KTS Hà Nội kiến tạo không gian sinh hoạt cộng đồng Hà Nội

Từ những năm 1940, giới KTS đã gánh vác vai trò tiên phong trong việc kiến tạo các không gian sinh sống cho cộng đồng cư dân Hà Nội, đặc biệt là khối dân cư có nhiều thiệt thòi. Những năm 1960 – 1980, đề xuất nhiều không gian cho lao động Thủ đô. Tiếp bước truyền thống cha anh mình, các KTS Hà Nội không lúc nào lơ là trách nhiệm xã hội nghề nghiệp của mình.

KTS Hà Nội và trách nhiệm xã hội

Bản đồ địa hình và kế hoạch đắp đê năm 1905. Tầu thủy vẫn hoạt động vào mùa cạn; Đường sắt qua cầu Long Biên trong trận lũ lớn 1926; Con đường bên sông Hồng, Hà Nội; Nông dân châu thổ Bắc kỳ tham gia đắp đê đầu thế kỷ 20

Ngày 10/10/2019 tại Bảo tàng Hà Nội khai mạc trưng bày chuyên đề “Mỹ thuật Đông Dương và nghệ thuật ứng dụng tại Hà Nội đầu thế kỷ 20”… Cuộc triển lãm đã được chuẩn bị bởi các nhà khoa học lịch sử, giới nghiên cứu Mỹ thuật và có sự chung tay của các thành viên Hội KTS Hà Nội. Gian trưng bày về các tác phẩm của các sinh viên khoa Kiến trúc – trường Mỹ thuật Đông Dương trang trọng giới thiệu tác phẩm “Nhà Ánh sáng” do các KTS đầu tiên Việt Nam thực hiện tại bãi Phúc Xá (Hà Nội) – Đây là kiểu nhà nhằm thiết kế nơi ăn chốn ở văn minh cho người lao động nghèo, làm bằng vật liệu rẻ tiền nhưng bền chắc, khung cột bằng bê tông đúc sẵn, vách bằng tre nứa, mái lợp tranh, bàn ghế bằng trúc, mây. Thiết kế hợp vệ sinh và hiện đại, mỗi hộ có một khu vệ sinh ở trong nhà, ứng dụng theo kiểu cách của Hà Lan. Giải pháp kiến trúc cho người nghèo không những đã có tiếng vang lớn ở Đông Dương mà còn đi xa hơn và còn tiếp tục phát triển tới nhiều kiến trúc Hà nội sau này: Đó là các khu nhà ở tập thể cho công nhân, người lao động Hà Nội, bao gồm nhà văn hóa, nhà ăn tập thể, sân chơi, nơi tập thể thao, trường học, nhà trẻ… Đặc biệt để lại dấu ấn sâu sắc là các công trình cảnh quan trong công viên Thống Nhất, Cung văn hóa Thiếu nhi Hà Nội…

Thập kỷ 1980-1990, Hà Nội bỏ qua giai đoạn kinh tế tập trung bao cấp để bước sang giai đoạn phát triển “Mở cửa” nhiều công trình kiến trúc mới mẻ, hiện đại được “nhập khẩu”, nhưng cũng là thời kỳ các không gian công cộng bị xuống cấp, hư hại và không được quan tâm. Người già, trẻ em và đa số bà con lao động thiếu nơi sinh hoạt cộng đồng. Giai đoạn 2000-2010 với việc mở rộng địa giới hành chính nhưng không gian sinh hoạt chung cũng không được cải thiện mà có nhiều nơi còn bị lấn chiếm, thu hẹp, thậm chí bị tư nhân hóa, điển hình là dự án xây khách sạn trong công viên Thống Nhất. Trước nguy cơ các không gian công cộng bị đe dọa, các KTS Hà Nội đã lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ và được xã hội ghi nhận, các cấp quản lý lắng nghe ủng hộ.

Trong giai đoạn 2010-2015, Hội KTS Hà Nội đã hợp tác với nhiều tổ chức, đoàn thể tiến hành các sáng kiến phát triển các sân chơi, không gian xanh trong các khu dân cư. Việc làm nhỏ nhưng đã có tác động tới các cấp quản lý. Hội KTS Hà Nội đã tham gia các cuộc thảo luận với Mặt trận Tổ quốc Hà Nội, các đại biểu Quốc hội để kiến nghị với TP xây dựng Chương trình phát triển vườn hoa sân chơi trong các khu dân cư.

Năm 2016, Đại hội Hội KTS Hà Nội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã xây dựng chương trình hành động “KTS Hà Nội với Hà Nội”, thu hút mạnh mẽ sự tham gia của các hội viên, góp phần lan tỏa tới các KTS tham gia phát triển các không gian sinh hoạt cộng đồng; nhiều sân chơi nhỏ trong các khu dân cư được các KTS chung tay thực hiện , nhiều không gian nghệ thuật cộng đồng được hình thành, đặc biệt là các sinh hoạt gắn với gia tăng kiến trúc cảnh quan, bảo vệ môi trường ngay trên phố đi bộ chung quanh Hồ Hoàn Kiếm, trong khu phố cổ Hà Nội. Cuối năm 2017, các KTS Hà Nội đã tham gia tích cực khởi xướng phố Nghệ thuật Phùng Hưng, từ đề xuất dự án, vận động tài trợ, thiết kế hạ tầng kỹ thuật đến tham gia vận động xã hội, hỗ trợ các nghệ sĩ thực hiện các tác phẩm trên bức tường đá các vòm cầu dẫn Phùng Hưng. Dự án đã hoàn thành và được công chúng Thủ đô đánh giá cao. Các KTS Hà Nội đã mang sáng kiến này chia sẻ tại Diễn đàn Đô thị Thế giới lần thứ 9 tổ chức tại Kualalumpure (Malaysia) tháng 2/2018. Dự án này là bước khởi đầu cho kế hoạch tiếp theo: Không gian công cộng Bãi giữa sông Hồng…

KTS Hà Nội với dự án bờ vở – Bãi giữa sông Hồng

Ngay từ những cuộc thảo luận phê phán dự án phát triển BĐS sông Hồng do nhà đầu tư Hàn Quốc đề xuất, các KTS Hà Nội đã nhận ra nơi này cần thiết phải là Không gian sinh hoạt cộng đồng và bảo vệ môi trường sinh thái cho Hà Nội. Tháng 3/2017, Hội KTS Hà Nội đã cùng các chuyên gia phát triển không gian cộng đồng quốc tế tiến hành khảo sát từ trên cầu Long Biên nhìn xuống: “Dưới chân cầu, Hồng Hà ngàn năm sóng vỗ” giờ đây đã là cánh đồng rộng hàng trăm ha. Theo đường dốc bê tông nối từ cầu Long Biên xuống Bãi Giữa là vườn cây cối xum xuê, hoa trái trữu cành như lạc vào làng quê cùng với tiếng nước vỗ bờ của sông Hồng.

Quy hoạch Thủy lợi của các chuyên gia Việt Nam 2016 và cuộc sống bên sông

Nằm sát trung tâm Thành phố, bờ vở ven sông và bãi giữa sông Hồng đã trở thành nơi thu hút hàng chục vạn cư dân sinh sống. Những dãy nhà cao 3-5 tầng phóng tầm mắt qua sông, chân cầu Long Biên phía Gia Lâm đã lừng lững hai tòa chung cư cao mấy chục tầng. Câu hỏi đặt ra: Đất bãi ven sông và bãi giữa sông Hồng thuộc quyền sở hữu, sử dụng của cá nhân, tổ chức nào?

Để phát triển không gian bán ngập bờ vở – bãi giữa sông Hồng, các KTS Hà Nội đã khảo cứu các nghiên cứu thủy lợi do người Pháp thực hiện cách đây hơn 100 năm, nơi này không chỉ là không gian sở hữu chung mà còn gắn bó với vận mệnh cả lưu vực và thủy hệ của dòng sông quan trọng của Quốc gia.

Dự án BĐS don nhà đầu tư Hàn Quốc đề xuất 2007. Dự án nghệ thuật tại 350 m bờ vở sông Hồng của 16 nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế hoàn thành tháng 2/2020

Các dự án khai thác bờ bãi sông Hồng đang đóng băng vì Hà Nội vẫn chưa phê duyệt quy hoạch phân khu do vướng vấn đề pháp lý, nhất là phạm vi thoát lũ. Việc này thuộc thẩm quyền của Bộ NN&PTNT – họ phải làm rõ giải pháp thoát lũ cho sông Hồng thì Thành phố mới có thể giao đất cho ai và để làm gì. Nếu cho rằng cứ để nguyên, không được làm gì thì quá dễ, nhưng sự thận trọng quá đà sẽ là né tránh, không đủ năng lực trước thách thức phát triển. Nhưng cẩu thả qua quýt thì càng đáng trách, bởi không chỉ liên quan đến giao đất xây nhà bán mà là vấn đề an nguy nguồn nước liên quan tới sự sống của gần 30 triệu cư dân đồng bằng châu thổ. Nếu quá khó, vượt quá khả năng của cơ quan này, nên chăng họ mở rộng tham vấn cộng đồng. Trong khi chờ lời giải thì bức tường bờ vở dài gần nửa cây số bị bỏ phí, bà con già trẻ lại thiếu chỗ chơi, còn chính quyền thì tốn công canh giữ… Trước nỗi éo le đó, các nghệ sĩ – KTS Hà Nội đã nhặt vỏ chai nhựa ghép lại thuyền buồm, đặt tại nơi trên bến dưới thuyền trước đây. Họ nhặt đồ phế liệu dựng hình Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt quật đổ những thành lũy trì trệ vô cảm để trang trí nơi vui chơi sạch sẽ, cây cỏ xanh tốt cho những đứa trẻ nô đùa.

Trên cầu Long Biên nhìn xuống bờ vở và vườn khế dưới bãi giữa sông Hồng 2017
Ảnh của Hữu Cấy: Bãi đá bóng Long Biên 1955 cho thấy bãi giữa sông Hồng chỉ là một doi đất nhỏ thì đến năm 2018 đã là một cánh đồng rộng gần 100 ha (trong đó 90 % thuộc quận Hoàn kiếm, 10% thuộc quận Long Biên)
Khu bờ vở sông Hồng cuối năm 2017 và tháng 3/2018

Có thể còn lâu mới câu trả lời đất bờ bãi sông Hồng của ai, nhưng ngay bây giờ lũ trẻ nhận ra: Nếu lao động sáng tạo, chắt chiu thì đến rác rưởi cũng phát huy giá trị, còn lười biếng chờ thời hay nhanh tay kiếm lợi nhỏ nhen thì dẫu có là đất vàng cũng biến thành bãi rác, nước bạc cùng thành cống nước thải mà thôi.

Dự án Nghệ thuật đã hoàn thành thu hút sự quan tâm của xã hội và tiếp theo đó sẽ còn nhiều việc cần sự tham gia của các KTS Hà Nội. Họ sẽ là người đưa ra những gợi ý để trả lời cho những câu hỏi tiếp theo: Làm thế nào để cộng đồng tham gia bảo vệ không gian công cộng này? Làm thế nào để thu gom và xử lý nước thải rác thải bền vững tại đây và hơn hết là làm thể nào để Sông Hồng chảy mãi, mang theo đủ nước ngọt, nguồn sống cho bà con đôi bên bờ sông để có cuộc sống an toàn hạnh phúc trường tồn, mãi mãi… Câu hỏi có thể quá sức đối với các KTS Hà Nội, nhưng họ không ngại ngần, bởi họ đã nhận phần khó khăn về mình ngay từ khi chọn nghề, chọn nghiệp vậy.

*KTS Trần Huy Ánh
Ủy viên thường vụ BCH Hội KTS Hà Nội
Nguồn ảnh: Hanoidata ST&BT, TG và Nghệ sỹ nhiếp ảnh Hữu Cấy trong cuốn sách ảnh “Ký ức Hà Nội”

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2020)