Zero Energy – Giải khuyến khích hạng mục Bán chuyên cuộc thi Ngôi Nhà Mơ Ước

 

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

1.1. THỰC TRẠNG BÌNH HƯNG HIỆN NAY VÀ TẦM NHÌN TRONG TƯƠNG LAI

Phú Mỹ Hưng từ một vùng đất đầm lầy bị lãng quên đã được khai phá hiệu quả. Tại đây, không gian đô thị hướng đến nếp sống văn minh đô thị đã được tạo lập và hệ thống dịch vụ hạ tầng đồng bộ và kỹ năng tổ chức quản lý đô thị hiện đại được xây dựng… Chính từ khu đô thị kiểu mẫu này, Tp.HCM đã chọn cả khu Nam Sài Gòn (Quận 7, Bình Chánh, Nhà Bè, và Cần Giờ) trong tương lai sẽ trở thành một khu công nghiệp và khu đô thị lớn.

Nam Sài Gòn đã được lựa chọn vì những lý do như (i) dải đô thị nằm dọc cùng trục và gần 2 quận trung tâm là Quận 1 và Quận 5; và (ii) hệ thống giao thông sẵn có nên dễ dàng kết nối. Đồng thời, phát triển theo hướng Nam cũng phù hợp với xu thế phát triển của những đô thị lớn trên thế giới, đó là phát triển tiến dần ra biển. Ngoài ra, điều kiện tự nhiên khu Nam Sài Gòn khá tốt, có hệ thống kênh rạch dày đặc, nằm gần rừng phòng hộ Cần Giờ – lá phổi xanh của Tp.HCM – nên đây là điều kiện hết sức lý tưởng để phát triển đô thị sinh thái.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là liệu các khu vực phía Nam Sài Gòn sẽ trở thành một Phú Mỹ Hưng nữa trong tương lai, hay với vấn đề bùng nổ dân số thành thị đi kèm ô nhiễm môi trường sẽ kéo vùng đất thiên phú thuận lợi này mất đi tiềm năng vốn có của nó? Chuyện gì sẽ xảy ra khi đô thị hóa quá mức mà không nghĩ đến tự nhiên?

Nằm ở phía Nam Sài Gòn, Bình Hưng (Quận Bình Chánh) hiện nay đang phải đối mặt với những vấn đề nêu trên. Theo hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy, Bình Hưng là một khu vực có số dân cư ít và “xanh” theo đúng nghĩa đen của nó. Trong tương lai, tuyến Metro hoàn thành sẽ làm dân số Bình Hưng tăng nhanh. Từ đó, các vấn đề môi trường sẽ phát sinh, các mảng xanh bị san lấp để làm nhà phố và các tòa cao ốc có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên vốn có của Bình Hưng. Trên thực tế, Bình Hưng đang phải đối mặt với vấn đề ngập lụt và ô nhiễm môi trường. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai khi dân cư tập trung quá đông? Bình Hưng có đủ khả năng để là một Phú Mỹ Hưng nữa khi vấn đề môi trường chưa được đề cập và chú trọng?

1.2. ĐÔ THỊ HÓA

Đô thị hóa sẽ có thể làm triệt tiêu dần những mảng xanh vốn có của Bình Hưng trong tương lai. Các ngôi nhà phố mọc lên san sát nhau sẽ thế chỗ cho diện tích cây xanh hiện hữu. Trong khi đó, theo một thống kê cho thấy, tỷ lệ cây xanh đô thị của Việt Nam chỉ ở khoảng 2m2/người, bằng 1/5 tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc (10m2/người) và chỉ bằng 1/10 so với các đô thị trên thế giới. Nếu đô thị hóa vẫn tiếp tục, chất lượng sống của cư dân sẽ xuống cấp trầm trọng vì thiếu mảng xanh và đô thị sẽ phải đối diện với các vấn đề về môi trường.

Vậy có tồn tại không một giải pháp để đô thị hóa vẫn tiếp diễn, song mảng xanh của Bình Hưng vẫn được giữ lại và phát triển tăng thêm? Cư dân sẽ ngày càng đông ở Bình Hưng, diện tích cây xanh ở đây sẽ vẫn ổn định?

  1. GIẢI PHÁP

Một giải pháp đáng để xem xét là đem dân cư hòa với thiên nhiên để tạo ra chất lượng sống tốt hơn. Nó xuất phát chủ yếu về việc quy hoạch dân cư tốt. Song, dưới góc độ của người thiết kế công trình kiến trúc, cần thiết đề xuất một mô hình nhà ở cụ thể và đơn giản, mà ở đó, cư dân sẽ có được chất lượng sống tốt nhất do thiên nhiên mang lại. Không dừng lại ở đó, công trình quan tâm đến vấn đề đời sống văn hóa, vấn đề tinh thần, tính kết nối cộng đồng của cả một khu vực chỉ qua một mô hình nhà cụ thể, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn của một công trình kiến trúc bền vững.

2.1. GIỮ LẠI MẢNG XANH

Các không gian cây xanh sẽ được thiết kế xen lẫn vào không gian sống. Đồng thời chú ý đến việc quy hoạch các tuyến đường và khu dân cư để tạo được không gian xanh tốt nhất nhưng vẫn tận dụng được diện tích đất. Cụ thể là, cây xanh sẽ được phát triển không chỉ theo phương ngang, mà còn theo phương đứng. Việc đó giúp đảm bảo sự tồn tại song song của cả hai yếu tố: tự nhiên cây xanh và con người.

2.2. CÁC VẤN ĐỀ VỀ MÔI TRƯỜNG.

Theo một thống kê được công bố vào đầu năm 2017 của Global Footprint Network – một tổ chức phi lợi nhuận uy tín vì môi trường, hoạt động trên 3 nước, gồm Hoa Kỳ, Bỉ và Thụy Sĩ, cho thấy, từ đầu những năm 1970, tự nhiên của Việt Nam đã không đủ khả năng tái tạo (Biocapacity) để đáp ứng các nhu cầu sử dụng của con người (Ecological Footprint) và ngày càng trở nên tệ hơn. Vấn đề đang đối mặt là dân số càng tăng cao đồng nghĩa với việc khả năng tái tạo của môi trường tự nhiên ngày càng thấp nếu chúng ta không chú trọng đến việc cải tạo và sử dụng hợp lý nó.

Hiểu được vấn đề đó, việc tìm kiếm giải pháp để ứng dụng vào ngôi nhà ước mơ của mình là cực kỳ khó khăn. Một giải pháp kiến trúc truyền thống của người Việt vốn đã được áp dụng rất lâu trước đây lại hiệu quả và tốt hơn hẳn, đó là áp dụng kiểu nhà sàn truyền thống. Ngoài vấn đề giải quyết tốt các yêu cầu thông gió tự nhiên, chống thấm và chống ẩm thông thường, giải pháp nhà sàn tích cực hạn chế tác động xấu của con người lên thiên nhiên mà họ đang sinh sống. Bê tông hóa nền đất sẽ được hạn chế tối đa, tạo điều kiện tốt để nước mưa tự thấm xuống nền đất tự nhiên, góp phần chống ngập lụt, giữ gìn môi trường và các sinh vật sống dưới đất, tạo điều kiện tốt để thực vật phát triển, tăng khả năng liên kết sinh thái, tăng khả năng khai thác các nguồn nước ngầm, giảm nhiệt độ bề mặt… Lợi ích từ giải pháp này mang lại là rất nhiều trong khi chi phí cho giải pháp lại khá phù hợp. Bên cạnh đó, giải pháp nhà sàn mang đậm đặc điểm kiến trúc truyền thống của người dân Việt Nam bấy lâu, góp phần bảo vệ nét văn hóa bản địa của người Việt.

2.3. KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG

Tính cộng đồng là quan trọng đối với một nhóm cư dân mới. Nó giúp cải thiện đời sống tinh thần và tăng chất lượng sống. Việc tạo lập nên một mô đun cộng đồng dân cư mà ở đó vấn đề giao tiếp được chú trọng là rất cấp thiết. Cụ thể là, giao thông mỗi cụm dân cư sẽ được chia thành “giao thông bên ngoài” và “giao thông nội bộ”. Giao thông bên ngoài là lối di chuyển của xe cơ giới, còn lại giao thông nội bộ sẽ được chú trọng để kích thích cư dân tụ tập, giao tiếp với nhau và tăng khả năng vận động, giúp duy trì và bảo vệ sức khỏe, thể chất của cư dân đô thị. Một công viên nhỏ ở mỗi cụm dân cư đã được đề xuất. Hãy tưởng tượng, công viên gần nhà sẽ là nơi tuyệt vời để tụ tập hội họp, để thư giãn, để trẻ con chơi đùa, để là một lá phổi nhỏ cải thiện chất lượng không khí… Một cộng đồng liên kết chặt chẽ với nhau sẽ tăng giá trị đời sống tinh thần, giảm tệ nạn xã hội và mang tính nhân văn hơn.

Thêm vào đó, chúng tôi chú trọng tối đa đến việc giao tiếp và kết nối không chỉ ở trong một khu nhà, một cụm dân cư lớn, mà còn ở trong mỗi một ngôi nhà cụ thể. Hơn nữa, giao tiếp giữa con người với thiên nhiên cũng được duy trì và thể hiện ở các không gian bên trong và bên ngoài từng ngôi nhà. Cách tổ chức và bố trí phòng ốc, sân vườn cho phép các ngôi nhà có thể liên kết và giao tiếp với các ngôi nhà kề cạnh nhưng vẫn giữ được tính riêng tư cần thiết. Điều đó có nghĩa là chúng tôi tạo ra các không gian, và mỗi người sử dụng sẽ tạo ra các giá trị đời sống và tinh thần khác nhau cho không gian đó, tất nhiên là thông qua giao tiếp.

2.4. GÌN GIỮ LỐI SỐNG VĂN HÓA

Trong văn hóa phương Tây, cuộc sống được quan niệm là một đường thẳng, song đối với hầu hết các nước phương Đông, cuộc sống là một vòng tuần hoàn, các thể hệ này tiếp nối thế hệ khác để thay nhau tiếp tục sống và duy trì nòi giống. Từ đó, tính gắn kết giữa các thành viên trong gia đình được đề cao trong văn hóa phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Do vậy, mô hình gia đình hạt nhân là chưa đủ, việc thiết kế không gian sống với mô hình gia đình truyền thống (nhiều thế hệ) được tin tưởng sẽ gắn kết gia đình tốt hơn, tạo ra các giá trị tinh thần mang tính văn hóa và tính dân tộc hơn, cũng như phù hợp với thực tế của gia đình Việt Nam hiện nay.

Các giải pháp kiến trúc mặt bằng truyền thống được tin tưởng sẽ tạo được vi khí hậu tốt nhất cho các ngôi nhà Việt. Việc cố gắng tổ chức mặt bằng có nét tương đồng với các ngôi nhà truyền thống Nam Bộ với hy vọng giữ lại được các giải pháp tối ưu cho vi khí hậu nhà vốn được đúc kết và hoàn thiện cách đây rất lâu. Cụ thể là, việc bố trí cửa mở hướng Nam, bố trí hồ nước trước nhà, cây xanh lọc không khí, tạo các dòng đối lưu thông thoáng, phòng ốc và hướng mở của cửa sổ đón gió và tránh nắng… Tuy nhiên, cách tổ chức không gian này sẽ được cách tân và thay đổi theo phương đứng để phù hợp với điều kiện kinh tế hiện tại thay thì dàn trải trên một diện tích đất rộng lớn như các nhà truyền thống thông thường.

Nhìn chung, các giá trị kiến trúc truyền thống sẽ được ngôi nhà mơ ước giữ lại để tạo được điều kiện sinh hoạt và vi khí hậu tốt, đồng thời tái hiện một phần kiến trúc truyền thống Việt Nam vốn đang dần mất đi trong khung cảnh hiện đại ngày nay.

2.5. KIẾN TRÚC BỀN VỮNG

2.5.1. Tính kinh tế

Hướng đến việc giảm thiểu tối đa chi phí vận hành của công trình là vấn đề được nói đến. Tức là, công trình trong quá trình hoạt động sẽ tự tạo ra nguyên liệu để duy trì khả năng vậnh hành. Điều đó không những tốt về mặt kinh tế, mà vấn đề môi trường cũng được bảo đảm.

Một hệ thống trồng rau tích hợp nuôi cá sẽ cắt giảm phần nào chi phí ăn uống. Chất thải từ cá sẽ cùng với nước qua một hệ thống để bơm lên thành chất dinh dưỡng tưới tiêu cho rau, mà từ đó nước sẽ được đất và thực vật làm sạch để trả lại hồ cá. Một chu trình khép kín giúp tiết kiệm chi phí nuôi trồng và không sử dụng chất kích thích tăng trưởng, song vẫn đạt được năng suất tốt. Cá và rau sẽ được thu hoạch để sử dụng, cung cấp nguồn thức ăn khép kín cho hộ gia đình. Không dừng lại ở đó, hệ thống này đồng thời tạo nên cảnh quan hài hòa cho ngôi nhà và đảm bảo điều kiện vi khí hậu tốt. Như vậy, không gian trong nhà sẽ sinh động và hấp dẫn hơn trong khi không khí lại tốt và đảm bảo hơn.

Ứng dụng công nghệ hiện đại với mái nhà lợp ngói năng lượng mặt Trời của Tesla sẽ được áp dụng vào công trình. Mái nhà này sẽ có khả năng cách nhiệt, tạo hình khối, che chắn cho công trình và thu thoát nước mưa tốt. Đồng thời, việc tích hợp thu năng lượng mặt trời để sử dụng là những gì mái ngói Tesla có thể đem lại. Điều đáng lưu tâm là, tuổi thọ sử dụng của ngói Tesla là vĩnh viễn và được bảo đảm tương đương với tuổi thọ của công trình. Với ứng dụng công nghệ ngói tích hợp 2 trong 1 mới, ngói Tesla có khả năng thu lấy năng lượng là tốt hơn so với pin năng lượng mặt trời thông thường. Điện năng sẽ được tạo ra nhiều hơn, phí chi trả cho điện sẽ được giảm đáng kể.

Việc giảm đáng kể bê tông hóa bề mặt nền đất cho phép nước mưa thấm tự nhiên và trực tiếp xuống mặt đất mà ở đó, mỗi cụm dân cư sẽ được bố trí một bể chứa nước mưa tập trung để thu lấy nước mưa. Tiếp theo, nước mưa sẽ được chuyển đến khu xử lý tập trung lớn của toàn khu dân cư để lọc và bơm ngược trở lại, sử dụng cho các ngôi nhà. Một phần nước thải sẽ được chuyển đến hệ thống xử lý nước thành phố, phần còn lại sẽ tiếp tục được thấm xuống đất để thu và lọc tái sử dụng một lần nữa. Do đó, phí chi trả cho nước sinh hoạt sẽ giảm đáng kể, đồng thời góp phần bảo vệ và sử dụng tốt nguồn nước vốn đang khan hiếm dần.

2.5.2. Tính xã hội

Một mô hình gia đình truyền thống 3 thế hệ được đề xuất cho thấy công trình có sự phù hợp đối với mọi lứa tuổi.

Tính gắn kết cộng đồng được đề cao trong thiết kế thông qua việc tổ chức các không gian sinh hoạt chung và riêng sao cho thuận tiện nhất để có thể tăng khả năng giao tiếp đối với các cư dân trong cụm dân cư.

Bên cạnh đó, hình khối và các giải pháp kiến trúc sử dụng các chất liệu mang đậm tính truyền thống (nhà sàn, mái ngói, sân vườn, ao cá, bố trí cây xanh và hướng nhà, hướng mở cửa sổ…) giúp đem giá trị tinh thần bản địa vào một công trình hiện đại, mà nhờ đó lưu giữ được nét riêng của kiến trúc Việt Nam.

2.5.3. Tính môi trường

Các giải pháp vì môi trường tiếp tục được đề xuất để đảm bảo, giữ gìn và phát triển tự nhiên vốn có: hạn chế bê tông hóa, chống ngập lụt, trồng cây xanh, tích trữ nước mưa tái sử dụng, ứng dụng công nghệ mới thu năng lượng mặt trời…

Nỗ lực giữ lại mảng xanh của Bình Hưng được đảm bảo nếu mô hình nhà này được tiếp tục nhân rộng. Tính toán sơ bộ cho thấy, tổng diện tích cây xanh trong công trình là nhiều hơn so với diện tích của khu đất. Điều đó có nghĩa là, việc đô thị hóa, đem cư dân đến sinh sống ở Bình Hưng trong tương lai sẽ không còn là sự đe dọa cho mảng xanh của Bình Hưng, mà ngược lại giúp phát triển và tăng cường thêm không gian xanh cho đô thị nếu mô hình nhà ở này tiếp tục được nhân rộng. Điều đáng nói là mảng xanh sẽ tiếp tục tăng trong khi cư dân tiếp tục tập trung sinh sống. Sự hiện diện của con người nay không còn là sự đe dọa tự nhiên mà ngược lại là sự hài hòa với tự nhiên và phát triển nó một cách tích cực. Đó chính là mơ ước của chúng tôi về một ngôi nhà thực sự cho tương lai!

  1. LỜI KẾT

Mơ ước đến tận cùng là được tận mắt nhìn thấy hình ảnh của một Trái Đất cách đây 6 triệu năm trước, khoảng thời gian mà sự tồn tại và tác động của loài người đến tự nhiên gần như bằng không, với hy vọng Trái Đất sẽ có thể quay lại với đúng thời kỳ hoàng kim của nó. Đó có thể xem là một suy nghĩ viễn vông, song chẳng ai đánh thuế ước mơ cả. Và, ước mơ sẽ không thành hiện thực nếu chỉ mơ ước mà không hành động. Dưới góc độ của người thiết kế, trách nhiệm cấp bách là cần phải làm gì cụ thể sao cho sự tồn tại của loài người là vô hình, để tự nhiên có thể tiếp tục lại là chính nó.

Đó là mơ ước và thông điệp mà chúng tôi gửi gắm vào thiết kế của mình – xóa nhòa ranh giới giữa tự nhiên và con người, đem cả 2 đối tượng vốn tưởng chừng là đối lập này đặt trong mối quan hệ hòa hợp, cùng nhau phát triển.

Mã số BC057- Tác giả: Vũ Nguyễn Ngọc Trâm; Nguyễn Phú Lâm Ngân; Trần Thanh Toàn – ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh