Xu hướng mới trong đào tạo KTS khu vực Asean

Bối cảnh đào tạo KTS khu vực ASEAN

Theo số liệu thống kê do Hội đồng Kiểm định chất lượng và đào tạo KTS Malaysia [1] (công bố tại Hội thảo đào tạo kiến trúc sư (KTS) khu vực ASEAN diễn ra tháng 7/2018 tại Kuala Lumpur), hiện nay toàn khu vực ASEAN có 74.717 KTS đang hoạt động nghề nghiệp, nghiên cứu và giảng dạy. Toàn thể 10 nước ASEAN có 315 trường đại học đang đào tạo KTS, hàng năm cho “ra lò” gần 10.740 KTS (xem bảng 1).

Như vậy, ASEAN đang có gần 75.000 KTS mang quốc tịch của 10 nước thành viên đang hành nghề, làm việc. Tuy nhiên, nhìn vào số lượng KTS tốt nghiệp mới và gia nhập thị trường lao động hàng năm, chúng ta thấy con số này đang và sẽ tăng nhanh đến mức “chóng mặt”: gần 11.000 KTS mới, tương đương mức tăng đến 15% mỗi năm. Đây mới chỉ tính số lượng KTS từ các nguồn nội tại, chưa nói tới các KTS từ ngoài khu vực tới hành nghề.

Một số liệu khác rất đáng chú ý liên quan đến đào tạo KTS khu vực ASEAN là tổng số 315 cơ sở đào tạo mỗi năm tuyển vào 40.251 sinh viên (SV) kiến trúc, nhưng chỉ cho ra trường 10.740 KTS, đạt tỉ lệ tốt nghiệp là 26,7%. Tỉ lệ tốt nghiệp này rất khác biệt so với Việt Nam, khi hàng năm chúng ta cho ra trường tới 86,7% số lượng đầu vào. Theo khảo sát, đa số các trường đào tạo KTS của Việt Nam đều có tỉ lệ tốt nghiệp rất cao. Tuy nhiên, vẫn có một số ít cơ sở đào tạo sẵn sàng chấp nhận tỉ lệ đầu ra thấp và yêu cầu khắt khe hơn trong đánh giá SV ngay từ khâu thi hết môn học. Ví dụ, Trường ĐH Phương Đông (Hà Nội) thường xuyên có tỉ lệ KTS tốt nghiệp/ số lượng SV đầu vào khoảng 50-55%, cá biệt năm 2018 giảm xuống 41,7% (khảo sát đợt tốt nghiệp tháng 6/2018).

So sánh tỉ lệ KTS/ dân số, Việt Nam đang có tỉ lệ đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN (1/ 4.299), sau Thái Lan (1/ 3.459) và Singapore (1/ 3.617) – (xem bảng 1). Tuy nhiên, số lượng KTS hiện đang hành nghề ở Việt Nam không tỉ lệ thuận với chất lượng kiến trúc và khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động khu vực. Tuy Singapore chỉ có số lượng KTS bằng 1/15 của Việt Nam nhưng họ đã và đang xuất khẩu dịch vụ thiết kế kiến trúc cho cả khu vực ASEAN, và còn mở rộng ra ngoài khu vực. Điều này thể hiện một thực tế đáng buồn: Chất lượng đào tạo, chương trình đào tạo và sản phẩm đầu ra của hầu hết các trường đào tạo KTS của chúng ta hiện nay đang thua kém mặt bằng chung các trường thuộc top 5 quốc gia phát triển của ASEAN.

Bài viết mới đây trên tờ The Economist về mức cạnh tranh kinh tế của Việt Nam [2] đã nêu ra một số vấn đề, trong đó có việc SV bị mất thời gian tuổi trẻ để học những môn không có hiệu quả thực tế trong khi lẽ ra cần học kỹ năng hay tốt nghiệp sớm để tham gia thị trường lao động. Thực trạng này đã tồn tại dai dẳng hàng chục năm qua, song vẫn chưa thể giải quyết. Nhiều cơ sở đào tạo tuyên bố định kỳ cải tiến chương trình đào tạo, thường xuyên cập nhật,… nhưng, khi chúng tôi khảo sát đã nhận thấy tình trạng “bình mới, rượu cũ”. Một số môn học được khoác lên tấm áo mới mà cơ bản vẫn là nội dung cũ, cách dạy cũ, cách thi cũ… Nhiều chương trình được xem là “tiên tiến”, có tính hội nhập cao ở một số trường vẫn cho thấy sự “ôm đồm”, dàn trải. Chúng tôi cảm nhận rằng những người có trách nhiệm thiết kế/ cải tiến chương trình của một số trường dường như vẫn tiếc rẻ, không muốn (hoặc không thể) bỏ đi những nội dung đã cũ, đã ít giá trị. Chính sự “ôm đồm” và “bao đồng” này trong đào tạo KTS đang tạo ra những sản phẩm chung chung, đại chúng và thiếu sức cạnh tranh trên thị trường lao động. Việc tập trung dạy quá nhiều kiến thức chuyên môn và thiếu các môn học tương tác, thiếu truyền dạy các kỹ năng xã hội thiết yếu (cần phân biệt với truyền dạy kỹ năng thiết kế theo xưởng), thời gian thực tập ngắn, lại thiếu quản lý sát sao quá trình thực tập… đã làm hiệu quả đào tạo giảm sút, khoảng cách càng lúc càng xa với các nước phát triển trong khu vực.

Kỹ năng quan trọng không kém kiến thức chuyên môn

Malaysia hiện nay không chỉ đào tạo chuyên môn về kiến trúc, mà còn đẩy mạnh đào tạo kỹ năng song hành. Họ quan niệm không thể đào tạo ra một KTS giỏi và thạo nghề ngay chỉ trong 4-5 năm học đại học, ra trường có thể thiết kế concept hoặc làm KTS chính thức. Để giỏi nghề và thành thạo, cần có một quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm làm việc lâu dài. Do đó, bên cạnh việc dạy về kiến trúc, các trường cần dạy kỹ năng “tồn tại” và kỹ năng “phát triển” cho KTS trong môi trường hành nghề chuyên nghiệp.

Theo Hội KTS Malaysia (PAM), các trường đại học được khuyến khích trang bị cho SV kiến trúc 4 kỹ năng thiết yếu sau đây:

  1. Khả năng thích nghi / thích ứng (Adaptability): Kỹ năng thích ứng và làm việc hiệu quả trong môi trường hành nghề có nhiều biến động;
  2. Khả năng giải quyết vấn đề (Problem solving): Đưa ra những giải pháp thích hợp cho nhiều vấn đề có biên rộng trong một khoảng thời gian ngắn và có giới hạn;
  3. Kỹ năng tổ chức (Organizational skills): Có khả năng nắm giữ các vai trò / vị trí đa dạng, thể hiện trách nhiệm một cách hiệu quả từ phạm vi nhóm nhỏ cho đến một tổ chức lớn;
  4. Sự ham học hỏi / khám phá (Curiosity): Luôn sẵn sàng và hứng khởi với sự quan tâm một cách lâu dài tới môi trường xung quanh để có thể phát hiện vấn đề và thách thức mới.

“Giảng dạy thiết kế kiến trúc mà không dạy về cách môi trường xung quanh vận động mỗi ngày, cũng giống như dạy SV khoa nghệ thuật chữa bệnh mà không nói cho họ biết cách cơ thể người hoạt động. Bạn sẽ không thể tin tưởng một bác sĩ y khoa không hiểu biết cơ thể con người. Hiểu về môi trường xung quanh chính là điều kiện hợp thức cho việc hành nghề của KTS.” [3]

Trong bối cảnh cạnh tranh nghề nghiệp ngày càng cao, hầu như quốc gia nào / mô hình giáo dục đại học nào cũng định hướng chương trình đào tạo theo mức độ sẵn sàng đáp ứng thị trường nhân lực. Khi khảo sát Chuẩn đầu ra của nhiều trường đào tạo KTS ở Việt Nam, chúng tôi thấy rất chung chung, na ná nhau. Trong khi đó, các trường đại học Malaysia xác định các tiêu chí sẵn sàng gia nhập thị trường việc làm cho KTS mới rất cụ thể, gồm 11 tiêu chí như sau:

  • Kỹ năng lãnh đạo (leadership);
  • Kỹ năng quản lý (management);
  • Kỹ năng làm việc nhóm (team player);
  • Kỹ năng giao tiếp (communication) (*);
  • Kỹ năng khởi nghiệp (entrepreneurial) ;
  • Khả năng học tập suốt đời (long-life learning);
  • Khả năng thích ứng (adaptability);
  • Tính độc lập (independent);
  • Tính sáng tạo (innovative);
  • Sự tháo vát (resourceful);
  • Tính phê bình và phân tích (critical & analytical);

(*) số liệu đáng chú ý được công bố tại Malaysia cho thấy 70% nhà tuyển dụng yêu cầu SV mới tốt nghiệp phải có kỹ năng giao tiếp tốt.

Dạy về môi trường xung quanh và các biến thiên của cuộc sống

Càng ngày, chúng ta càng nhận thấy môi trường xung quanh có ảnh hưởng sâu sắc hơn tới cách thức tổ chức cuộc sống, làm biến đổi sinh hoạt của con người, hoạt động của một cộng đồng, một đô thị… Dạy về môi trường xung quanh và những thay đổi của nó là yêu cầu bắt buộc trong đào tạo KTS tại nhiều nước ASEAN. Việc này không chỉ thể hiện trách nhiệm với môi trường của tổ chức giáo dục, của những người truyền giảng tri thức tới thế hệ trẻ hơn, mà còn giúp các SV kiến trúc có nhận thức, cách ứng xử và “tính chủ động từ tâm thế” trong các tương tác với môi trường sau này. Không chỉ đưa vào nội dung của các môn học chuyên sâu về môi trường, sinh thái, các trường còn khuyến khích giảng viên thường xuyên liên hệ bài giảng với các vấn đề của cuộc sống và môi trường xung quanh.
Để đào tạo song hành với hành nghề, Hiệp hội KTS Hoàng gia Thái Lan và các cơ sở đào tạo thường xuyên “ngồi lại” với nhau để trao đổi, thảo luận. Một trong những nhận thức chung đạt được gần đây là các trường cần định hướng nội dung đào tạo kiến trúc và giúp cho SV hiểu việc thiết kế kiến trúc hiện nay cần chú ý tới các thế hệ người sử dụng công trình với chức năng tương ứng:

  • Thế hệ Z: Những người sinh từ 1997 trở đi;
  • Thế hệ Thiên niên kỷ (millennials): Những người sinh từ 1980 đến 1996;
  • Thế hệ X: Những người sinh từ 1965 đến 1979;

Mỗi thế hệ sẽ có phong cách sống khác nhau, nhu cầu khác nhau, thẩm mỹ khác nhau. Do đó, cần tạo ra những công trình / không gian thích hợp với yêu cầu của từng nhóm dân số. Đây cũng là định hướng mà các công ty kiến trúc Thái Lan đang theo đuổi và phải đáp ứng tốt để có thể tìm được nhiều dự án. Yêu cầu này cũng buộc các trường cũng phải chú ý cải tiến chương trình đào tạo.

Hợp tác đào tạo là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng

Thông qua trao đổi và hợp tác vùng, các quốc gia ASEAN có thể thu hẹp cách biệt về hành nghề và chất lượng đào tạo KTS với nhau. Một số Hội KTS quốc gia thành viên ASEAN đã có qui định khá cụ thể về cơ chế hợp tác, trao đổi giảng viên, SV giữa các nước nội khối. Ví dụ, Hội KTS Malaysia đã đưa ra các qui định hướng dẫn cụ thể: “Phương thức hợp tác trong một chương trình đào tạo đề cập đến các hoạt động học tập được thực hiện bởi nhà cung cấp Giáo dục Kiến trúc (AEP), với việc tiếp nhận các đối tác như là phương tiện khuyến khích sự dịch chuyển và mở rộng thế giới quan của người học. Chương trình được thực hiện với các qui định của từng phương thức hợp tác, song thời gian học tập trao đổi không quá một phần ba tổng thời gian đào tạo tại trường chính. SV của chương trình nên bắt đầu và kết thúc học kỳ học tại trường chính. Ngoài ra, chương trình đào tạo của trường tiếp nhận phải được cơ quan kiểm định chuyên nghiệp tại quốc gia đó công nhận.” [4]

Việc hợp tác với khu vực doanh nghiệp / sản xuất cũng được đề cao. Đơn cử, Hội KTS Malaysia đã có qui định khuyến nghị các trường phải triệt để thúc đẩy mô hình này: Môi trường học tập liên kết với khu vực doanh nghiệp / sản xuất nên được đưa vào chương trình giảng dạy và thực hiện. Chương trình như vậy được khuyến khích để thiết lập các liên kết và hợp tác với các đối tác hành nghề chuyên nghiệp bên ngoài và các ngành có liên quan để tạo ra sự hiểu biết toàn cầu và tăng tính thực tế của chương trình giảng dạy.
Nhà trường được khuyến khích thiết lập các mối liên kết và hợp tác đa ngành với các tổ chức ở cấp địa phương và quốc gia, và hơn thế nữa, bao gồm cả khu vực; và mức độ toàn cầu thông qua các cơ chế như: “Công nhận lẫn nhau, thiết lập các Biên bản ghi nhớ, chương trình trao đổi,…” [4]

Trong những năm vừa qua, các chương trình trao đổi học giả và SV kiến trúc trong nhóm các nước nói tiếng Anh của ASEAN đã được triển khai khá sôi động. Ngay trong dịp họp Uỷ ban Đào tạo ARCASIA vào tháng 7/2018 tại Kuala Lumpur, bốn Hội KTS Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Singapore đã cùng ngồi lại, bàn thảo và ký kết biên bản MOU để tiến hành trao đổi SV thực tập ngay trong giai đoạn tiếp theo. Có thể nói, đây là dự án rất hữu ích và có thể mang lại hiệu quả rất thiết thực cho công tác đào tạo của các trường thành viên. [7]

Để thúc đẩy hơn nữa các hoạt động liên kết quốc tế trong đào tạo KTS, gần đây, Hội KTS Malaysia đã đưa ra sáng kiến khá táo bạo, bao gồm các hoạt động:

  • Xây dựng khung kế hoạch tổng thể cho việc dịch chuyển SV kiến trúc nội khối ASEAN;
  • Chương trình Liên hoan SV kiến trúc ASEAN tổ chức luân phiên 02 năm / lần.
  • Các dự án xuất bản ấn phẩm nghiên cứu chung;
  • Xây dựng chuẩn đào tạo KTS ASEAN.

Gần đây, Malaysia và Indonesia đồng đề xuất Hiệp hội KTS châu Á (ARCASIA) tìm nguồn tài trợ để xây dựng quỹ học bổng trao đổi giảng viên như hình thức Erasmus+ của EU, thậm chí đã có thể gọi tên chương trình là ARCASIA Plus hoặc ACAE Plus.
Vai trò của Hiệp hội trong việc kiểm định chất lượng chương trình và tổ chức đào tạo

Có thể nói, trong 4 khâu quan trọng của công tác đào tạo KTS, chúng ta yếu nhất là công nghệ đào tạo và chương trình đào tạo. Tại một số nước ASEAN, Hội nghề nghiệp chịu trách nhiệm kiểm định chương trình, kiểm định chất lượng đào tạo thông qua việc thành lập Hội đồng kiểm định chất lượng đào tạo KTS trực thuộc. Nếu một cơ sở đào tạo lơ là chất lượng, Hội đồng sẽ khuyến nghị, cảnh báo và sau đó công bố rộng rãi ra toàn xã hội nếu cơ sở đào tạo không có sự cải thiện. Chính việc chấp nhận của xã hội sẽ là áp lực để một cơ sở đào tạo phải thay đổi, cải tiến, chuyển mình.

Những kết quả kiểm định của Hiệp hội chuyên ngành có giá trị tham khảo rất cao cho các nhà tuyển dụng, và cho cả cơ quan quản lý giáo dục của quốc gia. Tại Việt Nam hiện nay, chúng ta chưa thấy có vai trò chuyên môn nghề nghiệp trong kiểm định chất lượng trường đại học. Một trường đào tạo KTS cũng sẽ được kiểm định bởi một tổ chức kiểm định / nhóm chuyên gia kiểm định / bộ tiêu chí kiểm định và đánh giá chất lượng giống như mọi trường đại học khác. Do sự thiếu vắng kiểm định chuyên môn sâu nên hầu hết các khuyến nghị, đề xuất mà cơ sở đào tạo nhận được sau quá trình kiểm định đều khá chung chung, đều có thể áp dụng đại trà ở mọi nơi, mọi tổ chức. [8]

Một sự việc xảy ra tại Malaysia trước đây đã gây bối rối cho Hội KTS và cả cơ quan quản lý nhà nước: Chính phủ Malaysia gửi 200 SV đến Pháp học kiến trúc nhưng khi họ trở về thì Hội KTS (cơ quan có thẩm quyền xét cấp chứng chỉ hành nghề) không thể công nhận đủ điều kiện hành nghề được do sự khác biệt về hệ thống đào tạo và chương trình. Tại Malaysia, Hội đồng Kiểm định chất lượng chương trình đào tạo KTS (trực thuộc Hội KTS) có vai trò quan trọng trong việc công nhận một chương trình đào tạo đạt chất lượng chuyên môn, từ đó SV học chương trình này sau khi tốt nghiệp có thể được Hội KTS Malaysia xét cấp chứng chỉ hành nghề.
Ngược lại, tại Indonesia (có 136 trường) và Philippine (có 126 trường), vấn đề có quá nhiều trường đào tạo KTS đang tạo ra những áp lực rất lớn lên việc xét công nhận chất lượng đào tạo. Tại Thái Lan, chỉ trong 30 năm từ 1987 tới 2017, số trường đào tạo KTS đã tăng từ 03 trường lên tới hơn 30 trường, số KTS mới tốt nghiệp từ 150 lên tới gần 1.300 mỗi năm [5] cũng đang tạo ra vấn đề tương tự.

Trường đại học Silpakorn (top 5 trường đào tạo kiến trúc của Thái Lan) hàng năm đều có một khóa học tại nông thôn cho SV kiến trúc của trường. Mỗi năm, khoa Kiến trúc sẽ chọn một địa bàn khác nhau, đưa SV về, tổ chức nghiên cứu hiện trạng tại chỗ, lên kế hoạch thiết kế, thi công và hoàn thiện một dự án cộng đồng cho người dân địa phương. SV và giáo viên đều tham gia vào dự án và sẽ làm việc tại địa phương trong khoảng 2-4 tuần để hoàn thành dự án. Vật liệu xây dựng được cung cấp bởi các nhà tài trợ, đối tác của trường. Địa điểm được thỏa thuận và cung cấp bởi chính quyền địa phương. Các công trình đã được xây dựng trong những năm gần đây gồm có: Lớp học, thư viện cho trường cấp 1-2 của chùa Pakngam, một phân hiệu nhà trẻ, một khu học xá của trường tiểu học… Thông qua các dự án được thiết kế, triển khai ngay tại hiện trường như thế này, SV ngoài việc hiểu thêm về chuyên môn, còn đồng thời mở rộng các kiến thức xã hội, vốn sống, hiểu các trình tự thực hiện một dự án nhỏ, cách kết nối và tương tác với cộng đồng địa phương. Thông qua đó, SV tự cảm nhận vai trò của môi trường và bối cảnh, từ đó nâng cao hiểu biết và sự tôn trọng với môi trường và hệ sinh thái tự nhiên.

Một phòng đọc / lớp học dành cho cộng đồng ở khu vực nông thôn do GV và SV kiến trúc của trường Silpakorn thực hiện vào mùa Hè

Trường đại học Chulalongkorn (số 1 Thái Lan) lại có cách thức giới thiệu các kết quả đào tạo với cộng đồng rất hiệu quả. Những năm gần đây, trường tổ chức triển lãm đồ án tốt nghiệp / đồ án xuất sắc tại sảnh chính của Central Worl – trung tâm mua sắm lớn bậc nhất của Bangkok. Thông qua triển lãm này, công chúng có thể hiểu biết hơn về việc học và hành kiến trúc, đồng thời cũng thu hút sự chú ý của cộng đồng đến các dự án từ thiện / xã hội mà nhà trường đang thực hiện. SV cũng thông qua việc tổ chức các hoạt động tương tác với cộng đồng ở Central World để hiểu rõ hơn khái niệm “thiết kế cho thế hệ” mà giới KTS Thái Lan đang hướng tới.

Kết luận

Với những dữ liệu thu nhận được từ việc tham gia các cuộc họp và hoạt động chuyên môn của Uỷ ban Đào tạo KTS châu Á (ARCASIA-ACAE), chúng tôi chân thành chia sẻ với mong muốn cung cấp thêm thông tin cho các cơ sở đào tạo KTS nước nhà.

Bối cảnh hiện nay đang cho thấy dấu hiện “khủng hoảng thừa” về số lượng đào tạo nhưng vẫn luôn “thiếu” về chất lượng đào tạo. Hơn lúc nào hết, rất kỳ vọng các trường sẽ có những điều chỉnh, hướng mạnh ra quốc tế để thực sự thu hẹp khoảng cách trong ASEAN, rồi sau đó mới có thể tính xa hơn nữa. Trong những dự tính tích cực này, một lần nữa, chúng tôi kỳ vọng Hội KTS Việt Nam sẽ thực sự có vai trò kết nối, đồng hành và chỉ dẫn thực sự cho các cơ sở đào tạo.

Tất cả chúng ta đều phải vận động, và hành động!

Nguyễn Quốc Tuân*

Uỷ viên Uỷ ban Đào tạo KTS, Hiệp hội KTS Châu Á (ACAE – ARCASIA)

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2018)

–––––––––––––––––––––

Tài liệu tham khảo:
[1] Mustapha Mohd Salleh, Council of Architecture Acreditation and Education Malaysia (CAAEM), Architecture education across ASEAN, DATUM:EDU 2018, Kuala Lumpur, 04/7/2018
[2] Vietnam is getting old before it gets rich, The Economist, 08/11/2018
[3] N. John Habraken, Question that won’t go away, EAAE / ENHSA – Meeting of Head European School of Architecture, Crete, Greece, 2003
[4] Council of Architecture Acreditation and Education Malaysia (CAAEM), Manual of accreditation for the architecture programme, 2013:20, 2013
[5] M.L. Piyalada Thaveeprungsriporn, Architecture education in Thai land, DATUM:EDU 2018, Kuala Lumpur, 04/7/2018
[6] Ashraf M. Salama, The future of architectural education and design pedagogy, DATUM:EDU 2018, Kuala Lumpur, 04/7/2018
[7] Nguyễn Quốc Tuân, ACAE với những nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo KTS tại châu Á, Tạp chí Kiến trúc, 8/2018
[8] Nguyễn Quốc Tuân, Đào tạo KTS thích ứng tốt hơn với môi trường làm việc quốc tế, Hội thảo tại ĐH Kiến trúc TPHCM, 2016.