Bếp tinh hay thô, đóng hay mở?

Sự phát triển công nghệ, vật liệu và thiết kế thời nay đem lại thị trường rất đa dạng về kiểu bếp, từ thô mộc đến hi-tech, cổ điển và hiện đại… khá phong phú. Tuy nhiên thực tế có nhiều gia chủ cho rằng các khu bếp mới dù cao cấp nhưng không hiệu quả bằng kiểu bếp cũ. Có người giải thích mâu thuẫn này với lý do phong thủy và gây ra nhiều ý kiến trái chiều quanh vấn đề: có lẽ bếp tuân thủ đúng phong thủy chỉ là hình thức biểu tượng?

Một góc bếp bố trí xoay theo hướng hợp mệnh trạch mà vẫn đảm bảo cấu trúc tổng thể nội thất

Vậy bản chất việc bố trí bếp thời nay có gì cần lưu ý, nhất là trong thời bếp ở căn hộ tầng cao, hoặc bếp nhà phố thiết kế tối giản? Có gia chủ khẳng định nhà mình phải duy trì song song vừa bếp kiểu cũ đặt ra ngoài để “nấu nướng tưng bừng”, vừa làm một bếp “trưng bày” bên trong nhằm đáp ứng chỉ định phong thủy. Những vấn đề này liên quan đến tính chất và sự biến đổi của khu bếp sao cho hợp xu hướng phát triển thời đại, mà không đi ngược giá trị phong thủy lâu nay.

Bếp xưa muốn che – bếp nay thích lộ

Vấn đề “thời nào kiểu nấy” tuy mang mâu thuẫn trong quan niệm giữa các thời kỳ, thực chất chính là động lực để phát triển. Sự sáng tạo luôn có phần loại bỏ, phủ định cái cũ để phù hợp hơn với cái mới. Nhưng mọi thay đổi đều dựa trên những yếu tố cốt lõi, giá trị cơ bản. Đây chính là thành tố căn bản của Dịch Lý Đông phương, bao gồm các vấn đề không thay đổi, sự tương tác và sự biến chuyển (qua các triết lý về Bất Dịch, Biến Dịch và Giản Dịch).

Bếp hiện đại sáng đẹp gọn gàng, nếu theo đúng tọa hướng mệnh trạch thì không hề sai lệch phong thủy

Do vậy, phong thủy bếp ngày nay nếu có khác biệt hoặc sai lệch so với trước thì chỉ là hình thức bề ngoài. Bản chất không gian bếp vẫn cần các bố trí phong thủy cơ bản, như định vị Tọa và Hướng, quan hệ ba bên Hỏa (bếp) – Thủy (chỗ rửa) – Kim (vật dụng, thiết bị) có khắc có sinh mà không thể thiếu nhau. So sánh bếp xưa và nay mang tính tương đối, cần nhìn nhận những gì cần có cho “bếp nay” trên cơ sở kế thừa “bếp xưa” về phong thủy hình thế và mệnh trạch.

Nhóm hành Kim – Thủy – Mộc đặc trưng phong cách bếp trẻ trung, hiện đại, liền kề nơi sinh hoạt

Ông cha ta rất khéo “tốt khoe xấu che” khi làm kiểu nhà mà ngày nay gọi là “nhà thụ động” passive house, thông qua những giải pháp ít xâm lấn môi trường, nương theo thiên nhiên, giảm hao tốn chi phí xây dựng lẫn năng lượng. Với hệ khung và bao che ngăn mà không cách, giúp gió đối lưu tốt qua hàng hiên rộng, nhà sàn và thềm cao chống ẩm, cấu tạo trong đặc có rỗng (các tấm phên, mái lợp lá, tường trình đất, cửa lá sách…) giúp ngôi nhà Việt có khả năng “hô hấp” rất tốt ở xứ nóng ẩm mưa nhiều. Đặc biệt, cách làm nhà bếp và khu vệ sinh tách biệt với nhà chính nên giảm thiểu khói mùi, đi cùng bao cảnh sinh thái vườn – ao – chuồng là những yếu tố sinh thái tạo Phong và Thủy hiệu quả.

Dĩ nhiên, điều kiện kinh tế và vật liệu thời trước chưa phát triển cũng là nguyên nhân khiến bếp và khu vệ sinh thiếu tiện nghi hơn so với sau này. Nhưng không thể phủ nhận cách chọn vị trí, sắp xếp không gian cho bếp khá khoa học về môi trường, có giá trị tham khảo cao. Đa số nhà hiện đại có diện tích rộng vẫn làm hai khu bếp, trong đó phần bếp ở bên trong nhà chỉ là nơi soạn và giao đãi, khá sạch sẽ mang dáng dấp như quầy bar mở rộng, còn phần bếp nấu nướng dọn rửa thực sự có nhiều “ô nhiễm” đều nằm ra phần phụ bên ngoài, sân sau.

Kiểu bếp cổ điển trên lầu áp mái, liền kề phòng thờ và khu bàn ăn thích hợp với người cao tuổi

Đặc biệt trong bối cảnh bệnh dịch Covid toàn cầu hiện nay, cách bố trí không gian mang tính “giãn cách” sẽ hiệu quả hơn hết. Đó là khả năng giữ khoảng cách an toàn, che chắn tương đối giữa các khu chức năng của bếp kiểu cũ mà vẫn thông thoáng tốt, tách bạch chỗ nấu với rửa và soạn, giúp vệ sinh và “dễ thở” hơn rất nhiều so với bếp tích hợp, bếp dồn nén hoặc bếp “siêu nhỏ gọn”.

Bếp cô trắng tinh, bếp cụ sẫm màu

Không chỉ là vấn đề màu sắc, bởi bếp là nơi thể hiện văn hóa ăn ở rất rõ, giữa thế hệ trẻ có kiểu ăn uống, nấu nướng khác với góc bếp của người độ tuổi trung niên hay đã hưu trí. Đa số “các cụ” khi vào bếp “bọn trẻ” thường chê thiên về hình thức mà khó hữu dụng. Ở chiều ngược lại, người trẻ (dù không dám chê thẳng do kính lão đắc thọ) nhưng cũng than phiền không ít về “gian bếp của ngoại” sao mà ám khói, bừa bộn, thiếu gu! Màu trắng và thiết bị hiện đại nơi bếp “các cô các cậu” ngày nay khiến giới trung niên chói mắt, chê dơ và thiếu thoải mái, trong khi nhóm màu sậm, gạch men, tủ gỗ tự nhiên của thế hệ “ông bà anh” thì chỉ có số ít người trẻ ưa trường phái hoài niệm tán đồng.

Phong thủy hiện đại xác định bếp trẻ thiên về bộ ba Kim – Thủy – Mộc tương ứng nhóm màu từ trắng, xám, đen, xanh biển và màu gỗ kiểu Scandinaves, neutral (trung tính). Còn ở phái bếp “người cao tuổi” thì bộ ba Mộc, Hỏa và Thổ chiếm ưu thế, với gỗ đậm màu, đá từ đỏ đến vàng, và đa số bếp xưa không bao giờ chịu xài cặp màu đen trắng (Thủy, Kim) như kiểu lớp trẻ thời internet thích bếp hi-tech (kỹ thuật cao).

Bếp mở trong căn hộ chung cư, hợp với gia đình nấu nướng gọn nhẹ, ít nặng mùi

Tuy vậy, không thể phủ nhận giới trẻ có lý do để yêu kiểu bếp của thế hệ họ, với thiết bị nấu nướng tiên tiến cao cấp, điều khiển thông minh và vận hành như một góc làm việc, góc giao tiếp trên mạng lẫn ngoài đời hiệu quả. Quy luật phát triển không thể đảo ngược, vấn đề phong thủy bếp xưa trong bếp nay trở thành phạm trù văn hóa mang tính quy ước, có cái cần giữ, có cái cần hạn chế, chứ không phải so sánh hay dở.

Xử lý bếp đóng (làm phòng riêng có cửa) sẽ giúp ngăn cách hiệu quả với các không gian khác

Thiết kế bếp trong căn hộ chung cư hiện nay đã bắt đầu nhận thấy nhược điểm mà đa số người cao tuổi khó chịu: ít chỗ bày biện, bất tiện khi nấu nướng nặng khói mùi, thiếu cái sàn nước quen thuộc… Một số dự án chung cư bố trí bếp trong một phòng có cửa hoặc dùng vách kính để có thể “giãn cách” bếp với không gian phòng ngoài. Dĩ nhiên, không thể đòi hỏi hơn trong điều kiện ở trong nhà cao tầng có sự thân thuộc một thời của chốn bếp quê. Vì thế, sự dung hòa vẫn là cách tiếp cận bền vững, phong thủy bếp vẫn cần Nhất Vị – Nhị Hướng, tách Thủy, giữ Hỏa, còn cách thức trang trí là thỏa thuận giữa các thành viên gia đình.

Đối tượng nào, giải pháp nấy

Như vậy, câu hỏi bếp thô hay tinh, bếp đóng hay mở tùy thuộc vào đối tượng sử dụng và cấu trúc không gian ngôi nhà. Nhưng bên cạnh kiểu bếp theo gu sống, vấn đề phong thủy bếp nay vẫn cần giữ những nguyên tắc Bất Dịch đảm bảo xưa nay thông suốt nơi gian bếp Việt, cho người Việt, nếp ăn ở Việt, đó là:

– Âm Dương rõ rệt, kết hợp khoảng đệm: Một không gian đệm cho bếp rất cần thiết, là nơi phụ trợ gia công chế biến, nơi thư giãn của người nấu nướng, người cao tuổi, và giúp Khai Môn Kiến Táo (vào nhà gặp ngay bếp). Khoảng đệm còn giúp giảm mưa tạt – nắng gắt trực tiếp vào bếp ăn, hoặc kết hợp chỗ giặt, phơi, kho nhỏ để đồ lặt vặt rất hữu dụng.

Gian bếp có khu đệm (sân sau, bên hông…) làm sàn nước và phụ trợ sẽ gia tăng tiện nghi hơn

– Dù chọn kiểu bếp hiện đại hay truyền thống thì khu vực sàn nước giúp hỗ trợ tốt cho cung cách nấu nướng kiểu Việt, tạo vùng chuyển tiếp trong ngoài để đảm bảo vệ sinh hơn. Bố trí khu sàn nước có ánh nắng trực tiếp chiếu vào chính là giúp cân bằng giữa Phong Quang phía trên (Động, thuộc Dương) và Thủy phía dưới (Tĩnh hơn, thuộc Âm), giúp tránh nóng bức và tụ ẩm trong bếp.

Một góc bếp chung cư tạo thêm vách ngăn, quầy bar để “giãn cách” tốt hơn

– Bếp thoáng mà kín: là nguyên tắc giúp tránh lưu mùi nấu nướng, có khí đối lưu (nhờ mở cửa trên dưới) mà không lan tỏa khói mùi khắp nhà. Với nhà phố có thể đẩy bếp lên lầu hoặc lửng giúp bếp cao ráo và tăng diện tích phụ trợ cho tầng trệt làm kinh doanh, dịch vụ, hoặc để xe… Hiện nay nhiều nhà phố đã gắn thang máy nên đưa bếp lên tầng cao không còn e ngại cho việc lên xuống. Bếp trên lầu thượng giúp liên hoàn với phòng thờ, rất tiện dụng trong sinh hoạt thường ngày cũng như khi nhà có đám giỗ, lễ tết có nấu nướng và giao tiếp nhiều.

Nói cách khác, khu bếp thời nay cần có sự tiếp thu tinh thần sinh thái bếp trong nếp nhà truyền thống để điều chỉnh về thiết kế sao cho hợp điều kiện đất chật người đông, hợp các quy ước phong thủy. Bếp nay hiện đại, tiện dụng mà đúng phong thủy và môi trường thì chẳng có lý do gì để quay về kiểu dáng dĩ vãng, quá khứ ám khói nơi “xó bếp” ngày xưa.

Những màu dịu đem lại cảm giác thư giãn cho bếp, như tông màu trắng, xám và xanh lá cây
Phối màu gỗ với màu đậm và ấm (như đen, đỏ, nâu) giúp bếp hiện đại tính bình ổn, vững chãi

Theo ThS-KTS Hà Anh Tuấn – Ảnh Xuân Trang/ noithatmagazine