Phát triển không gian ven biển Phú Yên theo hướng bảo tồn hình thái tự nhiên hoang sơ và độc đáo

Việt Nam được thiên nhiên ban tặng một đường bờ biển dài và uốn lượn cong hình chữ S. Ở một số vị trí dọc bờ biển và đặc biệt ở miền Trung và Nam Trung bộ có một số tỉnh có hình thái không gian ven biển độc đáo nhờ vị trí của nó trên đường cong này. Tại đây, không gian biển chịu tác động qua lại của sóng biển vào đất liền, cũng như tác động ngược của dòng chảy từ dãy Trường Sơn đổ xuống, đã tạo nên một kiểu hình thái thiên nhiên rất đa dạng và ngoạn mục. Không gian ven biển Phú Yên nằm ở một trong những vị trí như vậy nên từ trong lịch sử đã được sở hữu những hình thái thiên nhiên rất độc đáo và hoang sơ. Đây là đặc sản của sự tác động cộng sinh giữa Biển, Núi và Cát ban tặng cho Phú Yên, mà may mắn là do “phát triển chậm” nên Phú Yên vẫn còn giữ được. Sự độc đáo và hoang sơ nhờ bị bỏ quên đôi khi lại trở thành điểm xuất phát để các nhà đô thị học nghiên cứu cấu trúc một đô thị ven biển hiện đại, sinh thái thiên nhiên, và bản địa – là những xu hướng mà thế giới đang hướng tới. Trong thời gian tới, với tốc độ phát triển theo Quy hoạch tổng thể của bốn đô thị ven biển, các yếu tố “độc đáo và hoang sơ” này liệu có còn không?

Sơ đồ hình thái các dãy núi bám biển

Sự độc đáo và hoang sơ của bờ biển Phú Yên dưới góc độ phân tích hình thái

Môn Hình thái học đô thị đã giúp người ta không chỉ nhìn thấy hiện tượng mà còn giúp họ nhận dạng và lý giải bản chất của hình thức được hình thành và biến đổi trong một khoảng thời gian dài. Sự đa dạng của hình thái không gian đô thị biển được bắt đầu từ tác động của các đợt sóng hàng triệu năm tác động vào cấu trúc địa lý và thổ nhưỡng không đồng đều của mặt đất, vách đá để tạo nên các yếu tố cấu thành hình thái không gian biển hết sức đa dạng.

Sự độc đáo của hình thái không gian ven biển Phú Yên không thể có được trong một ngày mà nó được hình thành từ sự tích tụ của các trầm tích trong lịch sử với 189 km chiều dài, với hình thái khúc khuỷu có nhiều dãy núi đá lấn ra biển để hình thành các vùng, vịnh, đầm, phá. Nhìn chung hình thái không gian ven biển là kết quả của sự tương tác giữa biển và đất, vách núi đá, trong đó những đợt sóng tràn vào bờ biển với cường độ và tốc độ khác nhau là rất quan trọng.

Ở chiều ngược lại, nó còn phụ thuộc vào hình thái và cấu trúc các dãy núi bám bờ biển mà những trận mưa núi có thể đẩy lùi những diễn tiến của biển. Đó là chưa kể tới hệ thống giao thông, hạ tầng và kiến trúc đang được quy hoạch tràn lan ven biển. Vì vậy, nghiên cứu hình thái không gian biển cần phải được chia sẻ bởi các bộ môn Địa lý học, Địa hình thái, Đại dương học, Thuỷ sinh học. Đặc biệt liên quan cả tới hai ngành gần gũi với chúng ta là Đô thị học và Xã hội học đô thị.

Về cấu trúc bờ biển có thể có nhiều kiểu khác nhau, nhưng về cơ bản có thể phân biệt thành ba kiểu:

  • Một là, những bãi biển toàn cát và sỏi. Đây là những thể thiên nhiên có cấu trúc nhỏ không kết dính, không có khả năng chống lại sóng biển. Và chúng sẽ chuyển động để tạo thành những hình thái thiên nhiên mềm mại, tuỳ theo sóng biển và thời tiết biển. Một loạt những bãi biển Việt Nam có cấu trúc kiểu này có thể thấy như bãi biển phía Đông Đà Nẵng, bãi biển sau TP Vũng Tàu, bãi biển Vầng trăng khuyết Quy Nhơn (đoạn phía Nam) … Những bãi biển này rất thích hợp cho phát triển du lịch;
  • Hai là những bãi biển có cấu trúc đá và vách đá. Đây là những thể rắn có cấu trúc lớn hoặc rất lớn, có tác động chống trả và ngăn sự biến đổi hình thái từ các đợt sóng biển;
  • Ba là những bãi biển ngoài cửa sông. Do dòng chảy từ sông ra biển sẽ hình thành tại đây những bãi bồi, những thể rắn cuốn theo dòng sông tạo ra những hình thái mới giữa đại dương và lục địa.

Với 3 kiểu loại cấu trúc bờ biển như trên, sẽ hình thành các hình thái bãi biển theo 4 dạng sau:

  • Dạng 1: Bãi biển với các lớp trầm tích có tác động không đồng đều khi đối mặt với sự tấn công của sóng biển theo các mức độ khác nhau. Lớp cát chống chọi yếu, đá vôi chống chọi trung bình, đá nham thạch chống chọi mạnh;
  • Dạng 2: Sóng biển bị tác động ngược trở lại bởi nước chảy ngược từ các vách đá ven biển tạo thành một lực cản của sự diễn tiến của sóng biển.
  • Dạng 3: Một số khối đá lớn không chịu nổi tác động của sóng biển đã bị bào mòn để trở thành hình thái “Mũi”. Một phần khác của thềm lục địa bị sóng ăn sâu và bào mòn trở thành hình thái “Vịnh”. Và một số hòn bị văng ra thành những thể độc lập tạo thành hình thái “Hòn”, “Đảo”;
  • Dạng 4: Vào thời kỳ sóng yên biển lặng, các trầm tích lắng đọng tạo nên một bãi biển yên bình.

Kinh nghiệm khai thác các không gian đô thị biển ở Việt Nam và Thế giới – Cái nhìn so sánh

Các không gian biển của Việt Nam nhìn chung đều nằm trong 3 kiểu cấu trúc và 4 dạng hình thái như phân tích ở trên. Kinh nghiệm khai thác thích ứng không gian một số đô thị biển Việt Nam đã thể hiện trong việc phân khu chức năng hợp lý và tận dụng cảnh quan thiên nhiên phù hợp trong quy hoạch và thiết kế đô thị.

Sự đa dạng hình thái biển do tương tác của sóng biển, thềm lục địa và vách núi

Trường hợp Không gian đô thị biển Vũng Tàu: TP Vũng Tàu có 3 mặt giáp biển. Mỗi mặt có một chức năng riêng phù hợp với cấu trúc thiên nhiên và hình thái không gian ven biển. Bãi Trước (nằm ở phía Tây Nam) có 2 dãy núi Lớn và núi Nhỏ nằm ở hai bên phần đất lõm ở giữa, được gọi là “Vũng”. Nơi đây là bến đỗ an toàn, nơi tập trung neo đậu của các ghe, tầu, thuyền, bè. Do cấu trúc đá và vách đá hai bên, thuộc cấu trúc 2 như phân tích trên, nó không phải là một bãi cát thoải và rộng. Vì vậy, mặc dù cảnh quan rất đẹp nhưng không thể sử dụng cho một bãi tắm chất lượng phục vụ du lịch mà chủ yếu chỉ sử dụng cho sinh hoạt cộng đồng.

Trái lại, Bãi Sau (nằm ở phía Đông Nam) là bãi cát rộng rãi, thuộc cấu trúc 1 lại rất phù hợp với phát triển du lịch và hệ thống nhà hàng khách sạn. Phía Bắc là cảng nước sâu, với vách đá dựng đúng phù hợp cho phát triển cảng nước sâu và khai thác dầu khí. Kinh nghiệm của Vũng Tàu cho thấy sự ứng xử đa dạng, thích hợp đối với một TP ba mặt giáp biển.

Trường hợp không gian biển TP Đà Nẵng: Không gian biển phía Bắc Đà Nẵng có sự tác động hai chiều giữa dãy núi và biển Đông Bắc. Lại có bán đảo Sơn Trà án ngữ giữa hai vòng cung của đường biển nên tạo ra hai khu vực, gần giống với trường hợp của Vũng Tàu. Trong đó bãi biển phía Đông có cấu trúc cát mịn – thuộc cấu trúc, phù hợp với phát triển du lịch, bãi Bắc thuộc cấu trúc 1 phù hợp với phát triển cộng đồng.

Trường hợp không gian biển TP Quy Nhơn: Phía Đông Quy Nhơn là một đường cong ven biển dài khoảng 60km có dạng vành trăng khuyết. Chúng kết nối với Đầm Thị Nại ở phía Bắc. Do dãy núi cao và dốc tập trung ở phía Tây và Tây Bắc làm cho bãi biển phía Bắc không có bãi cát dài, chủ yếu là cảng biển. Trái lại, không gian biển với bãi cát dài trải xuôi xuống phía Nam phục vụ tốt cho phát triển du lịch. Trường hợp khai thác không gian biển Quy Nhơn cho thấy cần tôn trọng những đường cong ven biển mà thiên nhiên tạo ra mà vì việc san lấp biển có thể làm hư hỏng hình thái tự nhiên đó.

Trường hợp không gian biển tại một số TP biển khác trên thế giới: Có rất nhiều bài học tích cực trong khai thác không gian biển theo hướng tôn trọng thiên nhiên và văn hoá bản địa. Điển hình là trường hợp tổ chức không gian cảnh quan ở bán đảo Cape – Nam Phi. Dự án cho thấy sự thận trọng từ bước quy hoạch vùng cũng như quy hoạch phân khu, chú trọng giữa phân khu chức năng và tận dụng vị trí, địa hình, cảnh quan thiên nhiên. Các khu dân cư, du lịch, thương mại với kiểu kiến trúc thấp tầng, bản địa được bố trí hợp lý không làm ảnh hưởng tới môi trường cảnh quan thiên nhiên.

Dự án này khác hẳn với mô hình tổ chức cảnh quan ở bán đảo Kosamui – Thái Lan. Cũng là một bán đảo hoang dã ngoài khơi, nhưng cách đặt vấn đề ở dự án này hoàn toàn khác khi Dự án mở rộng khu vực du lịch ven biển, bất chấp các rừng đước và đầm lầy hoang sơ bị triệt phá. Khu vực cư dân bản địa với nghề chài lưới truyền thống và các sản phẩm săn bắt hải sản từ bao đời bị dời đi để biến một cảnh quan thiên nhiên hoang dã thành một khu du lịch hiện đại phi bản sắc. Đó là một trường hợp đáng tiếc.

Đối với các TP tựa núi hướng biển, có thể tham khảo mô hình tổ chức kiến trúc cảnh quan bán đảo Positano – Italia, trong đó ý tưởng tôn trọng thiên nhiên, văn hoá là sử dụng kiến trúc NÉN – hiện đại, dựa vào cấu trúc thiên nhiên của đồi núi và quay mặt hướng biển. Dự án được mệnh danh như một TP treo trên núi với mật độ xây dựng rất cao nhưng xen kẽ với cảnh quan thiên nhiên để tạo thành một bức tranh đa dạng, đa sắc màu. Thí dụ này khác hẳn với mô hình tổ chức cảnh quan ở Cát Bà – Việt Nam trong đó những công trình khách sạn được xây dựng sát biển, không có sự tương tác giữa Biển và Núi. Các khối nhà tạo nên bức tường thành chia cắt giữa Núi và Biển. Sự đối thoại giữa chúng gần như không có, cây cối trở thành như những phương tiện trang trí thụ động.

Qua các thí dụ trên, có thể thấy rằng, giải pháp quy hoạch không gian ven biển chỉ được xem là thông minh khi biết tôn trọng các giá trị tài nguyên thiên nhiên và văn hoá với các kiến trúc thấp tầng bản địa nằm rải rác xen kẽ thiên nhiên hoặc kiến trúc mật độ cao dựa lưng vào núi. Ngược lại, những giải pháp khai thác không gian biển bất chấp sự hiện hữu của quỹ thiên nhiên và văn hoá bản địa sẽ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên mà nghìn năm cũng không thể tạo lại được và làm mất dần bản sắc địa phương.

Không gian ven biển nối liền Đầm Thị Nại, TP Quy Nhơn
Không gian 3 mặt giáp biển của TP Vũng Tàu

Tại sao cần bảo tồn hình thái tự nhiên hoang sơ và độc đáo trong không gian Đô thị biển Phú Yên?

Tổ chức kiến trúc cảnh quan ở bán đảo Cape – Nam Phi
Tổ chức cảnh quan ở bán đảo Kosamui – Thái Lan

Như đã phân tích ở trên phần 1, do có vị trí đặc biệt trên tuyến ven biển trải dài từ Bắc tới Nam, thuộc miền Nam Trung bộ, do tác động của sóng và gió vào không gian ven biển Phú Yên rất mạnh và thất thường cùng với cấu trúc địa hình đa dạng, do các vách đá nhô ra sát biển. Tổng thể các tương tác kéo dài đã hình thành các hình thái thiên nhiên hết sức đa dạng và tạo nên một cảnh quan độc đáo mà may mắn vẫn còn hoang sơ do phát triển chậm.

Không gian ven biển tỉnh Phú yên

Những bài học kinh nghiệm khai thác không gian ven biển trên thế giới và tại Việt Nam cho thấy rằng xu hướng thế giới hiện nay đang tìm đến những vẻ đẹp của hoang mạc và tự nhiên. Không phải tự nhiên mà một khu resort cao cấp tại Phú yên lại được ưa thích và trả phí đắt gấp 10 những khách sạn cao sang. Trên thực tế, kiến trúc chỉ là những túp lều tiện nghi (cả vật chất và tinh thần) nhưng được đặt giữa rừng thiên nhiên hoang sơ, đặt con người vào một môi trường sống ở một tầng rất cao. Tại Quebec (Canada) người ta đã phải làm dự án phá dỡ những bãi kè đá vững chắc bên sông để trả lại những mặt cỏ hoang dại như nó đã từng hiện hữu. Điều đó có thể khẳng định rằng, thiên nhiên hoang sơ là một yếu tố rất cần được nghiên cứu bảo tồn trong tổng thể phát triển đô thị. Thiên nhiên trồng trọt có thể bù đắp cho thiên nhiên hoang sơ nhưng không bao giờ thay thế được nó. Vì vậy, chiến lược thích ứng trong phát triển Phú Yên nên là trước khi quy hoạch phát triển, cần lưu ý quy hoạch bảo tồn, trong quy hoạch bảo tồn có hai đối tượng quan trọng là tự nhiên và văn hoá. Trong tự nhiên cần lưu ý tới thiên nhiên hoang dã, đặc biệt là thiên nhiên hoang dã có tuổi.

Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với các tầm nhìn trong quy hoạch tổng thể phát triển Phú Yên với sự phát triển điểm nhấn của 4 đô thị biển là Sông Cầu, Tuy An, Tuy Hoà, Đồng Nai. Việc quy hoạch chuỗi không gian ven biển theo trục dọc đã được thể hiện khá rõ. Tuy nhiên, cần chú trọng hơn tới thiết kế đô thị, đặc biệt đối với các không gian ven biển nơi có các kiểu hình thái không gian đa dạng. Đô thị hướng biển là đô thị không cản tầm nhìn ra biển. Cần rút kinh nghiệm các thành phố xây dựng hướng biển, chúng tạo thành các bức tường thành che chắn biển Đông. Để bảo tồn cảnh quan hoang sơ độc đáo cần nghiên cứu sử dụng các kiểu kiến trúc nhẹ, các cầu đi bộ hiện đại linh hoạt, kết cấu lắp dựng trong rừng, không ảnh hưởng tới thiên nhiên. Ngoài ra cần nhớ rằng, bản sắc của Phú Yên là một TP giàu ánh sáng, lắm điểm nhìn với các không gian mở không bị che khuất, với cảnh quan đa dạng và luôn thay đổi – điều mà Châu Âu đã làm được cho các thành phố thời kỳ Phục Hưng. Vật liệu thiên nhiên vĩnh cửu của Phú Yên chính là gió, cát, vách núi, mũi, vịnh, hòn, thềm xen kẽ trong thiên nhiên.

Kết luận

Hoang sơ và độc đáo là hai thuộc tính tưởng như đơn giản nhưng không phải đô thị biển nào cũng có. Vậy mà ở Phú Yên có cả hai thuộc tính này. Nếu như sự độc đáo có được nhờ kết quả của quá trình diễn tiến hàng triệu năm của biển và sự chống trả của các thềm lục địa, thì sự hoang sơ có được vì may mắn bị con người bỏ quên hoặc chưa có điều kiện khai thác. Mặc dù Thiên nhiên ban tặng cho Con người món quà được làm nên bởi hàng triệu năm, nhưng con người có thể phá hủy nó chỉ trong một ngày, một tháng, một năm. Thế giới ngày nay đã thay việc “Chinh phục thiên nhiên” bằng “Sống cùng thiên nhiên”. Họ biểu hiện sự ứng xử thông minh và nhân văn đó bằng các dự án phát triển tuân thủ nguyên tắc Thuận thiên (thuận theo thiên nhiên), Hài hòa và Thích ứng.

Hình thái hoang sơ của không gian đô thị biển Phú yên cần được khảo cứu và đánh giá giá trị như những di sản thiên nhiên, bên cạnh các di sản văn hóa. Đó chính là cơ sở để tạo nên một Phú Yên giàu bản sắc, một đô thị được trời phú cho sự Bình yên, và sự Bình yên sẽ mang lại cho Phú Yên giàu có.

Zannier Hotels Bãi San Hô ở Phú Yên

GS.TS.KTS Doãn Minh Khôi
NCS. Nguyễn Hải Vân Hiền
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2022)


Tài liệu tham khảo

  • Melody Premaillou. Hierarchisation des facteurs d’ẻotion des Falaise côtieres du site au globe. These doctorat de l’Universite de Toulouse, 2018.
  • Lê Đăng Tuấn. Quản lý phát triển hình thái đô thị thành phố Quy Nhơn, Bình định.
  • Doãn Minh Khôi. Hình Thái học Đô thị. NXB Xây Dựng, 2017
  • Viện Quy hoạch phát triển Đô thị và Nông thôn – Bộ Xây Dựng: Chiến lược phát triển đô thị ven biển Phú Yên.