Phong trào Saemaulundong và mô hình làng mới ở Hàn Quốc

“Saemaulundong” từ một phong trào ở nông thôn đã lan ra thành một phong trào đổi mới toàn xã hội Hàn Quốc. Ngay từ đầu, phong trào đổi mới nông thôn đã đề cao “Tinh thần Saemaul” gồm 3 thành tố: “Chăm chỉ – Tự lực – Hợp tác”. Cho đến nay có hơn 16.000 làng đã đạt được những thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn. Chất lượng cuộc sống ở nông thôn đã từng bước bắt kịp với đô thị. Đi kèm với việc phát triển hạ tầng và tăng cường các cơ sở đào tạo nghề nông, đưa tiến bộ KHKT, các loại giống mới vào sản xuất như nấm, cây thuốc lá… Đời sống nông thôn nâng cao rõ rệt.



Làng nông thôn mới Jeonju Hanok, Hàn Quốc

Viện trợ của chính phủ là vô nghĩa nếu không phát huy nội lực

Hàn Quốc vào đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX là một nước nghèo sau chiến tranh. Nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp nhưng hạn hán và lũ lụt thường xuyên xảy ra khắp đất nước. Sau hai kế hoạch 5 năm tiến hành từ năm 1962 có kết quả, nền kinh tế Hàn Quốc bắt đầu có dấu hiệu cất cánh. Tuy nhiên, tập trung phát triển công nghiệp đã làm khu vực đô thị phát triển nhanh chóng trong khi khu vực nông thôn vẫn chìm trong đói nghèo và lạc hậu. Đến năm 1970 vẫn còn 70% dân số sống ở nông thôn, trong số đó 80% sống trong nhà vách đất, dùng đèn dầu, đường làng nhỏ hẹp thậm chí xe bò xe ngựa không qua lại được, gần như không có các công trình vệ sinh, y tế, văn hóa, người dân đói ăn, thất học…

Được đích thân Tổng thống chung tay phát động vào ngày 22/4/1970, “Saemaul” theo nghĩa tiếng Hàn là “Sự đổi mới của cộng đồng” được ghép với “undong” có nghĩa là một phong trào và cụm từ “Saemaulundong” có nghĩa là phong trào đổi mới cộng đồng. Vì phong trào bắt đầu từ nông thôn nên “Saemaulundong” được hiểu là “Phong trào đổi mới nông thôn”. Năm 1974, chỉ sau 4 năm phát động “Saemaulundong”, nông thôn Hàn Quốc đã có những thay đổi đáng kể về kiến trúc cảnh quan và phát triển kinh tế. Sản lượng lúa tăng đến mức có thể tự túc lương thực, phổ biến kiến thức nông nghiệp đã tạo nên một cuộc cách mạng trong phương pháp canh tác, thu nhập một năm của hộ nông dân (674 nghìn won tương đương 562 USD) cao hơn so với hộ ở thành thị (644 nghìn won tương đương 537 USD).

Cho đến năm 1980, bộ mặt nông thôn có thể nói đã hoàn toàn thay đổi với đầy đủ điện, đường, nước sạch, công trình văn hóa… “Saemaulundong” từ một phong trào ở nông thôn đã lan ra thành một phong trào đổi mới toàn xã hội Hàn Quốc. Ngay từ đầu, phong trào đổi mới nông thôn đã đề cao “Tinh thần Saemaul” gồm 3 thành tố: “Chăm chỉ – Tự lực – Hợp tác”. Cơ sở để hình thành tinh thần này là: “Chăm chỉ” là động cơ tự nguyện của người dân, không ngừng vượt qua khó khăn để tiến tới thành công, “Tự lực” là ý chí bản thân, tinh thần làm chủ, chịu trách nhiệm về cuộc sống và vận mệnh của bản thân và “Hợp tác” là nhận thức về mong muốn phát triển cộng đồng phải nhờ vào nỗ lực của tập thể.

“Tinh thần Saemaul” đã quyết định thành công của phong trào, được người dân Hàn Quốc xem như “hạt nhân tinh thần” của công cuộc xây dựng một xã hội tiên tiến và một quốc gia thịnh vượng bắt đầu từ khu vực nông thôn.

Đặc trưng của phong trào không đơn thuần là một kế hoạch hành động mà là một cuộc “vận động cải cách ý thức” cùng với “vận động thực hiện hành động”. Cuộc cải tổ ý thức của người dân dựa trên các khẩu hiệu tinh thần: “Đã làm là được”, “Tất cả đều có thể làm được” và “Nhất định phải làm”. Với những kết quả đạt được ngay từ đầu, người dân nông thôn đã lấy lại được sự tự tin, phấn khởi bắt tay xây dựng ngôi làng của mình khang trang và cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ thực tế này, nông dân thấy tin vào sức mình, tin ở chính phủ, tin vào tương lai tươi sáng cho con cháu mai sau. Và họ đã tích cực hưởng ứng phong trào và có được những gì mình muốn.

Ở cấp Trung ương, Bộ Nội vụ được giao chỉ đạo và quản lý toàn bộ phong trào, bên dưới có các Vụ đảm nhận các nhiệm vụ cụ thể. Ở tỉnh, thành phố đến cấp quận, huyện có cơ quan chuyên trách đảm nhận phong trào. Ở cấp phường, xã thành lập ủy ban điều hành phong trào thường do chủ tịch hành chính đứng đầu. Ở thôn, xóm thành lập “Ban phát triển tự quản” mà người lãnh đạo là do dân bầu.

Nhận ra tầm quan trọng của người đứng đầu dự án, năm 1972 sau một năm triển khai phong trào, Chính phủ đã thành lập “Viện đào tạo lãnh đạo Saemaul” và sau này trở thành “Học viện trung ương bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo đổi mới nông thôn”. Khóa học nhấn mạnh vào sự cống hiến quên mình và nêu gương cho quần chúng của người lãnh đạo. Chính những học viên này sẽ là người lãnh đạo và hướng dẫn cho dân làng, đóng vai trò quan trọng trong thành công của các dự án.

Bắt đầu từ việc dễ và những thành công bước đầu

Với cốt lõi chính của phong trào mới là: Thay đổi tư duy, phát huy nội lực của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; phát triển sản xuất để tăng thu nhập cho nông dân; phát huy dân chủ để phát triển nông thôn; phát triển kinh tế hợp tác từ phát triển cộng đồng. Ban đầu phong trào đổi mới nông thôn Hàn Quốc đưa ra 10 nội dung sau: Mở rộng, làm mới đường vào thôn xóm; Mở rộng, làm mới đường trong thôn; Làm vệ sinh thôn xóm; Xây dựng khu giặt giũ chung; Đào giếng nước chung; Cải tạo mái nhà từ lợp rạ thành mái ngói, xi măng; Cải tạo hàng rào quanh nhà từ tường đất thành tường xây gạch, xi măng; Sửa cầu; Sửa hệ thống đập sông ngòi và Xây dựng điểm gom phân bắc. Các quy hoạch nông thôn mới nhấn mạnh 3 yếu tố chính là tổ chức không gian, phát triển sản xuất nông nghiệp về nghề phụ – quy hoạch cải tạo hạ tầng nông thôn được thực hiện đồng bộ và cuốn chiều ở từng địa phương với nguồn lực nhà nước và người dân cùng làm.

Các nội dung để xây dựng dự án rất thiết thực, tương đối đơn giản dễ triển khai, nhanh có kết quả. Điều này rất quan trọng để khích lệ tinh thần người dân tin vào hiệu quả công việc, tin vào phong trào, tạo đà để làm những dự án dài hơi hơn. Trong năm đầu tiên phát động phong trào, chính phủ cấp miễn phí đồng loạt cho 33.000 xã trong cả nước, mỗi xã 355 bao xi măng (loại 40 kg). Kết quả là sau 1 năm, 16.600 xã được cải thiện rõ rệt do biết tranh thủ sự hỗ trợ của chính phủ và vận động sự tham gia tích cực của người dân, làm nên thành công bước đầu. Sang năm thứ 2, chỉ 16.600 xã có thành tích tốt được tôn vinh khen thưởng và tiếp tục được chính phủ hỗ trợ 500 bao xi măng và 1 tấn thép cho mỗi xã. Phấn khởi và tự tin, các xã này tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng và bắt đầu đi vào các dự án tăng thu nhập. Cách thức này tạo nên không khí cạnh tranh sôi nổi trong nông thôn cả nước, là yếu tố thúc đẩy đáng kể phong trào.

Năm 1973, vào năm thứ 3 của phong trào, chính phủ đã tiến hành phân loại các thôn theo tiêu chuẩn phát triển và sự tham gia của người dân (vốn, công lao động) thành 3 nhóm, mỗi nhóm sẽ nhận được sự hỗ trợ khác nhau. “Thôn cơ sở” hầu như chưa có sự tham gia đáng kể của người dân, sẽ nhận được sự hỗ trợ các dự án cải thiện môi trường và cần phải nâng cao ý thức người dân. “Thôn tự lực” đã có tỷ lệ người dân tham gia khoảng 50%, sẽ được hỗ trợ các dự án môi trường, dự án nâng cao thu nhập. “Thôn tự lập” là các thôn có 100% người dân tham gia phong trào được ưu tiên hỗ trợ các dự án nâng cao thu nhập, dự án phúc lợi văn hóa. Sự đầu tư theo nhóm năng lực đã mang lại kết quả tốt, hiệu quả đầu tư cao. Vào năm 1973, còn 31% “Thôn cơ sở” và chỉ có 12% “Thôn tự lập”, nhưng đến cuối năm 1978 gần như 100% đạt số “Thôn tự lập”.

Chính phủ Hàn Quốc chủ trương hỗ trợ để nông dân tự mình đứng lên trở thành người chủ đích thực. Chủ động lập quy hoạch và đầu tư thành lập các khu liên hiệp nông nghiệp trồng các sản phẩm đem lại lợi nhuận cao như nấm, thuốc lá để gia tăng tổng thu nhập. Quy hoạch sản xuất tập trung phân định rõ các vùng cây chuyên canh quy mô lớn, các khu liên hiệp này trồng cây trong nhà kính, sản phẩm rau sạch có thể thu hoạch ngay giữa mùa đông. Khi làm việc tập thể, người nông dân cũng giảm được các chi phí không cần thiết so với làm việc đơn lẻ nên làm tăng hiệu quả sản xuất. Chính phủ cũng quy hoạch và hỗ trợ đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến ở các vùng nguyên liệu nông thôn để gia tăng thu nhập. Các nhà máy đã tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhiều phụ nữ. Kết quả là thu nhập ở nông thôn tăng đều đặn. Năm 1977, có 98% các xã đã có thể độc lập về kinh tế.

Trong giai đoạn tiếp theo, thành công của “Saemaulundong” ở nông thôn đã lan tới các vùng phi nông nghiệp như công sở, trường học, nhà máy với nhiều lĩnh vực khác nhau. Các thành phố bắt đầu các dự án chống tham nhũng và xây dựng một đô thị hoàn hảo. Ba chiến dịch “Saemaulundong” được phát động là: Chiến dịch Tinh thần, Cư xử và Môi trường. “Chiến dịch Tinh thần” nhằm xây dựng mối quan hệ thân thiện với láng giềng, kế thừa và phát huy những truyền thống dân tộc dựa trên lòng hiếu thảo và nâng cao ý thức cộng đồng. “Chiến dịch Cư xử” nhấn mạnh tới trật tự công cộng trên đường phố, cách ứng xử tích cực trong làng xóm và công sở, hành vi nơi công cộng và cấm say rượu dẫn tới cư xử không đúng đắn. “Chiến dịch Môi trường” tập trung vào vấn đề giữ vệ sinh khu vực sinh sống và làm việc, giữ gìn môi trường đô thị và phát triển màu xanh thành phố, làm sạch các con sông. Ba chiến dịch này hướng đến mục tiêu là tạo ra sự thống nhất và kỷ cương, giúp cho sự phát triển xã hội một cách hài hòa.

Trong nhà máy, “Saemaulundong” hướng tới khôi phục niềm tin và nêu cao khẩu hiệu: “Mọi công nhân trong nhà máy đều là thành viên trong gia đình, việc của nhà máy là việc của bản thân”. Việc củng cố nền tảng cho sự ổn định của các ngành công nghiệp được chú trọng bằng cách thu hẹp khoảng cách giữa công nhân và giới chủ, xây dựng quy tắc ứng xử lành mạnh.

Các trường học kiểu “Saemaul” là cơ sở của “Tinh thần Saemaul”. Học sinh được học về “Saemaulundong” và đóng góp của phong trào cho xã hội. Các làng xã, xí nghiệp được trang bị “Thư viện Saemaul” cùng với các phương tiện vui chơi giải trí khác. Các thư viện nông thôn đều có sách giới thiệu phương pháp canh tác mới. Đây là bước đột phá lớn ở nông thôn, là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng thu nhập cho nông dân.

Theo báo cáo của một chuyên gia kinh tế Hàn Quốc, trong vòng 10 năm triển khai “Saemaulundong” từ 1971-1980, tổng kinh phí đầu tư cho các dự án là 3.425 tỷ won (tương đương khoảng 3 tỷ USD). Trong số đó đóng góp của người dân chiếm phần lớn 49,4%; hỗ trợ của chính phủ chỉ 27,8%; phần còn lại là các khoản nông dân vay của các tổ chức tín dụng. Nếu tính cả phần vốn vay, sự đóng góp của người dân là 72,2%. Thực tế cho thấy sự hỗ trợ của chính phủ trong giai đoạn đầu là rất quan trọng, nhưng rõ ràng sự đóng góp của người dân mới quyết định thành công của các dự án.

Trong 10 năm, các dự án đã làm được 61.797 km đường vào thôn (đạt 126% kế hoạch); 43.558 km đường trong thôn (166%); 79.516 cầu cống nhỏ (104%); 37.012 nhà văn hóa (104%); 15.559 km đường cống nước thải (179%); 2.777.500 hộ nông thôn được cấp điện (98%); 717 xí nghiệp nông nghiệp (75%); 22.143 nhà kho (64%); 225.000 ngôi nhà được cải tạo (42%) và quy hoạch mới cho 2.747 ngôi làng… Thành tích này đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo nông thôn Hàn Quốc.

Kết quả là có hơn 16.000 làng đã thay đổi được phần nào bộ mặt nông thôn. Sang năm 1972, ở những làng có kết quả tốt hơn, mức đầu tư của Chính phủ tăng lên 500 bao xi măng và 1 tấn sắt, thép. Những làng làm tốt cảm thấy họ được Chính phủ đền ơn. Nhờ đó mà nông thôn nước Hàn đã thay đổi mạnh mẽ. 33.267 làng bắt đầu được chia làm 3 thứ hạng, mỗi bậc nhận được mức hỗ trợ khác nhau từ nhà nước.

Chất lượng cuộc sống ở nông thôn đã từng bước bắt kịp với đô thị. Đi kèm với việc phát triển hạ tầng và tăng cường các cơ sở đào tạo nghề nông, đưa tiến bộ KHKT, các loại giống mới vào sản xuất như nấm, cây thuốc lá… Đời sống nông thôn nâng cao rõ rệt. Năm 1974, thu nhập ở nông thôn vượt thu nhập ở thành phố. Năm 1979, 98% làng ở Hàn Quốc đã có thể tự lực kinh tế. Tinh thần Saemaul Undong vượt biên giới làng quê nông thôn, lan tỏa đến thành phố, vượt quy mô hộ gia đình đi vào các trường học, công sở, nhà máy.

“Saemaulundong” đã được phát động cách đây hơn 40 năm nhưng dư âm của “Tinh thần Saemaul” vẫn thôi thúc người dân Hàn Quốc đến tận hôm nay. Một đất nước từng bị đô hộ từ cuối thể kỷ 19, xuất phát là một trong những quốc gia nghèo đói nhất, Hàn Quốc đã cất cánh trở thành nước có nền kinh tế đứng thứ 12 thế giới, với thu nhập đầu người hiện nay vượt trên 20.000 USD.

Theo các chuyên gia Hàn Quốc, 6 bài học được rút ra từ phong trào SU là: Phát huy nội lực của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; phát triển sản xuất để tăng thu nhập cho nông dân; đào tạo cán bộ phát triển nông thôn; phát huy dân chủ để phát triển nông thôn; phát triển kinh tế hợp tác từ phát triển cộng đồng; phát triển và bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường bằng sức mạnh toàn dân.

TS. Phạm Xuân LiêmNguyên Viện trưởng Viện Khoa học Nông Nghiệp Việt Nam

(Theo Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 5/2014)

Ảnh: Làng nông thôn mới Jeonju Hanok, Hàn Quốc (Nguồn: Internet)

T/c Kiến trúc Việt Nam