Mùa xuân, Cây xanh và Kiến trúc

“Em ơi em, mùa xuân đã về trên cành lá,
Tiếng chim kêu ngọt quá cho trời xanh xanh thẳm”
Diện mạo của mùa xuân thường được người ta mặc định bằng hình ảnh cây cỏ tươi tốt, hoa lá biếc xanh…
Diện mạo của mùa xuân thường được người ta mặc định bằng hình ảnh cây cỏ tươi tốt, hoa lá biếc xanh… Nhưng với thời tiết quanh năm như nhau của vùng Nam Bộ thì cả một thời ấu thơ tôi hầu như không cảm nhận rõ rệt sự giao mùa đầy xúc cảm ấy. Phải cho đến những ngày đông lướt thướt, lạnh, u ám, trơ trụi ở Paris tôi mới thực sự cảm nhận mùa xuân của tự nhiên. Bằng ký ức tràn ngập niềm vui của trẻ nhỏ, hòa giữa chợ hoa ngày 30 Tết, tôi chợt cảm thấy mình được quay về giữa những khóm hoa cúc vàng óng ả, những lùm Phật Thủ trĩu quả, những “tháp” tắc sum suê được những người làm vườn cẩn thận bó, buộc lại thành một ngọn tháp vàng rực… Ai đã một lần trải qua thời khắc chuyển mùa xứ lạnh, thời khắc cả vùng trời xám đen mênh mông được phun phủ một màu xanh như trong chớp mắt, mới cảm thấy hết niềm vui chờ đợi mùa xuân. Mới cảm thấy cành khô trên cây cũng “hấp háy” cười…
Mùa xuân với cây có duyên nợ bẩm sinh – duyên nợ của sự sinh chồi nẩy lộc, của cái đẹp tươi mới. Còn cây với kiến trúc là gạch nối rõ ràng nhất giữa kiến trúc với thiên nhiên, giữa thiên nhiên “thứ hai” đối với thiên nhiên “thứ nhất” của con người.
Cũng bởi vì kiến trúc được xem như thiên nhiên thứ hai của con người; nhưng cây, một phần quan trọng của thiên nhiên thứ nhất, đôi khi có thể là kiến trúc – đó là lúc những tán cây tỏa bóng cho một buổi picnic ngoài trời. Hoặc gần hơn nữa, cây vừa có công năng sử dụng vừa trở nên một hình ảnh biểu tượng kiến trúc hẳn hoi, như cây đa (quán nước) đầu làng miền Bắc hay cây trâm già (nơi nghỉ ngơi, ăn trưa) ở giữa đồng bưng Đông Nam bộ…
Một KTS giàu kinh nghiệm nghề nghiệp có nói: Sự sai lầm về quy hoạch mới thật là tai họa – Còn kiến trúc xấu ư? Chỉ trồng thêm cây cho trúng chỗ thì giảm xấu ngay. Có khi còn đẹp thêm nữa không chừng! Cho nên, giữ một ít khoảng trống bên ngoài hay bên trong dành chỗ cho cây trong mỗi công trình kiến trúc là vô cùng cần thiết và… vô cùng lợi hại!”
“Đã cảm được mùa xuân về trên lá
Ríu rít như chim, rộn rã như đàn…”
Xã hội luôn bị cuốn hút bởi nguồn đam mê sáng tạo không gian sống. Đó là việc mở rộng hay thu hẹp không gian hay tìm nơi thư thái trong một thiên nhiên không phải do tạo hóa, trong không gian có nhiều hình dạng kích cỡ và sắc màu đa dạng dành cho những ai có trí tưởng tượng phong phú.
Ngắm nhìn các không gian kiến trúc xen cài trong khung cảnh của cây lá mùa xuân luôn cho ta cảm giác như đắm mình trong giấc mơ, hay như cuộn mình trong dòng chảy của cảm xúc … Công việc thiết kế kiến trúc được xem là công cụ để đạt khái niệm đúng của thực tế. Chúng ta nhận thức rằng: cuộc sống con người không thể thiếu sự hiện diện của thiên nhiên. Sinh hoạt của cộng đồng dân cư và sự phát triển của hình thái đô thị luôn bị ảnh hưởng bởi môi trường thiên nhiên, chúng tạo ra cá tính của cư dân thành phố, tạo nên sự khác biệt của bản sắc đô thị này so với các đô thị khác. 
Chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra sự hài hòa của sắc màu hoa lá, của hình dáng, đường nét bố cục của không gian trong không khí mùa xuân ánh lên một vẻ đẹp lạ thường. Thiết kế kiến trúc cảnh quan là sự tạo lập và kiểm soát mối liên hệ giữa cuộc sống của con người với thiên nhiên. Những màu sắc được nhiều người yêu thích xuất hiện nhiều hơn, các hình ảnh hình khối của không gian đô thị phong phú hơn, những đường nét kiến trúc đặc trưng nổi bật hơn… sẽ đan xen cùng những chùm ánh nắng vàng, khí hậu dễ chịu, và trong không khí ấy, cây xanh là gạch nối không thể thiếu của những không gian này.…
Mùa xuân về, khắp nơi nơi bừng lên vô số sự kiện. Trên các đường phố, người ta thi nhau trang hoàng, thành phố biến đổi với hình ảnh rất mới, với những màu sắc rực rỡ của ánh đèn, những bông hoa lấp lánh, cây xanh đường phố cũng rũ bỏ lớp bụi của ngày thường khoác lên mình những lớp trang sức đủ mọi màu sắc. Màu hoa, màu lá đan xen trong màu của đường phố, màu của mùa xuân. Cho dù bạn ở đâu vào thời khắc này, bạn cũng dễ dàng nhận ra rằng mỗi nơi đều có những nét rất riêng thuộc về nơi đó. Có lẽ đấy là lúc bản sắc văn hoá vượt trội hơn bao giờ hết.
KTS luôn là người tìm thấy các yếu tố phổ biến để tạo nên giá trị riêng biệt và có nói quá không nếu nói rằng họ là “những người làm vườn của thời gian và không gian”, là một nhạc sỹ đi tìm những giai điệu của màu sắc, hình khối, đường nét…? Hay họ cũng là những “đầu bếp” khuấy lên được những hương vị trong trí tưởng tượng, lướt ngang và đắm chìm trong mùi vị của Mùa Xuân, Cây Xanh và Kiến trúc.
TS.KTS Hoàng Anh Tú