Thành cổ Pingyao – Kiến trúc và kinh nghiệm bảo tồn

Nằm phía Tây Nam của thành phố (TP) Taiyuan (Thái Nguyên), tỉnh Shanxi (Sơn Tây), thành cổ Pingyao (Bình Dao) được biết đến là một trong những thành cổ nhất trên thế giới. Hình thành từ thời nhà Tần (221-206 TCN), được mở rộng vào năm 1370 dưới thời nhà Minh (1368-1644) với diện tích 2,25 km2, Bình Dao được xem là thành cổ sớm nhất và rộng nhất của Trung Quốc. Năm 1965, thành cổ Bình Dao được xếp vào danh sách di sản văn hóa cấp tỉnh và sau đó là cấp quốc gia vào năm 1988. Đến năm 1997, thành cổ Bình Dao được công nhận di sản thế giới theo tiêu chí ii, iii và iv của Di sản văn hóa thế giới, đó là:

  • Thành cổ Bình Dao được xem là sự phản ánh kiệt xuất của hình thái kiến trúc và quy hoạch đô thị trong chế độ phong kiến Trung Quốc, trải qua 5 thế kỷ với sự đóng góp của các sắc tộc khác nhau (tiêu chí ii);
  • Thành cổ Bình Dao là trung tâm tài chính Trung Quốc từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Những ngôi nhà truyền thống và cửa hiệu thương mại trong thành là nhân chứng lịch sử về sự phát triển kinh tế thịnh vượng của thành cổ trong giai đoạn này (tiêu chí iii);
  • Thành cổ Bình Dao là ví dụ điển hình TP người Hán dưới triều đại nhà Minh và Thanh (thế kỷ 14-20). Trải qua hơn 5 thế kỷ, thành cổ Bình Dao vẫn gìn giữ được tính nguyên gốc từ tổng thể, kiến trúc, vật liệu xây dựng và kỹ thuật truyền thống (tiêu chí iv).

Từ đó đến nay, chính quyền, người dân và các tổ chức liên quan đã có rất nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị của thành cổ Bình Dao và đây đang được xem là một trong những điểm đến du lịch của các du khách. Theo thống kê năm 2018, hàng năm, Pingyao đón khoảng 400.000 khách du lịch [4].

Hình 1: Bản đồ thành cổ Bình Dao (nguồn: https://whc.unesco.org/en/list/812/, hiệu chỉnh bởi tác giả)

Kiến trúc tổng thể và công trình bên trong thành cổ

Thành cổ có dạng hình vuông, gồm 6 cổng ra vào theo kiểu cổng đôi, tuân theo nguyên tắc phong thủy (hình 1). Tổng thể thành được ví hình con rùa (linh quy), đầu là cổng hướng Nam. Trước đây từng có 2 giếng nước nằm bên kia cổng, trông giống như 2 mắt của rùa. Cổng phía Bắc giống cái đuôi rùa, hơi cong về hướng Đông. Đây là nơi thấp nhất của khu vực này, là nơi thoát nước của TP ra ngoài bức tường thành. Bốn cổng còn lại ở 2 phía Đông và Tây giống như 4 chân của con rùa. Theo phong thủy, hình dáng con rùa thể hiện sự trường tồn, bền vững và phòng thủ vững chắc cho thành cổ Bình Dao [8].

Thành cổ gồm 4 trục đường, 8 ngõ và 72 hẻm. Tổng thể theo bố cục hình vuông (Fangli) phổ biến mà Trung Quốc cổ xưa vẫn tuân theo. Các trục đường thương mại tạo thành chữ “Thổ” (土). Bố cục thành cổ Pingyao có dạng đối xứng. Đường chính Nam là một trục với bên trái là Văn miếu, bên phải là Võ miếu, ở giữa là Thị lâu (hình 2). Ở khu vực phía Đông là miếu Hoàng Thành, Thanh Hư quan. Còn phía đông là Nha môn, công đường. Tường thành có 72 tháp canh (pháo đài), lối ra cách nhau từ 40 m đến 100 m, là nơi đặt súng đại bác. Các pháo đài này vừa tăng sự vững chắc tường thành, đồng thời giúp hạn chế những điểm mù, khi phòng thủ có thể tấn công kẻ xâm chiếm ở mặt trước và hai mặt bên. Tường thành có chiều cao trung bình khoảng 12 m, đế rộng từ 9-12 m và thu nhỏ trên đỉnh còn khoảng 2-6 m. Với bề rộng như vậy, xe ngựa dễ dàng vận chuyển trên đỉnh tường thành mà không gặp trở ngại gì. Thành được đắp bằng đất, ngoài ốp gạch và trát vữa. Các tháp canh cao hơn so với đỉnh tường thành 7 m và có kích thước hình vuông khoảng 3×3 m.

Thành cổ được xem là trung tâm tài chính của Trung Quốc từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Trong thành có khoảng 3700 ngôi nhà cổ, hầu hết có dạng điển hình nhà truyền thống miền Bắc thời nhà Minh và Thanh. Các ngôi nhà này đều có sân trong hình vuông, khuôn viên nhà ở có bố cục khép kín, bao bọc bởi các bức tường cao khoảng 7-8 m. Trong nhà, các gia đình (thường là tam – tứ đại đồng đường) sống trong những ngôi nhiều gian phòng bao quanh và đều nhìn ra sân trong (tứ hợp viện). Các ngôi nhà này có màu đen và xám. Các công trình công cộng (60-70 ngôi đền, chùa và các công trình công cộng khác) thường được lợp mái tráng men màu vàng, xanh lá cây và xanh dương. Tất cả các công trình trong thành cổ đều có mái dốc cong đặc trưng kiến trúc truyền thống Trung Quốc. Trên bờ nóc thường được trang trí hình động vật. Mặt đứng các công trình đều có tính đối xứng, bên trong là hệ cấu trúc gỗ. Cổng nhà thường được thiết kế cầu kỳ với mái 2 lớp không đều nhau, được đỡ trên 2 cột chống hoặc thanh đỡ cắm trong tường đua ra.

Thị lâu, công trình cao 3 tầng tọa lạc ngay trung tâm thành cổ (hình 3) được xem là công trình biểu tượng của thành cổ với ý nghĩa mang lại sự trường tồn và hạnh phúc. Công trình này trước đây thuộc khu chợ (thị) và có 1 công trình cao (lâu) nên có tên là Thị lâu (không rõ năm xây dựng, được phục dựng vào năm 1688). Công trình có chiều cao 18,5 m, bằng hệ cấu trúc gỗ, lợp ngói lưu li màu màu vàng và xanh. Tổng thể thị lâu mang tính đối xứng, thanh thoát, kết nối trục Nam Bắc. Nếu đứng trên đỉnh thị lâu, sẽ quan sát được toàn bộ thành cổ.

Vài nhận xét về kinh nghiệm bảo tồn thành cổ Bình Dao

Hình 3: Thị lâu
Hình 2: Toàn cảnh trục đường chính Nam thành cổ Bình Dao

Sau khi được công nhận là di sản văn hóa thế giới, thành cổ Bình Dao đã được bảo tồn rất nghiêm ngặt và khá nhiều công trình đã được hồi sinh đáng kinh ngạc. Bên cạnh đó, thành cổ được đánh giá là điểm tham quan du lịch xếp hạng AAAAA của Trung Quốc với hơn 400.000 khách du lịch hàng năm1. Qua trải nghiệm thực tế, tác giả bài viết có vài nhận xét sau:

  • Với vai trò quan trọng và duy nhất của thành cổ, ngoài việc bảo vệ các bức tường thành thì những ngôi nhà truyền thống tứ hợp viện và môi trường sống cũng được quan tâm bảo tồn. Chính vì vậy, chính quyền địa phương, các tổ chức đã phối hợp rất nhiều dự án nhằm tái sinh thành cổ Bình Dao theo hướng thích ứng, sinh động và đầy sức sống chứ không phải bảo tồn trở thành một “bảo tàng” [2, 5];
  • Việc quản lý và quy hoạch các trục phố và công trình bên trong thành cổ bài bản. Toàn bộ đường phố luôn sạch sẽ, thoáng đãng, chỉ dành cho người đi bộ và xe thô sơ. Các công trình nhà ở đều thống nhất hình thức kiến trúc với gam màu ấm, màu đen, xám làm chủ đạo. Riêng các công trình công cộng thì có thêm màu đỏ, vàng và xanh lục;
  • Trang trí mặt đứng, biển quảng cáo các công trình đều thống nhất hài hòa. Các công trình đều được xây bằng gạch xám đen, nền lát đá hoặc bằng gạch trần màu xám. Mái dốc, cong, có thể có nhiều lớp, lợp ngói lưu li hoặc ngói ống. Tất cả các công trình đều có chiều cao hạn chế từ 1-2 tầng. Nếu công trình nào cần cải tạo sửa chữa, đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về tu bổ xây dựng;
  • Hầu hết không gian phía trước của các ngôi nhà được sử dụng nhằm mục đích kinh doanh, phục vụ du lịch. Các mặt hàng đa dạng nhưng phù hợp với kiến trúc truyền thống như nhà hàng, đồ lưu niệm, thủ công truyền thống,… Công năng sử dụng các công trình trong thành cổ rất đa dạng. Các công trình công cộng được sử dụng thành bảo tàng, nhà lưu niệm, tái hiện chức năng nguyên thủy để du khách tham quan có thể hiểu rõ lịch sử và giá trị của các công trình này. Một số công trình khác được sử dụng làm nơi công chiếu điện ảnh quảng bá di sản, nơi tổ chức hội thảo, triển lãm, tổ chức các sự kiện công cộng;
  • Các hoạt động quảng bá và phục vụ du lịch diễn ra rất bài bản và cuốn hút. Những công trình có giá trị đều được treo bảng bên ngoài có chú thích là công trình cổ và có xếp hạng. Ngoài ra, những tiện ích như vệ sinh, điểm chỉ dẫn thông tin cũng được thể hiện rõ ràng và đầy đủ. Cách 15 phút, luôn có người vệ sinh đường phố. Hàng giờ, luôn có 1 đội hoặc là quân lính, cung nữ đi theo trục phố chính nam để các du khách thưởng lãm và hình dung hoạt động trước đây trong quá khứ như thế nào (hình 4). Bên cạnh đó, trong thành cổ luôn có sẵn những chiếc xe tự động nhỏ có tích hợp các thông tin cơ bản về thành cổ bằng nhiều thứ tiếng khác nhau (hình 5). Du khách có thể thuê và tự chủ động lái xe đi tham quan các đường phố trong thành.
Hình 4: Một hoạt động thu hút khách du lịch tại phố cổ Bình Dao
Hình 5: Xe tự động phục vụ du lịch tại phố cổ Bình Dao

Những hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị thành cổ Bình Dao nói trên có thể là sự tham khảo hữu ích để vận dụng đối với công cuộc bảo tồn, hồi sinh các di sản đô thị và truyền thống tại Việt Nam như làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), Phước Tích, Gia Hội và kinh thành Huế (Thừa Thiên Huế) và Hội An (Quảng Nam).

*TS. KTS. Nguyễn Ngọc Tùng
Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế
ThS. Trần Thị Thùy Hương
Khoa Cơ Bản, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2020)

––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

Ghi Chú

  • (1) Cơ quan Du lịch quốc gia Trung Quốc (tiền thân Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công bố xếp hạng các thắng cảnh, khu du lịch tại Trung Quốc từ năm 2008. Theo đó, hạng AAAAA là mức đánh giá cao nhất
  • (https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BA%AFng_c%E1%BA%A3nh_lo%E1%BA%A1i_AAAAA).

Tài liệu tham khảo

  1. Bí ẩn công trình kiến trúc gần 3.000 năm tuổi, lâu đời hơn cả Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc, Web: https://vietgiaitri.com/bi-an-cong-trinh-kien-truc-gan-3000-nam-tuoi-lau-doi-hon-ca-van-ly-truong-thanh-o-trung-quoc-20190829i4229741/ (truy cập 22/01/2020).
  2. Global Heritage Fund (2011), Pingyao ancient city Fanjia Jie historic district. Conservation and heritage revitalization in partnership with the local community, Shanci, China.
  3. Khám Phá Thành Phố Cổ Ping Yao, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, Web: https://dulichviet.net.vn/kham-pha-thanh-pho-co-ping-yao-tinh-son-tay-trung-quoc.html (truy cập 22/01/2020).
  4. LYU Zhichen, AOKI Nbuo, XU Subin, YIN Xi (2019), Research on Gentrification processes within human – habitat world heritage – the case study of the ancient city of Pingyao. Proceedings of 2019 ICOMOS CIAV&ISCEAH international conference on Vernacular and Earthen Architecture towards Local Development, Pp. 700-707.
  5. Pingyao County government (2014), Conservation management guidelines for traditional courtyard houses and environment in the ancient city of Pingyao. Initiated by Pingyao County government and UNESCO.
  6. SHAO Yong, ZHANG Peng, HU Lijun, ZHAO Jie, CHEN Huan (2019), A Research on the conservation plan of the human – Habitat world heritage: Case study of Pingyao ancient city. Proceedings of 2019 ICOMOS CIAV&ISCEAH international conference on Vernacular and Earthen Architecture towards Local Development, Pp. 691-699.
  7. XI Yin, WANG Yao, YANG Li (2019), Research on sustainable protection strategy of Chinese human-habitat historical environmental based on HUL method: case study of Pingyao ancient city, a world cultural heritage site. Proceedings of 2019 ICOMOS CIAV&ISCEAH international conference on Vernacular and Earthen Architecture towards Local Development, Pp. 722-729.
  8. Yang Yuqian, Wu Xizeng (2007), The Ancient City of Pingyao, Published and distributed by New World Press & China Translation and Publishing Corporation. ISBN: 978-7-80228[-451-7, China.