Yvonne Farrell và Shelley Mcnamara – Hai nữ KTS tài hoa nhận giải thưởng pritzker 2020

Giải thưởng Kiến trúc danh giá Pritzker 2020 đã thuộc về hai người phụ nữ tài hoa đến từ Ireland: Yvonne Farrell và Shelley McNamara. Kết quả được Tom Pritzker, Chủ tịch Quỹ The Hyatt Foundation công bố vào tháng 2 vừa qua. Quan trọng hơn, hai nữ KTS tài hoa này sẽ được toàn thế giới công nhận với những cống hiến của mình đối với cuộc sống và nghề kiến trúc.

Yvonne Farrell (1951) và Shelley McNamara (1952), người sáng lập Grafton Architects ở Dublin vào năm 1978, là người nhận giải 47 và 48 của Giải thưởng Kiến trúc Pritzker 2020. Tuy nhiên, họ chỉ là phụ nữ thứ tư và thứ năm giành được giải thưởng, sau Zaha Hadid (2004), Kazuyo Sejima (2010) và Carme Pigem (2017); Farrell và McNamara đang được công nhận là một đội – không phải là cá nhân hay “thiên tài duy nhất” – Điều này có xu hướng trở thành chuẩn mực với những người đoạt giải Pritzker từ trước tới nay.

Ảnh Title: Hai nữ KTS Ireland Yvonne Farrell và Shelley McNamara của Grafton Architects được trao giải thưởng Pritzker 2020 – Ảnh© Alice Clancy

Giải thưởng Pritzker 2020 dành cho Farrell và McNamara được xem là sự ghi nhận đầu tiên cho các KTS đến từ Ireland, một phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của họ trong quá trình học tập, giảng dạy và thực hành kiến trúc của họ trong quãng thời gian vừa qua. Còn nhớ, hai năm trước, tại Venice Architecture Biennale, Farrell và McNamara là giám tuyển phiên thứ 16 của triển lãm kiến trúc quốc tế Venice xoay quanh chủ đề “Freespace” (Không gian tự do) thu hút được sự chú ý của giới nghề kiến trúc trên thế giới.

Giảng dạy và hành nghề luôn là những thực tế song song

Farrell và McNamara đã gặp nhau trong thời gian học đại học Kiến trúc tại ĐH College Dublin (UCD). Họ cùng học tập và nghiên cứu với các KTS theo chủ nghĩa duy lý (*), những người luôn cho rằng rằng lý tính là nguồn gốc của tri thức. Sau khi tốt nghiệp năm 1976, cả hai được lưu lại giảng dạy tại UCD, nơi họ tiếp tục hành nghề giáo dục kiến trúc cho đến năm 2006, và được bổ nhiệm làm giáo sư phụ trợ vào năm 2015. Farrell nhận xét:“Giảng dạy với chúng tôi luôn là một thực nghiệm song song. Và đó là cách chúng tôi cố gắng chắt lọc kinh nghiệm bản thân, trao tặng nó cho các thế hệ khác đang đi cùng con đường để họ thực sự đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền văn hóa kiến trúc. Đây là sự trao đi – nhận lại, chúng tôi học hỏi từ các sinh viên và hy vọng các sinh viên học hỏi được nhiều từ chúng tôi”

Năm 1978, Farrell và McNamara, cùng với ba người khác, thành lập Grafton Architects, văn phòng được đặt tên theo đường phố, nơi mà họ cho rằng nó cần phải đánh dấu sự tồn tại của địa điểm, thay vì cá nhân. Các dự án quan trọng giúp họ thành danh sau đó bao gồm: Nhà ở phố North King (Dublin, Ireland 2000); Viện đô thị Ireland, Đại học Dublin (Dublin, Ireland 2002); Trung tâm nghệ thuật Solstice (Navan, Ireland 2007); Trường cộng đồng Loreto (Milford, Ireland 2006); Văn phòng Sở Tài chính (Dublin, Ireland 2009); và Trường Y thuộc Đại học Limerick (Limerick, Ireland 2012).

Hồi tưởng lại thời thơ ấu, quãng thời gian luôn xuất hiện trong tâm trí và ảnh hưởng nhiều tới thủ pháp của hai nữ KTS, McNamara nhớ lại: “Quãng thời gian giúp tôi thức tỉnh trải nghiệm về kiến trúc là một chuyến tham quan khi tôi còn bé, chúng tôi tới một ngôi nhà lớn được xây dựng từ thế kỷ 18 trên con đường chính xinh đẹp của TP Limerick nơi Dì tôi sống. Chồng Dì tôi có một cửa hàng Dược phẩm bằng gỗ Gụ đẹp ở tầng trệt, còn Dì tôi điều hành một trường học Montessori nhỏ trong một căn phòng phía trên sảnh vào. Điều này khơi dậy một cảm giác tự hỏi về một ngôi nhà có thể là gì. Tôi nhớ rất rõ cảm giác của không gian và ánh sáng, đối với tôi đó là một sự mặc khải tuyệt đối ! (**)”

Farrell thì chia sẻ: “Một trong những ký ức đầu tiên của tôi là khi tôi nằm ngửa trên một chiếc đệm trên sàn nhà, bên dưới cây đàn piano. Trong khi mẹ tôi chơi đàn piano phía trên, tôi nhớ đã nhận thức được không gian tuyệt vời tràn ngập âm nhạc dưới nhạc cụ tinh tế làm từ gỗ óc chó đó. Tôi lớn lên ở Tullamore, Co. Offaly, Ireland – một thị trấn có nhiều đường phố và quảng trường, kho đá, nhà thủ công và một con kênh cắt một lát hoàn mỹ vào cảnh quan. Tôi luôn nhớ về một khu rừng sồi ở rìa thị trấn với thảm đá xanh vào mỗi mùa xuân. Rất gần gũi với thiên nhiên. Tất cả đã mang lại cho tôi cảm hứng với chất liệu và không gian.”

Shelley McNamara và Yvonne Farrell khi còn là sinh viên tại UCD, 1974 – Ảnh từ Pritzker

Trong số 05 người sáng lập Grafton Architects, chỉ có Farrell và McNamara ở lại. Và “đóa hoa hồng” thực sự đã nở sau 25 năm miệt mài hành nghề, vượt ra khỏi ranh giới của Ireland, họ thành công với dự án Đại học Luigi Bocconi ở Milan (Milan, Ý năm 2008) – Công trình được trao giải Tòa nhà thế giới của năm tại Lễ hội kiến trúc thế giới khai mạc năm 2008 tại Barcelona. Các dự án quốc tế khác cũng thành công nối tiếp trong sự ngưỡng mộ của cộng đồng kiến trúc như: Khuôn viên trường đại học UTEC Lima (Lima, Peru 2015) – được trao tặng Giải thưởng quốc tế RIBA 2016 bởi Viện KTS Hoàng gia Anh (RIBA). Học viện Mines Télécom (Paris, Pháp 2019) và Đại học Toulouse 1 Capitole, Trường Kinh tế (Toulouse, Pháp 2019) gần đây đã được hoàn thành.

Trước đây, Farrell và McNamara từng giữ ghế Kenzo Tange tại Harvard Graduate School of Design (2010) và chủ tịch Louis Kahn tại Đại học Yale (2011), đồng thời đã giảng dạy tại các cơ sở bao gồm École Polytechnique Fédérale de Lausanne và Accademia di Architettura di Mendrisio, và giảng bài quốc tế tại nhiều nước trên thế giới”. Grafton Architects được trao Giải thưởng Sư tử bạc Biennale di Venezuela năm 2012 cho triển lãm với tên gọi Architecture as New Geography – Kiến trúc như Địa lý mới. Họ đã được RIAI trao tặng Huân chương RIAI James Gandon cho Thành tựu trọn đời về kiến trúc năm 2019 và Huy chương vàng Hoàng gia RIBA năm 2020.

Kiến trúc là sự phức hợp hoạt động văn hóa quan trọng và phức tạp nhất hành tinh

Yvonne Farrell xúc động tâm sự: “Kiến trúc là một nghề thủ công đòi hỏi sự hào hoa và hoàn mỹ, nó được mệnh danh là một trong những hoạt động văn hóa quan trọng và phức tạp nhất hành tinh. Trở thành một KTS là đặc quyền cực kỳ lớn. Và việc giành Giải thưởng Pritzker năm nay là chứng thực tuyệt vời cho niềm tin tuyệt đối của chúng tôi vào kiến trúc. Cảm ơn ban tổ chức vì vinh dự to lớn này!” – Bà nhận được thông báo về giải thưởng khi còn đang bận nấu bữa tối.

Bên ngoài Đại học Luigi Bocconi – Ảnh©Domus

Bằng sự hiểu biết sâu sắc, Farrell và McNamara đã dùng khả năng của mình để sáng tạo các dự án hoành tráng nhưng lại thân thiện với môi trường và kết nối cộng đồng”.

Gắn với nhận định ấy, khuôn viên của Trường Đại học De Ingeniería & Tecnologia (UTEC), hoàn thành năm 2015 tại Lima (Peru), cho thấy năng lực của Farrell và McNamara trong việc tìm kiếm các giải pháp thiết kế ở một vị trí đầy thách thức. Đó là khuôn viên thẳng đứng của một không gian mở và kín – mà các thành viên Ban giám khảo giải Pritzker gọi là “Machu Picchu thời hiện đại”.

Một bên là đường cao tốc và bên kia là một khu dân cư, UTEC là công trình bê tông cao 10 tầng, có hình dáng trông như các vách đá bên bờ biển của thành phố. Các KTS đoạt giải đã đặt các không gian lớn (chủ yếu là các phòng thí nghiệm) ở các tầng thấp, trong khi các lớp học và văn phòng của giảng viên có diện tích nhỏ nằm ở tầng trên.

Với việc phô diễn cấu trúc ra mặt ngoài công trình, bố trí thêm nhiều sân thượng và sân hiên phù hợp với khí hậu ôn hòa ở Lima, Yvonne Farrell và Shelley McNamara đã thuyết phục Ban giám khảo với khả năng sáng tạo của mình trong việc hiện thực các kết cấu phức tạp để liên kết các không gian trong ngoài.

Bên ngoài Đại học Luigi Bocconi – Ảnh©Domus

Ban giám khảo Giải thưởng Pritzker 2020 nhận định đây là một sự thay đổi liên tục trong cách tiếp cận của 2 nữ KTS: “Họ chú ý đến tần suất ánh sáng của các luồng ánh sáng chiếu vào không gian bên trong của công trình, mang lại sự ấm áp và thú vị trong tầm nhìn, giúp con người có thể dễ dàng tự định hướng trong các không gian, đồng thời vẫn có sự kết nối cần thiết với không gian bên ngoài”.

Farrell và McNamara cho biết, “Chúng tôi được truyền cảm hứng từ Machu Picchu (khu tàn tích Inca thời tiền Columbo) cho công trình này, đặc biệt là các sân thượng xếp chồng lên nhau và kết hợp cùng phần đá trông như những tấm đệm”.

Mê cung quanh co của các lối đi trên không, cầu thang và các trụ bay tạo thành các khu nhà trong khuôn viên trường đại học mới cho UTEC ở Lima. Ảnh © Iwan Baan

Bản tuyên ngôn “Freespace”: Gửi những món quà tặng miễn phí của không gian và thiên nhiên cho người sử dụng

Tại Venice Biennale 2018, trong vai trò là giám tuyển của sự kiện, Farrell và McNamara đã trích dẫn một câu ngạn ngữ Hy Lạp cổ đại: “A society grows great when old men plant trees whose shade they know they will never sit in”. – tạm dịch: “Một xã hội tuyệt vời khi những người già trồng cây tỏa bóng mát mà họ biết sẽ không bao giờ ngồi”. Điều đó đã tiết lộ sự đa dạng và đặc thù của những người làm kiến trúc, một ngành nghề có tính liên tục, tạo ra giá trị kết nối của lịch sử, thời gian, địa điểm, con người. Những phẩm chất này vốn có từ hai nữ chủ nhân giải Pritzker năm nay bởi họ sinh ra tại Ireland, nơi thiên nhiên với những ngọn núi và vách đá đặc trưng, với nền văn hóa ít pha trộn, giúp họ có sự nhạy cảm với bối cảnh khí hậu và thiên nhiên trong các thiết kế của mình.

Xoay quanh chủ đề “Freespace” (Không gian tự do), bản tuyên ngôn này gắn với ý tưởng gửi “Những món quà tặng miễn phí của không gian và thiên nhiên cho người sử dụng, đặc biệt là các tài nguyên như ánh sáng mặt trời, ánh trăng, không khí”.

Công trình trường Đại học De Ingeniería & Tecnologia (UTEC) do YVonne Farrell và Shelley McNamara thiết kế hoàn thành năm 2015 – Ảnh và mặt cắt

“Có rất nhiều tòa nhà bạn ghé thăm và bạn thực sự ngưỡng mộ nhưng vẫn còn thiếu một thứ gì đó” – McNamara nói. “Kiến trúc không chỉ là việc thiết kế. Nó còn phải giúp bạn xóa được sự xa cách giữa bản thân mình và thiên nhiên.”

“Tưởng phức tạp, nhưng thực tế lại rất dễ dàng. Bởi kiến trúc không chỉ là ý tưởng, mà còn là việc triển khai các ý tưởng theo những quy tắc về vật lý” – Farrell nói thêm – “Kiến trúc là ngôn ngữ im lặng nhưng lại biết nói. Và con người không chỉ cần một tòa nhà để tránh mưa, họ còn cần ở đó cả những nhu cầu khác mà chúng phải hiểu.”

Đối với Kiến trúc như Địa lý mới tại Venice Architecture Biennale 2012, Grafton đã khám phá kiến trúc như là sự hợp nhất của cảnh quan và cơ sở hạ tầng bằng cách sử dụng các mô hình minh họa xây dựng bằng đá (từ trên xuống) Trường Kinh tế Toulouse, Stone Pavilion ở Verona và Lima UTEC – Ảnh©architectural-review

Trong mối quan hệ đối tác sáng tạo lâu dài của Farrell và McNamara, họ đã tạo ra nhiều giá trị được cộng hưởng với nhau. Tuy nhiên, 2 nữ KTS còn nhắc tới các đồng nghiệp đã góp phần định hình nên hành trình đầy thành công của họ.

“Vì chúng tôi đã biết nhau rất lâu, nên thực sự tin tưởng nhau” – McNamara nói với RECORD. “Nhưng không phải chỉ có chúng tôi đồng hành bên nhau mà còn có một nhóm đồng nghiệp tuyệt vời. Chúng tôi học được nhiều từ tài năng và niềm đam mê của họ”.

Với sự hiểu biết sâu sắc đó, trong các thiết kế của mình, Farrell và McNamara có thể khiến các tòa nhà tương tác với khung cảnh và thành phố một cách hài hòa nhất, trong khi vẫn thỏa mãn tiêu chí tươi mới và hiện đại. Sự hiểu biết sâu sắc về tinh thần của con người tại nơi tòa nhà hiện diện giúp các tác phẩm của họ tăng cường sự kết nối và cải thiện cộng đồng địa phương. Các tòa nhà của họ thành hình hài, trở thành hàng xóm tốt với người Hồi giáo, những người tìm cách mang những đóng góp vượt ra ngoài ranh giới của tòa nhà và giúp thành phố hoạt động tốt hơn.

Cảnh trong Văn phòng Grafton Architects tại Dublin – Ảnh©Grafton Architects
Hội đồng Giám khảo Giải thường Pritzker 2020 bao gồm:
• Stephen Breyer (Chủ tịch hội đồng), Thẩm phán tòa án tối cao Hoa Kỳ, Washington, D.C., Hoa Kỳ;
• André Aranha Corrêa do Lago, nhà phê bình kiến trúc, giám tuyển và Đại sứ Brazil tại Delhi , Ấn Độ;
• Barry Bergdoll, Giáo sư Lịch sử Nghệ thuật và Khảo cổ học tại Đại học Columbia, New York;
• Deborah Berke, Người sáng lập Deborah Berke Partners, New York, và Trưởng khoa Kiến trúc trường Yale, New Haven, Connecticut;
• Kazuyo Sejima, Kiến trúc sư được trao giải Pritzker 2010, Tokyo, Nhật Bản;
• Benedetta Tagliabue, Kiến trúc sư & Giám đốc của EMBT Miralles Tagliabue, Barcelona, Tây Ban Nha;
• Vương Thụ, Kiến trúc sư, Nhà giáo dục, Kiến trúc sư được trao giải Pritzker 2012, Hàng Châu, Trung Quốc;
• Martha Thorne (Giám đốc điều hành), Trưởng khoa Kiến trúc & Thiết kế IE, Madrid, Tây Ban Nha;
“Lễ trao giải năm nay được tổ chức vào ngày 5/5 tới đây”

Diễn giải:
(*)Chủ nghĩa duy lý (Rationalism): là một học thuyết trong lĩnh vực nhận thức luận. Theo nghĩa rộng nhất, đó là quan điểm rằng lý tính là nguồn gốc của tri thức hay sự minh giải. Nói cách khác, chủ nghĩa duy lý là một phương pháp hoặc học thuyết mà trong đó tiêu chuẩn về chân lý không có tính giác quan mà có tính trí tuệ và suy diễn logic.
(**)Mặc khải: có nghĩa là mở ra cho biết một điều thiêng liêng mầu nhiệm trong sự tĩnh lặng mà lý trí con người không thể giải thích được.

KTS Thái Vũ Mạnh Linh
(Co-founder Times Mirror Architecture)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2020)

—————————————————————-

Bài tham khảo:
• Tin chính từ https://www.pritzkerprize.com/laureates/2020 – công bố báo chí giải thưởng năm 2020.
• School of Economics in Milan by Grafton Architects: ‘an architecture of sobering power’ – CATHERINE SLESSOR / ARCHITECTURAL-REVIEW.
• Bài phỏng vấn Grafton Architects thực hiện bởi đài ESB.
• Yvonne Farrell and Shelley McNamara Win 2020 Pritzker Prize – John Hill / world-architects.com.
• Architectural Thinking of Grafton Architects, The Pritzker 2020 Laureates – Victor Delaqua/ Archdaily.
• Grafton Architects Discuss the Relationship Between Natural Resources and the Craft of Their Projects -Kaley Overstreet / Archdaily.
• the Pritzker Prize was awarded to Yvonne Farrell and Shelley McNamara – Lizzie Crook | Dezeen.
• shelley mcnamara of grafton architects interview tại Italy năm 2013 trên designboom.
• Pritzker Architecture Prize Goes to Two Women for the First Time bài của Robin Pogrebin trên The Newyork Times”.