Chất lượng môi trường không khí trong đô thị: Góc nhìn từ thiết chế xã hội và văn hóa đô thị tại Việt Nam

Đô thị là một thực thể sống động, được kiến tạo và kết nối thông qua môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, môi trường nhân tạo….Tổng hòa của các mối quan hệ đó thường được biểu hiện qua các thiết chế xã hội và văn hóa xã hội ứng với mọi hoạt động và hành vi của con người.

Một đô thị, một thành phố (TP)… được coi là đáng sống, là chất lượng tốt nếu tất thảy các môi trường đó đều trong lành, an toàn, thân thiện, tiện nghi, minh bạch… đối với cư dân và du khách. Không những vậy, chúng luôn cần được hoàn thiện hơn, chất lượng hơn trong quá trình phát triển, thông qua các cơ chế Quản lý – Pháp chế, các tiện ích, tiện nghi, ý thức văn hóa và hành vi của cư dân đô thị.

Với các đô thị ở Việt Nam hiện nay, sau khoảng 30 năm phát triển, đã đưa đến một mẫu số chung kết sức quan ngại – Đó là ô nhiễm môi trường sống thông qua các chất thải rắn, lỏng, khí… Đặc biệt là môi trường không khí ở đô thị và trong các không gian chứa hoạt động sống. Hàng loạt các nghiên cứu, các giải pháp được các nhà khoa học, chính quyền đô thị đề xuất nhằm hạn chế, khống chế vấn đề này – Tuy nhiên, những nỗ lực đó vẫn chưa có giải pháp thỏa đáng, khi chúng ta chỉ tìm giải quyết cái ngọn, có tính tình thế và sự vụ, mà bản chất thì xem nhẹ. Mọi phát kiến chỉ là trang sức nếu không phân tích, nhìn nhận một cách thấu đáo từ bản chất của xã hội học đô thị, bao gồm sự tương tác giữa thiết chế xã hội và văn hóa đô thị, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng môi trường sống.

Xã hội học đô thị gắn với Thiết chế xã hội và Văn hóa đô thị

Mối quan hệ giữa các ngành khoa học và xã hội học đô thị với môi trường đô thị Việt Nam

Trước hết, cần hiểu rõ, Xã hội học đô thị (XHHĐT) là một ngành, một lĩnh vực khoa học chuyên nghiên cứu về nguồn gốc, bản chất và các quy luật chung cho hoạt động và phát triển của đô thị với hệ thống các quan hệ xã hội đặc trưng cho một kiểu cư trú tập trung cao trên một lãnh thổ, diện tích nhất định và hạn chế. Không giống như các ngành khoa học như quy hoạch đô thị, kiến trúc, xây dựng đô thị, sinh thái học đô thị….(chủ yếu tập trung vào việc tạo ra không gian vật chất hình thể cho đô thị, bao gồm không gian kiến trúc quy hoạch, cảnh quan đô thị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật với các tiện ích đô thị phù hợp với điều kiện địa hình, điều kiện khí hậu sinh thái tự nhiên…), XHHĐT chủ yếu hướng tới khía cạnh tổ chức xã hội, tác động vào cộng đồng cư dân thông qua các thiết chế, luật định để điều hành và quản lý, phù hợp với các đặc điểm kinh tế xã hội, văn hóa của cộng đồng đó, đi đôi với sự thích ứng, hòa nhập vào môi trường tự nhiên, vật chất, hình thể của đô thị.

Như vậy, chất lượng môi trường đô thị (bao gồm cả môi trường tự nhiên, lẫn môi trường nhân tạo, môi trường xã hội…) sẽ bị chi phối, tác động bởi các kiến tạo từ quy hoạch, xây dựng nói chung đến việc quản lý, vận hành thông qua các Luật định, quy định từ hệ thống Quy chuẩn, Tiêu chuẩn, các quy định mang tính pháp chế đô thị… có liên quan mật thiết tới hành vi, ý thức văn hóa bao gồm từ nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi của các chủ thể khác nhau trong đô thị.

Nói qua một chút như vậy để thấy rõ, chất lượng môi trường đô thị nói chung hay chất lượng môi trường không khí đô thị nói riêng được xây dựng, quản lý và hưởng thụ, được chi phối, tác động trên nhiều phương diện khác nhau. Nếu chúng ta chỉ máy móc giải quyết sự ô nhiễm bằng các giải pháp cưỡng bức như công nghệ, kỹ thuật và trang thiết bị thì mới chỉ xử lý phần ngọn, nếu như hạ tầng môi trường đô thị không được xem xét thấu đáo thì e rằng việc giải quyết ô nhiễm không khí trong các đô thị Việt Nam hiện nay sẽ chỉ là những giải pháp tình huống, sẽ có lúc tích hợp với nhiều nguy cơ khác như lụt lội, tắc nghẽn giao thông, cháy nổ, dịch bệnh… trở thành nhiều thảm họa khó lường, đe doạ đến sinh mạng và cuộc sống của người dân.

Thực trạng và nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm môi trường đô thị ở Việt Nam hiện nay

Môi trường không khí là một phần của môi trường đô thị, hợp phần của các chất hữu cơ và vô cơ, được tạo ra từ môi trường tự nhiên và hoạt động sống của con người. Đối với các đô thị của Việt Nam hiện nay, môi trường không khí bị ô nhiễm nặng – Có thể tổng hợp ở một số thực trạng chính sau đây:

  • Lý do lớn nhất và sâu xa nhất, chính là từ lĩnh vực quy hoạch ở mọi cấp độ, việc bỏ qua và không tuân thủ các yêu cầu về mật độ xây dựng, mật độ dân số, mật độ cư trú lẫn chức năng sử dụng đất… bị lạm dụng và trở thành hội chứng điều chỉnh quy hoạch. Điều này dẫn đến việc gia tăng cư dân không kiểm soát, không những gây áp lực mà còn dẫn tới hủy hoại môi trường không khí, hạ tầng kỹ thuật đô thị vốn đã quá lạc hậu và nghèo tiện tích thông qua hoạt động sống của con người;
  • Các đô thị của Việt Nam, hầu hết có mẫu số chung về việc hội tụ, tích tụ cư dân lẫn là nơi trung chuyển, xuyên qua, vì vậy nên khó kiểm soát về mật độ cư trú cũng như các phương tiện tham gia các loại hình giao thông như đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy… Và do đó, không khí càng bị ô nhiễm lớn do mật độ giao thông cao, bên cạnh các chất thải từ khói xe, bụi bẩn từ các phương tiện và hàng hóa lưu thông;
  • Không có một đô thị nào của Việt Nam mà không có đan xen của nông thôn – Trong thị có thôn và ngược lại trong thôn có thị. Kết cấu và lịch sử đó đã dẫn đến việc nhiều hoạt động sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở ven đô, ngoại vi như đốt rơm rạ sau thu hoạch, sản xuất các vật liệu xây dựng như lò gạch thủ công, gia công cơ khí, hóa chất… Khói bụi và các chất độc hại bị thải vào môi trường, đặc biệt là vào mùa hè, chúng tích tụ với nhiệt độ và hiệu ứng nhà kính, càng làm cho sức nóng và đảo nhiệt của đô thị lớn hơn;
Mô hình nâng cao chất lượng môi trường đô thị thông qua Quản lý, Pháp chế – Tiện ích, tiện nghi – Văn hóa ý thức
  • Nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp vừa và nhỏ, nhà máy, bệnh viện.. vẫn còn ở trong nội thị, hàng ngày thải ra toàn bộ các chất thải rắn, lỏng, khí… gây độc hại vẫn chưa được di dời ra khỏi nội đô;
  • Đi đôi với tốc độ đô thị hóa, việc san lấp nhiều ao hồ, dòng chảy gây thiếu thốn trầm trọng các hệ thống thoát nước ngầm, đặc biệt là việc thiếu quy hoạch các hệ thống xử lý nước thải có tính cục bộ và liên kết vành. Do đó, hầu hết nước thải sinh hoạt và sản xuất, chỉ xử lý tạm thời… đều thoát ra sông, hồ gây ô nhiễm mùi hôi thối, hủy hoại hệ thủy sinh tự nhiên;
  • Hệ thống đường giao thông, cây xanh, mặt nước, hồ điều hòa, công viên, vườn hoa, các không gian công cộng thiếu thốn trong các thiết kế quy hoạch đô thị… Do đó, ảnh hưởng tới việc khó có thể điều hòa, chia sẻ, làm tăng chất lượng dành cho không khí trong đô thị vốn đã bị nén và quá tải;
Chất lượng môi trường sống liên quan với môi trường bên ngoài, bên trong và chức năng đô thị, chức năng sử dụng đất, chức năng công trình
  • Bên cạnh đó, việc kiến tạo đô thị thông qua các hoạt động tạo dựng vật chất, như thi công xây dựng, vận chuyển nguyên vật liệu và phế thải xây dựng… diễn ra vừa ồ ạt, vừa manh mún với nhiều biện pháp thi công lạc hậu, không che chắn…, đã đưa một khối lượng lớn bụi, khói vào môi trường đô thị;
  • Các tiện ích để quản lý, xử lý môi trường vừa thiếu, vừa lạc hậu như: Thiếu diện tích tập kết rác thải, cực kỳ lạc hậu với các hình thức và phương tiện từ thu gom, phân loại, vận chuyển rác thải… đến các trang thiết bị vệ sinh môi trường chuyên dụng như xe hút bụi, xe tưới cây…;
  • Với các hoạt động sống của cư dân đô thị có tính riêng lẻ thông qua hộ gia đình thì còn nan giải hơn, ô nhiễm không khí thông qua việc thải ra từ các nguồn chất đốt như than tổ ong, đun nấu từ nhà hàng, hộ gia đình. Bên cạnh đó là việc thiếu hành vi văn hóa của cư dân trong mọi hoạt động sống như việc vô ý thức vứt rác, xả thải tiểu tiện, hút thuốc lá… Các không gian thông thoáng còn hạn chế, đi kèm với trang thiết bị lạc hậu xử lý các chất thải ra hạ tầng ngầm và môi trường đô thị.;
  • Ô nhiễm môi trường không khí từ các hoạt động sống của một lượng cư dân lớn phi chính thức với các kiểu tạm trú, di cư kiểu con lắc, hoạt động dịch vụ có tính thời vụ tại các khu nhà trọ, khu nhà chưa hoàn thiện, các khu vực đất đang trong tình trạng “quy hoạch treo, dự án treo” hoặc các bãi, xóm lấn chiếm….
Sự lựa chọn mô hình vật chất cho sức khỏe cùng với chất lượng môi trường sống bên trong
Xác định nguồn gây ô nhiễm để lựa chọn các giải pháp thiết kế thụ động cho môi trường bên trong nhà

Sau cùng, có lẽ hầu hết các đô thị hiện nay đều đang quá chú trọng vào việc phát triển nhà ở thông qua các dự án “khu đô thị mới” hoặc xen cấy vào các khu vực nội đô, nhưng đều chỉ thuần túy coi ngôi nhà ở, căn hộ ở là một loại hàng hóa đậm tính thương mại, mà ít chú trọng tới việc xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng môi trường đô thị hoặc càng làm trầm trọng thêm, áp lực nặng thêm cho kết cấu kỹ thuật hạ tầng đô thị vốn đã cũ và lạc hậu trong nội đô.

Những hướng đi mới trong việc xây dựng, quản lý chất lượng môi trường không khí đô thị được lồng ghép giữa thiết chế và văn hóa đô thị

Trước hết, để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí trong các đô thị hiện nay, cần phải đặt lĩnh vực môi trường không khí nằm trong môi trường chung của đô thị. Chúng cần phải được lồng ghép, xây dựng đồng bộ giữa các Bộ, Ngành, địa phương có liên quan thông qua 3 thành phần cơ bản, bao gồm: Hệ thống Luật thông qua các quy định về Quản lý- Pháp chế đô thị, các kiến tạo về tiện nghi, tiện ích đô thị kết hợp với môi trường xã hội thông qua văn hóa, hành vi và ý thức chấp hành của các chủ thể và cư dân đô thị.

Trong đó, đặc biệt các hệ thống Luật – Pháp chế về kiến tạo đô thị cần phải lưu ý việc phát triển, đồng thời cùng giải quyết đồng bộ 3 yếu tố liên quan mật thiết đến môi trường sống: Môi trường bên ngoài, môi trường bên trong và chức năng đô thị, trong đó có chức năng của từng công trình. Ở đó, cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về quy hoạch như mật độ xây dựng, mật độ dân số, mật độ cư trú – Kiểm soát và hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh quy hoạch. Điều đó cũng có nghĩa, cần phải xây dựng cho mỗi đô thị, nhất là những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM… “Quy chế quản lý môi trường và chất lượng sống đô thị”.

Cần lấy mục tiêu qua sự lựa chọn mô hình vật chất tốt nhất là sức khỏe với chất lượng sống của cư dân đô thị là mục tiêu hàng đầu, có tính tiên quyết và quyết định đến sự phát triển bền vững của đô thị theo chuỗi thúc đẩy từ chất lượng môi trường đến sức khỏe và an sinh, nhằm nâng cao năng suất lao động và hướng tới thực sự là đô thị hạnh phúc, hiện đại và văn minh.

Cần xác định rõ và đầy đủ các nguồn gây ô nhiễm trực tiếp và gián tiếp giữa môi trường bên trong và bên ngoài, để từ đó có các giải pháp quy hoạch, thiết kế, kết nối… đồng bộ trên cơ sở khai thác, tận dụng các môi trường tự nhiên sẵn có như ánh sáng, không khí, cây xanh, mặt nước…. Trên cơ sở đó, tạo dựng chất lượng môi trường sống bên trong theo điều kiện có thể nhất, mật thiết với sức khỏe và an sinh phúc lợi của người dân đô thị.
Về văn hóa đô thị, với đặc trưng cư dân ở đô thị gồm các giai tầng xã hội có trình độ và điều kiện kinh tế, vị trí xã hội khác nhau, cũng như hết sức đa dạng bởi nhiều hệ tôn giáo, tư tưởng…., cần xây dựng các quy định, thiết chế có xu thế hài hòa giữa Văn hóa và Văn minh, hướng tới trở thành khuôn mẫu hóa, gồm các hệ thống pháp chế đi cùng các quy định bắt buộc và xử phạt nghiêm minh gắn với hệ các giá trị văn hóa chuẩn mực, đi từ cấu trúc tế bào gia đình đến các cấp độ dần cao hơn, nhằm hướng tới ý thức của cộng đồng đô thị trong việc cùng phối hợp với chính quyền đô thị để xây dựng, quản lý, hưởng thụ môi trường sống ngày một tốt hơn.

Xây dựng thiết chế xã hội nhằm tăng chất lượng môi trường sống gắn với giai tầng và văn hóa đô thị từ thấp đến cao
Các hình thức chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao chất lượng môi trường sống đô thị từ thấp đến cao
Các mục tiêu hướng tới của một đô thị lành mạnh khi có nền tảng chính của chất lượng môi trường đô thị

Các công nghệ, trang thiết bị… phục vụ cho việc xử lý, nâng cao chất lượng môi trường không khí trong đô thị ở cả bên trong lẫn bên ngoài, cần phải được chủ động làm chủ, kết hợp với các giải pháp thiết kế thụ động để luôn hiện đại hóa, chất lượng hóa theo các hình thức của chuyển giao công nghệ đi từ thấp đến cao. Mục tiêu cuối cùng là làm chủ công nghệ và cung ứng cho thị trường ngay ở trong nước mà không phải nhập khẩu. Cần hướng tới, mọi đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm làm tăng chất lượng môi trường không khí trong đô thị chỉ thực sự có giá trị và hữu dụng khi chúng được đặt trong môi trường thiết chế và văn hóa đô thị đòi hỏi sự nghiêm minh, công bằng và dân chủ.

Cuộc sống đô thị là tổng hòa các mưu cầu của cộng đồng xã hội, ngoài những mục tiêu cần giải quyết và đạt được về các mặt như ăn, mặc, ở, giao thông đi lại, chăm sóc sức khỏe, công ăn việc làm, giải trí…

Cần coi trọng, đặt chất lượng môi trường sống là quan trọng nhất, trung tâm nhất, kết nối với những mưu cầu khác, lĩnh vực khác nhằm hướng tới cộng đồng trong đô thị được hưởng cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc nhất. Đó cũng chính là hướng tới sự phát triển của đô thị theo hướng nhân văn và bền vững.

*TS.KTS Nguyễn Tất Thắng
Nghiên cứu viên Cao cấp -Viện Kiến trúc Quốc gia-Bộ Xây dựng

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2020)

–––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

Tài liệu tham khảo:

  1.  https://www.avisshealth.com
  2.  https://livewellaz.org
  3.  http://taf.ca/
  4.  http://wwwgreenbuildingsolution.in/
  5.  Nguyễn Tất Thắng -“Vai trò của công tác lý luận và phê bình trong lĩnh vực Nghiên cứu khoa học”- Tạp chí Xây dựng – Bộ Xây dựng số 06/2018
  6.  Nguyễn Tất Thắng – “Duy trì và phát huy mạch huyết văn hiến, văn vật, văn hóa xứ Kinh Bắc trong quá trình xây dựng Bắc Ninh trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương”- Tạp chí Xây dựng – Bộ Xây dựng số 07/2018
  7.  Nguyễn Tất Thắng – “ Không gian kiến trúc đô thị Quận Nam Từ Liêm – Dấu ấn và triển vọng”- Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam số 03/2019
  8.  Thiết chế xã hội – Wikipedia tiếng Việt.