Phi Long Technology building là một công trình thương mại phức hợp đa chức năng với quy mô không dưới 10.000 m2 sàn. Bao gồm khối thương mại dịch vụ công nghệ – trung tâm mua sắm thiết bị điện tử, khối văn phòng làm việc & cho thuê, khối penthouse – nơi ứng dụng và trưng bày các công nghệ Smarthome (các ứng dụng thông minh cho nhà ở), khối hội trường 320 chỗ và khối dịch vụ GYM. Công trình tham dự Giải thưởng kiến trúc quốc gia 2018, hạng mục kiến trúc công cộng.
VỊ TRÍ & QUY MÔ
Tên công trình : Công trình thương mại phức hợp đa chức năng
PHI LONG TECHNOLOGY BUILDING
Địa điểm : 6,8,10 Nguyễn Văn Linh, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, Việt Nam
Diện tích khu đất : 911m²
Diện tích xây dựng : 780m²
Tổng diện tích sàn : 10.700m²
Số tầng cao : 16 tầng nổi + 1 tầng hầm
Chiều cao công trình : 67,5m
Năm thiết kế : 2011 -2013
Năm hoàn thành : 2017
Dự án nằm trên đường Nguyễn Văn Linh, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, dọc theo trục giao thông liên tục nối liền sân bay – sông Hàn – bờ biển, một tuyến phố năng động và ngột ngạt thường thấy trong các khu đô thị mới của Việt Nam. Được xây dựng trên khu đất rộng 911m², bao gồm diện tích xây dựng chiếm 780m², quy mô 16 tầng nổi và một tầng hầm với tổng diện tích sàn gần 11.000 m². Tòa nhà được khánh thành vào tháng 1 năm 2017, đánh dấu và mở ra một giai đoạn phát triển mạnh mẽ, đột phá theo như kỳ vọng của nhà đầu tư trong một khu vực được xem là sầm uất, sôi động của thành phố.
Dưới sức ép của kinh tế, các khuôn mẫu cao tầng như một hộp kín đã và sẽ làm cho các tuyến phố thương mại trở thành những bức tường thành theo nhiều nghĩa. Sự thiếu hụt các mảng xanh và khoảng trống khiến cho cư dân thành phố cảm thấy bị bức bách. Sự xung đột về hiệu suất đầu tư và các giá trị công cộng mà một tòa nhà mang lại với tư cách là một “tế bào” của đô thị. Liệu rằng có tồn tại một hướng tiếp cận và một cấu trúc không gian có khả năng giải quyết xung đột đó? Làm thế nào để một tòa nhà có thể gây ảnh hưởng tích cực đến các “tế bào” khác của đô thị trong bối cảnh như đã trình bày?
Các mô hình nghiên cứu tỉ lệ lớn và mô hình 3D về các khối tích của các khối chương trình và những đòi hỏi về chất lượng không gian cần cung cấp cho nó giúp chúng tôi xác định khoảng trống và cảnh quanh như những nhân tố quan trọng khả dĩ tiếp cận được với những mục tiêu đề ra. Sử dụng các yếu tố này, chúng tôi tạo ra một hình thể thay đổi trên suốt chiều cao của 16 tầng nhà, điều này xóa bỏ cảm giác tuyến tính của một tòa nhà cao tầng thường thấy và như vậy khiến tòa nhà có thể “đối thoại”, gây ảnh hưởng tích cực về thị giác với các tòa nhà “tế bào” khác của đô thị. Trên cấu trúc tổng thể đó, các lõi giao thông đứng và khu vực chức năng phụ trợ được sắp đặt bao quanh mặt hướng Tây – Tây Bắc tòa nhà, tối đa hóa khả năng cách ly các không gian chức năng bên trong với sức nóng từ bức xạ mặt trời.
Sự lùi vào của các tầng theo chiều cao như tính toán đã tạo ra một hệ “ban công xanh” liên tục trên toàn bộ khối nhà. Một lớp cây xanh bao quanh phần lớn mặt tiền ở các hướng Đông, Nam,Tây Nam, tạo ra một “khu rừng” đứng riêng biệt tựa vào lớp “màn” song bằng bê tông để trần, có tác dụng điều tiết một cách tự nhiên nhất lượng ánh sáng mặt trời phía Đông, giảm thiểu sự ô nhiễm bức xạ nhiệt và tiếng ồn của đô thị. Và dĩ nhiên đó là một cảnh quan lý tưởng nhất có thể phục vụ cho một môi trường làm việc, sinh hoạt và dịch vụ trên cao.
Không gian, cảnh quan cùng với hình thể chồng chất lên nhau làm tối đa hóa độ rộng của công trình khiến cho con người hoạt động bên trong tòa nhà mất đi cảm giác đang ở trong một cao ốc đồng thời tạo ra những cơ hội tương tác hữu cơ với môi trường bên ngoài một cách tự nhiên nhất. Sau cùng, cảnh quan không gian và hình thể “nhượng bộ” của tòa nhà sẽ như một tấm gương về việc chia xẻ không gian và khoảng trống thân thiện giữa các “tế bào” của đô thị với nhau.
Bích Thủy – tckt.vn
© Tạp chí Kiến trúc