Để hiểu hơn về Nhà ở nông thôn truyền thống Bắc Bộ, cần hiểu hơn về Làng Việt Đồng bằng Bắc bộ…

Làng Việt – Hồn Việt – Văn hóa Việt

Ngày nay người ta về quê tìm cái tĩnh, cái thanh, cái thoáng, cái mộc ở làng. Đến rồi, nhìn rồi, mà không phải đã thấy hết, cảm hết cái đẹp, cái hay của làng quê, nhất là làng quê Bắc bộ. Đường làng, cổng làng, chùa làng, đình làng… tất cả đều phơi ra đấy mà không lộ, không hiện ra hết cái nét quê hấp dẫn, đầy mỹ cảm của người Việt. Có sinh ra ở quê, sống mãi ở quê cũng đã thấy được hết, cảm được hết cái đẹp này của làng quê Bắc bộ. Đó cũng là chuyện thường tình, bởi “khi ta ở chỉ là nơi đất ở” đến khi ta ra đi “đất mới hoá tâm hồn”.

Hồn quê ở đâu? Nét quê ở đâu trong làng quê Bắc bộ? Không chỉ có ở chất gụ nâu trong tà áo cô thôn nữ, trong khói lam chiều, con trâu bờ ruộng, câu chào cái nguýt mắt hay trong hội hè đình đám, ma chay dỗ chạp, trong câu quan họ hát văn hay ở chợ làng, nghề làng. Cái hồn quê đó luôn được chứa đựng và đi liền trong cái VỎ QUÊ VẬT THỂ. Vỏ quê vật thể đó trước hết là cung cách tổ chức cuộc sống nông nghiệp Việt Nam, là cách thức cấu trúc môi trường vật thể nông thôn Việt Nam, là bản sắc của người Việt một trăm phần trăm, không trộn lẫn, có từ ngàn năm nay.

Kiến trúc của một ngôi chùa, mái đình, một bảo tháp đâu đó còn phảng phất chất Trung hoa hay Ấn Độ; chứ cấu trúc quy hoạch làng và cảnh quan làng thì chỉ có người Việt làm được như vậy. Bởi lẽ tự nhiên là đất đó chỉ của người Việt, người đó chỉ là người Việt, cuộc sống đó chỉ là cuộc sống người Việt. Người ta có thể du nhập rồi Việt hoá quy hoạch một đô thị, một kinh thành chứ không bao giờ và không thể du nhập quy hoạch một làng xứ lạ vào ta được. Vậy thì chắc chắn cái vỏ vật thể đó – làng Việt – hàm chứa hồn quê, bản sắc của người Việt.

Cuộc sống nông nghiệp lúa nước với kỹ thuật truyền thống: đôi chân, con trâu, cái cày đã khoanh gọn làng trong cấu trúc điền địa và xác định quy mô của làng trong tương quan với ruộng. Quy mô đó vẫn dựa trên đôi chân và thời gian một ngày. Đồng ruộng không thể quá lớn và làng bám vào đồng ruộng mà mình sở hữu. Điều này tạo nên một cấu trúc Đốm cho tổng thể cảnh quan làng quê Bắc bộ. Quan hệ xã hội làng vốn dựa trên quan hệ họ tộc, thường là khép kín, tự túc và địa phương, hạn chế giao lưu trong khoảng cách xa. Điều này làm cho cái Đốm làng càng chặt hơn trong mạng cấu trúc của làng quê Bắc bộ. Cấu trúc đốm hay điểm này tạo nên một thị cảm gần gũi, đâu đâu cũng có hơi người. Hệ thống đường làng, đường xã, đường sông theo địa thế tự nhiên tạo nên nhiều phối cảnh đa dạng và bất ngờ cho cảnh quan nông thôn. Con mắt không dõi theo bất tận trên mặt ruộng đến chân trời mà luôn được giới hạn, dừng lại ở các điểm, các đốm làng. Các đốm làng ven sông, trên gò cao hay ở các triền núi sót nổi bật trên nền xanh vàng của ruộng lúa, nương khoai như một bức tranh vè dở, một phác thảo chưa xong, để dành cho người xem liên tưởng và tự hoàn chỉnh theo kiểu của mình. Không hoành tráng, chỉnh chu, nhiều nét nhiều điểm hơn là khối lớn, mảng to, khuôn hình hẹp, xa gần hư ảo, bức tranh quê quả là hợp với tâm tính và cơ địa của người Việt vốn ưa cái vừa phải, gợi mở, linh hoạt và dễ dung hợp. Đường quê ngõ làng, quán nước cây đa luôn hàm một ẩn dụ, một ẩn tích, một loạt các hình ảnh liên tưởng nào đó đậm chất huyền thoại hay thần tích; lúc bí ẩn lúc ngồ ngộ. Cái hình ảnh mà mắt ta nhìn như không được nhận thấy hết, như thiêu thiếu, như còn nữa, luôn gợi mở trí tưởng tượng và so sánh. Ngay cả khi ta hiểu được nội dung hay tích chuyện của cảnh quan làng thì cái hình ảnh được nhìn thấy đó vẫn như muốn được phát hiện thêm, khám phá thêm mãi trong ký ức của mỗi người chúng ta, đường làng như một kênh kỷ niệm đầy ắp trải nghiệm và tâm tưởng. Con đường trườn qua đồng ruộng, gò mả rồi quành vào cổng làng. Cái chất lạo xạo lúc hanh khô hay nhơn nhớt khi trời mưa cứ bám riết vào tiềm thức, đi cùng thời gian. Trong cảnh bằng lặng trước làng, trồi lên một cây đa, gốc gạo, lùm lùm phía dưới là một quán nước hay đình trạm tuênh toang. Ở đấy có cả một thế giới truyền kỳ, ma có, thần có,đời có, đạo có. Cái thế đơn chiếc, độc tôn, trống trải trong khoảng nhỏ đất trời trước làng của hợp thể quán – cây giữa đồng khắc một hình đậm trên nền trời quê, một hình ảnh (image) bền và thân thuộc trong ký ức dân quê mỗi khi đi xa. Rồi với thời gian, nó như một ký hiệu (sign) của con đường. Không gian tuyến của đường quê được cô lại ở những điểm nhấn này. Đôi lúc như vành nón của mẹ che mưa che nắng, có lúc lại như một điểm khuất để ngả ngốn bên nhau trước buổi hoàng hôn. Những lúc trời nhá nhem hay đêm khuya lùng bùng đom đóm thì chỉ có nước ù té chạy qua, như có ma vờn vạt áo. Người quê đã tạo cho đường quê một thế giới cảm giác đầy ắp, đa dạng và đa nghĩa mà không một đường phố nào có được. Trên tuyến đường vào làng có không biết bao nhiêu thực thể tồn tại, biết bao cây đã mọc tự nhiên hay được trồng, thế rồi cuối cùng cũng chỉ có một vài cây, một vài quán miếu là tồn tại như một hình ảnh đặc trưng của làng quê, như một ký hiệu của đường làng. Chỉ thực thể nào được dân quê thổi hồn vào đó, gắn tích vào đó mới có được hình ảnh đặc trưng. Đường quê – cây đa – quán trạm, đường quê – gò mả – mương nước.. tồn tại như một thức không gian vật thể và tâm linh của làng. Có tự bao giờ và ai đã tạo nên cái thức không gian đấy đầy chất ký hiệu này?

Đường quê không chỉ làm cái việc đi lại, nó có nghĩa, có hồn và ngồn ngộn văn hoá làng. Đường quê dẫn đến cổng làng, một giới hạn quy ước và vô định. Thường đó là một tam quan xây gạch, không to lắm cũng không lớn lắm. Cầu kỳ thì đắp ngói với một vài hoạ tiết dân gian. Con đường đi qua cổng làng để lại theo năm tháng những lớp bụi quê vô thường, vô thức chứng kiến không biết bao nhiêu sự kiện của làng. Đám rước, đám hội, những buổi tiễn đưa hay hò hẹn như đều được bắt đầu và kết thúc ở đây. Nhìn cái vẻ cũ kỹ, quê mùa của nó người quê có thể đọc được khối chuyện. Có cả niềm hân hoan, nỗi bịn rịn ươn ướt trên mi, quệt vào vách cổng, sướt trên cột cổng. Có ai mỗi khi xa quê không ngoái lại nhìn lần cuối tam quan làng mình. Tam quan cổng làng được dùng như một quy ước không gian hơn là giới hạn địa lý của làng. Nó chẳng ngăn che được gì về vật lý lẫn thị giác. Vậy mà làng không cổng chẳng khác gì nhà không cửa. Nó như một dấu hiệu đánh mốc trong và ngoài của không gian làng. Cái kiểu đánh dấu này vẫn tồn tại trong tâm thức người Việt hiện đại. Một buổi giao lưu trong thiên nhiên, một đám hội hễ có nhiều quần thể khác nhau bao giờ cũng dựng cổng, định vị “xác định chủ quyền” dẫu thực tế chẳng có gì ngăn cách. Cổng làng như một Nghi thức trong cấu trúc môi trường làng. Có cổng thì ở sát rìa làng, có cổng thì ở tít đầu đường, chỗ giao nhau với đường cái quan và làng. Vị trí địa lý, vị trí quy ước cũng chỉ làm cái việc đánh mốc không gian làng. Tính mập mờ, nước đôi dựa trên cái vô hình, hàm nghĩa với lối tư duy của làng, dễ giải thích các hiện tượng thiên nhiên và xã hội của làng. Nắng mưa, may rủi, được mất, hên xui dễ được chấp nhận hay bằng lòng với lối nghĩ này.

Mạng lưới đường làng, ngõ xóm là một mạng tự phát điển hình. Nó không chỉ là kết quả của tuyến đi về, nó còn phản ánh rõ các quy ước, ứng xử của người làng với nhau Hình như người làng không bao giờ cần đến một không gian quá rộng, chỉ vừa đủ. Có hội, có đám dân làng và khách làng cứ phải rồng rắn nối đuôi nhau, chen nhau va chạm nhau thì mới là hội làng, đám làng. Ở những hội đó, đám đó mới nhìn thì cứ tưởng đông lắm, chứ nếu tính đếm thì không đáng gì với một tập trung đô thị. Đường làng góp phần tạo không khí hội bằng kích thước nho nhỏ và hình dạng vô định của mình.

Tôi đi vào đường làng, ngõ gạch luôn có cái cảm giác đi vào các phố của đô thị trung cổ. Tự phát, chật hẹp, ngoằn ngoèo, bất ngờ khó đoán thì chẳng khác gì nhau, khác chăng chỉ ở các biểu hiện hình ảnh, tất nhiên phải vậy. Đường gạch, tường gạch, mái ngói xô màu đỏ ra quấn lấy khóm tre, khoảnh vườn, rặng cây. Mấy cái đầu mái, hàng hiên, cổng nhà nhộn nhạo vài chi tiết đắp nổi, đục chạm, không bao giờ thấy hết, lấp ló như duyên quê gái làng. Đi trên ngõ làng không thể có cái tâm trạng vô tư lự được. Nếu không va phải ai đó trong ngõ quành ra thì cũng va phải câu chào câu hỏi. Phối cảnh luôn thay đổi, không hình nào giống hình nào. Cái nhà ở làng cũng không hẳn khác nhau, không hẳn giống nhau, cộng với hình thái tự nhiên tự phát của cảnh làng, nối được cái mạch liên tục, tạo cái gần gũi cho không gian đường làng ngõ xóm. Đường làng, cây đa, mặt ao, mương nước, rặng tre, gò đống cùng với quán nước, đình đền, chùa miếu là những điểm nhấn thị giác của cảnh quan làng, là những thức không gian trong cấu trúc làng. Không gian làng vốn phức định và phi hình học nên luôn cần những dấu hiệu hoặc biểu tượng cho mình.

Đường lớn của làng dẫn đến đình làng, khi thì đến thẳng, khi thì quanh co nhưng thường rộng hơn, thoáng hơn. Đường không dẫn thẳng đến Đình theo kiểu “vỗ mặt”. Lối bố cục vuông góc, trực diện “vỗ mặt” là kiểu “đại ngôn, răn đe” không hợp với tương quan Đình – Đường. Chỉ ở Đình mới thể hiện hết sự quân bằng của thế Thiên – Địa – Nhân, một kiểu hiểu Nho giáo được làng hoá. Không gian Đình là không gian Đời của làng. Sự hiện diện của các bậc Thành hoàng cũng là một kiểu “đánh dấu tâm linh” cho không gian đình, cốt để bảo hộ phù trì cho dân làng hơn là nghiệm minh huyền triết, mộc mạc kiểu “đất có thổ công, sông có hà bá”. Bố cục đơn giản, dân dã, nghi thức tối thiểu, chi tiết thiên về tự nhiên, cấu trúc đơn thể không nhiều lớp nghi thức như không gian chùa hay cung đình, lăng viện. Hầu như không thấy dấu ấn vật lý của trục tổ hợp, nhiều yếu tố ngẫu nhiên hơn xếp đặt. Trong không gian Đình có hai tín hiệu thị giác quan trọng nhất: mái đình và sân đình. Đó là hai yếu tố to nhất trong không gian đình do dân làng làm nên. Ao đình có thể to hơn sân nhưng không tham gia nhiều vào không gian Đình. Cây đình, trụ biểu có thể cao nhưng không lọt sâu vào trường thị giác dân làng. Chỉ có cái mái bè bè, chiếm 2/3 độ cao đình, ấn mấy cột cái, cột quân xuống đất, thì đúng là “qua đình ngả nón trông đình”. Không gian đình, nhất là sân đình cô đặc việc làng, thắm đượm tình cảm và tâm trạng người làng, trình diễn cái bản thể văn hoá làng. Không gian đình là vô định, nó như một “file” của máy tính, chỉ hiện thị khi ấn vào phím kỷ niệm, vào những dấu hiệu và biểu tượng của đình, của sân đình. Ở đó có nước mắt và luộm tóc của ả làng bị bắt vạ, có niềm thâm nghiêm và hư hãnh khi rước sắc phong, có vết lằn của chiếu chèo, chiếu cỗ trên mặt đất nện hay sân gạch. Tiếng to, tiếng nhỏ khi ăn chia, giọng lề giọng vặt khi đón bạn hát ngày xuân, như vẫn còn ẩn trú đâu đó trong cột đình, đầu đao, bờ ao, mái ngói. Từng viên gạch, giọt ranh, thềm đá, gốc cây, đâu cũng đầy thông tin và hình ảnh. Vô hình đó mà hữu hình đó, tâm tưởng đó mà thị giác đó. Giàu hình ảnh và đa dạng kiểu này chỉ có ở đình làng, chùa – đền – miếu không có. Cơ chế tồn tại của làng vốn nặng tính thích ứng hơn tính chinh phục nên văn hoá làng lộ rõ tính linh hoạt, luôn tồn tại một độ “lơi” nhất định trong cơ chế, độ đồng nhất không cao, không có cái cực điểm thái quá Bên cạnh lệ làng còn có nghĩa xóm. Hương ước và nề nếp họ tộc vẫn dung hợp nhau. Ứng xử nho giáo quyện với giác ngộ phật giáo. Những khái niệm tưởng như tương phản nhau đều được người làng dung hợp, Đình làng dung hợp. Làng luôn tìm được cái tương đồng trong thế đối kháng để dung hợp, đó là thái độ vị thế tục, vị nhân sinh và vị lợi cho làng. Không gian đình làng cũng vậy, chủ yếu phục vụ cho cái hàng ngày, đời thường, trước mắt của cuộc sống, một cuộc sống luôn tồn tại cái được cái mất, cái ưu cái nhược. Nói rằng hướng đình là quan trọng, quyết định nhà ở trong làng cũng không đúng hết. Ai cũng biết hướng Nam là hướng tốt nhất cho người Việt, đến các bậc đế vương cũng quay về nam mà bình thiên hạ. Vậy nếu Đình quay về hướng nam, tất cả 4 đầu đao sẽ là : đông bắc, đông nam, tây bắc, tây nam. Đông nam là hướng tốt sao phải tránh, hướng tây là hướng xấu sao phải theo để tránh hướng đầu đao. Làm nhà tránh sao được hướng xấu so với Đình, vậy mới có câu “mắt toét là tại hướng Đình, cả làng mắt toét chứ mình em đâu”. Cái thế lỏng lẻo, mập mờ, linh hoạt, không tận cùng luôn toát ra trong không gian đình, không gian làng. Chính điều này tạo cho làng một CẤU TRÚC MỞ, dễ thích ứng với thiên nhiên và xã hội.

 

Đâu đó trên con đường loanh quanh của làng, ta bắt gặp một quán nước liêu xiêu bên vệ đường, tuềnh toàng thưng cót, mái rạ, vài cái kẹo, bát nước chè xanh, hàng quà gói thuốc. Một loại dịch vụ lửng lơ, có cũng được không chẳng sao. Ở làng không có hệ thống dịch vụ thương mại, tất tất đều trông vào chợ quê. Vị trí giới hạn của chợ cũng linh hoạt và tuỳ ứng. Hình thái bao che thiên về cái tạm và thoáng, chỉ có phiên là cố định. Chỉ cố định cái quy ước. Chợ quê là một phần của của văn hoá làng, cái ăn, cái mặc, kiểu ứng xử bày cả ra chợ. Không chỉ ảnh hưởng ở làng mà ngày nay, chợ quê cũng có một “thị phần” ở đô thị. Tính ngẫu nhiên, tuỳ ứng là đặc thù của không gian chợ như thể là chợ phải vậy. Cứ quan sát mấy cái chợ mới xây lại ở phố khắc thấy ngay. Dẫu có được xếp đặt, xây tầng, bao che thì chợ vẫn cứ ào xuống đất, tràn ra đường. Có lẽ chợ chỉ cần một khoảng rộng, có mái hoặc không là đủ. Cho dù đó là chợ quê hay chợ phố. Cùng với nghề làng, phiên chợ làm cho dân quê không gặp mãi nhau, không xa mãi nhau, như có hẹn có chờ vậy. Trong khoảng thời gian của “phiên” ấy, biết bao nhiêu tâm trạng được dồn nén. Chợ quê không chỉ là một yếu tố cấu trúc của không gian làng, còn như một loại hình ảnh lưu bền với người quê. Giá trị và đặc tính văn hoá của chợ quê không hàm cái hình ảnh và hình thái không gian cụ thể. Vẻ kiến trúc, quy hoạch như trốn ở đâu, khó thấy, nhường lại cho các loại hình ảnh ký ức và tâm trạng, nhất là với các bà các cô. Cái đẹp của chợ ở đây ư? Không gian Đình và không gian Chợ là hai không gian đặc trưng nhất nhưng phức định và đa dạng nhất của cấu trúc không gian làng quê Bắc bộ. Đó là chốn “làng” nhất của quê.

Chùa, Đền, Miếu định nên một sắc thái khác cho cấu trúc không gian làng. Chất mờ ảo, thâm nghiêm, siêu nhiên, thoát tục của cảnh quan và không gian chùa, miếu chỉ ám vào những khoảnh khắc tâm linh nào đó của dân làng, thường là những khoảnh “âm”, với tâm trạng dãi bày, ước nguyện. Chùa làng khác chùa nước. Chùa nước thuở trước còn gọi là Đại danh lam, đôi khi có cả hành cung, quy mô to lớn, vị thế đắc địa (bách môn, trăm gian…), rặt chữ nghĩa, học thức ở lớp trên, nên dễ thấy tính nghi thức, lớp lang, trục hệ của không gian chùa. Chùa vốn là yếu tố không thuần quê như Đình. Làng chỉ như một môi trường để chùa bám vào cộng sinh.

Trong cấu trúc không gian làng, chùa vẫn chỉ là yếu tố biên, đứng sau Đường làng, Cổng làng, Đình làng, Chợ làng. Dẫu có thời chùa từng là trung tâm văn hoá của làng, dẫu có mặt ở làng trước đình, chùa vẫn không là con đẻ của làng Việt. Dẫu có vị trí đắc địa hay yểm vị trong đất làng, chùa vẫn đứng ngoài vòng trao đổi kín cuả đời làng. Chùa, miếu, đền không lấy làng làm giới hạn như đình, tầm ảnh hưởng luôn muốn vượt qua ngưỡng làng, đi xa hơn nữa. Cấu trúc không gian chùa cổ hay mới đều có tính sắp đặt, lựa chọn, định trước. Trước thì lấy thế, sau thì lấy cả hướng và trục. Cảnh chùa làng, hay chùa ở làng như một chút son trên môi chị hàng trầu. Thế định trước trong cấu trúc tự nhiên, tự phát của làng làm chùa nổi bật trên nền cảnh quan thôn dã. Không ngự trị một góc nhìn, độc chiếm một hướng tiếp cận thì cũng là chủ nhân của một thế đất tự đặt nào đó trong làng. Chùa làng chứa, nuôi và dưỡng mầm tri thức, văn hoá cho làng. Có lẽ ở chùa là nhiều chữ nhất. Ý thức tổ hợp và hàm ng- hĩa của không gian chùa dễ nhận thấy và phổ biến. Dù ở bất kỳ vị trí nào của đất làng, chùa cũng cố khéo lách mình khỏi cấu trúc của không gian làng, chỉ để một phần nhỏ nối với đời làng; như chiếc cầu khi mong manh, tròng trành khi chắc chắn, vững chãi. Người làng gửi vào chùa cái phần siêu phàm của cuộc đời và yên vị sống cái phần thế tục của mình. Sợi dây liên hệ giữa người làng và chùa làng là vô định và siêu thức, lúc kính cẩn siêu nhiên, lúc giản dị bỡn cợt kiểu “thị mầu lên chùa” hay “vào chùa ngỏ cửa chùa ra; vào chùa trải chiếu ra ngồi; vào chùa mượn xuyến chuyên chè, mượn đĩa bày trầu, vào chùa thắp một nén nhang” của câu ca quan họ. Khác với đền miếu, cảnh quan chùa có cái thanh tao của tri thức, cái chặt chẽ của thuật pháp, có cái thâm nghiêm siêu nhiên giác ngộ của trí tuệ và cái dung dị của đời làng.

Chùa làng chính là điểm thanh cao, nhã vọng nhất của cấu trúc không gian làng. Đền, miếu không vậy, vốn là nơi thờ Thánh, Thần, một siêu lực hay một đấng Nhân thần siêu phàm nào đó. Đền miếu đượm màu huyền tích, hoang đường, nguyên thuỷ. Vị trí đền miếu thường ứng với những địa danh có tích truyện thánh thần, một kiểu tín ngưỡng nguyên thuỷ. Người làng choàng lên chỗ đó một nội dung, nắn lại cách nhìn với núi sông, gò bãi, đầm ao, cây cối để các hình thái địa lý trở thành nhân vật chuyện.

Ở đó trí tưởng tượng được tung hoành, chuyện thêu tích dệt, đôi khi đạt đến đỉnh cao mẫu mực của văn học dân gian. Lớp sương này phủ lên cảnh quan đền, miếu càng làng tăng thêm vẻ u nghiêm, kỳ bí nhưng đầy tục hệ. Kiến trúc đền không khác mầy với kiến trúc đình chùa, nhưng cấu trúc không gian thì thiên về không gian chùa hơn. Đình chỉ là nơi thờ vọng, đền mới thật là “nơi ở” của thánh thần. Không gian đền có trục hệ, lớp lang, trên dưới nhưng ít cái xa gần, luôn xen cài cái biệt lệ, ngẫu nhiên, vương vấn chất đời hơn. Ở đền, người làng bày tỏ rõ hơn những mong muốn đời thường của mình : mùa màng bội thu, làm ăn buôn bán phát đạt, cưới hỏi ma chay thuận trời…Trong cuộc giao lưu tâm linh ấy người làng cột Thánh thần vào những ước mong trần tục, những ham muốn cụ thể đời thường của mình. Sự linh diệu của Thánh thần ứng nghiệm cụ thể ở các lời cầu, điều ước của dân làng. Thánh thần vẫn gần làng hơn Phật. Những lời cầu ước ở đền là vật chất nhiều hơn tâm linh, là cụ thể hơn siêu thoát. Chính vì vậy Đền dễ biến thái hơn Chùa. Tín ngưỡng lẫn với dị đoan, phúc lộc đi liền trừng phạt, chân thật giả dối khó phân biệt ở đền. Không gian đền không có cái thanh nghiêm như chùa. Các tượng thần ở đền như những tín hiệu của uy lực, uy quyền uốn nắn hành vi, ứng xử của người làng. Chính các yếu tố bài trí chứ không phải yếu tố kiến trúc hay quy hoạch làm nên nhận cảm không gian này.

Trong tổng thể cấu trúc không gian làng Bắc bộ, cũng như chùa, đền miếu thuộc lớp cấu trúc biên. Ta có thể hình dung hai tam giác đều chồng lên nhau tạo thành một lục giác. Tam giác đầu gần hơn có tâm là nhà ở với 3 đỉnh là : Đình làng, Cổng làng, Chợ làng. Các cạnh của tam giác là đường làng. Các cạnh nối từ đỉnh vào tâm (nhà ở) là ngõ làng, ngõ xóm. Tam giác thứ hai cũng lấy tâm là nhà ở với 3 đỉnh là : Chùa làng, Đền làng, Miếu làng. Tam giác này xa hơn, có nhiều quan hệ gián tiếp và ngẫu nhiên hơn với nhà ở của làng. Đây chỉ là sơ đồ quan hệ, cốt để rõ hơn cấu trúc thị giác của làng. Qua đấy thấy rõ hơn vị thể hàng đầu của không gian ở – nhà ở – trong cấu trúc hình thái của làng.

Nhà ở nông thôn

Đơn vị cân bằng sinh thái đối với người làng, không gian ở chỉ là cái nhà để ở. Không gian ở (the habitat) của nông thôn Bắc bộ là một lắng đọng ngàn năm của tinh hoa làng. Ở đó có văn hoá, có truyền thống, có ứng xử với đất trời, có nôm na mộc mạc, có trừu tượng cao siêu. Nhà ở của người làng, không gian ở thôn quê là những nguyên mẫu lý tưởng cho bất kỳ ai muốn nghiên cứu và khám phá về người Việt. Người viết bài này mới chỉ khẽ chạm vào lớp phù sa lắng đọng đó, trình làng như một nhận thức của mình nhân một cuộc thi kiến trúc quốc tế, đã được công nhận như một đóng góp có tính “ly thuyết”. Nhà ở nông thôn, đơn vị cân bằng sinh thái, chu trình sinh thái kín luôn tồn tại và hiện hữu từ ngàn năm nay trong không gian ở của làng. Cái hệ VAC mà ta rầm rộ đưa về làng, thật ra đã có ở làng lâu lắm rồi. VAC chưa thực thi được chu trình kín như làng vốn có. Cấu trúc đầy đủ của nhà ở nông thôn là cấu trúc hoàn chỉnh nhất, tự nhiên nhất, đầy gợi cảm mà chỉ có làng mới có.

Trong khuôn viên được xây gạch hoặc rào bằng đủ loại cây, có cây cao, cây bóng mát, cây cảnh, cây lưu niên, rau xanh hay cây thuốc, gia vị. Mỗi loại cây có một vị trí và không gian riêng, chức năng riêng không thể thay thế. Nhà trên, nhà dưới, chuồng trại ao vườn, đụn rơm, đụn đất ủ phân… tất cả các yếu tố cần thiết của chu trình sinh thái kín đều được người làng tạo ra một cách tự nhiên, đơn giản và mộc mạc, phù hợp với phân công lao động của gia đình nông thôn. Sức mạnh tồn vong của làng cắm rễ, bám chặt từ trong khuôn viên mỗi gia đình. Một cách tự nhiên những mái hiên, tấm giại, chum nước, gốc mít, góc bếp, sân gạch, đụn rơm, cầu ao, chuồng lợn… đã đi vào văn học nghệ thuật như những biểu tượng của nhà làng. Nhớ nhà, nhớ quê là nhớ những cái này đây.

Vườn nhà là một sinh hệ được tổ chức khai thác hợp lý và bền vững ở làng quê Bắc bộ. Trong vườn ít có cái gì chỉ để nhìn và để cảm như nhà vườn Huế. Mỗi loại cây con, đất nước là một mắt xích cấu trúc của chuỗi thức ăn trong sinh hệ vườn nhà. Một sinh hệ được tổ chức với 2 hoặc 3 tầng sinh thể. Cái thực dụng được ưu tiên, cái đẹp tự nó bộc lộ, không bày biện xếp đặt và luôn cần được khám phá, cấu trúc này quả là chặt và thuận với đất trời. Cái lạ là người làng không áp dụng hoặc phát triển cấu trúc này – cấu trúc không gian ở – cho không gian làng. Có lẽ “trí thức làng” thiên về cái tâm nghiệm hơn thực hành kỹ thuật. Một khi quy mô lớn hơn, quan hệ chồng chéo hơn, độ lơi càng lớn hơn, người làng lại quy ước đưa về hệ quy chiếu khác để bản thể cấu trúc tự thu hẹp lại dễ điều tiết theo kiểu làng. Không thấy các làng thật lớn, cấu trúc chặt chẽ rõ ràng. Cấu trúc làng ngàn năm vẫn vậy, hai lớp cấu trúc ôm lấy không gian ở, nhà ở – chuồng trại – ao vườn. Lớp trong với đường làng – cổng làng – đình làng – chợ làng, với quan hệ trực tiếp qua đường làng, ngõ xóm. Lớp ngoài với chùa làng – đền làng – miếu làng, đan xen các quan hệ trực tiếp và gián tiếp. Không nhiều yếu tố, quan hệ quy ước và lỏng lẻo, cấu trúc dễ nhìn khó thấy của không gian làng dùng nhiều hệ thống tín hiệu (sign), hình ảnh (image) và ngữ nghĩa (se- mantic) để vận hành cơ chế.

Một số quan hệ về nhà ở nông thôn mới

1. Phát triển kinh tế xã hội và đô thị hóa làm thay đổi đáng kể nhà ở nông thôn truyền thống. Cần thiết phải có những quan niệm mới, khác về nhà ở nông thôn

2. Lao động và phân công lao động nông thôn tiếp cận với tiến bộ khoa học và công nghệ hiện đại, nên cấu trúc không gian ngôi nhà và khuôn viên gia đình truyền thống không còn bền chặt như xưa

3. Chuỗi thức ăn khép kín, chu trình sinh thái khép kín bị phá vỡ. Nhà ở nông thôn không còn là một đơn vị cân bằng sinh thái. Đơn vị cân bằng sinh thái nông thôn phải vượt qua quy mô khu- ôn viên gia đình, chắc phải ở quy mô làng

4. Hình thái nông thôn nay đã thay đổi và đa dạng. Có nông thôn thuần nông, có nông thôn cận đô thị, có làng lúa, làng hoa, làng nghề…Cấu trúc nhà ở nông thôn theo đó cũng thay đổi.

5. Vật liệu và kỹ thuật xây dựng, nhân công đã hiện đại hơn xưa nhưng nếu muốn giữ chất sinh thái cho nhà ở nông thôn, vẫn cần:

  • Sử dụng vật liệu phổ thông như: gạch, thép, tôn. Bởi tre, gỗ, tranh…bây giờ là vật liệu khó tìm, khó xử lý, hiếm và đắt tiền
  • Kỹ thuật xây dựng phổ biến, lowtech
  • Nhân công: lập đội xây dựng nhỏ, kết hợp đổi công

6. Chuỗi thức ăn khép kín không còn, chu trình sinh thái khép kín không còn nhưng xử lý chất thải nông thôn luôn là cần thiết để nông thôn phát triển bền vững. Khâu cuối cùng của chu trình sống, lao động và vui chơi giải trí ở nông thôn hiện chưa có giải pháp thich hợp và bền vững.

KTS. Nguyễn Luận
© Tạp chí Kiến trúc


Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung Ương