Tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng “Xanh” đang trở thành một xu thế tất yếu của hầu hết các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bởi vậy, để thiết lập nền tảng pháp lý và tạo đà cho quá trình xanh hóa nền kinh tế, ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số1393/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050, theo đó tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo tăng trưởng kinh tế hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng trong tiến trình thực thi Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.

Một trong những giải pháp hàng đầu để có một công trình xanh và đạt được hiệu quả về năng lượng được các chuyên khuyến nghị là chủ đầu tư phải chọn vật liệu phù hợp cho lớp vỏ công trình, nhằm giảm thiểu những tác hại trực tiếp từ môi trường đến người sử dụng đồng thời tối ưu hóa tính hiệu quả năng lượng của công trình đó. Hiện nay, kính được coi là một trong những vật liệu được sử dụng nhiều nhất cho lớp vỏ các công trình xây dựng cao tầng bởi vẻ đẹp thẩm mỹ cũng như tính khả dụng và phổ thông của nó. Tuy nhiên, việc sử dụng kính thông thường cũng tồn tại một số điểm hạn chế như: Sự gia tăng nhiệt lượng và các tia UV có hại truyền từ môi trường bên ngoài vào bên trong tòa nhà, chi phí năng lượng cao hơn do vận hành hệ thống điều hòa cho tòa nhà trong mùa nóng cũng như mùa lạnh…

Dây chuyền sản xuất Kính tiết kiệm năng lượng Viglacera

Do vậy, việc cải thiện công năng của kính sử dụng cho các mặt dựng thay thế lớp vỏ tường bao che đã được ngành xây dựng thế giới tập trung nghiên cứu và phát triển, trong đó công nghệ phủ màng mỏng trên kính đã được ứng dụng rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới. Sự ra đời của công nghệ này giúp kính có thêm nhiều tính năng ưu việt như: Giảm sự truyền nhiệt từ bên ngoài vào bên trong toà nhà hoặc sự thất thoát nhiệt từ bên trong toà nhà ra bên ngoài, hạn chế các tia tử ngoại, hồng ngoại có hại cho sức khoẻ con người xuyên qua kính, tuy nhiên vẫn cho phép ánh sáng tự nhiên truyền qua, hoặc có khả năng tự làm sạch, chống bám bụi và đọng sương…

Tại Việt Nam, công nghệ sản xuất kính phủ lần đầu tiên được triển khai ứng dụng tại Nhà máy kính tiết kiệm năng lượng Viglacera, bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2016. Đây cũng là Nhà máy kính tiết kiệm năng lượng đầu tiên và duy nhất tại khu vực Đông Nam Á, được phát triển trên nền tảng công nghệ phủ mềm thế hệ mới nhất hiện nay. Nhà máy kính tiết kiệm năng lượng Viglacera có quy mô công suất 2.300.000m2/năm với thiết bị và công nghệ đồng bộ được nhập khẩu 100% từ Hãng Von Ardenne (CHLB Đức) – là Dự án ứng dụng Công nghệ cao được Bộ khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận theo QĐ số 2456/QĐ-BKHCN ngày 22/09/2015. Các sản phẩm Kính tiết kiệm năng lượng Viglacera đã được viện nghiên cứu IFT Rosenheim kiểm tra và chứng nhận đạt tiêu chuẩn DIN EN 1096: 2012 – CHLB Đức.

Hiện Nhà máy kính tiết kiệm năng lượng Vigracera đang cung cấp ra thị trường 2 dòng sản chính: Kính Low-E và Kính Solar Control. Các sản phẩm này có cấu trúc điển hình gồm từ 5 đến 8 lớp phủ kim loại siêu mỏng, có thể ngăn đến 99% tia UV và 79% năng lượng mặt trời, giúp tiết kiệm đến 51% chi phí điện năng cho hệ thống điều hoà nhiệt độ.
Kính Solar Control được gia công với một hệ thống các lớp phủ siêu mỏng có thành phần từ kim loại hoặc oxit kim loại. Loại kính phủ này được thiết kế với mục tiêu phản xạ lại phần lớn các bức xạ từ mặt trời, tác nhân làm gia tăng nhiệt độ bên trong toà nhà, đồng thời ngăn cản các tia tử ngoại có hại cho sức khoẻ con người. Đặc biệt, kính Solar Control của Viglacera có thể sử dụng được ở dạng tấm đơn lớp, có thể thay thế hoàn toàn cho sản phẩm kính thông thường tại các công trình xây dựng thương mại và dân dụng.

Đối với kính Low – E, ngoài các lớp phủ kim loại hay oxit kim loại, trong cơ cấu lớp phủ này còn có chứa 1 lớp Bạc (Ag), góp phần làm giảm hệ số phát xạ (e < 0.04) của tấm kính. Loại kính phủ này được thiết kế với mục tiêu ngăn cản sự truyền nhiệt từ ngoài vào trong hay từ trong ra ngoài, giữ cho căn phòng luôn ở nhiệt độ ổn định, giúp giảm năng lượng cho hệ thống làm mát vào mùa hè và hệ thống sưởi ấm vào mùa đông.

“Sau quá trình hoàn thiện các lớp phủ trong buồng chân không, các sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng của chúng tôi được kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt cả bằng mắt thường và bằng hệ thống kiểm tra tự động Ex-Situ. Do vậy, những khuyết tật như rạn nứt, vỡ, lỗi bề mặt… sẽ bị loại trừ triệt để, chỉ những tấm kính đạt tiêu chuẩn chất lượng Châu Âu mới được thông qua quy trình tiếp theo và được đưa ra thị trường.”Giám đốc Sản xuất Nhà máy kính TKNL Viglacera cho biết.

Hiện các sản phẩm kính Low-e và kính Solar Control của Viglacera đã và đang được các khách hàng đánh giá cao và được sử dụng lắp dựng cho nhiều công trình xây dựng lớn trên cả nước, góp phần nâng cao giá trị thẩm mỹ và hiệu quả sử dụng năng lượng của các công trình kiến trúc hiện đại, đáp ứng được những yêu cầu của tiến trình hiện đại hóa ngành xây dựng quốc gia theo hướng phát triển xanh và bền vững.


(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2018)