Biến đổi khí hậu – Những ảnh hưởng tới cuộc sống và nhà ở của người dân

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ trên thế giới, trong đó Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Với tốc độ gia tăng dân số nhanh, cơ sở hạ tầng chưa kịp nâng cấp tổng thể, quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập, ý thức một bộ phận dân cư còn hạn chế trong việc bảo vệ môi trường … nên nhiều khu dân cư tại TP.HCM đang phải đối mặt với vấn đề ngập lụt thường xuyên. Nguyên nhân chủ yếu là do hiện tượng BĐKH cục bộ khiến mức nước triều cường dâng cao. Giải pháp nào mang tính khả thi và giúp cho nhà ở của dân cư có khả năng thích ứng với BĐKH tại TP.HCM?

Giới thiệu chung

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là sự thay đổi của khí hậu diễn ra trong một khoảng thời gian dài, do nguyên nhân tự nhiên hoặc hoạt động của con người gây ra. BĐKH làm cho nhiệt độ các đại dương tăng lên, băng tan hai đầu cực dẫn đến hạn hán, bão lụt ngày một tăng, mực nước biển cũng dần dần tăng cao, các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày một nhiều. Nguyên nhân của BĐKH chủ yếu được cho là do các hoạt động của con người gây nên thông qua nạn chặt phá rừng và phát thải quá nhiều lượng khí CO2 vào bầu khí quyển, gây nên hiệu ứng nhà kính. Hệ quả nghiêm trọng nhất là hiện tượng nóng lên toàn cầu, băng tan nhanh, khiến mực nước biển dâng cao, gây mất cân bằng sinh thái và đe dọa trực tiếp cuộc sống của hàng trăm triệu người trên toàn thế giới. Các tác động khác của con người đối với môi trường tự nhiên càng làm cho hệ quả của BĐKH trở nên nghiêm trọng hơn. Nước biển dâng (NBD) là hiện tượng dâng lên của mực nước đại dương trên toàn cầu, trong đó không bao gồm triều, nước dâng do bão.

Tại Việt Nam, trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm đã tăng khoảng 0,5 – 0,7oC, mực NBD tăng khoảng 20cm. BĐKH đã góp phần làm cho các thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng nghiêm trọng hơn. Sự gia tăng của các hiện tượng khí hậu cực đoan và thiên tai, cả về tần số và cường độ do BĐKH là mối đe dọa thường xuyên, trước mắt và lâu dài đối với tất cả các lĩnh vực, các vùng và các cộng đồng. Bão, lũ lụt, hạn hán, mưa lớn, nắng nóng, tố lốc là thiên tai xảy ra hàng năm ở nhiều vùng trong cả nước, gây thiệt hại cho sản xuất và đời sống. BĐKH sẽ làm cho các thiên tai nói trên trở nên khắc nghiệt hơn và có thể trở thành thảm họa, gây rủi ro lớn cho phát triển kinh tế, xã hội hoặc xoá đi những thành quả nhiều năm của sự phát triển, trong đó có những thành quả thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Tại Việt Nam, những khu vực dự đoán chịu tác động lớn nhất của các hiện tượng khí hậu cực đoan nói trên là dải ven biển Trung Bộ, vùng núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, vùng đồng bằng Bắc Bộ và ĐBSCL.

Biến đổi khí hậu tại TP. HCM

Số liệu thống kê mực triều cường tại TP.HCM

Những năm gần đây, trên địa bàn TP.HCM – đã xuất hiện những cơn mưa trên 100 mm và đỉnh triều vượt mức báo động I (trên 1,3m) và vượt mức báo động II (trên 1,4m) ngày càng nhiều hơn. Thực ra, không phải đến những năm gần đây TP.HCM mới đối mặt với hiện tượng thủy triều dâng cao, mà vấn đề này đã xuất hiện từ rất lâu cùng với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Nam Bộ này. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mực nước triều của sông Sài Gòn ngày càng cao làm ảnh hưởng tiêu cực hơn tới đời sống của người dân tại những khu vực có địa hình trũng thấp, đặc biệt tại các khu vực vùng ven đô. Thực tế, mực nước triều của sông Sài Gòn chịu tác động trực tiếp từ mực NBD do hiện tượng BĐKH. Theo số liệu thống kê của Đài khí tượng thủy văn Khu vực Nam Bộ, khi mực triều cường trên sông Sài Gòn cao tới 1,50m là sẽ gây ảnh hưởng tới các quận huyện vùng ven đô như quận 2, quận 4, quận 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh, và Gò Vấp. Theo số liệu thống kê, Giai đoạn 2017-2019 (3 năm) đã xuất hiện 21 đỉnh triều đạt và vượt mức báo động cấp 3 (1,5m). Tháng 10/2018, mực triều cường đạt mức 1,65m. Chỉ sau 1 năm, đợt đỉnh triều vào ngày 29/10/2019, đạt mức 1,80m. Đây là mức đỉnh triều cao nhất lịch sử, hậu quả là gây ngập trên diện rộng nhiều tuyến đường lớn và các khu dân nghèo của Quận 4, Quận 7, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và Nhà Bè, TP.HCM. Tiếp theo, vào ngày 30/10/2020, triều cường ở TP.HCM đã đạt mức đỉnh 1,78m, vượt báo động 3 gần 30cm, gây ngập nặng tại các điểm trũng thấp trong TP. Theo dự báo trong kịch bản BĐKH vào năm 2050, số lượng các phường, xã, quận, huyện và toàn bộ khu vực TP.HCM trực tiếp bị ảnh hưởng bởi ngập úng sẽ tăng lên, ngay cả khi đã triển khai Dự án kiểm soát úng ngập. Trong các đợt ngập thông thường, quận 3, Tân Bình, Phú Nhuận và Tân Phú là những quận không bị ảnh hưởng. Còn các đợt ngập bất thường, thì tất cả các quận đều sẽ bị ảnh hưởng.

Trong báo cáo tóm tắt “TP.HCM thích nghi với BĐKH” năm 2010 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (Asian Development Bank- ADB), đã cho rằng TP.HCM là một trong 10 thành phố hàng đầu trên thế giới sẽ bị hưởng nghiêm trọng nhất bởi BĐKH vào năm 2070. Sự tổn thất này cần phải được quan tâm vì nó ảnh hưởng mạnh đến sự phát triển tổng thể của Việt Nam. Trong đó TP.HCM chiếm 23% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 20% tổng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Ngoài ra, TP nằm gần ngang mực nước biển với 40% – 50% diện tích đất chênh cao 0,0-1,0m, 15%-20% trong khoảng 1-2m, và rất ít diện tích đất nền ở độ cao trên 4m.

Như vậy, tác động trực tiếp và dễ thấy nhất của ngập lụt do BĐKH tại TP.HCM là gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân. Hiện tượng ngập lụt ngày càng gây hư hỏng các công trình dân sinh, nhất là nhà ở của cư dân, suy giảm nguồn đất ở, tác động trực tiếp đến đời sống của người dân và cả các khu kinh tế. Hệ quả tất yếu là gia tăng đói nghèo, không còn cơ hội làm nông nghiệp, và buộc phải di cư về các khu trung tâm, gây thêm áp lực vốn đã rất lớn đến khu vực trung tâm thành phố. Dưới tác động của BĐKH tại vùng TP.HCM, công trình nhà ở của người dân đang đối mặt với nguy cơ bị xâm lấn, thậm chí phải di dời địa điểm, gây ảnh hưởng lớn đến sự tồn tại và phát triển của các khu dân cư đã tồn tại từ lâu đời.

Ảnh hưởng của BĐKH đến cuộc sống của người dân

Dưới tác động của BĐKH tại vùng TP.HCM, kiến trúc nhà ở của người dân đang đối mặt với nguy cơ bị xâm lấn, thậm chí phải di dời địa điểm, gây ảnh hưởng lớn đến sự tồn tại và phát triển của các KDC đã tồn tại từ lâu đời. Hiện tượng ngập lụt thường xuyên sẽ gây hư hỏng các công trình dân sinh, suy giảm nguồn đất ở, tác động trực tiếp đến đời sống của người dân và cả các khu kinh tế, nhất là gây hư hại nhà ở của người dân, nhất là người thu nhập thấp và người nghèo. Chính nhóm người nghèo và người nhập cư có nhu cầu thực sự về nhà ở, nhưng họ không có nhiều khả năng để sửa chữa, cải tạo hoặc xây mới. Cụ thể, những tác động tiêu cực của ngập lụt đến nhà ở có thể kể đến như sau:

a) Mất diện tích đất ở (Đối với nhà ở sát kênh rạch)

Khi có ngập lụt, các vùng đất ngập nước là các hệ sinh thái như hồ, sông, đầm lầy và than bùn cũng như các vùng biển, ven biển bao gồm rừng ngập mặn và rạn san hô. Đối với khu vực phía Nam TP.HCM, đặc biệt tại huyện Nhà Bè và huyện Cần giờ là khu vực đất trũng, đầm lầy nhiều, dễ ngập nước.

b) Hư hại nhà cửa:

Ngập lụt xảy ra khiến hầu hết nhà cửa bị hư hại nặng, đối với nhà phố nước tràn vào tầng trệt hoặc các tầng trên gây hư hỏng kết cấu và nội thất; Đối với nhà cấp 4, nhà thấp tầng nông thôn, ngập lụt gây hư hại hoàn toàn, người dân sẽ không còn chỗ ở; đối với chung cư cao tầng, nước ngập sẽ tràn vào hầm gây thiệt hại nặng nề các phương tiện đi lại như ôtô, xe máy, thiệt hại lớn về tiền bạc cũng như gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, chưa kể khả năng gây hư hỏng hệ thống kỹ thuật tòa nhà, gây chập cháy, nổ, khiến cho việc khắc phục sẽ rất tốn kém và mất nhiều thời gian, công sức.

c) Mất việc làm, cửa hàng buôn bán (đối với nhà ở sát đường/ lộ)

Ngập lụt gây hư hại nhà cửa, đối với nhưng hộ gia đình kinh doanh buôn bán sát đường/ lộ có nguy cơ mất việc làm, thua lỗ do nước tràn vào gây hư hỏng hàng hóa và tài sản.

d) Chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng (vui chơi giải trí, tập thể thao, giao tiếp,…)

Ngập lụt khiến người dân mất nhà cửa, thiệt hại về tài sản, ngoài ra còn gây thiệt hại về môi trường, các khu vực vui chơi giải trí bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chất lượng cuộc sống giảm đi đáng kể, thời gian khắc phục lâu dài và tốn kém.

e) Gây ô nhiễm môi trường, xuất hiện dịch bệnh (môi trường, bệnh tật, vi khuẩn,…)

Ngập lụt góp phần đưa ô nhiễm từ các bãi chôn lấp rác thải và những khu ô nhiễm nguy hiểm đến các khu dân cư, và ngấm vào lòng đất. Hiện nay, diện tích các khu vực chôn lấp rác thải và khu ô nhiễm đang tăng lên ở TP.HCM, gây ô nhiễm môi trường, hình thành các dịch bệnh như tiêu chảy, dịch bệnh truyền nhiễm,…

f) Làm tăng độ nhiễm mặn của nước mặt

Bão và mực NBD cao có thể làm tăng độ nhiễm mặn của nước mặt và làm tăng quá trình thẩm thấu nước mặn vào nguồn nước ngầm.

Tóm lại, ngập lụt được coi là một dạng của thiên tai, gây gián đoạn các hoạt động của cộng đồng dân cư và xã hội, gây tổn thất và mất mát về tính mạng, tài sản, kinh tế và môi trường mà cộng đồng và xã hội không có đủ khả năng chống đỡ. Con người có thể giảm thiệt hại từ ngập lụt bằng cách di dời dân cư xa sông, biển. Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế, dân sinh thường gắn liền với sông, biển. Do vậy, dù muốn hay không thì con người vẫn chọn nơi định cư gần những nguồn nước – nguồn sống, cho dù tiềm ẩn những rủi ro thiên tai như ngập lụt, khi đó giá trị thu được do sống gần sông-biển cao hơn là chi phí dự báo và chống chọi với ngập lụt.

Trong số các minh họa giải pháp thích ứng dưới đây, một số được thiết kế bởi sinh viên kiến trúc, dưới sự hướng dẫn của tác giả, năm 2019-2020.

Giải pháp kiến trúc cho nhà ở thích ứng BĐKH

Nguyên tắc chung cho các giải pháp kiến trúc nhà ở thích ứng với ngập lụt do BĐKH là tùy thuộc vào mức độ ngập (ngập ít, ngập trung bình hay ngập nặng) mà đề xuất các giải pháp kiến trúc khác nhau, sao cho phù hợp với hiện tượng triều cường và BĐKH từng khu vực. Theo đó, mức độ ngập đối với các khu dân cư phía Nam TP.HCM có thể phân thành 3 nhóm tương ứng với mức độ ngập khác nhau: 1) Khu vực nội đô ngập nhẹ, dưới 0,3m; 2) Khu vực ven sông/kênh rạch ngập trung bình, từ 0,3m đến dưới 1,0m; 3) Khu vực ven biển, chịu tác động trực tiếp của bão và NBD, với mức dự báo tới năm 2050 bị ngập nặng, từ 1,0m trở lên.

  • Trường hợp nhà nội đô ngập nhẹ, dưới 0,3m, đề xuất áp dụng giải pháp nâng cao cốt nền nhà lên trên mực nước ngập. Đây cũng chính là giải pháp sống chung với ngập lụt của người dân hiện nay tại các khu vực nội đô bị “ngập nhưng không úng”. Nâng cốt nhà (gọi tắt là nâng nền) là giải pháp điều chỉnh cao độ bề mặt nền nhà lên cao hơn mực nước ngập bên ngoài để nước không tràn vào không gian ở. Việc nâng nền được thực hiện toàn bộ hoặc một phần của sàn tầng trệt. Việc lựa chọn diện tích sàn được nâng thường ưu tiên những không gian chính yếu trong nhà như phòng khách, bếp và phòng ngủ, hoặc những khu vực dễ bị ngập nhất. Các không gian thứ yếu cũng có thể được nâng tùy từng trường hợp, có thể với cao độ thấp hơn các không gian chính.
Mô hình nhà chòi tránh bão, lũ – Phối cảnh tổng thể (Nguồn: Ngô, 2021)
  • Đối với những cụm dân cư ven sông/kênh rạch ngập trung bình, từ 0,3m đến dưới 1,0m, đề xuất các giải pháp kiến trúc như sử dụng hệ khung BTCT chịu lực, mô hình nhà sàn, và nhà bê tông siêu nhẹ.
Mô hình nhà lưỡng cư, với hệ phao nổi tách biệt khỏi mặt đất nền. Hệ phao và sàn nổi sẽ được nâng cao trên một khung đỡ, từ đó có thể tự nâng hạ một cách dễ dàng
  • Đối với khu vực ven biển, chịu tác động trực tiếp của bão và NBD, với mức dự báo tới năm 2050 bị ngập nặng, từ 1,0m đến 3,0m, đề xuất mô hình nhà có sàn nổi (nổi một phần hoặc nổi toàn bộ nhà). Sàn nổi là một giải pháp linh hoạt cho mô hình cư trú thích ứng nước biển dâng. Nước dâng lên đến đâu, sàn nổi lên đến đấy. Về cơ bản, giải pháp kết cấu khá đơn giản, có thể sử dụng các loại lát sàn vật liệu nhẹ đặt trên khung kết cấu đơn giản, bên dưới là các phao có thể nổi lên khi gặp nước. Sử dụng sàn nổi cần lưu ý kết hợp với giải pháp neo giữ thăng bằng các tấm sàn thông qua các cấu trúc đặc biệt. Đề xuất chỉ nên áp dụng với các không gian chức năng như: lối tiếp cận từ ngoài vào nhà, bếp nhỏ, hoặc nơi giữ những vật dụng sinh hoạt cần thiết khỏi bị nhấn chìm khi xảy ra tình trạng ngập lụt.
Cân nhắc giữa tính linh hoạt và tính bất ổn định của hệ sàn này, đề xuất chỉ nên áp dụng với các không gian chức năng phụ

Thay lời kết

BĐKH ảnh hưởng lớn đến điều kiện sống của người dân, nhiệt độ tăng khiến cho số ngày nóng tăng hơn, chất lượng nước và không khí giảm. Đặc biệt ở các khu vực đông dân, hiện tượng hiệu ứng đảo nhiệt đô thị sẽ xảy ra. Hiệu ứng này khiến cho đô thị nóng hơn so với các khu vực xung quanh, có thể hơn đến vài độ C, các đường phố và tòa nhà trở nên nóng bức hơn. Những tác động này khiến cho môi trường sống trở nên khắc nghiệt, gia tăng bệnh tật, và kéo giảm năng suất làm việc con người.

Dưới tác động của hiện tượng BĐKH, TP.HCM và các khu vực lân cận đang chịu nhiều sự thay đổi theo chiều hướng tiêu cực, trong đó, ngập lụt xảy ra thường xuyên hơn trong vài năm gần đây tại các huyện vùng ven đô TP.HCM. Tình trạng ngập lụt do triều cường gây ảnh hưởng trực tiếp đến một số khu vực nhà ở, nhất là phía Nam thành phố. Thực tế, các loại hình nhà ở hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập, mỗi khi triều cường xảy ra là gây ngập lụt và làm hư hại nhà cửa, ảnh hưởng tới các sinh hoạt thường ngày và các hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ của các hộ gia đình. Vì thế, các giải pháp kiến trúc nhà ở thích ứng với ngập lụt do BĐKH được đề xuất trong phạm vi bài báo này coi như một tài liệu tham khảo về vấn đề nhà ở thích ứng với BĐKH.

Cuối cùng, xin nhấn mạnh rằng, để có thể mang các ý tưởng, giải pháp này vào cuộc sống, chúng ta cần mở rộng không gian tư duy, không gian nhận thức và không gian trách nhiệm của chính quyền và cả cộng đồng.

Mô hình nhà lưỡng cư – Khi không bị ngập nước, các phao nổi sẽ nằm trên lớp đất nền. Khi bị ngập nước, sàn sẽ nổi lên.

TS.KTS Ngô Lê Minh
Trường Đại học Tôn Đức Thắng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2022)


Tài liệu tham khảo
1. Arlene Christy Lusterio (2007). Living With Floods: The Settlements of the Vietnam MeKong Delta.
2. Asian Develpoment Bank, (2009). HoChiMinh City_ Adaptation to Climate change. Study Report Volume 2.
3. Birkmann. Jorn (2006). Measuring Vulnerability to Natural Hazards: Towards Disaster Resilient Societies. New York: United Nations University Press.
4. Cục Thống kê TP HCM, (2021). Niên giám thống kê năm 2020. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2021.
5. Frank Schwarte (2013). Adapt-HCMC. Handbook on Climate Change Adapted Urban Planning and Design for Ho Chi Minh City/ Vietnam. Brandenburg University of Technology Cottbus.
6. Ngân hàng Phát triển Châu Á (2010). TP HCM thích nghi với BĐKH. Báo cáo của Hội đồng Thống đốc ADB. 2010.
7. Ngô Lê Minh (2021). Đề tài KHCN cấp Tỉnh/Thành phố “Đánh giá tác động của ngập lụt do BĐKH đến nhà ở tại khu vực Nhà Bè, Cần Giờ (Tp.HCM), và đề xuất giải pháp quy hoạch và kiến trúc nhằm ứng phó”. Sở Khoa học và Công nghệ Tp.Hồ Chí Minh.
8. Vietnam Climate Adaptation Partnerships Consortium, (2013). Climate Adaptation Strategy_ HoChiMinh City moving towards the sea with climate change adaptation.
9. Watson, D., Adams, M., (2010). Design for Flooding: Architecture, Landscape and Urban Design for Resilience to Climate Change, John Wiley và Sons.
10. Trường đại học Tôn Đức Thắng, (2021). Tài liệu giảng dạy môn Chiến lược kiến trúc bền vững.