Sự thành hình của Kiến trúc: 7 Phác thảo cảm xúc của Daniel Libeskind và những công trình thành hình

Khi xem qua bản vẽ của đa số các kiến trúc sư, bạn sẽ thấy trong đó là sự tỉ mỉ và chính xác thể hiện qua các dụng cụ kỹ thuật như bút kim, thước sắt. Tuy nhiên nhiều khi những ý tưởng thiết kế lại được định hình chỉ bởi các đường nét tự do của viên phấn vẽ hay những nét dày đậm của cây bút dạ. Đôi khi những nét sơ phác ấy của kiến trúc sư lại có khả năng biểu đạt bản chất nội tại của kiến trúc mạnh hơn cả.

Phác thảo của Libeskind cho Bảo tàng Hoàng gia Ontario, Toronto, Canada
Phác thảo của Libeskind cho Bảo tàng Hoàng gia Ontario, Toronto, Canada

Chuyện kể rằng, kiến trúc sư người Mỹ-Ba Lan Daniel Libeskind đã phác họa thiết kế của Bảo tàng Hoàng gia Ontario trên khăn giấy, khi ông đang ăn tối tại một nhà hàng. Cảm hứng sáng tạo bất chợt này đã lên tới đỉnh điểm trong tuyệt phẩm Michael Lee-Chin Crystal của ông, và các phác thảo ấy được xem như một trong những cách cho thấy sự biểu hiện đặc trưng trong phong cách của Libeskind ở giai đoạn đầu mỗi dự án.

Tận dụng bất kỳ công cụ sẵn có nào khi cần, những phác thảo của Libeskind ít khi thể hiện hình dạng vật lý của công trình, mà quan tâm nhiều hơn đến những câu chuyện ông muốn biểu đạt. Tính thi vị biểu hiện qua các đường thẳng và sắc thái là mấu chốt trong quá trình sáng tạo của ông, và điều đó đã mang lại rất nhiều những công trình mang tính biểu tượng cho đến nay. Bài viết này sẽ giới thiệu thêm sáu bản phác thảo giàu cảm xúc khác và các công trình tương ứng thành hình được vẽ bởi một trong những KTS đại thụ của chủ nghĩa giải tỏa kết cấu – Daniel Libeskind.

Bảo tàng Do Thái Berlin, Berlin, Đức

Quay trở lại năm 1989, Libeskind đã thả hồn với bút vẽ để thể hiện một tông chì nặng nề cùng một màu màu cam mãnh liệt, cố gắng gói gọn lại lịch sử phức tạp và nhiều đau buồn của người Do Thái trên khắp thế giới. Cảm xúc hiện diện trong những đường nét gai góc này đã giúp cho ông giành thắng lợi ở cuộc thi thiết kế Bảo tàng Do Thái tại thủ đô nước Đức, và hình dáng gãy khúc của tòa nhà hiển nhiên đã gợi lại bức vẽ ban đầu của Libeskind.

Nhà 18.36.54, Connecticut, Mỹ

Trong những phác họa ban đầu của mình, sự mạnh bạo trong cách dùng màu nước của Libeskind đã giúp định hình các hình khối góc cạnh và ngôn ngữ phân mảnh của ngôi nhà vùng ngoại ô Connecticut này. Bản vẽ nhấn mạnh tính thẩm mỹ khác biệt của chủ nghĩa giải tỏa kết cấu, vốn hiểm thấy ở các công trình quy mô nhà ở. Công trình thành quả là một sự đan xen gấp khúc của những điểm, tuyến, diện được bao gọn lại bằng các tấm đồng lấp lánh.

Bảo tàng Chiến tranh Đế quốc phương Bắc, Manchester, Vương quốc Anh

Là một tập hợp các đường nét xen kẽ tạo hiệu quả ba chiều, thêm vào đó là các đường vân chéo ngụ ý chiều sâu và sự phản chiếu bề mặt. Bản phác họa này của Libeskind hiện ra rất trừu tượng, nhưng hiển nhiên nó đã phản ánh chính xác hình tượng tan vỡ của Bảo tàng Chiến tranh Đế chế – là bộ sưu tập trưng bày các mảnh vụn gợi lại hình ảnh một hành tinh hoang phế bị tàn phá bởi các xung đột toàn cầu.

Sự phản chiếu ở vịnh Keppel, vịnh Keppel, Singapore

Libeskind giữ mọi thứ đơn giản với bản phác thảo thiết kế công trình sang trọng “Sự phản chiếu” tọa tại lối vào bến cảng vịnh Keppel lịch sử này. Nhắc lại hình ảnh những cánh buồm thuyền trên mặt biển, bản vẽ của ông thể hiện một hình tượng khác biệt, thêm vào những đường nét mang tính biểu tượng cho tổ hợp căn hộ. Các tòa tháp cong bằng kính được thiết kế sao cho không có bất cứ hai căn hộ liền kề nào có góc nhìn và bố cục giống nhau, mang lại cho người sử dụng một cảm nhận tinh tế và độc nhất.

Bảo tàng Trương Chi Động và Công nghiệp hiện đại, Vũ Hán, Trung Quốc

Libeskind đã tổng hợp lại một bộ sưu tập đồ sộ những phác thảo để diễn giải lại những ý tưởng đa dạng, kết hợp với những câu chuyện về công trình và bối cảnh xung quanh trong quá trình thiết kế công trình bảo tàng ở miền Đông Trung Quốc này. Công trình được xây với mục đích tưởng nhớ di sản của Trương Chi Động (Zhang Zhidong) – một nhà lãnh đạo thế kỷ 19, người đã xúc tiến cho công cuộc hiện đại hóa ở Vũ Hán – và của lịch sử ngành công nghiệp thép khu vực đang bùng nổ.

Tổng mặt bằng Tầng Zero, New York, Mỹ

Là một phác họa thấm đẫm tính biểu tượng mạnh mẽ, mặt bằng đầy cảm xúc của Libeskind cho dự án Tầng Zero ở New York đã hòa quyện sự với rung cảm của bối cảnh xung quanh – đường biểu kiến của mặt trời định hình nên vị trí công trình – với các ẩn dụ liên hệ đến sự phản chiếu, hoài niệm và hy vọng về tương lai . Có thể thấy tượng Nữ thần Tự do xuất hiện ở góc dưới bên trái bản vẽ, cánh tay rộng mở của bà bừng sáng lên bởi ánh đèn từ tòa tháp tinh thể Trung tâm Thương mại Thế giới, đồng thời các hồ nước phản chiếu của Michael Arad tinh tế hé lộ dấu tích tòa tháp đôi cũ của kiến trúc sư Minoru Yamasaki.

Huy Hoàng – TCKT.VN

(Biên dịch từ Architizer)

© Tạp chí kiến trúc