Một số thành quả cơ bản về QHXD Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và Thành phố Vũng Tàu trong những năm qua

Bà Rịa – Vũng Tàu (BR – VT) là một tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Nam Bộ, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, được thành lập năm 1991, trên cơ sở sáp nhập 3 huyện Châu Thành, Xuyên Mộc và Long Đất của tỉnh Đồng Nai vào Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo. Trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, đến nay, BR – VT đã được biết đến như một trung tâm về năng lượng, công nghiệp dầu khí, cảng biển, du lịch và đánh bắt hải sản của cả nước. Về lĩnh vực phát triển đô thị, BR – VT đã và đang được quy hoạch, xây dựng khá đồng bộ. Hệ thống đô thị của tỉnh và nhiều khu dân cư nông thôn đã hoàn toàn thay đổi, được đông đảo nhân dân địa phương, các chuyên gia, du khách cả trong và ngoài nước đánh giá cao bởi tính hiện đại, sự ngăn nắp, khang trang, thẩm mỹ và có bản sắc…

Bản đồ quy hoạch vùng tỉnh

Kể từ sau ngày thành lập tỉnh – năm 1991, hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh được hình thành và phát triển trên cơ sở kế thừa điều kiện hiện trạng. Năm 1999, trên địa bàn tỉnh có 7 đô thị; đến nay đã có 09 đô thị, trong đó Vũng Tàu đã là đô thị loại II, Bà Rịa đô thị loại III, Phú Mỹ đã được quy hoạch thành đô thị mới, cộng với 06 thị trấn huyện lỵ là đô thị loại V. Tổng diện tích đô thị toàn tỉnh hiện nay khoảng 61.300 ha, chiếm 48% diện tích tự nhiên. Do đặc thù về điều kiện tự nhiên, hệ thống đô thị tại BR – VT được hình thành phát triển khá đa dạng, trong đó có 03 đô thị ven biển gồm Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải; trong tương lai có thêm Lộc An, Bình Châu. Đến nay, Tỉnh đã hoàn thành việc lập và phê duyệt quy hoạch chung đô thị; đồng thời cơ bản phủ kín quy hoạch chi tiết các khu chức năng chính. Cụ thể: Tính đến tháng 12/2011, trên địa bàn tỉnh BR – VT đã có tổng số 503 đồ án quy hoạch xây dựng được lập, phê duyệt và điều chỉnh, trong đó có: 01 đồ án quy hoạch vùng tỉnh, 12 đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị với quy mô 37.685 ha, 71 đồ án quy hoạch chi tiết 1/2000 các khu trung tâm đô thị, khu dân cư, du lịch, công nghiệp đã được lập và phê duyệt với tổng diện tích khoảng 18.300 ha, đạt 48% diện tích các quy hoạch chung; 419 quy hoạch chi tiết các loại,với tổng diện tích khoảng 7.600 ha, đạt 41% trên tổng diện tích quy hoạch chi tiết 1/2000 được duyệt. Ngoài ra, còn có 37 đồ án quy hoạch điểm dân cư nông thôn đã được duyệt với quy mô diện tích khoảng 4.870 ha.
Theo Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tầm nhìn đến năm 2025 (phê duyệt năm 2008) Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ là một vùng không gian lãnh thổ phát triển bền vững, là trung tâm kinh tế biển năng động và thịnh vượng của Quốc gia, một vùng có môi trường dịch vụ đô thị, dịch vụ du lịch và các hoạt động đầu tư có chất lượng cao, một vùng thiên nhiên duyên hải và biển đảo hấp dẫn của vùng Đông Nam bộ có vị thế Quốc gia – Quốc tế. Với dự báo quy mô dân số đến năm 2015 khoảng 1.200.000 người, trong đó có 62-65% là dân đô thị ; đến năm 2025: khoảng 1.400.000 người, trong đó có 80-85% là dân đô thị. Về tổ chức hệ thống đô thị đến năm 2025 gồm 11 đô thị, với tổng diện tích khoảng 28.500 ha. Trong đó; Thành phố Bà Rịa là trung tâm hành chính chính trị tỉnh vào năm 2011, quy mô dân số theo quy hoạch khoảng 160.000 dân đến năm 2025, phát triển các chức năng dịch vụ hành chính, thương mại, công nghiệp chế biến…Vùng ngoại vi thị xã phát triển các công trình đầu mối hạ tầng kĩ thuật phục vụ chung cho toàn vùng. Đô thị mới Phú Mỹ, quy mô 280.000 dân vào năm 2025, giữ vai trò trung tâm công nghiệp, cảng nước sâu, dịch vụ du lịch; là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh BR-VT và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; 06 đô thị còn lại bao gồm thị trấn Ngãi Giao, Long Điền, Long Hải, Đất Đỏ, Phước Hải, Phước Bửu là các thị trấn huyện lỵ và đô thị cấp huyện. Ngoài ra, BR-VT còn có huyện đảo Côn Đảo, cách đất liền khoảng 180 km; với tổng cộng 16 hòn đảo lớn nhỏ, diện tích khoảng 7.600 ha; dân số hiện nay khoảng 6.500 người. Năm 2005 Thủ Tướng Chính Phủ đã có quyết định số 264/2005/QĐ-TTg ngày 25/10/2005 phê duyệt Đề án phát triển Côn Đảo đến năm 2020. Theo đó dự kiến sẽ xây dựng phát triển Côn Đảo thành Khu kinh tế – du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bảo tồn, nâng cao giá trị Vườn Quốc gia Côn Đảo;… Năm 2011, quy hoạch chung côn Đảo cũng đã đuợc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh lại cho phù hợp với Đề án.


Với những động lực tạo thị mạnh mẽ và được quy hoạch hợp lý, các đô thị của tỉnh BR – VT thời gian qua đã phát triển nhanh chóng, diện mạo kiến trúc đô thị ngày một khởi sắc, môi trường được cải thiện. Các đô thị cũ như thành phố Vũng Tàu, thị xã Bà Rịa, thị trấn Long Điền, Long Hải được đầu tư cải tạo, chỉnh trang cả về hạ tầng kỹ thuật và bộ mặt kiến trúc như: Bãi Trước, Bãi Sau, Quảng trường Trưng Trắc – Trưng Nhị (thành phố Vũng Tàu); các trục đường chính, các khu dân cư Phước Hưng, khu vực 2 bờ Sông Dinh,… (thuộc thành phố Bà Rịa); các trục phố chính, các khu dân cư hiện hữu thuộc thị trấn Long Điền và Long Hải. Tỉnh đã và đang đầu tư phát triển các khu đô thị mới, trong đó có 08 dự án lớn với quy mô gần 1.000 ha như khu đô thị Trung tâm Chí Linh, Khu Trung tâm thương mại thành phố Vũng Tàu, Khu Trung tâm thương mại thành phố Vũng Tàu – Bà Rịa, Khu nhà ở Dầu khí tại huyện Tân Thành…; và có khoảng 10 dự án với quy mô gần 800 ha đang tổ chức triển khai. Trên dải ven biển phía Đông của tỉnh đang triển khai dự án du lịch lớn nhất Việt Nam (từ nguồn vốn của Mỹ và Canada) là Khu du lịch Hồ Tràm Strips với mức đầu tư 4,2 tỷ USD đang chuẩn bị đưa vào hoạt động một số hạng mục chính. Ngoài ra, các dự án đầu tư lớn khác của nước ngoài như Vườn thú hoang dã Safari, Khu du lịch Sài Gòn Atlantic Hotel (4,1 tỷ USD) cũng đang khởi động bên cạnh các khu du lịch nổi tiếng như Khu du lịch Suối nước nóng Bình Châu, Hồ Tràm Beach & Spa, Long Hải Beach, Anoasis và Khu du lịch Thùy Dương…
Về cơ sở vật chất, Tỉnh ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật trọng yếu như: Trung tâm Hành chính Chính trị Tỉnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh 700 giường, Trường chuyên Lê Quý Đôn (đã hoàn thành), Bệnh viện Vũng Tàu 350 giường,… xây dựng chính sách để phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội và nhà ở thu nhập thấp; xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho 14 khu công nghiệp tập trung với quy mô 8.800 ha và 29 cụm công nghiệp với quy mô gần 1.523 ha; xây dựng trên 3000 km đường giao thông, trong đó có 382 km đường đô thị; cải tạo nâng cấp các tuyến Quốc lộ 51, 55, 56, tỉnh lộ 44, 52, 328,… đường giao thông ven biển, cầu Cửa Lấp, cầu Ba Nanh; cầu và đường nối Vũng Tàu – Gò Găng – Long Sơn; xây dựng mới hệ thống đường bộ liên cảng nối với đường liên khu công nghiệp; hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung cho tuyến du lịch ven biển, khu liên hợp xử lý rác Tóc Tiên 100 ha, hệ thống cấp nước Hồ Đá Đen, Hồ Sông Ray, các hệ thống thu gom, xử lý và thoát nước sử dụng vốn ODA; phát triển mạng lưới điện, thông tin liên lạc…


Quy hoạch chung 1/10.000 thành phố Vũng Tàu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lần đầu vào năm 1993 và điều chỉnh tại Quyết định số 235/2005/QĐ-TTg ngày 26/9/2005. Theo đó, thành phố Vũng Tàu sẽ là “Trung tâm kinh tế, văn hoá, dịch vụ công cộng và đầu mối giao lưu quan trọng của tỉnh BR – VT, của vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; là trung tâm du lịch, dịch vụ hàng hải, phát triển cảng và khai thác dịch vụ dầu khí của cả nước; có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường biển”. Sau khi quy hoạch chung được duyệt, Tỉnh đã tập trung chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lập các đồ án quy hoạch chi tiết 1/2000 và quy hoạch chi tiết 1/500 làm cơ sở triển khai hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khung của đô thị, đồng thời làm cơ sở quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt. Cụ thể: Đến nay trên địa bàn thành phố đã tổ chức lập và phê duyệt 10 đồ án quy hoạch chi tiết 1/2000 (nay là quy hoạch phân khu) như Khu dân cư Nam, Bắc sân bay; núi Lớn – núi Nhỏ; Khu du lịch Chí Linh – Cửa Lấp, đảo Long Sơn, đảo Gò Găng… lập và phê duyệt khoảng 160 đồ án quy hoạch chi tiết 1/500. Hiện nay, UBND thành phố Vũng Tàu đang tổ chức rà soát, lập điều chỉnh quy hoạch chung và một số đồ án quy hoạch chi tiết 1/2000 và quy chế quản lý không gian kiến trúc cảnh quan đô thị; đồng thời dự kiến năm 2015 phủ kín quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.
Theo quy hoạch được duyệt, định hướng phát triển không gian cảnh quan đô thị của thành phố được phân thành 4 vùng chính: Phía Tây Bắc tiếp giáp với vịnh Gành Rái, khu vực Long Sơn – Gò Găng dành cho phát triển công nghiệp, cảng và các đô thị vệ tinh của Thành phố, kết nối với các khu công nghiệp và cảng biển tại huyện Tân Thành; Phía Đông Nam ưu tiên phát triển du lịch ven biển, kết nối với dải du lịch ven biển Vũng Tàu – Long Hải – Xuyên Mộc; hướng Bắc, Đông Bắc ưu tiên dành quỹ đất phát triển cây xanh công viên rừng, kết hợp một số khu đô thị vệ tinh có mật độ dân cư thấp; khu vực lõi đô thị cải tạo các khu dân cư hiện hữu và phát triển các khu dân cư mới.


Thành phố đã tập trung triển khai các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kêu gọi xã hội hóa và đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, du lịch, các công trình công cộng, dịch vụ thương mại, cây xanh công viên. Về hạ tầng kỹ thuật TP, đã cải tạo, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, ưu tiên các tuyến đường giao thông chính của Thành phố theo quy hoạch như 3 đường trục dọc chính là đường 30-4, đường 51B và đương 3-2; các tuyến trục ngang đô thị như đường Lê Hồng Phong, Thuỳ Vân, Nguyễn An Ninh, đường Hạ Long – Quang Trung – Trần Phú,… Đến nay tổng chiều dài hệ thống giao thông chính nội bộ thành phố khoảng 120 km; hệ thống đường hẻm khoảng 95km, hiện đang tiếp tục đầu tư hoàn thiện đoạn cuối đường 51B, các dự án đường Nguyễn Hữu Cảnh, đường 51B hướng biển, đường Hàng Điều, đường Cầu Cháy,…; đã xây dựng xong đường và cầu nối bán đảo Vũng Tàu với đảo Gò Găng và Long Sơn, đường ven biển, cầu Cửa Lấp nối thành phố Vũng Tàu với các vùng du lịch ven biển như Long Hải, Xuyên Mộc. Về hạ tầng xã hội TP, đã cải tạo nâng cấp Bệnh viện Lê Lợi với công suất phục vụ 350 giường, hiện đang xây dựng mới bệnh viện đa khoa 350 giường; xây dựng và cải tạo mới 27 trường trung học phổ thông, 70 trường trung học cơ sở, đã xây dựng hoàn thành trường THPT chuẩn quốc gia, Trường chuyên Lê Quý Đôn; Nhà thi đấu đa năng, Đài tượng niệm liệt sỹ, Đền thờ liệt sỹ, Công viên Bãi Trước; chuẩn bị đầu tư nhà bảo tàng; Trung tâm Hành chính chính trị mới, quảng trường, sân vận động và nhà hát của thành phố tại khu vực Trung tâm mới,… đầu tư xây dựng khoảng 50 dự án phát triển dân cư, khu đô thị mới với quy mô diện tích khoảng 350 ha, trong đó, có Khu đô thị Trung tâm Chí Linh, khu nhà ở 5 tầng của Xí nghiệp Liên doanh dầu khí Vietsovpetro, Khu nhà ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Khu Trung tâm Thương mại phường 7, …; các dự án du lịch Bãi Sau, Khu Paradise, Khu du lịch Sơn Thủy, Khu du lịch Blue Saphire, Làng du lịch Bình An,…. Về công nghiệp dịch vụ có Khu công nghiệp Đông Xuyên, Cảng Cát Lở, Cảng Vietsovpetro, Cảng PTSC,…
Trên chặng đường gần 20 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng với sự quyết tâm phấn đấu của toàn thể nhân dân địa phương, đến nay tỉnh BR-VT đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng, đã tạo nên những nền tảng cho sự phát triển ổn định và bền vững. Đóng góp vào những thành công của tỉnh BR-VT hôm nay, công tác quy hoạch xây dựng đô thị có vai trò to lớn và mang tính chất quyết định.
Mặc dù vậy, công tác quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh BR-VT nói chung và trên địa bàn thành phố Vũng Tàu nói riêng vẫn còn nhiều bất cập, như: chất lượng đồ án, tính khả thi của đồ án quy hoạch chưa cao; nhiều đồ án quy hoạch đã được phê duyệt từ lâu xong không triển khai, chưa được tổ chức rà soát và điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với điều kiện thực tế. Để công tác quản lý quy hoạch xây dựng trên địa bàn được tốt hơn, ngoài trách nhiệm và chủ động của ngành Xây dựng  cần có sự chỉ đạo xuyên suốt từ cấp Tỉnh, đến thành phố, huyện, đến các phường xã; đồng thời phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, đặc biệt các địa phương cần chủ động hơn nữa trong công tác tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch xây dựng, nhằm phục vụ tốt hơn cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà.
KTS Nguyễn Lập
Giám đốc Sở Xây dựng Bà Rịa -Vũng Tàu