Sáng tạo trong giảng dạy đồ án kiến trúc, sinh viên nhận được gì?

Từ ngày 16 đến 22/10/2017 vừa qua, tại Nhà sáng tác văn học nghệ thuật Vũng Tàu, Câu lạc bộ (CLB) các trường đào tạo Kiến trúc sư (KTS) tổ chức khóa tập huấn “Sáng tạo trong giảng dạy đồ án kiến trúc” dưới sự bảo trợ của Hội KTS Việt Nam. Tham gia khóa học có 26 giảng viên (GV) trẻ đến từ 14 trường đại học có đào tạo KTS dưới sự hướng dẫn của 10 chuyên gia trong và ngoài nước. Đây là lần đầu tiên một khóa tập huấn như vậy được tổ chức người học và người dạy đều là những GV và đều đọng lại rất nhiều cảm xúc sau một tuần giao lưu, chia sẻ những trăn trở trong nghề nghiệp giảng dạy.

Buổi trao đổi giữa các giảng viên trẻ luôn thẳng thắn, cởi mở

Đồ án kiến trúc – Môn học đặc thù của một ngành đào tạo đặc thù

Dạy học vốn là một nghề đặc thù trong xã hội. Một cách “hiện đại” và thực tế hơn, trong nền kinh tế thị trường, nghề dạy học càng trở nên đặc thù – Vì sản phẩm của nghề này, những người học, đồng thời cũng là khách hàng. Người học được “định hình” theo mong muốn của người dạy, là tấm gương phản chiếu cách dạy, cách “sản xuất”, trở thành nguồn “hàng hóa” – nguồn “vốn” (bên cạnh những nguồn lực khác như vật chất, tài chính, vốn xã hội và vốn tự nhiên). Con người đại diện cho các kỹ năng, trí thức, khả năng làm việc và sức khỏe tốt. Những yếu tố này được tích lũy trong quá trình theo học tại các cơ sở đào tạo, nơi “sản xuất”, thông qua những người “sản xuất” – người dạy học. Tuy nhiên, khác với các nguồn lực khác của xã hội, nguồn vốn con người không phải là yếu tố “vô tri vô giác” – Trong và sau khi được đào tạo, con người luôn có những thay đổi về tâm tư, cảm xúc, tình cảm với chương trình đào tạo cũng như với người truyền đạt kiến trúc. Nói cách khác, con người có thể thay đổi cách thức “sản xuất” ra mình ngay trong quá trình đào tạo thay vì chấp nhận phụ thuộc hoàn toàn vào chất lượng từ phía GV như các nguồn vốn khác. Chính đặc điểm này tạo nên tính chất “khách hàng” của người học. Họ có thể phản hồi, đóng góp ý kiến để nâng cao chất lượng dạy – học. Mặt khác, sau khi nguồn vốn con người này được xã hội sử dụng, chính sự phát triển nghề nghiệp giúp họ nhìn nhận lại những gì mình có, cũng như khả năng thích ứng với nhu cầu xã hội. Để từ đó, một mặt, họ có những nhận xét về cơ sở đào tạo – nơi “sản xuất”, mặt khác có thể đưa ra những quyết định có nên tham gia tiếp những đào tạo khác hay đào tạo nâng cao hay không.

Chính vì vậy, người dạy học gần như phải “chia đôi” Thứ nhất, con người tự chủ trong việc tạo ra các “sản phẩm” của mình cho xã hội, thông qua những cải tiến, nâng cao trình độ “sản xuất” không ngừng của mình; thứ hai, con người “bị động” và chịu áp lực thông qua những đánh giá, phản hồi từ chính người học – “sản phẩm”, cũng như từ những người sử dụng “sản phẩm” của họ. Nếu hiểu theo cách này thì có vẻ trong nghề dạy học, giảng dạy ở bậc đại học chịu “áp lực” nhất, “sản phẩm” có thể trực tiếp tham gia ngay vào thị trường lao động, đồng thời khả năng phản hồi của “sản phẩm” ở cấp độ này cao hơn các bậc đào tạo khác, bởi vì họ là những con người đã trưởng thành, phát triển tâm, sinh lý đầy đủ và ý thức được những gì mà nhà “sản xuất” mang đến cho họ. Bậc đại học cũng là nơi phản ảnh rõ nhất những thay đổi của thị trường cũng như mức độ đáp ứng nguồn vốn con người. Trong một thị trường luôn biến động và có những phát sinh khó lường, người “sản xuất” phải luôn nắm bắt và cập nhật kịp thời để điều chỉnh cách thức “sản xuất” cho phù hợp. Như vậy, để tạo ra những sản phẩm chất lượng, ngoài những cách thức sản xuất “cứng” mang tính bắt buộc của quy trình đào tạo, người dạy còn phải bổ sung liên tục những cách thức “mềm” để tăng cường khả năng thích ứng, giúp sản phẩm của mình có nhiều cơ hội hơn khi tham gia trong thị trường lao động.

Các giáo viên tham gia khóa tập huấn

Đào tạo KTS là một trong những loại hình đào tạo khác hẳn với các ngành khác ở bậc đại học, với yếu tố thực hành được đẩy lên cao. Nói cách khác, quá trình đào tạo KTS chính là quá trình truyền nghề, truyền bí quyết nghề từ những người dạy, đồng thời cũng là những KTS làm nghề – đến người học, những người sẽ trở thành KTS trong tương lai. Đôi khi sau khi được truyền nghề, người học trở thành đồng nghiệp của người dạy, họ cùng tham gia vào quá trình thiết kế thực tế. Bên cạnh những môn học lý thuyết, quá trình đào tạo KTS còn đặc thù bởi hệ thống đồ án môn học, một cách giả định thiết kế thực tế. Đây là môn học mang tính tương tác cao. Thay vì quá trình giảng – nghe một chiều thì với môn học này, người dạy không chỉ giảng lý thuyết, hướng dẫn thực hành mà còn phải đưa ra những phản biện dưới những góc độ khác nhau như chủ đầu tư công trình, chính quyền và nhà quản lý xây dựng, kiến trúc đô thị… nhằm giúp người học có được những giải pháp toàn diện. Từ đó, người học, không chỉ ngồi nghe và thực hiện yêu cầu của người dạy, mà còn phải tương tác, phản hồi, tranh luận, thuyết phục và đôi lúc thay đổi ngược lại phần nào tư tưởng của người dạy, để có thể chấp nhận phương án và sau đó là hỗ trợ, hoàn thiện đồ án.

Giảng viên kiến trúc – Những người truyền thụ kiến thức về kiến trúc

Kiến trúc là một nghề đặc biệt, đôi khi lý thuyết lại không là gì cả trước những gì thực tế đang diễn ra – Bởi vì kiến trúc, xét cho cùng, nghiêng về ngành khoa học xã hội nhân văn nhiều hơn, do con người quy ước với mục đích cuối cùng là phục vụ đời sống con người. Kiến trúc là sự kết hợp của khoa học kỹ thuật và sáng tạo nghệ thuật. Do đó, sự truyền thụ kiến thức kiến trúc phải đảm bảo tính đặc thù này: Một mặt, GV phải truyền thụ được những kiến thức kỹ thuật mang tính bắt buộc, theo những nguyên lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn mà người thiết kế phải tuân thủ; nhưng mặt khác, GV phải mang đến cho SV những kiến thức xã hội mang tính gợi mở để SV có thể tự phát triển thêm trong quá trình tìm tòi kiến thức thực tế. Thay vì là những bài giảng dài, khô cứng, mang nặng tính học thuật vốn không được ưa thích, GV hoàn toàn có thể đưa đến cho SV những từ khóa (keywords), từ đó SV tự mình tìm các kiến thức liên quan thông qua các nguồn trí thức đa dạng hiện nay.

GV kiến trúc, về bản chất là một KTS, một người thiết kế – Họ bắt buộc phải có những cá tính, cách thức thiết kế riêng của mình. Do đó, trong quá trình truyền thụ kiến thức, tất nhiên không tránh khỏi những tư tưởng chủ quan. Điều này có thể “giết chết” sự sáng tạo của SV. Vì vậy, quá trình truyền thụ kiến thức, thường được hiểu theo chiều từ GV đến SV, đôi lúc có thể diễn ra theo chiều ngược lại. Người thầy, trong trường hợp này, không phải là “yếu kém” mà là thể hiện sự tôn trọng, cầu thị, giúp SV hiểu được kiến thức là vô bờ bến và con người thì luôn học tập không ngừng, kể cả khi họ mang trọng trách đi “dạy” những người khác.

Giảng viên kiến trúc – Những người hướng dẫn kỹ năng

Với sự thay đổi của nền kinh tế hướng đến hội nhập và sự cạnh tranh, kiến thức chưa phải là yếu tố duy nhất quyết định việc thành công hay thất bại, đặc biệt là với nghề kiến trúc luôn đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, đặc biệt là khả năng sáng tạo. Các nhà tuyển dụng thường đánh giá ứng viên dựa trên 3 yếu tố: kiến thức – kỹ năng – thái độ (KSA: knowledge – skill – attitude). Do đó, trong giáo dục hiện đại, kỹ năng đang dần được xem là yếu tố quan trọng, vì xét về bản chất, nếu có kỹ năng tốt, con người hoàn toàn có thể có thu thập và tìm được kiến thức mình cần.

Nghề kiến trúc là một nghề ứng dụng và sáng tạo, kiến thức không chỉ đến từ các lý thuyết, mà còn đến từ những trải nghiệm và kinh nghiệm thực tế. Quá trình sáng tạo để tạo ra một ý tưởng, một giải pháp hợp lý không phải là sự nhắc lại kiến thức đã học, mà phải là sự chuyển hóa lý thuyết vào thực tế, thường không theo các khuôn mẫu chung, tùy thuộc vào từng bối cảnh công trình để đề xuất các giải pháp đặc thù. Theo các mục tiêu và hoàn cảnh xã hội khác nhau, các trường đại học sẽ giúp cho SV có được những kỹ năng khác nhau với những cấp độ khác nhau. Tuy nhiên, đối với đào tạo KTS, để SV sau khi ra trường có thể tham gia ngay vào thị trường lao động, ngay từ thời đi học, thông qua môn học đồ án, GV phải giúp SV hoàn thiện các kỹ năng cơ bản nhất phục vụ cho việc hành nghề như:

  1. Kỹ năng chuyên môn, nghề nghiệp: Giải quyết vấn đề và tư duy sáng tạo, khả năng phân tích một vấn đề với nhiều góc độ, nhiều khía cạnh, cũng như lên các kịch bản, phương án khác nhau, đồng thời kiểm soát rủi ro có thể xảy ra và đề xuất các hướng giải quyết hiệu quả;
  2. Kỹ năng quản trị, hành chính: Đặt mục tiêu, lên kế hoạch, tổ chức công việc hiệu quả, biết sắp xếp công việc hợp lý, chi tiết và tối ưu để đảm bảo công việc xảy ra đúng dự tính và tiết kiệm thời gian, tiền bạc;
  3. Kỹ năng xã hội, thị trường: Giao tiếp, ứng xử, tạo lập mối quan hệ xã hội và đàm phán, tiếp thị sản phẩm – kỹ năng tương tác với một hoặc nhiều người để truyền tải lại thông điệp mình muốn nói, đồng thời đạt được những mục tiêu đề ra.
Sự chia sẻ của các giảng viên – KTS tiền bối luôn thân mật và bổ ích, giúp các thế hệ hậu sinh định hướng rõ ràng hơn trách nhiệm và niềm vui của một nghề nghiệp đặc thù

Nếu như kỹ năng đầu tiên quan trọng gần như với tất cả các nghề nghiệp, thì kỹ năng thứ hai lại rất cần thiết riêng trong đào tạo kiến trúc, bởi vì SV kiến trúc, mà sau này là KTS, do đặc thù nghề nghiệp, thường kém trong khâu tổ chức công việc, mặc dù có thể rất giỏi trong lĩnh vực chuyên môn. Một điều dễ nhận thấy là hiện tượng “lụt” thường xuyên xảy ra, “nước đến chân mới nhảy” với quan điểm “cái khó ló cái khôn”, tuy nhiên, thực tế lại có thể là “cái khó bó cái khôn”. Đối với kỹ năng thứ ba, khi còn ở trong nhà trường, kỹ năng này giúp SV tự tin bảo vệ, thuyết trình đồ án của mình để thuyết phục các GV mà đôi khi không cùng quan điểm, phong cách sáng tác, thiết kế – Kỹ năng này giúp cho KTS đảm bảo nguồn việc, hiện thực được những sáng tạo của mình thông qua việc thuyết phục được các nhà đầu tư, chủ dự án chấp nhận phương án thiết kế vì thực tế cho thấy, thương trường khác với nhà trường, người vẽ đẹp nhất chưa hẳn đã là người chiến thắng.

Giảng viên kiến trúc – Những người khơi gợi cảm hứng cho SV

Có thể nói, thái độ học tập của SV có được từ thái độ giảng dạy của GV – Đó là sự nhiệt tình, nghiêm túc, sự tôn trọng những sáng tạo của SV trong quá trình giảng dạy đồ án – một môn học mà quá trình tương tác giữa hai chủ thể luôn được đề cao sẽ mang lại cảm hứng cho SV, để họ thấy mỗi đồ án là một cơ hội, một trải nghiệm nghề nghiệp thú vị cùng với người đồng nghiệp đi trước thay vì là một thử thách, một vấn đề hay đơn thuần chỉ là một công việc cần giải quyết, một môn học cần phải qua.

Do vậy, GV không chỉ cần thể hiện sự tinh thông của mình mà còn là người biết gợi mở cho SV thể hiện khả năng của chính họ. Nói cách khác, GV là một người truyền cảm hứng, trong mọi tình huống, để SV cố gắng tạo ra những giá trị mới, những sáng tạo mới. Khuyến khích tiềm năng của SV là một cách truyền cảm hứng tốt nhất thay vì “bắt” SV phải nghe và tôn trọng những yêu cầu của mình. Một người thầy biết truyền cảm hứng sẽ làm cho SV có niềm tin vào bản thân, khơi gợi được những tiềm năng, những cá tính sáng tác đang còn ẩn chứa, giúp định hình rõ ràng hơn phong cách và sự say mê với nghề kiến trúc.

Những “giảng viên của các giảng viên” – những người đã đề xuất và hiện thực hóa ý tưởng về một sân chơi nghề nghiệp thwông qua một khóa học “đặc biệt” khi cả người giảng và người nghe đều là những người thầy, người cô

Sáng tạo trong giảng dạy đồ án kiến trúc

Như vậy, có thể nói đồ án kiến trúc là môn học mà GV có sức ảnh hưởng với SV nhiều nhất, cả trong thời gian học tập trước mắt cũng như lâu dài, về cách thức, quan điểm hành nghề, nhân sinh quan thiết kế… Do đó, sáng tạo trong giảng dạy đồ án kiến trúc sẽ giúp cho môn học này thực sự ý nghĩa, hấp dẫn và truyền cảm hứng sáng tạo trong học tập của SV. Câu hỏi đặt ra là: Vậy sáng tạo trong giảng dạy đồ án kiến trúc là gì? Có rất nhiều định nghĩa, nhưng một trong những định nghĩa – “Sáng tạo là hoạt động tạo ra bất cứ cái gì có đồng thời tính mới và tính ích lợi (trong phạm vi áp dụng cụ thể)” có lẽ là phù hợp trong khuôn khổ bài viết này. Tuy nhiên, cũng cần phải hiểu “tính mới” ở đây không bắt buộc phải là một cách làm khác lạ, độc đáo, mới lần đầu xuất hiện mà đôi lúc, đơn giản chỉ là sự hiểu biết để đưa đến cho SV những cách truyền thụ phù hợp (nhất), giúp SV, đầu tiên là cảm thấy lợi ích của môn học, sau đó là yêu nghề, thích thú sáng tạo đóng góp cho đổi mới xã hội thông qua những kiến trúc hấp dẫn và hợp lý.

Nếu ví mỗi đồ án là một cuộc đua, mỗi SV là một vận động viên tham gia cuộc đua đó thì GV sẽ là người huấn luyện viên luôn theo sát vận động viên trong suốt quá trình thi đấu. Như vậy, người huấn luyện viên sáng tạo là người hiểu được học trò của mình để giúp cho vận động viên có đấu pháp phù hợp nhất với mỗi trận đấu. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là SV chiến thắng được chính mình, khai phá được bản thân, vượt qua những khó khăn cũng như tích lũy thêm được kinh nghiệm “chiến đấu”, tự tin với những gì mình đang có và ý thức được mình đang thiếu cái gì để tự hoàn thiện trước khi bước vào những cuộc đua lớn hơn của cuộc sống, của nghề nghiệp.

Như vậy, qua môn học đồ án kiến trúc, người thầy nên/cần mang đến những kỹ năng và cảm hứng học tập cho SV của mình. Điều này một lần nữa khẳng định vị thế của người thầy trong đào tạo KTS: Những quyển sách, những nguồn trí thức hướng dẫn, dù tốt đến mấy, cũng không thể thay thế được người thầy, đặc biệt là những người thầy luôn nhiệt huyết, tìm tòi và sáng tạo trong cách “đọc” – “hiểu” SV của mình để từ đó giúp SV tự khẳng định, tự phát triển và tự hoàn thiện mình.

TS.KTS Trần Minh Tùng – Trường Đại học Xây dựng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2017)