Nhật ký Festival 10 của một chú “Kiến” TP HCM

“Rồi đi xa thấy nhớ, nhớ cao nguyên đợi chờ
Mây lang thang đại ngàn, con thú về đi hoang”

SV Nguyễn Thuận Thành (ngoài cùng bên trái) cùng đồng đội nhận Giải Nhất phần thi Cảm xúc của Kiến
SV Nguyễn Thuận Thành (ngoài cùng bên trái) cùng đồng đội nhận Giải Nhất phần thi Cảm xúc của Kiến

16/4/2016: 8 tiếng đồng hồ trôi vèo qua với những lời ca, tiếng hát, tinh thần hăng hái trẻ trung. Trời về chiều, đến những tia nắng cũng trở nên dịu dàng hơn giữa xứ sở ngàn thông – Đà Lạt chào đón những người anh em phương xa bằng sự dễ chịu từ không khí lẫn tình người. Sân trường Yersin nhộn nhịp hẳn khi mấy anh em kiến trúc cả nước dựng gian triển lãm của trường mình. Tiếng nói cười hòa cùng lục đục cuốc xẻng, đinh ốc thay cho lời chào sẵn sàng đến Festival X.

IMG_0929
Những ngày thi sau thật sự vất vả. Nhiều hạng mục phải hoàn thiện, ôn luyện và tranh tài, buộc mọi người phải chung sức vào thực hiện. Có những bữa trưa qua loa gấp gáp để kịp giờ thi. Có những bữa tối thiếu người này người kia, cực hơn xíu nhưng ai cũng cười. Khi hộp cơm vừa nguội cũng là lúc gian triển lãm vừa hoàn thành, ngồi bên những bậc thang của trường Yersin, cả đội vừa dùng cơm vừa xem văn nghệ. Sau này, không biết có thứ vật chất nào có thể đánh đổi để có thể sống lại giây phút đó không?! Đến với Fes X, với tư cách đại diện cho một trường có bề dày lịch sử lớn nhất ở khu vực phía Nam, nhưng mục tiêu của cả đội không phải là hơn thua, mà là cháy hết mình, quan trọng nhất là “chơi phải đẹp” – như lời dặn dò của cô Hoàn trưởng đoàn.
Thời gian này thật may mắn khi cả đội có được những bạn tình nguyện viên vô cùng nhiệt tình từ trường chủ nhà Yersin cũng như các bạn của trường Kiến trúc TP HCM ở cơ sở Đà Lạt. Không biết nói gì hơn, không thể kể hết trong vài trang giấy, chỉ biết cảm ơn các bạn rất nhiều, đặt biệt cảm ơn sự sắp xếp của trường chủ nhà.

13002454_1020788914653072_740491430150119298_o

IMG_0881

19/4/2016: Khi người ta tiếc nuối, thời gian như càng trôi nhanh. Gần 600 con người từ 22 trường đào tạo kiến trúc tề tựu lại gặp nhau lần cuối. “Không ai có thể tắm 2 lần trên 1 dòng sông” – Cho dù đến những mùa Festival sau, chắc chắn tôi cũng không thể có được đúng cảm xúc này nữa. Đó là cô bé tình nguyện viên dễ thương làm “lao đao” anh đội trưởng, là cô bạn Hà Nội dễ mến tình cờ quen trong đêm chấm điểm văn nghệ, là cô bạn miền Tây bị đau chân trong buối đạp xe diễu hành đứng hài hước đòi quá giang hết xe này đến xe khác, là đội thiết kế nhanh của tôi – những “người dưng” bỗng trở thành người nhà của nhau lúc nào không biết, mà cầm tay nhau đầy yêu thương lên bục nhận giải, đứa cười, đứa khóc, như biết rằng lần gặp gỡ cuối cùng cũng sẽ chia ly…
Tối đó, Đà Lạt lạnh hơn nhiều lắm, làm người ta muốn nhích lại gần nhau hơn. Bên ly rượu ấm, bạn và tôi hát cho nhau nghe. Bên tai, người ta nghe thời gian đang nhỏ giọt. Bên tai, người ta nghe tiếng sương quện vào nhau tí tách thành giọt trên mắt em. Bên tai, người ta nghe câu “giữ kỹ nghe”, khi đứa này trao cho đứa kia món quà kỷ niệm – là áo của nhau, là dây chuyền của nhau hay có thể là bất cứ thứ gì quý nhất của người tặng. Chúng tôi thức cùng nhau tới sáng…
Này cô bạn ơi, này anh bạn à, sau này khi ta có lớn lên, nếu một ngày không còn chuyện cổ tích để kể cho con ta, hãy nhớ đến câu chuyện của chúng mình đã viết cùng nhau nhé. Không phải về một cô Lọ Lem luôn chờ điều may mắn đến tìm, không phải về nàng Bạch Tuyết cứ thấy đồ ăn miễn phí là ăn để rồi đột ngột ngất xỉu… mà là câu chuyện về một chuyến đi của gần 600 anh chị em chân thành.

IMG_1208

Một lần nữa, cảm ơn các bạn rất nhiều!

Cảm ơn trường chủ nhà rất nhiều!

Cảm ơn bản thân đã cho mình một cơ hội để quen biết mọi người!

“Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại, 

Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,

Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời,

Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi

Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt…”

Nguyễn Thuận Thành
SV ĐH Kiến trúc TP HCM

( Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04/2016 )