Tiếc cho một ngôi đình di sản

Đình Tân Đông (còn gọi là đình Gò Táo) thuộc ấp Gò Táo, xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang là một ngôi đình cổ rất đặc biệt, bởi được bao bọc bởi 3 gốc cây bồ đề – hai phía trước, một phía sau – làm nên một vẻ đẹp cổ kính hiếm có.

Mặt trước ngôi đình với hai cây bồ đề tạo nên vẻ đẹp cổ kính hiếm có

Theo các bậc cao niên ở trong làng, và căn cứ dấu tích còn lại trên đình, thì công trình đã có tuổi thọ trên một trăm năm. Ngôi đình từng là trung tâm sinh hoạt cộng đồng của người dân ấp Gò Táo. Hàng năm, đình Tân Đông tổ chức bốn lễ hội chính như: lễ Kỳ Yên (16-2 âm lịch), lễ Thượng điền (16-5 âm lịch), lễ Hạ điền (16-8 âm lịch) và lễ Cầu Ông (16-11 âm lịch). Mỗi lần lễ tổ chức hai ngày, người dân trong làng tụ họp nhau lại cùng nấu ăn linh đình rồi mời các đoàn hát bội khắp nơi về biểu diễn, làm lễ.

Nhưng trải qua thời gian, ngôi đình bị xuống cấp, đổ nát và bị bỏ hoang hàng chục năm nay, chỉ thi thoảng có người tới thắp hương. Hiện trạng cho thấy, ngôi đình có kiến trúc rộng 5 gian, sâu 6 nhịp với hai phần là tiền điện và chính điện, với hai bộ mái theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc”. Phần khung kết cấu được làm bằng gỗ theo lối kiến trúc truyền thống. Đặc biệt mặt tiền chính được xây tường với 5 vòm cửa, trang trí theo lối kiến trúc phương Tây. 3 gian giữa có 3 án thờ. Mái lợp ngói âm dương.

Mặt bên ngôi đình với bức tường lở và những ô cửa sổ trống hoác
Nội thất chính điện với sự xuống cấp đến điêu tán

Theo người dân nơi đây, đình Tân Đông được phong sắc thần, thờ phụng Tả quân Lê Văn Duyệt (1763 – 1832), người hai lần được phong Tổng trấn thành Gia Định, có công khai phá phương Nam dưới thời chúa Nguyễn. Tuy nhiên tờ sắc phong này đã bị mất vào khoảng cuối thập niên 80 của thế kỷ trước.

Đình Tân Đông được UBND tỉnh Tiền Giang trao bằng công nhận di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh vào ngày 9/12/2010. Nhưng hiện nay ngôi đình đã bị xuống cấp nặng nề: Tường nứt đổ, hệ khung gỗ bị hư hỏng mối mọt, mái ngói hầu như sụp gần hết… Một điều khá trớ trêu là 3 cây bồ đề làm nên vẻ đẹp của ngôi đình cũng là tác nhân gây xuống cấp cho công trình. Nếu để cây tự do phát triển, thì đình cũng sụp đổ, mà nếu gỡ 3 cây bồ đề ra khỏi những bức tường thì nguy cơ cũng tương tự vì rễ cây bồ đề bám chặt vào tường.

Phần tiền điện với bức tường 5 vòm cuốn phía trước, mái bị sập gần hết
Rễ cây bồ đề quấn chặt vào tường

Từ tháng 3 năm 2013, Sở Văn hoá – Thể thao – Du lịch tỉnh Tiền Giang đã kết hợp với chính quyền huyện Gò Công Đông và xã Tân Đông lập kế hoạch đo đạc, khảo sát để bảo tồn, trùng tu ngôi đình cổ quý giá này. Nhưng cho đến nay; mọi việc chưa tiến triển hơn chút nào, và ngôi đình vẫn là một kiến trúc điêu tàn có nguy cơ bị xoá sổ hoàn toàn.

Hệ khung mái mục nát, hư hỏng, ngói bị trút xuống vỡ nát
Khung gỗ còn lại ở phần mái tiền điện, kết cấu kiểu trụ đội
Dâu tích trên vòm cửa cho thấy công trình được dựng năm 1907
Một phần câu đối chữ Hán còn sót lại ở mặt tiền
Những hoa văn chạm khắc rất tinh tế trên bộ khung gỗ
Hình lưỡng long chầu nhật trên khung gỗ
Hình lưỡng long chầu hoa trên đỉnh mái chính điện, được khảm bằng sành sứ
Ngói âm dương bị vỡ nát trên mái

Bài và ảnh: Hà Thành
© Tạp chí kiến trúc