Trò chuyện với KTS Nguyễn Nga: “Sáng tạo các không gian từ nền tảng văn hóa”

KTS, Nhà quy hoạch đô thị – Doanh nhân văn hóa Nguyễn Nga

  • Sinh năm 1951 tại Hải Phòng, quê cha tại Hà Nội, quê mẹ tại Bắc Ninh.
  • Tốt nghiệp Thạc sỹ Quy hoạch đô thị ở Viện Quy hoạch Đô thị Paris, Pháp (1973 – 1979), Cử nhân Viện Quản trị Kinh doanh Châu Âu (1986).
  • Đã thực hiện các hoạt động tiên phong nhằm sáng tạo, kết nối, quảng bá văn hóa, nghệ thuật Việt Nam như: Thành lập Ngôi nhà Nghệ thuật Hà Nội, giới thiệu “Văn hoá Đạo Mẫu – Hầu Đồng”, biểu diễn “Hội họa trên những cánh diều sáo Bắc Bộ”, Triển lãm thư pháp “Vũ hội chữ” và Hai kỳ Festival “Ký ức cầu Long Biên” – 2009 và “Cầu Rồng kể chuyện ngàn năm Thăng Long – Hà Nội” – 2010 .
  • Đang thực hiện dự án “Bảo tồn, tôn tạo và phát triển cầu Long Biên và khu vực lân cận”, hiện đã được Thủ tướng phê duyệt, cho chủ trương triển khai trong thời gian tới.

KTS Vũ Hiệp: Là một Việt kiều Pháp, chị thích sống ở Việt Nam hay Pháp hơn?

KTS Nguyễn Nga: Tôi thích được sống ở cả hai nơi. Pháp là nơi hình thành tính cách và nghề nghiệp của tôi, còn Việt Nam là nguồn cội, là quê hương tôi. Sau khi tốt nghiệp tại Pháp, tôi mong muốn mang tất cả kiến thức, kinh nghiệm, quan hệ về đóng góp cho quê nhà.

Nhưng tôi không muốn về ở luôn tại Việt Nam, mặc dù sẽ ít tốn kém hơn, mà cứ đi đi về về đã gần 30 năm nay. Vì hễ cứ ở Việt Nam ngoài 3 tháng là tôi bị “bão hòa”, chán nản, chỉ muốn buông xuôi, vì những cái mình muốn cống hiến, làm đẹp, làm giàu cho quê hương đôi khi không được đón nhận, đôi khi trở thành những dự án “treo” nhiều năm không thực hiện được.

Thế là tôi lại phải quay về Pháp, như thể một chuyến đi tìm lại cảm xúc và “refresh” lại tinh thần. Khi nhìn những thành tựu hoành tráng trong sáng tạo ở Paris, tôi giật mình tự hỏi sao Việt Nam có nhiều cái hay thế, mà mình lại chưa thể nâng tầm lên để thực hiện được? Tôi lại quyết tâm về Việt Nam để làm cho bằng được.

KTS Vũ Hiệp: Vì sao chị đến với nghề kiến trúc – đô thị?

KTS Nguyễn Nga: Bố tôi là KTS Nguyễn Văn Chinh, làm việc cho hãng Credit Foncier thời Pháp thuộc. Hồi bé, tôi đắm chìm trong các bản vẽ kiến trúc. Tiếc rằng cụ mất sớm, khi mới 40 tuổi, năm 1961. Lớn lên, tôi nhớ về bố cùng với những bản thiết kế và quyết tâm theo nghề kiến trúc, có lẽ để tiếp tục những gì cụ chưa thực hiện được. Thừa hưởng gien sáng tạo từ bố, anh em chúng tôi đều theo nghề nghệ thuật.

KTS Vũ Hiệp: Chị đã học ở Institut d Urbanisme (Paris), nơi đào đạo về quy hoạch đô thị hàng đầu thế giới. Chị có thể chia sẻ một chút về chương trình đào tạo ở đây không?

KTS Nguyễn Nga: Nền giáo dục của Pháp rất chú trọng việc dạy một nền tảng văn hóa chắc chắn. Tôi học về quy hoạch đô thị mà phải học rất nhiều những môn học liên quan như triết học, kinh tế, lịch sử, xã hội học, tâm lý học, nhân học, sinh học, sinh thái, cảnh quan, giao thông, vật liệu và kiến trúc. Người làm quy hoạch đô thị cần phải có vốn kiến thức về văn hóa rất rộng và sâu. Sau này khi làm việc thực tế tôi thấy đó là cách đào tạo đúng đắn nhất. Có những kiến thức tưởng như “thừa”, về sau tự nhiên lại thấy nó vô cùng cần thiết và hữu ích trong nhiều quyết định, và nhiều hoàn cảnh phù hợp. Khi được trang bị một nền tảng văn hóa vững chắc thì mới có thể tự tin làm việc được với tầng lớp trí thức, doanh nhân cao cấp cũng như giới lãnh đạo trong chính phủ Pháp.

Thời còn học ở Viện Quy hoạch đô thị Paris, tôi không chỉ học cùng với các bạn cùng trang lứa, mà còn học với các KTS ở các lứa tuổi khác nhau, được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các bậc tiền bối trong ngành, họ cũng đến trường để học về quy hoạch đô thị như một quy định bắt buộc của nhà nước đối với việc hành nghề KTS.

Người làm quy hoạch đô thị giống như một nhạc trưởng, phải hiểu từng nhạc cụ và biết từng nhạc công, phải xâu được tất cả thành một chuỗi hài hoà thì mới có được bản giao hưởng. Người nhạc trưởng trở nên vô nghĩa nếu chỉ đứng một mình – Giống như công việc của nhà quy hoạch đô thị là điều phối các thành phần khác nhau, để tạo nên bản giao hưởng đô thị.

KTS Vũ Hiệp: Chị có thể kể về những dự án văn hóa, những không gian sáng tạo mà chị đã thực hiện ở Hà Nội?

KTS Nguyễn Nga: Năm 2006, tôi thành lập Ngôi nhà nghệ thuật với mặt sàn 750 m2, ở 31A Văn Miếu, nhằm tổ chức những “sàn diễn” nơi giao thoa các môn nghệ thuật như hội hoạ, điêu khắc, âm nhạc, múa, thi ca, văn học.. tạo sân chơi sáng tạo cho các nghệ sĩ, tổ chức các cuộc triển lãm chuyên đề, giới thiệu đến các nhà sưu tập quốc tế. Các kênh truyền hình quốc tế cũng sang làm phóng sự để nói về sự bùng nổ trong sáng tạo nghệ thuật tại Hà Nội. Mô hình hoạt động của Ngôi nhà nghệ thuật sau này đã được nhiều trung tâm nghệ thuật khác ở Hà Nội tiếp bước như Manzi, Heritage space, VCCA, VUUV…
Tiếp đó, tôi đã tập hợp ba nhóm thư pháp là Hán Nôm, Quốc ngữ và Tiền vệ, lần đầu tiên tụ hội về Ngôi nhà nghệ thuật trong một “Vũ hội chữ” với 2.000 tấm thư pháp dán kín ngôi nhà 31A Văn Miếu. Sự kiện này đã thu hút đông đảo khách trong nước và nước ngoài tham dự, khám phá nét văn hóa độc đáo, thư pháp Việt Nam. Có lẽ cũng từ đó mà phố ông đồ ở Văn Miếu dần dần hình thành và phát triển cho đến hôm nay.

Năm 2009 và 2010, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, tôi tổ chức hai lần Festival Nghệ thuật trên Cầu Long Biên, tạo ra một không gian sáng tạo cho hàng trăm nghệ sĩ trong nước và quốc tế, với hơn 20 hoạt động nghệ thuật trong 68 giờ: Triển lãm 100 bức tranh và 1000 bức ảnh về cầu Long Biên, treo 68 tác phẩm nghệ thuật trên cánh diều sáo Bắc bộ; trưng bày những dấu mốc lịch sử quan trọng của 1000 năm Thăng Long – Hà Nội… Sự kiện đã thu hút hàng chục ngàn người tham dự, nhiều kênh truyền hình trong nước và quốc tế ( CNN, NHK, BBC, FRANCE TELEVISION ) đưa tin. Sau đó, diều sáo Bắc Bộ đã đi ra thế giới, tham dự nhiều Festival quốc tế.

Tôi cũng tổ chức những buổi hầu đồng giới thiệu Văn hóa Đạo Mẫu khi nhà nước còn chưa cho phép, mời các đại sứ nước ngoài đến thưởng thức, và họ rất thích. Sau đó, phu nhân đại sứ Pháp Herve Bolot, người có 25% dòng máu Việt, đã cho tổ chức biểu diễn 2 lần ở trung tâm văn hoá Pháp L’Espace, và một lần ở Paris. Từ đó, một hoạt động ban đầu được “cho” là mê tín dị đoan, dần dần đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.

KTS Vũ Hiệp: Nhắc đến Nguyễn Nga, nhiều người nghĩ ngay đến biệt hiệu “Bà Nga Cầu Long Biên” và dự án “Bảo tồn, tôn tạo và phát triển cầu Long Biên và khu vực lân cận”. Nghe nói chị còn bán cả tài sản để theo đuổi dự án này. Tại sao cầu Long Biên lại quan trọng với chị đến vậy?

KTS Nguyễn Nga: Cầu Long Biên là một cây cầu lớn nhất nhì thế giới thời bấy giờ, là một công trình biểu tượng một thời huy hoàng của sắt thép, là “anh em” cùng cha với Tháp Eiffel và Nữ thần Tự do, là chứng nhân lịch sử suốt thế kỷ 20 của Hà Nội.

Cầu Long Biên, đối với tôi, là cây cầu huyền thoại, đã và đang được xem như biểu tượng của dân tộc Việt Nam, một dân tộc bất khuất và yêu hoà bình. Việt Nam đã góp phần vẽ nên diện mạo thế giới suốt chiều dài thế kỷ 20: Chấm dứt chế độ thuộc địa của thực dân Pháp, đã thắng cuộc chiến tranh chống Mỹ để thống nhất đất nước, chiến đấu ngăn chặn được cuộc xâm lăng phương Bắc. Vì vậy nên chúng ta phải bảo tồn đúng cách, và phát huy giá trị đúng nghĩa: Khơi dậy khí phách dân tộc, thúc đẩy kinh tế du lịch, kết nối đưa văn hoá lịch sử Việt Nam ra thế giới.

Khi bắt đầu nghiên cứu dự án, tôi đã liên hệ với Eiffage, công ty đã xây dựng cây cầu phức tạp, vượt mọi kỷ lục và đẹp hàng đầu thế giới là cầu Viaduc de Millau ở miền Nam nước Pháp, để họ cử các chuyên gia, kỹ sư giỏi nhất đến tư vấn giúp tôi về cầu Long Biên. Sau nhiều lần bàn thảo với các chuyên gia, cách đây hơn 10 năm, chúng tôi đã lập ra dự án “Bảo tồn, cải tạo và phát triển Cầu Long Biên và khu vực lân cận”.

KTS Vũ Hiệp: Dự án này sẽ làm cầu Long Biên biến đổi ra sao, thưa chị?

KTS Nguyễn Nga: Dự án không chỉ làm thay đổi cầu Long Biên mà còn chỉnh trang các khu vực lân cận để trở thành một không gian tổng thể hữu cơ và sáng tạo, đó là:

1- Cầu Long Biên – Bảo tàng ký ức thế kỷ 20: Phần 9 nhịp cầu phía Hà Nội sẽ được bảo tồn như nguyên trạng và sửa sang như ban đầu với đinh tán “ri vê”. Một đầu tầu hơi nước cổ sẽ được trưng bày cố định trên lớp kính dày và trong để vẫn nhìn thấy đường sắt và sông Hồng bên dưới. Các toa cổ trở thành Cà phê – Bảo tàng trưng bày và giới thiệu ngành đường sắt Việt Nam ra đời tại đây và đã hoạt động thế nào suốt thế kỷ 20.

Phần nửa cầu đã bị đánh sập bởi chiến tranh, chúng tôi cho đúc lại để hoàn thiện toàn cây cầu dài hơn 2 km như ban đầu. Trên phần này sẽ bọc kính “thông minh”, chỉ dùng năng lượng tái tạo để tạo ra 8000 m2 không gian trưng bày dành cho các Gallery Nghệ Thuật, Sáng tạo, Design… Cầu Long Biên có chiều dài ngang với Đại lộ Champs Elysee, sẽ biến thành Đại lộ Hòa Bình, cầu đi bộ và Cầu Bảo tàng ký ức thế kỷ 20 – Một tác phẩm độc nhất vô nhị trên thế giới.

2- Phố nghề nghệ thuật: Phần cầu cạn với 131 vòm cầu sẽ được mở ra để giới thiệu tinh hoa của 100 làng nghề quanh Hà Nội, giao thoa với 30 làng nghề quanh thế giới. Nơi đây là không gian sáng tạo, nơi nghệ nhân gặp nghệ sĩ để sáng tạo và đổi mới design, nơi ký kết các hợp đồng xuất khẩu và cũng là điểm hướng dẫn khách du lịch về các làng nghề.

3- Vườn treo: Được thực hiện trên các vòm cầu cạn để du khách có thể dạo chơi trên cao với hoa cỏ, và có góc nhìn thú vị về Hà Nội.

4- Phố đi bộ và Trục văn hóa lịch sử đô thị: Xuất phát từ Nhà Hát Lớn, phố Tràng Tiền, Hồ Gươm, qua phố Hàng Ngang, Hàng Đào, rồi đến Tháp nước Hàng Đậu, và lên Cầu Long Biên.

5- Tháp nước Hàng Đậu: Sẽ được giữ bề ngoài nguyên trạng. Bên trong được thiết kế thành Bảo tàng Cổ vật với mái được nâng cao và phủ kính để đưa ánh sáng vào.

6- Bãi giữa: Công viên sinh thái, Bảo tàng Nông – Lâm – Ngư nghiệp Việt Nam: 300 ha sẽ được thiết kế cảnh quan thành công viên sinh thái, lá phổi của Hà Nội, nơi biểu diễn pháo hoa, phố tơ tằm cổ xưa …

KTS Vũ Hiệp: Một cây cầu – Bảo tàng dài hơn 2km. Đúng là độc nhất vô nhị ở tầm thế giới. Ý tưởng tuyệt vời là vậy, nhưng hiệu quả kinh tế thì sao thưa chị?

KTS Nguyễn Nga: Chúng tôi dự kiến tổng mức đầu tư của dự án khoảng hơn 3300 tỷ đồng, trong đó 1 phần vốn chúng tôi vay tín dụng ưu đãi của Chính phủ Pháp, phần còn lại là phần vốn tự có của “Tổ hợp đầu tư” và huy động từ xã hội hóa. Dự án sẽ được thực hiện theo mô hình hợp tác công – tư (PPP). Nhà nước đóng góp cây cầu, chúng tôi đầu tư tu sửa, tôn tạo và khai thác 49 năm. Dự án này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho các nhà đầu tư mà còn thúc đẩy kinh tế của cả thành phố, biến du lịch trở thành nghành kinh tế mũi nhọn của cả nước.

Tuy còn hơi sớm nhưng tôi muốn so sánh dự án này với công trình Bảo tàng Guggenheim ở Bilbao. Từ một thành phố suy kiệt thời kỳ hậu công nghiệp, công trình Bảo tàng Guggenheim đã làm thay đổi nền kinh kế của cả thành phố Bilbao với lượng khách du lịch tăng đột biến theo từng năm. Không thiếu chuyên gia nước ngoài nói công trình này sẽ có “tác động” chẳng khác gì Bilbao, mà còn hơn thế nữa. Cầu Long Biên sau cải tạo sẽ là một nơi chốn giàu cảm xúc với kiến trúc độc đáo và tráng lệ, hoạt động văn hóa – lịch sử nhộn nhịp, cảnh quan thiên nhiên bao la và gần gũi, chắc chắn sẽ thu hút thêm 10 triệu du khách quốc tế đến với Hà Nội, và gần 100 triệu con dân Việt Nam đến tham quan để tìm hiểu và tự hào dân tộc.

Một con rồng Thăng Long, chứa trong mình ký ức thế kỷ 20, một cây cầu – Bảo tàng bằng thép và kính dài hơn 2km, một hình ảnh kỳ vĩ như vậy, chưa nơi nào trên thế giới có được. Chỉ Hà Nội mới có cái “duyên lịch sử” để sinh ra một không gian sáng tạo như vậy. Phải bán cả tài sản và bỏ hơn 10 năm để “cứu” được cây cầu vĩ đại này khỏi bị tháo rỡ bán sắt vụn chỉ là một việc làm cần thiết, đối với một người yêu Hà Nội và tự hào làm người Việt Nam.

KTS Vũ Hiệp: Hà Nội đã được UNESCO công nhận vào nhóm các thành phố sáng tạo. Chị nghĩ gì về chuyện này?

KTS Nguyễn Nga: Khi Hà Nội làm hồ sơ gia nhập mạng lưới TP sáng tạo, ông Michael Croft, trưởng đại diện UNESCO, người rất “mê” dự án của tôi, có trao đổi và khuyên tôi nên sớm gặp Hà Nội và đề xuất đưa dự án “Bảo tồn, tôn tạo và phát triển cầu Long Biên và khu vực liên quan” vào hồ sơ để tạo thêm sức nặng, nhất là phần không gian kiến trúc – đô thị hiện đại – thiết kế sáng tạo của đô thị Hà Nội. Thành quả đó, có lẽ cũng có đóng góp nhất định từ dự án mà tôi đang theo đuổi.

Một TP sáng tạo thì cần những dự án sáng tạo, kiến trúc sáng tạo, không gian hoạt động sáng tạo để khơi gợi và phát huy tiềm năng của mỗi người dân cũng như thu hút nhân tài từ khắp nơi hội tụ về.
Không gian sáng tạo phải do nhân dân chung tay xây dựng và cùng được hưởng từ thành quả đó, chứ không phải từ một đại gia tư nhân như chúng ta thấy ở một số địa điểm du lịch “đẳng cấp” hiện nay.

KTS Vũ Hiệp: Cám ơn chị về cuộc trò chuyện. Chúc cho dự án “Bảo tồn, tôn tạo và phát triển cầu Long Biên và khu vực lân cận” sớm hoàn thành để Hà Nội có một không gian sáng tạo tuyệt vời!

Vũ Hiệp (thực hiện)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2020)