“Định hướng xây dựng phát triển Côn Đảo – Vũng Tàu”

Côn Đảo – Vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc – Nơi đã chứng kiến biết bao sự hy sinh anh đũng của các chiến sỹ cách mạng. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Côn Đảo đang chuyển mình để biến đổi từ “Địa ngục trần gian” trở thành “Một thiên đường nghĩ dưỡng”, đạt đẳng cấp quốc tế, nhằm giới thiệu với nhân dân trên toàn thế giới về khí phách anh hùng của con người Việt Nam và vẻ đẹp quyến rũ của thiên nhiên nơi đây. Chủ trương là thế, nhưng để triển khai trong thực tiễn, Côn Đảo gặp không ít khó khăn. Tạp chí Kiến trúc đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiêm trưởng ban Quản lý Phát triển Côn Đảo Hồ Văn Niên – Người đã nhiều năm gắn bó với công tác bảo tồn và xây dựng Côn Đảo, và coi đây là niềm đam mê và sư mệnh của mình.
Trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

Phóng viên (P/V): Thủ tướng Chính phủ đã thông qua nhiều Quyết định quan trọng đối với sự phát triển của Côn Đảo gồm: Đề án phát triển kinh tế xã hội huyện Côn Đảo đến 2020, và điều chỉnh Quy hoạch chung Xây dựng Côn Đảo đến năm 2030. …Trước những mục tiêu, kế hoạch như thế, Ông có thể cho biết những quan điểm cơ bản trong quá trình xây dựng phát triển Côn Đảo thời kỳ mới?
Ông Hồ Văn Niên: Trước tiên, phải khẳng định rằng: được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, công tác bảo tồn, gìn giữ khu di tích lịch sử cách mạng và tài nguyên thiên nhiên ở Côn Đảo trong những năm qua đã đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, bảo tồn không chỉ là giữ lại những gì chúng ta đã có, mà quan trọng hơn là phải phát huy giá trị đó vào cuộc sống, phục vụ cho sự phát triển trên phương diện vật chất và tinh thần tại địa phương. Vì vậy, bảo tồn không nên và cũng không thể tách rời khỏi mục tiêu phát triển. Nói cách khác, phát triển là mục tiêu, bảo tồn là động lực, cả hai  phải gắn kết chặt chẽ với nhau cùng tồn tại cộng sinh, hài hòa với nhau. Cả về mặt tổ chức cũng phải gắn bó hai lĩnh vực trên, không nên tồn tại những đơn vị chỉ lo việc bảo tồn, đơn vị khác chỉ lo việc phát triển. Trên thực tế nếu bảo tồn không phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững, không phát huy được giá trị thì bảo tồn không có ý nghĩa gì.  
Khu Di tích – Chứng tích lịch sử Côn Đảo là Di sản vô cùng quí giá của dân tộc, cần được gìn giữ để giáo dục về truyền thống đấu tranh cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau, cũng như giới thiệu đến bạn bè quốc tế về tinh thần bất khuất, khí phách anh hùng của dân tộc Việt Nam. Như vậy, việc bảo tồn khu di tích lịch sử Côn Đảo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời chúng ta phải tôn vinh những giá trị lịch sử tạo ảnh hưởng giáo dục, văn hóa trong nuớc và quốc tế. Chúng ta cần tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng và phong phú, đáp ứng mục tiêu phát triển Côn Đảo trở thành khu kinh tế du lịch hiện đại, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế. Phải xác định giá trị văn hóa là chủ thể của di tích, đồng thời gắn kết, phối hợp giữa du lịch văn hóa với du lịch sinh thái và du lịch nghỉ dưỡng thành một tổng thể thống nhất.

P/V: Công tác bảo tồn và phát huy di tích là một công việc khó khăn, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các cấp chính quyền, Ban Quản lý di tích và nhân dân địa phương… Xin ông cho biết giải pháp của Côn Đảo trong quá trình triển khai công việc này?
Ông Hồ Văn Niên: Về công tác bảo tồn và pháy huy di tích Côn Đảo, UBND Tỉnh BR-VT nhận thấy một số vấn đề rất đáng lưu ý như sau:
– Các di tích, kiến trúc nhà tù được giữ lại gần như nguyên gốc, dù có bổ sung dưới dạng mô tả lịch sử nhưng chủ yếu là minh hoạ một cách sơ lược.
– Các tư liệu, tài liệu, di vật, vật chứng nghèo nàn nên các di tích chưa thật sự tạo nên cảm xúc, chưa tự nói về mình mà chủ yếu phải qua hướng dẫn viên.
– Một số hạng mục ở nghĩa trang Hàng Dương trước đây có nhiều ý kiến cho là xa lạ với văn hoá truyền thống Việt Nam, ít gây được xúc động như mong muốn, thậm chí có thể tạo phản cảm.
– Chúng ta cũng chưa quan tâm nghiên cứu, áp dụng kĩ thuật tiên tiến của thế giới trong công nghệ xây dựng bảo tàng nên vẫn thiếu một ngôn ngữ nghệ thuật chung, được thể hiện dưới dạng tổng kịch bản về vĩnh cửu hoá, về tạo lập hệ thống công trình hoành tráng, làm sinh động các di tích gốc, tạo được hiệu quả  súc tích, gây ấn tượng và có khả năng tác động mạnh mẽ, tương xứng với tầm vóc vĩ đại của Di tích Côn Đảo.
– Mặt khác, Di tích lịch sử Côn Đảo hiện chiếm hầu hết diện tích khu Trung tâm Côn Đảo trong khi việc bảo tồn, quản lý chưa thực sự như mong muốn, không những làm giảm giá trị di tích mà còn lãng phí đất đai vốn rất khan hiếm ở Côn Đảo.
 Bên cạnh đó, Vườn Quốc gia Côn Đảo với khoảng 5.998 ha chiếm gần 80% diện tích toàn Côn Đảo, cộng với 14.000 ha vùng bảo vệ sinh thái biển, do đó Côn Đảo đang có một tài sản thiên nhiên quý giá có một không hai. Vườn Quốc gia Côn Đảo hiện đang được thực hiện chế độ bảo vệ rất nghiêm ngặt, tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng: rừng được bảo vệ nghiêm ngặt không có nghĩa là rừng “cấm”, không được khai thác. Ý nghĩa bảo vệ rừng phải theo định hướng tích cực và khoa học, có quy hoạch và kế hoạch cụ thể để khai thác rừng mà vẫn giữ được giá trị sinh thái của nó. Việc khai thác rừng một cách hợp l‎ý sẽ đóng góp vào quá trình phát triển du lịch và tạo nguồn thu để chăm sóc rừng tốt hơn. Mối quan hệ giữa phát triển du lịch của đảo và bảo vệ tài nguyên rừng là mối quan hệ tương hỗ, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, và mang lại cuộc sống tốt hơn cho nhân dân trên đảo. Ngược lại, nguồn thu từ kinh doanh du lịch là động lực làm nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân, góp phần nuôi dưỡng và nâng cao giá trị của rừng.

P/V: Nhiều người nhắc tới ông như là một nhà giáo có niềm say mê và nhiều ý tưởng sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và phát triển du lịch Côn Đảo – Vũng Tàu ngày một giàu đẹp và phát triển bền vững. Theo Ông, việc đầu tư xây dựng hiết kế kiến trúc các khu du lịch biển và bảo tồn các dự án tại Côn Đảo cần đặc biệt quan tâm tới những vấn đề gì?
Ông Hồ Văn Niên: Định hướng tạo dựng không gian kiến trúc của Côn Đảo phải đảm bảo là không gian xanh, đẹp, gắn với cảnh quan rừng – biển. Côn Đảo phải là đô thị biển đảo độc đáo, ấn tượng đến từng chi tiết. Cần thực hiện  quy hoạch cho toàn bộ quần đảo Côn Đảo để  thể hiện được tính chất đặc thù ,hấp dẫn và tạo nên sức mạnh phát triển tốt nhất cho ngành du lịch; cần phải huy động toàn bộ giá trị của rừng, núi, biển vào các dự án một cách hài hòa, khéo léo. Vì vậy nên có một khái niệm quản lý phù hợp hơn về Vườn Quốc gia, về Khu bảo tồn sinh quyển. Ưu tiên quỹ đất trang trọng nhất cho bảo tồn, bảo tàng và tôn vinh truyền thống. Ưu tiên thứ hai dành cho các công trình dịch vụ sinh lợi bao gồm khu vực kiến trúc cũ. Rừng và Khu bảo tồn sinh quyển, vịnh biển… được sử dụng một cách đặc biệt cẩn trọng vào cơ cấu cây xanh du lịch nghỉ dưỡng. Khu xây dựng nhà ở và công trình kỹ thuật thì nên khai thác quỹ đất đồi dốc ven núi Vườn Quốc gia. Đô thị Côn Đảo với hình ảnh trập trùng lộng bóng đại dương là yếu tố tạo nên diện mạo kiến trúc cảnh quan một vùng bán sơn địa – là điều cần nghiên cứu nghiêm túc cẩn trọng đến từng chi tiết.
Chúng tôi trân trọng cám ơn các chuyên gia về kiến trúc, quy hoạch, bảo tồn và du lịch, trong thời gian qua đã quan tâm đóng góp nhiều trí tuệ, tâm huyết cho Côn Đảo và hy vọng tiếp tục nhận được nhiều sự giúp đỡ hơn nữa trong tương lai.

P/V: Trân trọng cảm ơn Ông !
    
Thanh Hương (thực hiện)