Nhìn nhận khía cạnh bất cập của kiến trúc Việt Nam qua gần nửa thế kỷ

Thành công của nền Kiến trúc Việt Nam trong gần nửa thế kỷ, từ ngày thống nhất đất nước đến nay là đầy đặn và rạng rỡ. Những thành quả đó có thể nói phủ khắp các mặt của nền Kiến trúc: Quy hoạch; sáng tạo công trình; lý luận – phê bình – phản biện; nghiên cứu – đào tạo; môi trường pháp lý… Đã có nhiều chuyên gia đầu ngành, các nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà đầu tư và cả các nhà chính trị phân tích, đánh giá, làm rõ; bên cạnh đó, các học giả cũng đã điểm lại ở các mức độ khác nhau về mặt bất cập của kiến trúc. Với tinh thần nhìn thẳng – thật để tiến rộng – xa, dưới đây tôi xin cùng góp phần nhìn nhận về khía cạnh này, với quan điểm cá nhân và tích hợp từ các nghiên cứu chuyên gia.

Đô thị Linh Đàm – Hà Nội – sau hơn 2 thập kỷ điều chỉnh từ Quy hoạch từ “kiểu mẫu” thành “vô trật tự, mất kiểm soát”

Trước hết, nói về quy hoạch

Trong những năm đầu sau giải phóng, cả 2 miền Nam Bắc đều có những bước đi rõ rệt về thúc đẩy ổn định, phát triển quy hoạch. Tuy nhiên, ngoại trừ Hà Nội là Thủ đô được quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch nhiều đợt từ những năm 50, các TP còn lại công tác quy hoạch hầu như chưa được tiến hành bài bản và bắt buộc ở thời gian trước 1990. TP HCM – TP lớn nhất cả nước cũng mới được chính phủ phê duyệt quy hoạch chính thức lần đầu năm 1993. Qua khảo cứu và thực tế có thể thấy, các bất cập về quy hoạch đều thể hiện rõ ở 3 khía cạnh: Chưa điều tra cập nhật đầu vào chuẩn, đặc biệt là chưa có số liệu tích hợp nối đa ngành đa lĩnh vực; thứ hai, các quy hoạch này đều có dự báo ngắn hạn và dài hạn trên cơ sở đường lối, chưa gắn kết với tính toán từ dữ liệu chuẩn và phương pháp khoa học bài bản, nên tiêu chí định hướng đưa vào quy hoạch còn đáng kể nội dung không đủ tin cậy; thứ ba, quy hoạch chủ yếu nghiên cứu dạng “dẹt” với tổng mặt bằng khoanh vùng ước lệ, chia khoảnh sử dụng đất, xác lập các thông số yêu cầu chưa gắn kết nghiên cứu đồng bộ quy hoạch từ tổ chức không gian kiến trúc, nên khi thực thi, quy hoạch hay bị phá vỡ, phải điều chỉnh liên tục. Các khu đô thị mới được xây theo quy hoạch không đạt về thẩm mỹ và công năng, nhất là không có sự hấp dẫn cảm nhận thị giác và rõ nét bản địa.

Từ những năm 1990, khi đất nước chuyển sang cơ chế thị trường, những hạn chế này được giảm đáng kể, nhưng lại nẩy sinh thêm các vấn đề mới: Nhiều quy hoạch được tham gia tích cực bởi các nhà đầu tư, đặc biệt là doanh nghiệp, nên hồ sơ quy hoạch trình duyệt đã được lồng ghép lợi ích của họ – Điều đó đã làm cho quy hoạch bị ảnh hưởng, không còn theo chuẩn mực quy định, xô lệch cả “kịch bản” và mô hình lựa chọn phát triển đô thị; trong quy hoạch xuất hiện nhiều những khoảng trống nhập nhằng có khả năng xen cấy, điều chỉnh cục bộ theo lợi ích nhóm; yêu cầu tích hợp đa ngành, đa lĩnh vực vẫn tùy ý, chưa thành bắt buộc; khía cạnh bản sắc văn hóa phong thổ vùng miền, không ít quy hoạch đều mới dừng ở mức thuyết minh, vẫn chưa đưa vào thành yếu tố cấu thành trong giải bài toán tổng hợp về quy hoạch; ứng dụng khoa học công nghệ mới trong phương pháp và triển khai chưa được coi trọng; tính hội nhập quốc tế về mặt quy hoạch thấp… Tất cả điều này dẫn đến những hệ lụy không nhỏ.

Về sáng tác Kiến trúc công trình

Xin tạm chia tổng giai đoạn này thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ 1975-1990, đất nước vận hành theo cơ chế bao cấp hoàn toàn. Giai đoạn 2, từ 1991-nay (thực ra là từ 1986, nhưng với kiến trúc nhập cuộc chậm hơn), đất nước vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đầu giai đoạn 1, khi KTS 2 miền chưa ngồi chung một mái nhà (1975-1983), nền Kiến trúc Bắc – Nam vẫn dường như đi hai con đường nhiều khác nhau. Khía cạnh bất cập lớn nhất của kiến trúc miền Bắc ở đoạn đầu này là: Kiến trúc “nhại cổ Pháp” lốm đốm mọc khắp đô thị – làng quê do vẫn được khá nhiều “nhà đầu tư” lựa chọn và một bộ phận KTS tự nguyện tiếp sức. Ở công trình lớn,ì biểu hiện rõ rệt là dòng Kiến trúc “Ngoại nhập Xô Viết” còn chiếm tỷ trọng đáng kể. Một số ở dạng này, có cấu trúc tạo hình nguyên giáp, khô khan, nặng nề, xa rời nơi chốn, dù đôi khi vẫn gắng pha tạo bản sắc từ các chi tiết đầu đao mái, mảng hoa văn trang trí kiểu đình chùa, nhưng ráp cùng khối bê tông đồ sộ. Xu hướng đó lập nên những kiến trúc không rõ ngôn ngữ, không truyền thống, mà cũng không hiện đại, chủ yếu là theo tinh thần quốc tế chủ nghĩa. Cùng thời kỳ này, các sáng tác của các KTS Việt Nam theo đuổi hướng khai thác phát huy bản sắc cũng còn nhiều lúng túng, mờ nhạt.

Một TP xây dựng mới ở miền núi phía Bắc – kiến trúc định hình từ xu hướng nhại cổ Pháp, dân gian tự phát, quảng trường lại quá rộng.

Ở miền Nam, ngoài một số kiến trúc phía Bắc du nhập vào ở những công trình đầu tư công lớn còn những hạn chế như trên, các công trình khác ở đây ít biểu hiện rõ tính thái quá ở cả 3 nhược điểm vừa nêu. Nhưng, do điều kiện khó khăn đất nước, công trình ở dạng phục hồi cải tạo nhiều hơn, cùng với việc KTS miền Nam còn tinh thần thăm dò, chưa bộc lộ hết, do đó sáng tác kiến trúc tạo ra bộ mặt trung tính, an toàn, chưa nhiều chú trọng tìm tòi bản sắc vùng miền, chưa nổi bật, chưa tạo ra được nhiều ấn tượng đáng kể. Tóm lại, ở giai đoạn này “việc tạo bản sắc riêng và diện mạo đô thị đang còn lắm trắc ẩn”¹, hay “sự bơ vơ về tư tưởng kiến trúc đang thể hiện rất rõ”².

Bước vào thời kỳ 2 của giai đoạn này (1983-1990), KTS hai miền đoàn tụ, chung trí, chung lòng, chung sức dưới một mái nhà hoạt động nghề là Hội KTS Việt Nam. Mảng sáng tác kiến trúc Bắc – Trung – Nam đều có chuyển biến, với nhiều sáng tác có chất lượng thẩm mỹ rõ nét hơn. Tuy vậy, về mặt bất cập, ở miền Bắc có thể thấy xu thế “nhại cổ Âu Pháp” vẫn dai dẳng len lỏi; khai thác về mặt bản sắc vẫn thiên về mô phỏng, chưa tìm thấy cơ sở căn bản để ứng vận; tính hiện đại chưa có mấy biểu hiện thành công, nhất là ở những công trình có tầm vóc. Có lẽ, do sử dụng ngôn ngữ hiện đại vẫn chưa mạnh dạn bứt phá, chưa chuyển hóa luận thành ngôn ngữ riêng. Có thể thấy khá rõ là quan niệm hiện đại giai đoạn này vẫn gần gũi với “mác” Xô viết, nặng về ý chí, ít bộc lộ trường phái. Nhìn thấy sự thờ ơ quay lưng, bất tiếp cận và học hỏi kiến trúc “Tư bản” vẫn phổ biến. Ở miền Nam, do đặc tính nhạy bén vùng miền, khía cạnh bản sắc không bị ám ảnh nặng nề, khuôn phép như miền Bắc, mặt “trăng khuyết” dường như nhẹ nhàng hơn. Nhưng các kiến trúc ở đây cho thấy tính đều đều, thiếu bứt phá vẫn còn phổ biến. Về khía cạnh phát triển hiện đại, sự lưỡng lự vẫn bao trùm. Chưa thấy rõ “những công nghệ cao, những bộ óc thông minh cần gần gũi với vấn đề văn hóa”³. Một tín hiệu chung đáng mừng của thời gian này là: Trong lúc sáng tạo kiến trúc trong nước đang vật lộn tìm hướng chơi vơi, thì lại có khá nhiều những đồ án thi quốc tế có ý tưởng vượt thời đại được chấm giải cao!

Bước vào giai đoạn thứ 2, khi đất nước bước hẳn vào cơ chế thị trường định hướng XHCN (1990 – nay): Về mặt trái, có thể thấy khía cạnh bất cập lớn nhất của sáng tạo kiến trúc chính là do cơ chế thị trường, cho phép các nhà đầu tư tư nhân chủ động hoàn toàn trong lựa chọn, định hình sản phẩm của họ. Còn các nhà quản lý đầu tư công thì được tự quyết sản phẩm “Chúng ta” theo cái “tôi”, trên một tinh thần không bị rằng buộc lắng nghe, thấu hiểu người làm nghề. Do vậy, chưa bao giờ sự khó thích ứng mà kiến trúc “nhại cổ Âu Mỹ” mang đến lại nặng nề như giai đoạn này. Thậm chí sự nguy nan còn diễn ra âm thầm đến mức đã xuất hiện thành một trào lưu, ở đó người quyết định đầu tư (kể cả dự án mọi nguồn vốn) xem loại kiến trúc “nhại cổ” mà Âu Mỹ đã rời xa hàng trăm năm này đích thị là đại diện cho bản sắc dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, xu hướng kiến trúc “kế thừa – phát huy – tiếp biến – làm mới” truyền thống cũng được hình thành khá rõ trong thời kỳ này, nhưng đang dừng ở mô phỏng, bắt chước hình dáng, chi tiết một cách khiên cưỡng vẫn chiếm tỷ trọng nhiều hơn. Ví dụ sự trở lại của bộ mái ngói, nhiều KTS đã dùng để tạo nên một trò chơi, sắp xếp các loại mái ngang dọc phức tạp, sự lạm dụng này trở nên lố lăng, tốn kém và thóa mạ bản sắc. Chưa tìm thấy “vai trò” truyền thống như chất xúc tác, thúc đẩy một phản ứng hóa học, nhưng không thể tìm thấy trong kết quả cuối cùng4. Cùng với đó, xu hướng kiến trúc “hiện đại mới” đã tiệm cận hội nhập, nhưng lại còn thiếu biểu hiện được chất riêng nơi chốn đặt công trình. Xu hướng “Chủ nghĩa Biểu hiện” thì sự gắn kết giữa công năng và hình thức chưa mấy thành công. Các xu hướng “hậu hiện đại”, “công nghệ cao”, “phi kiến trúc”, “phi cấu tạo”… đều được KTS Việt Nam tìm tòi, khai thác, ứng dụng kết quả chưa đạt được nhiều, chưa thấy sự hiểu sâu về bản chất từng xu hướng. Với dòng thời thượng là Kiến trúc xanh, có thể nhìn thấy khía cạnh bất ổn vẫn tồn tại ở mấy yếu tố: Giải quyết “xanh” còn mang tính quảng bá – hình thức (nhiều cây, trang trí hệ thống tấm chắn, phô diễn vật liệu tranh tre, nứa lá…) hơn là tạo tiện nghi xanh, môi trường xanh. Giá thành xây dựng loại công trình này còn cao, vận hành nhiêu khê, độ bền ngắn, tiêu thụ năng lượng không giảm – thậm chí tăng so với công trình bình thường. Một nỗi niềm đáng nói nữa ở giai đoạn này là về Kiến trúc nông thôn: Nhiều nơi đang đi vào phong trào “dân gian mới” tạo ra nhiều hội chứng khác nhau ở các vùng miền, hình thành những biến thể xa lạ, pha tạp. Bản sắc bị lệch lạc nghiêm trọng, tạo cho kiến trúc không ít nơi trở nên vô hồn cốt; hiện đại được áp đặt cẩu thả, phiến diện; công trình “nhại Pháp” án ngữ ở nhiều làng xã.

Trong gần nửa thế kỷ sáng tạo kiến trúc vừa qua, hai nỗi trăn trở chung nữa mà chúng ta cần đặt câu hỏi: Một là, tại sao các công trình cha ông để lại, công trình thời thuộc Pháp thiết kế xây dựng lại được cộng đồng tự nguyện chấp nhận trường tồn, về cả công năng thẩm mỹ và độ bền vững? Thực tế là công trình chúng ta thực hiện vừa qua lại bị lạc hậu, xuống cấp một cách nhanh chóng. Đập bỏ thay thế trở thành giải pháp đương nhiên không băn khoăn của mỗi chủ đầu tư chỉ sau một thời gian ngắn. Hai là, tại sao chúng ta xây chen, cơi nới, chắp vá, cải tạo một cách tùy tiện, phi kiến trúc ở những cảnh quan, tổ hợp công trình đã nằm trong khuôn thước, chồng chất vô tội vạ mặt đứng thứ 5 (mái)… để làm hỏng không ít diện mạo kiến trúc?

Về mặt Lý luận – Phê bình – Phản biện

Với Lý luận, mặt khiếm khuyết tổng quan có thể nhìn thấy là “Lý luận kiến trúc chưa chuyển tải được những chủ trương đường lối của Đảng ở tầm vĩ mô vào cục diện cụ thể của lý luận kiến trúc, từ đó định hướng tổng quát phát triển kiến trúc, ví dụ như tính hiện đại dân tộc, tư tưởng lớn này chưa được giới lý luận kiến trúc tiêu nhuyễn vào để chuyển tải đến người sáng tác”5; Thứ hai là trong tiếp thu tri thức chuyên ngành của nhân loại thì giới lý luận rất ít bằng con đường trực diện, mà qua bản dịch nên bị sai lạc nhiều, hoặc khi tự tổng hợp của cá nhân thì việc lồng ghép ý niệm riêng của mình thành “kim chỉ nam” là khá phổ biến; Ba là lý luận kiến trúc thiếu tính chuyên nghiệp, manh mún, dàn trải, chưa có nghiên cứu lý luận nào thực sự tạo ra tính dẫn hướng chuyên sâu cho Kiến trúc phát triển. Đồng thời, chưa có được một tác phẩm lý luận phê bình nào làm cho cộng đồng phải tranh biện, thức tỉnh; Bốn là, về khía cạnh tạo nguồn – “Trong trường đại học, chúng ta chưa giảng dạy cho sinh viên những lý luận cơ bản nhất, quan trọng nhất của kiến trúc, của quy hoạch đô thị”6; Năm là, lý luận kiến trúc hầu hết “mới chỉ dừng lại ở nhìn ngắm bề ngoài của công trình, gộp lại thành xu hướng. Trong khi tính không gian, bản sắc Việt còn mơ hồ”7; Sáu là, lý luận kiến trúc hầu như chưa coi trọng tâm ý của cộng đồng là người đầu tư – người sử dụng, trong khi đó cảm nhận của họ chính là đóng vai không nhỏ làm thước đo đích thực cho thành bại, thậm chí là gợi mở ra đời của những trường phái Kiến trúc sát thực với cuộc sống; Cuối cùng, góc khuất của lý luận là tiêu chí, hệ thống chung làm định hướng căn cứ, dẫn dắt, và triển khai nội dung việc này chưa có tạo lập quy chuẩn ở Việt Nam.

Phố mới được làm “cổ”… phố cổ được làm “mới” một cách tuỳ hứng không kiểm soát

Về mặt Phê bình, bất cập đầu tiên có thể kể đến là: Chủ đầu tư và cả cơ quan quyền lực e ngại phê bình nên né tránh hoặc đặt hàng theo chủ đề ca ngợi, do đó các khâu phán đoán – bình phẩm – đánh giá – giải thích (là thuộc tính của phê bình) thường triệt tiêu hoặc nhào trộn; Hai là, còn nhầm lẫn giữa phê bình và thẩm định nhất là từ các tác động đầu tư công bao cấp mệnh lệnh; Thứ ba, phê bình còn thiếu tính khoa học, chuyên nghiệp và đặc biệt là tính văn hóa; Thứ bốn là phê bình còn đơn điệu, chưa kết hợp được những phương pháp tiếp cận khác nhau, nên còn hời hợt, sơ sài giản lược; Thứ năm, do đặc trưng văn hóa, phê bình ở Việt Nam vẫn được hiểu là một việc làm tiêu cực mang tính hạ thấp, bài xích, phủ nhận lẫn nhau; Thứ sáu, cũng như lý luận, phê bình còn thiếu cơ sở khung hướng, thiếu quy chuẩn do chưa có ngành đào tạo chuyên biệt.

Về mặt phản biện, thực ra có thể hiểu phản biện là dùng lý luận về hiểu biết, nắm vấn đề để phê bình nhằm góp phần hoàn thiện, cổ vũ, uốn chỉnh hoặc ngăn chặn “trước” trong kiến trúc, cũng có cả “sau” đối với những trường hợp cá biệt. Thời kỳ vừa qua, thất vọng lớn nhất (ngoài các nội dung tương đồng như đã nói ở phần Lý luận – Phê bình) là tính bị động và phụ thuộc theo đơn đặt hàng; Thứ hai, phản biện chưa có chế tài pháp lý kèm theo đủ mạnh để phát huy tác dụng; Thứ ba là phản biện chưa gắn liền với giám sát do đó rất hạn chế tính chủ động hiệu quả, vì vậy tựu trung lại, phản biện phần nhiều trở nên mang ý nghĩa “tham khảo”; Thứ tư, phản biện không ít trường hợp còn được vận hành uyển chuyển để phục vụ lợi ích nhóm; Thứ năm, căn cứ mực thước để phản biện cũng chưa có. Và cuối cùng là nền tảng kiến thức, khả năng nhìn thấu để phản biện của người phản biện cũng chưa được kiểm chứng phù hợp chuyên môn và bề dày nghề nghiệp.

Phần nhiều chung cư tại TP lớn xuống cấp với tốc độ nhanh, biến hình chỉ sau trên dưới 25 năm thiết kế xây dựng

Đối với lĩnh vực Nghiên cứu – Đào tạo

Về nghiên cứu, có thể thấy sự bất cập ở mấy vấn đề: Một là, nghiên cứu kiến trúc còn thiên về bề mặt hơn là bề sâu, thiên về manh mún hơn là đồng bộ, nặng về cục bộ hơn là phối hợp, lệch về triển khai hơn là phát huy. Do đó, nền tảng vững chắc của nền tri thức kiến trúc chưa thiết lập được, chưa thành chỗ dựa, chỗ định vị cho phát triển. Hai là, nghiên cứu không thành cơ bản, cũng không thành ứng dụng. Chưa phân tách được và làm sâu các “thì” kiến trúc: quá khứ – hiện tại – tương lai”8. Ba là, các nghiên cứu đều mới có ở dạng chuyên khảo, chưa có các nghiên cứu tổng phổ đồng bộ và toàn khắp về đô thị cũng như nông thôn. Hay nói cách khác, nghiên cứu kiến trúc chưa có “tổng đạo diễn”, thiếu phân nhánh nội hàm trong từng mảng ghép. Bốn là, thành công nghiên cứu thiếu tập hợp vào một đầu mối thành tựu khoa học để quản lý, phân tách hợp lý lộ trình sử dụng kết quả nghiên cứu vào lý luận và thực tiễn trong xây dựng và phát triển kiến trúc. Năm là, “nguồn nhân lực nghiên cứu thiếu các chuyên gia thực sự chuyên sâu về từng lĩnh vực. Đề tài nghiên cứu hầu hết chưa có được câu trả lời về giải mã vấn đề đúng trúng, có khả năng ứng dụng. Các nghiên cứu gần như đều theo cùng một phom thu thập, mô tả, bình luận, tổng hợp theo cảm quan riêng, chưa chứng minh được tính giá trị theo tiêu chuẩn”9. Sáu là, các nghiên cứu ít xuất phát từ nhu cầu thực tiễn được kiểm định, để đi đến giải quyết vấn đề đến mức có thể ứng dụng thực sự vào thực tiễn thành những sản phẩm cụ thể được. Bảy là, công tác nghiên cứu tiêu chuẩn hóa quá chậm đổi mới, không theo kịp mức độ công nghệ thời điểm, chưa nói đến đi tắt đón đầu về công năng – hình thái – kỹ thuật – thời gian – chất lượng. Tám là, chưa phân loại được thành ô mục để gắn kết với hình thành phương pháp nghiên cứu khoa học cho các mảng khác nhau của kiến trúc. Chín là, các nghiên cứu ở trong phạm vi trường đại học hầu hết mới đóng khung trong giảng đường, chưa lan tỏa, gắn kết với thực tiễn của phát triển kiến trúc – xã hội.

Về đào tạo, đối với đào tạo đại học, khía cạnh bất cập lại có thể nhìn thấy rõ ở một số vấn đề: Một là “Đào tạo vừa qua rất bất cập về chương trình – yếu về khả năng hội nhập. Qua khảo sát cho thấy KTS ra trường chỉ có khoảng 10% có khả năng tạo ý tưởng và biến ý tưởng kiến trúc thành hiện thực”; Hai là, “trường công, nơi chiếm tỷ lệ KTS tốt nghiệp hàng năm áp đảo, nhưng chất lượng đào tạo lại không kiểm soát tốt bằng trường tư. Các môn học ở trường công chu kỳ đổi mới quá chậm”10; Ba là, một bộ phận đội ngũ cán bộ giảng dạy chưa theo kịp về trình độ, trang thiết bị không được quy chuẩn và đầu tư bài bản; Bốn là, mô hình đào tạo không cập nhật, học tập quốc tể đầy đủ, không thống nhất theo một đầu mối quản lý thành khung trong toàn quốc; Năm là, chương trình đào tạo thực hành, gắn kết với tham gia hoạt động thực tiễn được coi trọng chưa đều; Sáu là, việc đào tạo kiến trúc chưa gắn kết với yêu cầu thông hiểu, phối kết các ngành kỹ thuật liên đới; Bảy là, đào tạo liên tục chưa được đặt ra và thực hiện thành hệ thống; Tám là, đào tạo chưa gắn kết với kỹ năng thuyết trình, kỹ năng tự bảo về bản quyền, quyền lợi kinh tế, lý luận phê bình… các mặt này hầu như chưa được tích hợp thành hệ môn giảng dạy chính thống.

Xây chen cơi nới không phép, không trật tự, không thẩm mỹ… vẫn là bài toán nan giải

Đối với đào tạo sau đại học, gồm Thạc sĩ và Tiến sĩ, có thể thấy tồn tại lớn nhất là từ khâu tiêu chuẩn lựa chọn đề tài, phần rất lớn là những đề tài mang tính trừu tượng, xa rời nhu cầu thật của thực tế. Điều này dẫn đến các kết quả nghiên cứu dù được đánh giá hầu hết là đạt trở lên, với tỷ lệ khá giỏi áp đảo, nhưng sau đó lại “cất vào tủ” vì không có đất để áp dụng, dù vùng đất kiến trúc đang rất cần gieo mầm, vun trồng, tưới tắm để tươi xanh; Thứ hai, đối tượng đào tạo chiếm tỷ lệ đông hơn lại là những người chưa qua thực tiễn làm nghề sinh động, mà chủ yếu chặng đời liên tục từ học đến học, do đó mức độ thẩm thấu kiến trúc chỉ một chiều lý thuyết sách vở; Thứ ba, công suất đào tạo ở các trường quá lớn, trong khi đó các thiếu các chương trình thống nhất chuyên sâu, thước đo giá trị mù mờ; Thứ tư, người được đào tạo thường “tại chức công tác”, nên thời gian dành cho học tập nghiên cứu là kết hợp và vay mượn, hiện tượng dồn góp, linh hoạt cho qua khá phổ biến; Thứ năm, kiến thức tham khảo khi học tập nghiên cứu hạn chế, nhất là tri thức khai thác từ quốc tế, do khả năng ngoại ngữ chưa tương xứng đồng đều. Thứ sáu, về mặt Thầy, sự nạp mới, nâng tầm hàn lâm để “rút ruột” đào tạo có trường hợp chưa ngang tầm, phần rút “nhả tơ” dài, phần nạp hầu như chưa được quan tâm đúng mức, rất bị động, thiếu thốn.

Về Môi trường pháp lý

Sự bất cập về tính không toàn diện kịp thời cũng nhìn thấy khá rõ. Từ những năm 2002 trở về trước, chỉ mới có chủ yếu là các điều lệ, nghị định chính phủ ban hành, trong đó chỉ quy định chung cho yêu cầu ngành thiết kế xây dựng, nội dung tạo hành lang pháp lý cho Kiến trúc trong các văn bản này hầu như không có! (Trong khi đó văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IV-1976 thì lại đã chỉ ra đường lối “phát triển nghệ thuật kiến trúc xã hội chủ nghĩa có tính hiện đại và tính dân tộc”, đến Đại hội VI-1986 nhấn mạnh “coi trọng nghệ thuật kiến trúc vừa dân tộc vừa hiện đại”, Nghị quyết hội nghị 5/khóa VIII – 1996 “trong đó cần chú ý tính thẩm mỹ, bản sắc dân tộc và tính hiện đại của kiến trúc”¹¹). Mới thấy rõ sự chưa theo kịp về quy định pháp lý với đường lối làm cho lĩnh vực kiến trúc vận trù mờ tỏ, thì hiệu quả sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Đồng thời, các nghiên cứu, lý luận, phê bình, đào tạo về kiến trúc, thời kỳ này cũng chưa có quy định pháp lý nào rõ ràng để làm cơ sở. Một điều cũng cần nói nữa là trong giai đoạn này, các hội chuyên ngành về KTS, các KTS hoạt động ngoài cơ quan tổ chức nhà nước thì vị trí và tiếng nói phần nhiều mới dừng ở mức tham khảo, chưa có chế tài chi phối. Từ 2003, khi Luật Xây dựng ra đời thì tính pháp lý có được cải thiện, nhưng “chiếc gậy” đích thực để riêng ngành Kiến trúc dựa chống vẫn chưa có các nội dung quy định tại các điều luật, Nghị định liên quan cũng chưa rõ ràng. Với các quy định pháp lý còn mang tính phổ rộng như thế này, các chủ đầu tư nhà nước hay tư nhân đều có cơ hội vận dụng hoàn toàn linh hoạt, để chấp nhận hay loại trừ kiến trúc và người làm kiến trúc theo chủ ý riêng, không cần vô tư, khách quan và nhất là không cần căn cứ chuyên môn. Hiện nay, Luật Kiến trúc đã ra đời, nghị định hướng dẫn đã có, tất cả đang được từng bước ứng quản vào đời sống. Mới thôi, cũng đã thấy xuất hiện bất cập, nhưng về cơ bản đã tạo được nền tảng quan trọng riêng cho kiến trúc trong nền tảng chung pháp lý vận hành Quốc gia, ta hãy cùng chủ động nhập cuộc, thực hiện đúng và đề xuất kịp thời.

Tác phẩm nghiên cứu – lí luận phê bình ra đời không ít để được mang niêm cất. Đào tạo SV KT – hình ảnh thủ công quen thuộc.

Sự bất cập của kiến trúc trong nửa thế kỷ qua có thể còn nhiều nội dung. Một lần nữa chúng ta cũng thống nhất rằng, trong công cuộc vận hành dựng xây, bất cứ ngành nào, lĩnh vực nào cũng có hai mặt cùng song hành: Thành công và thất bại. Với kiến trúc Việt Nam thời kỳ vừa qua, chúng ta có quyền tự hào nói rằng thành công luôn là chính. Giờ đây, với tinh thần xem “thất bại là mẹ thành công”, trong môi trường pháp lý tạo điều kiện tốt hơn, với hệ thống quản lý vận hành đổi mới hơn, và đặc biệt là đội ngũ kiến trúc thế hệ nối tiếp thế hệ đông và mạnh về trí, về chất, về độ dấn thân và sẵn sàng hội nhập, nhất định sự phát triển kiến trúc Việt Nam sẽ có nhiều thành công tươi sáng, những thất bại sẽ ngày càng thu hẹp. Với tinh thần “kiến trúc không phải là một mô hình kinh doanh mang lại cảm hứng, đó là một quy trình hợp lý để làm ra những điều hợp lý và hy vọng những điều đó tạo ra cái đẹp, chỉ đơn giản là như vậy” 12

TS.KTS Phan Đăng Sơn
Chủ tịch Hội KTS Việt Nam – Tổng biên tập Tạp chí kiến trúc
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2021)


Tài liệu tham khảo:

1. TS.KTS Lê Văn Năm – Tham luận tại Hội thảo Gặp gỡ mùa thu, 2005.
2. PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục – Tham luận tại Hội thảo Gặp gỡ mùa thu, 2005.
3. PGS.TS.KTS Doãn Minh Khôi – Tham luận tại Hội thảo Gặp gỡ mùa thu, 2005
4. Kenzo Tange – Quan điểm về chuyển hóa luận – Tokyo, 1960.
5. GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính – Nhìn lại lý luận và phản biện kiến trúc những năm gần đây -TCKTVN 204, 2017.
6. PGS.KTS Tôn Đại – Những vấn đề kiến trúc đương đại Việt Nam – NXb Xây dựng, 1.2021,167.
7.TS.KTS Nguyễn Quốc Thắng – Để lý luận phê bình kiến trúc đi vào thực tiễn – TCKT 1.2014.
9. TS Nguyễn Trung Hòa – Bàn về nghiên cứu khoa học công nghệ – BXD.
10. GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông – Đôi điều suy nghĩ về đào tạo KTS – TCKT 3.2017
11. KTS Nguyễn Trường Lưu – Thiên nhiên và con người, định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam – HTPTKT 2021.
12. KTS Harry Seidler – Du lãng thế giới với con mắt của KTS – Taschen 2004