LỊCH SỬ
Phố dài 1250m, từ năm 1945 mang tên anh hùng Phùng Hưng (761-802, di tích lăng mộ ngày nay vẫn còn ở đầu phố Giảng Võ). Đoạn phố thẳng chính là dấu vết của bức tường gạch vồ và con hào phòng thủ ở phía đông thành Hà Nội cũ. Đoạn trên có 2 nhánh rẽ từ đầu các phố Phan Đình Phùng và Hàng Lược kéo đến cầu sắt chỗ phố Lê Văn Linh bây giờ. Khu ngoài con hào vốn thuộc địa phận thôn Tân Khai được lập trên khoảng đất thừa ra vào đầu thế kỷ 19 khi triều Nguyễn thu hẹp thành Thăng Long xưa để xây một tòa thành nhỏ hơn theo kiểu Vauban.
Thực dân Pháp sang chiếm Hà Nội rồi cho lấp hào và phá tường để lấy vật liệu xây dựng vào năm 1896-1897. Trên nền đó lại xây đường dốc cho xe lửa lên cầu Long Biên và một phố dài, đặt tên là Boulvard Henri d’Orléans, tức Phùng Hưng sau này. Trong thực tế hàng chục năm tiếp theo phố vẫn chưa được hoàn chỉnh. Cho đến khoảng giữa thập niên 1920, nhà cửa mới mọc lên chủ yếu ở những đoạn ngắn tại hai đầu phố.
Phố Phùng Hưng đã chứng kiến những đổi thay của Hà nội gần 150 năm ( 1880-2017). Từ bãi đất trống bên con hào nước ngoài thành Hà Nội trở thành con phố có nhiều ngôi nhà đẹp cho các thương gia Hoa Kiều và Ấn Độ thuê làm nhà ở và đại lý hàng hóa .
Là khu phố ở ranh giới khu thị dân truyền thống với khu quân sự , phố Phùng Hưng chứng kiến những xáo trộn của lịch sử chiến tranh và hòa bình. Đã từng là con đường sắt quan trọng với cả nền kinh tế thời bình lẫn đường tiếp vận trong chiến tranh và cũng hưu hắt khi vận tải đường sắt cạnh tranh bất lợi với đường bộ . Có lúc là Phố, có lúc lại là Chợ . Ngày hôm nay con phố này lại đứng trước những vận hội mới.
- DUY TRÌ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ KHÔNG GIAN KIẾN TRÚC TUYẾN PHỐ PHÙNG HƯNG
Kiến trúc thuộc địa Pháp là một di sản kiến trúc đặc biệt của Hà Nội. Nghiên cứu xem xét vấn đề bảo tồn di sản ở khía cạnh phát triển bền vững. Đây là một phương pháp tiếp cận tổng hòa từ nhiều góc độ văn hóa – xã hội – kinh tế. Từ đó đề xuất các giải pháp bảo tồn bền vững áp dụng cho các mức độ khác nhau trong cấu trúc đô thị của di sản ô phố – tuyến phố – công trình.
- CÁC VẤN ĐỀ VỀ BẢO TỒN BỀN VỮNG
Trên cơ sở khái niệm bền vững tổng quát, dựa trên những đặc điểm của kiến trúc thuộc địa Pháp ở Hà Nội, nghiên cứu đề xuất quan điểm về bảo tồn bền vững di sản kiến trúc thuộc địa Pháp với các nội dung sau:
– Bảo tồn bền vững dưới góc độ văn hóa xã hội
Các công trình di sản hiện hữu trong một xã hội đương đại tạo ra sự cân bằng và hài hòa với thời đại. Công trình di sản không bị loại bỏ nhưng cũng không bị cô lập, bảo tàng hóa. Sự hiện hữu của di sản tồn tại ngay trong đời sống của đô thị, hòa nhập với không gian văn hóa xã hội của cộng đồng. Nó trở thành như một bộ phận hữu cơ của không gian đời sống và tạo điều kiện để các tầng lớp xã hội tiếp cận và sử dụng, qua đó có thể cảm nhận các giá trị mà di sản mang tới cho đô thị. Bên cạnh đó, các công trình kiến trúc chính là vật chứng lịch sử cho sự giao thoa văn hóa Việt – Pháp, văn hóa Đông – Tây. Việc bảo tồn các công trình kiến trúc thuộc địa Pháp tại Hà Nội chính là bảo tồn sự đa dạng của văn hóa và ghi nhận sự phát triển mối giao thoa văn hóa nêu trên.
– Bảo tồn bền vững dưới góc độ kinh tế (bảo tồn kết hợp khai thác giá trị)
Bảo tồn và khai thác giá trị là hai mặt quan trọng có tác động hỗ trợ lẫn nhau. Bảo tồn di sản kiến trúc thuộc địa Pháp trong quá trình phát triển kinh tế của Hà Nội được xem là bền vững, khi nó không tạo rào cản cho sự phát triển kinh tế mà còn giúp kinh tế phát triển. Công trình di sản cần được bảo tồn nhưng không phải bị bảo tàng hóa. Nó có thể cộng sinh với kiến trúc hiện đại để phát huy giá trị dưới góc độ kinh tế xã hội. Về mặt kinh tế, cần phải có một chiến lược khai thác hợp lý và lâu dài các giá trị của khối tài sản này. Một trong số những cách làm hiệu quả đó là việc thông qua du lịch. Bản thân mỗi công trình kiến trúc thời Pháp thuộc mang trong mình một giá trị lịch sử văn hóa nhất định. Kiến trúc thuộc địa Pháp ở Hà Nội, đầu thể kỉ 20 vốn được ca tụng với những thành phố đẹp nhất vùng Viễn Đông. Các công trình từ kiến trúc biệt thự, dinh thự, hay khu phố Pháp đều có thể trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn.
– Bảo tồn bền vững dưới góc độ môi trường
Khái niệm về môi trường trong công tác bảo tồn bao gồm môi trường thiên nhiên và môi trường sinh thái thị giác (Videoecology). Đối với Môi trường thiên nhiên, công trình di sản cần phải được bảo tồn tránh các tác động có hại của môi trường thiên nhiên, như gió bão, nắng nóng, độ ẩm… Ở một góc độ khác, cần phải sử dụng thiên nhiên và làm giàu môi trường thiên nhiên để bảo tồn di sản. Như vậy, việc duy trì và phát triển môi trường vi khí hậu và cảnh quan khu vực di sản (cây xanh, mặt nước) là hết sức quan trọng. Khái niệm môi trường thị giác, công trình di sản cần phải được bảo tồn tránh các tác động có hại của môi trường thị giác. Đây là những nghiên cứu hết sức quan trọng để bảo tồn cả môi trường văn hóa đô thị, đặc biệt đối với các đô thị có giá trị văn hóa lịch sử như Hà Nội. Cần bảo tồn và khai thác các điểm nhìn, hướng nhìn, trường nhìn, góc nhìn có lợi nhất cho di sản trong ngữ cảnh khu vực, tuyến phố gắn liền với công trình di sản. Có thể kết hợp bảo tồn di sản tránh tác động có hại của thiên nhiên mà vẫn bảo tồn môi trường thị giác.
CẢNH QUAN ĐÔ THỊ
Đừng để ký ức “nghỉ hưu”!…Tiền bạc có thể tạo ra mọi thứ, nhưng không thể rút ngắn khoảng thời gian 50 hay 100 năm. Bởi thế, mang theo một phần lịch sử và ký ức của đô thị, nhiều công trình tưởng như đã lỗi thời nhưng lại cần một cách ứng xử khéo léo và khoa học.
Bất cứ không gian nào được quy hoạch cho văn hóa đều đáng quý. Và càng đáng quý hơn, khi không gian này vốn là một kiến trúc thú vị kèm theo một câu chuyện lịch sử thú vị. Kiến trúc thú vị, nằm ở kết cấu bằng đá hộc nhuốm mầu thời gian của vòm cầu. Còn câu chuyện thú vị, bởi không gian này từng là nơi cư ngụ của biết bao phận người: những bác xe kéo, những người bán hàng rong thời Pháp thuộc, những gia đình ở khu Phúc Xá, An Dương phải tá túc ở phố cổ trong mùa lụt, những bà con nông dân di cư tới Hà Nội trong giai đoạn sau 1975…
Trục phố này nằm giữa Hà Nội. Đặc biệt, khoảng 500 mét cuối cùng thuộc phố Gầm Cầu lại nằm trong khu phố cổ, rất gần những địa điểm như vườn hoa Hàng Đậu, chợ Đồng Xuân, ga Long Biên – Việc tổ chức tuyến phố đi bộ, tạo kết nối tốt với không gian và trục phố chung quanh, chúng ta sẽ có thêm một điểm nhấn nối liền quá khứ và hiện tại của thành phố. Việc khoác “áo mới” cho các kiến trúc cũ của đô thị. Tất cả cần phải được cân nhắc, tính toán dựa trên những đặc thù về vị trí, kiến trúc và giá trị cảnh quan, lịch sử của công trình. Những yếu tố đó sẽ quyết định diện mạo và công năng của công trình mới, chứ không thể áp đặt một cách chủ quan.
LỐI SỐNG
Ý tưởng cho việc trả lại cảnh quan như vốn có cho vòm cầu cạn đường sắt trên phố Phùng Hưng có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Bởi lẽ, cùng với quần thể phố cổ, sông Hồng, Nhà hát Lớn Hà Nội thì cầu Long Biên từ lâu đã là một phần không thể tách rời Hà Nội, cũng như cầu cạn với thiết kế mái vòm là một phần không thể tách rời với cầu Long Biên. Nó là một trong những hạng mục cấu thành của cây “cầu rồng”. Và đặc biệt, giao thông đường sắt lâu nay mang nhiều ký ức và đời sống đô thị”.
Vốn được biết đến như một trục giao thông quan trọng giữa khu vực phố cổ dẫn lên cầu Long Biên và các khu vực khác của Hà Nội, đường Phùng Hưng ( khu vực thôn Tân Khai cũ) là một nhân chứng lịch sử của Thủ đô. Bên cạnh đó, con đường này là ranh giới vật lý giữa khu phố cổ được bảo tồn với xung quanh. Đã từng có một đường Phùng Hưng như vậy, sôi nổi, kiêu hãnh và đóng góp tích cực trong cuộc sống đô thị. Qua nhiều năm chưa được quan tâm, vỉa hè rộng dưới chân bức tường đá trở thành nơi bán hàng tự phát, bãi để đô tô và tập kết vật liệu xây dựng …nên cảnh quan xuống cấp và mất vệ sinh.
PHƯƠNG ÁN ĐỀ XUẤT
- HIỆN TRẠNG
- Có lượng khách du lịch lớn đến tham quan, vị trí kết nối với nhiều tuyến phố nhưng chưa khai -thác được yếu tố du lịch
- Có lượng lớn dân cư sinh sống nhưng giao thông bất tiện nguy hiểm
- Ở đô thị nhưng lại là nơi tệ nạn phát sinh
- Là khu vực giáp tuyến đường tàu gồm dãy nhà tạm một tầng
- Dân cư là những người ở ngoại tỉnh thu nhập thấp và những người sống tạm bợ
- Lối tiếp cận:
+ Từ đường Phùng Hưng lên cầu thang băng qua đường sắt. Hiện trạng cả tuyến phố có 3 lối tiếp cận, trong đó có một lối tự phát do dân khai thác.
+ Từ đường Trần Phú đi men theo tuyến đường sắt
- Có nhiều mối nguy hiểm rình rập từ việc mất an toàn giao thông.
- Thiếu không gian cộng đồng, không gian xanh
- TƯƠNG LAI
Gia tăng dân số dẫn đến thiếu chỗ ở, gia tăng tệ nạn nên cần phải tạo dựng không gian giải quyết vấn đề ô nhiễm, dân số…
Trong tầm nhìn dài hạn và chiến lược của thành phố sẽ dời ga Hà Nội ra ngoại thành cùng với đề án Tái kiến trúc phố Gầm Cầu thành không gian văn hóa cộng đồng với việc đục thông, cải tạo 127 vòm cầu nằm ở chân đế bờ trụ bê tông đỡ ray đường sắt cho tàu di chuyển từ Ga Hà Nội – Ga Đầu Cầu (Ga Long Biên) được xây dựng từ thời Pháp.
Từ những KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC và trên quan điểm bảo tồn những di sản kết hợp các phương pháp kiến trúc có chọn lọc để xây dựng khu tổ hợp không gian sống, không gian cộng đồng và các không gian thương mại, dịch vụ kết hợp yếu tố văn hóa.
Trên ý tưởng đó đưa ra giải pháp:
- Giải quyết vấn đề dân sinh ven đường tàu, vấn đề vi phạm an toàn giao thông hiện nay và vấn đề gia tăng dân số tương lai. Nhưng vẫn dựa trên lối sống sinh hoạt của những hộ dân ven đường tàu hiện nay, đây đã trờ thành một nét văn hóa tại tuyến phố Phùng Hưng này.
- Tạo không gian cộng đồng kết hợp yếu tố văn hóa, du lịch, thương mại, dịch vụ, kết nối nhiều tuyến giao thông tạo thành điểm nhấn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Ý tưởng đưa ra là cải tạo toàn bộ không gian tầng 1 thành tuyến phố đi bộ cũng như không gian văn hóa cộng đồng, bên cạch đó kết hợp buôn bán các gian hàng truyền thống. Đưa toàn bộ dân lên sinh sống ở khu vực tầng 2 trở lên. Ngoài ra, con đường này là ranh giới vật lý giữa khu phố cổ được bảo tồn với không gian lịch sử bên kia như Hoàng Thành Thăng Long… vì vậy tiềm năng phát triển du lịch là rất lớn và với hiện trạng tuyền đường Lý Nam Đế gồm nhiều khu tập thể cũ với những con ngõ nhỏ bị tách rời và trở thành ngõ cụt. Trước khó khăn đó nhóm đưa ra giải pháp tạo tuyến phố nối liền phố Lý Nam Đế và Phùng Hưng tạo sự lưu thông và thu hút được nhiều khách du lịch hơn (sẽ trình bày vị trí chi tiết ở nội dung bản vẽ).
Rất nhiều giải pháp kiến trúc đã được đưa ra và tranh luận, cuối cùng nhóm đã quyết định giải pháp tối ưu nhất để tạo nhiều không gian thú vị
Mã số BC094 – Tác giả: Hoàng Lâm; Hà Quảng Đức – ĐH Kiến trúc Hà Nội