. 
Ngôi nhà ở truyền thống các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, một dạng kiến trúc xanh Việt Nam.
Nơi cư trú của người H'mông
Sử dụng vật liệu: Đa số nhà ở các dân tộc hiện nay đều sử dụng vật liệu có nguồn gốc hữu cơ từ tự nhiên. Trước đây, ta chỉ đề cập đến khía cạnh tiêu cực khi vật liệu xây dựng nhà của người dân tộc thiểu số gây ra nạn chặt phá, khai thác rừng bừa bãi, san ủi làm biến dạng thiên nhiên. Nhưng qua thống kê thực tế, trên 80% hành vi tàn phá rừng tự nhiên này là do người Kinh. Hiện nay nhà ở của nhiều dân tộc như Tày, Thái, Mường, Nùng, Dao…, hệ thống rường cột chính của ngôi nhà đều được lấy từ chính cây tự trồng trong vườn của họ theo một cách làm rất nhân văn là : sinh con – trồng cây; con lớn – cây lớn làm nhà cho con. Với sự lựa chọn loại cây trồng hợp lý có vòng đời sinh trưởng ngắn – chỉ khoảng 7-10 năm là có thể khai thác làm rường cột nhà. Các vật liệu bao che mái lợp thì chọn những loại cây vòng đời sinh trưởng còn ngắn hơn (2-3 năm) để khai thác. Vì vậy, trên thực tế, sự ảnh hưởng đến phá hoại môi trường của xây dựng ngôi nhà là rất thấp. Với ngôi nhà này, khi bị dỡ bỏ, chuyển đổi thì các vật liệu cấu kiện đều tái sử dụng được và để lại đất sạch.
Tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo: Đa số ngôi nhà dân tộc nằm giữa đại ngàn rộng thoáng, khai thác nguồn năng lượng tự nhiên: là chiếu sáng bằng ánh sáng tự nhiên qua hệ cửa mở hợp lý, thắp sáng từ các loại dầu thực vật. Việc làm mát trong mùa hè được khai thác tối đa bằng hệ thống cửa đón gió và thoát gió hợp lý, ngôi nhà còn được chống ẩm, mốc, tiệt trùng bằng biện pháp nâng sàn ở lên cao so với mặt đất tạo luồng không khí đối lưu bên dưới. Vào mùa Đông, hệ thống cửa sập kín kết hợp với làm nóng không khí trong nhà bằng bếp lửa (thường đặt chính giữa nhà) rất hiệu quả và tiết kiệm. Ngoài ra, mỗi ngôi nhà thường có vườn xanh để làm mát tự nhiên cho mùa hè, che chắn gió bão và tạo ấm cho mùa đông. Vườn ao chuồng hợp lý và thích ứng với thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng kinh tế để phục vụ đời sống của người dân. Hệ thống điện công nghiệp hiện đại đã về các thôn bản nhưng đa số người dân vẫn sống với thói quen cổ truyền, hầu như chỉ sử dụng điện trong những trường hợp bắt buộc như xem tivi, nghe đài. Nếu có một chính sách điện mặt trời, giải quyết tốt bài toán tiết kiệm năng lượng thì ngôi nhà xanh của bà con dân tộc – sử dụng năng lượng tái tạo sẽ khép kín trọn vẹn.
Ngôi nhà dẫn tộc Tày với các giải pháp sử dụng năng lượng tự nhiên
Sử dụng nguồn nước và xử lý nguồn nước: Các dân tộc miền núi phía Bắc xem nguồn nước là một trong ba yếu tố chính để chọn nơi định cư. Do đó, việc sử dụng hợp lý nguồn nước tự nhiên hoặc khai thác tại chỗ trong sinh hoạt hàng ngày đã trở thành một nét đặc sắc. Nguồn nước được sử dụng với hai chức năng chính: phục vụ sản xuất và đời sống. Sử dụng nước thành một vòng tuần hoàn khép kín: nước lấy từ suối → sử dụng sinh hoạt → thấm vào đất → tự lọc → thấm trở lại suối…
Do thường phải dùng gùi, ống để lấy nước nên yếu tố tiết kiệm đã trở thành bản năng của người dân tộc – qua khảo sát thực tế cho thấy lượng nước mà người dân sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày chỉ bằng 25-30% so với người Kinh. Bệnh từ vệ sinh môi trường kém do nhiễm bẩn nguồn nước trước đây cao hơn, hiện nay cũng đã khắc phục cơ bản. Hình thức tắm suối, rồi suối tự làm sạch cũng là một nét độc đáo trong sử dụng nước tái tạo tuần hoàn. 
Một số dân tộc tận dụng sức nước để sinh sống, sản xuất như làm cối giã gạo, guồng quay. Một số nơi lợi dụng địa hình dốc dẫn nước từ sông suối về tận nhà, tận nương để sử dụng như người Pà Thẻn, Mường…
Bên cạnh đó, nguồn nước mưa được thu từ mái nhà bằng máng chảy vào các chum vại, sau đó được lắng lọc bằng các lớp cát sỏi tự nhiên rồi đưa vào sử dụng ăn uống hàng ngày.
Đảm bảo sức khỏe và tiện nghi sống: Những ngôi nhà truyền thống của bà con dân tộc trong thực tế đã tạo ra được một tiện nghi sống khá tốt cho người dân. Chính cách sống giản dị và thiết thực của người dân tộc cũng là một cách sống “xanh”. Ví như một hộ gia đình dân tộc 4-6 nhân khẩu, chỉ cần một diện tích 50-60m2 là đủ thoải mái (bình quân khoảng 10m2/1 người). Vì cách sử dụng cơ động, đa dạng, linh hoạt không gian, mà hiện nay chúng ta đang nghiên cứu áp dụng trở lại cho ngôi nhà miền xuôi, nếp sống này còn giữ nét văn hóa Việt truyền thống là sự gần gũi, ấm áp giao hòa tình cảm giữa các thành viên trong gia đình.
Về tinh thần, “kiến trúc mở cửa” phóng khoáng với cộng đồng của ngôi nhà dân tộc miền núi thực sự là điều đáng để chúng ta suy ngẫm.
Giảm thiểu phát thải các bon: Ngôi nhà truyền thống dân tộc với cách xây dựng, và khai thác hoàn toàn tự nhiên nên “khó tìm ra một nguồn phát thải khí các bon thực sự”. Một vài nguồn thải sinh hoạt như đốt lửa, rác thải thì đã được xử lý nhờ có nhiều cây xanh vừa cấp sạch và hút bẩn song hành. Về vật liệu để làm nhà, hiện nay có một số ngôi nhà dân tộc biến dạng do bắt đầu sử dụng vật liệu công nghiệp, tuy nhiên nếu hướng trở lại giải pháp cổ truyền sẽ xử lý triệt để được. 
+Không sử dụng vật liệu, thiết bị công nghệ phát thải khí các bon.
-Khung cột dầm, sàn từ gỗ xoan.
-Xà gồ, vì kèo sườn mái từ tre, gỗ tạp.
-Mái lợp bằng rơm rạ, mây, cọ.
-Tường, vách cửa sổ, cửa đi, từ tre nứa.
-Thông thoáng, chiếu sáng tự nhiên.
-Xây dựng hoàn toàn thủ công. 
Chất thải: Khác với lối sống đô thị, người dân tộc với lối sống giản dị trong ngôi nhà bình hòa với thiên nhiên, lượng rác thải ra chưa bằng 40% của người Kinh, ít các chất vô cơ khó phân hủy. Đến nay, khi có các hướng dẫn khoa học, phần lớn rác thải được chôn lấp, tái chế nhờ sử dụng hệ thống Bioga, các hệ thống ủ, chôn mủn để làm phân bón cho cây trồng, nuôi cá… 
Ảnh hưởng sinh thái tự nhiên: Có thời kỳ, hệ sinh thái tự nhiên bị ảnh hưởng do nạn phá rừng, khai thác, đốt nương bừa bãi, nhưng phần lớn bà con khi dựng nhà của mình đã hiểu là phải dựa vào thiên nhiên, do đó có ý thức chọn lọc, thích ứng với tự nhiên. Xuất phát từ truyền thống, ngôi nhà dân tộc vốn đã coi trọng bậc nhất yếu tố hòa nhập hữu cơ với thiên nhiên, do đó khi có thêm các định hướng mang tính khoa học họ sẵn sàng thực hiện.
Ngôi nhà của người dân tộc thường được đặt một cách khéo léo trên nền đất dốc tự nhiên, không san gạt, được xây dựng thành các khuôn viên với hàng rào mềm gắn kết cộng đồng; hệ thống hạ tầng được bố trí khéo léo bám theo địa hình; những khu vườn, rừng được chăm sóc; ruộng nương được canh tác màu mỡ… Tất cả đã góp phần tôn tạo, gìn giữ sinh thái tự nhiên ở các vùng cư trú của đồng bào, phát triển hài hòa bền vững trong việc xây dựng và phát triển từng khu vực cũng như toàn cộng đồng. 
KẾT LUẬN:
Trong quá trình hội nhập và phát triển bền vững, chúng ta luôn trăn trở và tìm kiếm bản sắc dân tộc. Kiến trúc xanh của ngôi nhà truyền thống đồng bào dân tộc – mà chúng tôi vừa nêu khái quát ở trên, phải chăng chính là một bản sắc cần giữ gìn phát huy và tiếp biến trong nền kiến trúc Việt Nam! Chỉ có điều: cần phải biết chọn lọc, gìn giữ những cái hợp lý – hay – tốt, loại bỏ những yếu tố lạc hậu, nhất là chú trọng đến điều kiện vệ sinh môi trường và yếu tố xâm hại tài nguyên rừng khi xây dựng và sử dụng những ngôi nhà này. 
Những nét xanh đó không chỉ ứng dụng cho những ngôi nhà, bản làng dân tộc, mà còn góp phần định hướng phát triển kiến trúc xanh ngay trong lòng các đô thị hiện đại – và, quan trọng hơn, điều đó sẽ góp phần định hình bản sắc văn hóa – kiến trúc Việt trong quá trình hội nhập và phát triển bền vững.
 
KTS Phan Đăng Sơn 
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Dramsfield anh N.Manokaran, tài nguyên thực vật Đông Nam Á, NXBNN 1998.
2. Dương Quang Diện, lâm nghiệp Việt Nam, NXBNN 1995.
3. Lương Việt Hải và I.K.Lixiev, hiện đại hóa xã hội và sinh thái, NXBTG 2007.
4. Jean- yles Martin, phát triển bền vững, NXBTG 2007.
5. Phạm Đức Nguyên, kiến trúc sinh khí hậu, NXBXD 2002.
6. Lê Bá Thảo, thiên nhiên Việt Nam, NXBKHKT 1997.
7. Nguyễn Khắc Tụng, nhà ở cổ truyền dân tộc Việt Nam, NXBXD 1994.
8. Bảo tàng DTHVN, đại gia đình các dân tộc Việt Nam, NXBGD 2007.
9. The University of New South Wales, green city, Sidney 2011.
10. Viện KTNĐ, TLHTKHTG: Phát triển kiến trúc nhiệt đới trong chiến lược bảo vệ môi trường và chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, 2008.