Để có được chìa khóa vàng “Luật Kiến trúc sư”

Sự cần thiết phải có Luật KTS 
KTS là một trong nhóm ba chủ thể trong xã hội cần phải có Luật để điều chỉnh hành vi : Bác sỹ, Luật sư, KTS. Hành vi, hành động nghề nghiệp của những người này tác động trực tiếp và quan trọng (cả tốt lẫn xấu) đến xã hội.
KTS sử dụng nhiều của cải vật chất của xã hội và để lại những di sản giàu ý nghĩa nhất cho xã hội (là công trình, là văn minh – văn hóa, …). Vì vậy, cần có Luật để điều chỉnh họ ở cả hai chiều: bảo vệ, bảo đảm cho họ được tự do sáng tạo; và cũng bó buộc, chế ngự họ trong chiều hướng chỉ được “sáng tạo có ích lợi” cho cộng đồng, xã hội.
Cần có Luật KTS để có được một “môi trường” pháp lý và tổ chức,… có thể vừa bảo đảm, bảo vệ, vừa khích lệ, kích thích… KTS hành động trong khuôn khổ Luật, trong khi hiện nay (khi chưa có Luật), tình trạng là chỉ nặng bó buộc, mà nhẹ khích lệ, bảo vệ. Trong phạm trù này, có một vấn đề rất quan trọng : môi trường của ta, hiện nay thiếu hẳn cái “tổ chức hành nghề” của người KTS vừa “tổ chức” được cho họ hành nghề, vừa “điều chỉnh được” hành vi hành nghề của ông ta.
KTS Việt Nam không “đơn thương” trong môi trường “thế giới phẳng”: Việt Nam hội nhập WTO, KTS Việt Nam hội nhập UIA cho nên KTS Việt Nam cần có “hệ thống của mình – tương ứng” được, “ráp” được với quốc tế. Luật KTS giải quyết vấn đề này, và Luật còn là cái “kim cô” bảo vệ KTS trong môi trường hội nhập.
Lưu ý rằng, phải là “Luật KTS”, chứ không chỉ là “Luật Hành nghề KTS”, bởi vì : chúng ta cần một Luật về chủ thể của các hoạt động kiến trúc trong xã hội, trong đó bao gồm cả vấn đề hành nghề của KTS, chứ không phải duy nhất chỉ có vấn đề “hành nghề” mà thôi. Luật mà chúng ta cần, còn phải điều chỉnh được hai loại hoạt động quan trọng, đó là “quản lý” và “đào tạo” KTS. Nếu chỉ nói đến Luật hành nghề không thôi, “quản lý” có thể được bao hàm trong “hành nghề”, nhưng còn “đào tạo” thì để vào đâu? Nếu gom cả vào thì “khiên cưỡng” quá, không rộng và sâu được !. Luật ở đây là luật về “con người”, là Luật về “chủ thể” chứ không dừng lại chỉ ở “hành vi”, 
 
Một góc phố Sài gòn từ trên cao
Luật KTS sẽ mang lại hiệu quả gì?
Đối với KTS
– Được đào tạo, đáp ứng đúng yêu cầu của xã hội.
– Được luật bảo vệ để thực thi tốt nhất chức năng nhiệm vụ của mình, điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ đóng góp tốt nhất cho xã hội.
– Được hành nghề trong một môi trường hoạt động tối ưu, trong đó có cơ cấu mô hình tổ chức nghề nghiệp của mình Đoàn KTS
– Được “chế tài” một cách hợp lý, phù hợp với luật pháp và đạo đức xã hội
– Được pháp luật đảm bảo thụ hưởng thành quả lao động của mình một cách xứng đáng, trong đó có quyền sở hữu trí tuệ và thù lao.
Đối với “khách hàng” của KTS – thân chủ, cộng đồng, xã hội :
– Được cung cấp dịch vụ kiến trúc, đáp ứng một cách tối ưu, hiệu quả, và phù hợp với pháp luật. Được cung cấp dịch vụ bởi những KTS đã được pháp luật công nhận.
– Xã hội có những công trình, tác phẩm kiến trúc chất lượng, giá trị, đúng tầm vóc, phù hợp văn hóa, văn minh. 
– Luật KTS “điều chỉnh” cách cư xử của xã hội đối với KTS, trong đó có cá nhân, tổ chức, và Nhà Nước. Luật KTS Singapore phạt hình sự người nào sử dụng dịch vụ KTS của những kẻ không phải là KTS.
Đối với bộ máy Nhà Nước (quản lý XH) :
– Luật là công cụ rạch ròi, mạnh mẽ, minh bạch, để thiết lập, điều hành, quản lý, điều chỉnh hành vi của các chủ thể (các KTS, các tổ chức hành nghề kiến trúc, các cơ quan quản lý kiến trúc và quản lý hành nghề kiến trúc) đang hoạt động kiến trúc trong xã hội.
– Từ Luật có được một môi trường tổ chức (Đoàn KTS, Hội KTS, các tổ chức hành nghề kiến trúc), trong đó, quan trọng là Đoàn KTS với chức năng điều hành, điều chỉnh các hoạt động, các hành vi của KTS trong xã hội. Đây chính là địa chỉ quản lý phần “hồn kiến trúc” (đạo đức trong hành nghề kiến trúc, văn hóa kiến trúc, xu hướng kiến trúc, giải thưởng kiến trúc, tương lai diện mạo đô thị…) 
– Quy hoạch, định hướng và thực thi được các ý tưởng của Nhà nước trong hai việc lớn : 1/- Phát triển nền kiến trúc (thí dụ : diện mạo đô thị hiện đại, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống…), 2/- trong việc hội nhập quốc tế.
– Chỉ có Luật mới có được giá trị lâu bền, tách bạch khỏi ảnh hưởng của nhiệm kỳ “giới chức” thường dễ thay đổi, biến động,… dể gây khó khăn, xáo trộn, chồng chéo, …
Tiến trình xây dựng Luật KTS?
Sẽ phải qua nhiều bước và kiên trì nhiều năm, nhưng đại thể phải theo lộ trình sau:
– Hội KTS Viêt Nam là người nhận thức được sự cần thiết ban hành Luật KTS, đề xuất kiến nghị và tranh thủ sự đồng thuận của những cơ quan quản lý nhà nước liên quan.
– Kế đến là có sự đồng thuận từ Chính phủ và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cho phép nghiên cứu và soạn thảo Dự Luật.
– Một Uỷ Ban Soạn thảo Luật sẽ được thành lập. Việc này Hội KTS đã đề nghị Bộ Xây dựng chủ trì.
– Sau khi sọan thảo Dự Luật, sẽ trình Quốc Hội, đề ra lịch trình thông qua, cuối cùng thì thông qua Luật tại một kỳ họp Quốc Hội.
– Chủ Tịch Nước ban hành Luật.
Trong chuỗi công việc này, quan trọng nhất là soạn Dự thảo Luật. 
Chính lực lượng KTS trẻ phải là lực lượng chính tham gia xây dựng Luật, bên cạnh đó, các KTS lão thành giúp tư vấn, cố vấn cho họ. Việc này, giống như việc các bạn KTS trẻ phải tự may cho mình cái “áo mới” để mặc, thay cho cái áo cũ đã sờn rách và chật chội, thay vì ngồi đợi người khác làm hộ việc của họ.
Bởi lẽ, suy cho cùng, chính các KTS trẻ là những người góp phần xây dựng diện mạo của đất nước mình trong tương lai.
 
Luật Sư.KTS  Nguyễn Tiên Quang
(Trích tham luận tại “Hội thảo Xây dựng Luật KTS”, tại TP.Hồ Chí Minh, ngày 08/6/2012)