Du lịch và phát triển nông thôn: Cần tạo chuỗi sản phẩm và gắn kết lợi ích của người dân trong thực tế

Đó là kết quả nghiên cứu của Liên hiệp Khoa học Phát triển du lịch bền vững (STDe) về du lịch nông thôn và trao đổi về khả năng hợp tác liên kết với các địa phương, doanh nghiệp trong việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế. Các kết quả này đã được công bố tại Tọa đàm Du lịch và phát triển nông thôn do STDe tổ chức vào ngày 25/9/2020 vừa qua tại Hà Nội.

Với sự tham dự của nhiều chuyên gia, đại diện cho nhiều sở, ban, ngành có liên quan như: Sở Du lịch Hà Nội, Trường ĐH KHXH và Nhân văn; các huyện Ba Vì, Sơn Tây, Thanh Oai, Gia Lâm…; các công ty lữ hành…, các đại biểu tham dự tọa đàm đã cùng thảo luận xung quanh các chủ đề:

  • Vai trò của du lịch nông thôn trong bối cảnh kinh tế – xã hội hậu Covid 19;
  • Những vấn đề cơ bản cần tháo gỡ của du lịch nông thôn tại Việt Nam;
  • Các loại hình du lịch nông thôn phù hợp với Việt Nam;
  • Khả năng liên kết, hợp tác để phát triển du lịch nông thôn;
  • Các hướng đi, giải pháp trước mắt và kế hoạch lâu dài để phát triển du lịch nông thôn…

TS.KTS Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch STDe đã công bố những dự án du lịch nông thôn do STDe thực hiện, cụ thể là: Chuỗi sản phẩm du lịch từ cây lúa ở làng cổ Đường Lâm; Quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 điểm du lịch nhân văn tưởng niệm Nhà văn – Liệt sỹ Nam Cao (Khu du lịch “Làng Vũ Đại ngày ấy” tại Xã Đại Hoàng, Huyện Lý nhân- Tỉnh Hà Nam); sản phẩm du lịch làng nghề Rắn tại xã Vĩnh Sơn- huyện Vĩnh Tường – Tỉnh Vĩnh Phúc; Khu du lịch huyền thoại vua Gà – thác Pạc Sủi tại xã Yên Than, Huyện Tiên Yên- Tỉnh Quảng Ninh. Với những sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, mỗi dự án mang nhiều tâm huyết của các KTS của STDe nhận được sự ủng hộ từ nhiều mặt của các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực.

Chia sẻ những ý kiến xung quanh việc phát triển du lịch nông thôn, TS.KTS Nguyễn Thu Hạnh đã đúc rút những bài học kinh nghiệm: “Muốn phát triển hiệu quả sản phẩm du lịch nông thôn cần phải tạo ra được chuỗi sản phẩm du lịch từ hệ sinh thái nông nghiệp để tạo sự phong phú, đa dạng và thu hút được nhiều đối tượng khách. Muốn vậy, ngay từ khâu xây dựng ý tưởng sản phẩm, giá trị làng nghề phải được đánh giá một cách toàn diện và sâu sắc với góc nhìn mới về nguồn tài nguyên cũ, đánh giá cần được phân tích trên nhiều khía cạnh giá trị cả vật chất, lẫn tinh thần, cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.”

Một trong những giải pháp được các đại biểu tham gia tọa đàm cùng trao đổi chính là việc hiện thực hóa các ý tưởng sản phẩm du lịch, trong đó chính quyền địa phương phải nỗ lực nâng cao nhận thức và tạo động lực về nguồn vốn ban đầu cho người dân để họ có đủ năng lực trở thành chủ thể trong chuỗi giá trị tạo ra sản phẩm. Ngoài ra, cần phải xây dựng cơ chế phân chia lợi ích rõ ràng và hợp lý để có thể gắn kết chặt chẽ nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp với người dân trong quá trình triển khai chuỗi sản phẩm thực tế.

Một số hình ảnh của dự án du lịch nông thôn:

Trúc Linh – TCKT
© Tạp chí kiến trúc


Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung Ương