Đừng để mất không gian công cộng ven biển miền Trung

Sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm cấp phép cho các dự án ven biển, thậm chí phải thu hồi nếu đã cấp vì bờ biển cần thông thoáng đã được nhiều phương tiện truyền thông đưa tin trong thời gian qua.

Vấn đề này đã được giới chuyên môn và các nhà khoa học trước đây cảnh báo khi các địa phương ven biển, nhất là các tỉnh Duyên hải miền Trung manh nha triển khai khai thác thế mạnh này để phát triển du lịch. Có một KTS từng nói “Không gian công cộng ven biển không thể bị đánh cắp”, thế nhưng những lời phản biện đó lại bỏ qua.


Đây là một trong những khu đất ven biển Đà Nẵng được các nhà đầu tư “xí phần” rồi bỏ hoang gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Còn nhớ năm 2006, tại TP Quy Nhơn, Hội KTS Việt Nam đã tổ chức Hội thảo quy hoạch và kiến trúc đô thị biển với sự tham gia của nhiều nhà quy hoạch, kiến trúc sư, nhà khoa học tham gia phản biện. Những bất cập trong khai thác bãi biển, những nguy cơ hủy hoại môi trường tại khu vực này, những cảnh báo… đã được đặt ra tại Hội thảo và có giá trị ngay cả ngày hôm nay.

Các tỉnh ven biển miền Trung đều sở hữu những bờ biển đẹp bởi cảnh quan thiên nhiên, mặt nước biển xanh, có bãi cát mịn chảy dài theo nước, có rừng dương xanh, có gò đất đồi, ghềnh đá… tạo nên những sắc thái riêng, diện mạo riêng. Thế nhưng, hơn 10 năm qua những vùng biển này đã được các địa phương lần lượt đưa vào đầu tư và khai thác phục vụ cho ngành công nghiệp không khói. Hàng loạt các resort, khu nghỉ dưỡng, biệt thự, sân golf mọc lên bao quanh như tường rào che chắn, phân chia sử dụng bãi biển trở thành của riêng. Người dân sở tại không được hưởng phúc lợi quê mình hay du khách vãng lai đến thành phố biển mà không được tận hưởng nó.

Nhìn lại các bãi biển của tỉnh miền Trung mới thấy được nhiều sự bất cập trong phát triển. Không còn đâu không gian công cộng ven biển bền vững nơi kết nối con người với con người, con người với thiên nhiên. Bãi biển Lăng Cô – Huế cũng khai thác triệt để trong xây dựng các khu nghỉ dưỡng. Bờ biển đẹp Nha Trang lại thiếu những khoảng trống và khoảng lùi để tạo cảnh quan đô thị và dọc đường ven biển, thiếu mảng cây xanh và đang dần bị bê tông hóa nghiền nát. Biển Cửa Đại – Quảng Nam cũng đang khai thác tối đa trong việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng. Bãi biển Quy Nhơn với đường bờ kè ven biển tạo nên sự cứng nhắc. Phan Thiết với những dự án ven biển san sát nhau bít hết tầm nhìn tận hưởng vẻ đẹp của biển. Khu vực Mũi Né bãi biển bị xé nát không tạo nên một hình tổng thể.

Hầu như dọc các bờ biển Duyên hải miền Trung đều chia cắt bởi đường giao thông. Nhiều nơi làm rất rộng và sát mặt nước. Các con đường này được các địa phương cho rằng đây là con đường du lịch. Tại Hội thảo được tổ chức vào tháng 7/2011 của Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn – Bộ Xây dựng về Không gian công cộng ven biển các tỉnh Duyên hải Miền Trung. KTS. Hồ Duy Diệm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng đã có bài tham luận về những vấn đề liên quan cũng đã nêu: Những con đường ven biển với 4 làn xe chạy không phải là con đường du lịch, không tạo không gian công cộng du lịch biển mà là con đường xe hàng, xe tải ngăn cách và phá vỡ cảnh quan, phá vỡ không gian du lịch. Vì những con đường rộng mở này có khi cách mặt nước 50 – 100m và bỏ lại 500 – 1.000m bãi biển phía trên. Và từ những con đường này hình thành những phân lô, phân mảnh cho những công trình riêng lẻ, những khu tái định cư… không liên quan gì đến phục vụ du lịch nghỉ dưỡng.

Có lẽ phát triển mạnh nhất là Đà Nẵng. Với con đường ven biển Sơn Trà – Điện Ngọc đã phá nát môi trường sinh thái vốn có ven biển của Đà Nẵng. Cộng với hàng loạt các các resort, khu nghỉ dưỡng, biệt thự, sân golf mọc lên đã làm mất đi bờ cát trắng, mất đi những dải rừng dương chắn sóng, chắn cát và làm mất đi khoảng không gian công cộng sinh hoạt của người dân khi muốn tận hưởng về biển.

Dọc bãi biển đẹp nhất Đà Nẵng, mỗi nhà đầu tư chiếm lấy một khoảng riêng cho mình. Có những nhà đầu tư triển khai xây dựng nhưng cũng có những nhà đầu tư thiếu tiềm năng nên cứ che chắn để mãi những khung bê tông vô hồn trên bờ biển đầy phản cảm gây bức cho người dân.

Cách đây 4 năm, tháng 7/2011, Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn – Bộ Xây dựng cũng đã tổ chức Hội thảo khoa học tại Đà Nẵng về không gian công cộng ven biển các tỉnh Duyên hải miền Trung. Với mục tiêu làm rõ các vấn đề về phát triển không gian công cộng ven biển các tỉnh miền Trung dưới góc độ chuyên môn, quản lý và đầu tư. Để từ đó có định hướng các giải pháp quy hoạch, kiến trúc phù hợp nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

Những ý kiến phản biện của những nhà quy hoạch, kiến trúc sư lại một lần nữa bị mai một đi bởi các địa phương đang chạy theo kinh tế thị trường cứ ngỡ xây dựng những khu nghỉ dưỡng 5 sao sẽ thu hút được du khách mà quên rằng chính những vùng biển sinh thái, những rừng cây, những ghềnh đá, những không gian công cộng này mới có sức hút lớn lao đối với du khách trong và ngoài nước.

Khi nhìn ra những tồn tại, thiếu sót, khiếm khuyết sẽ tìm thấy được biện pháp khắc phục, nhưng không hề đơn giản. Những thực trạng về không gian công cộng ven biển miền Trung đã được nhìn ra trong thời gian qua nhưng việc sửa chữa, khắc phục không thể thực hiện được. Không ai giờ lại đi phá những khách sạn 5 sao, những khu resort cả nghìn tỷ để mở rộng không gian công cộng.

Đây cũng là bài học, là kinh nghiệm cho những địa phương khác trong khu vực miền Trung vẫn còn giữ bờ biển đẹp. Vẫn còn cơ hội trong quy hoạch phát triển không gian công cộng nhưng không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người dân. Và đây cũng là bài học đối với những nhà quản lý địa phương trong quy hoạch phát triển phải có tầm nhìn chiến lược, vai trò của cộng đồng trong quy hoạch. Nếu không có tầm nhìn xa và rộng chúng ta có thể trả giá đắt. Không để cái mất đi là cái quý giá nhất.

Ngọc Long
(Báo Xây dựng)