Các đô thị châu Á trong thế kỷ XXI: Xu hướng và thách thức

Với chủ đề “Đô thị châu Á trong thế kỷ XXI”, trong hai ngày 18, 19-8-2011, Diễn đàn KTS châu Á – Arcasia 16 đã diễn ra tại TP Đà Nẵng, một trong những đô thị Việt Nam đạt nhiều thành công trong phát triển kinh tế – xã hội, quản lý kiến trúc, quy hoạch xây dựng đô thị theo hướng bền vững. Trước đó, Hội đồng Arcasia đã tổ chức chấm và thông qua kết quả Giải thưởng Kiến trúc châu Á, nhóm họp các tiểu ban với nhiều nội dung quan trọng: hành nghề KTS, đào tạo KTS, kiến trúc xanh, gặp gỡ lãnh đạo Hội KTS các nước thành viên, đánh giá tình hình kiến trúc trong khu vực, công tác tổ chức của Hội đồng….
   
Tham dự Diễn đàn KTS châu Á 2011 có Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng; Chủ tịch Hội KTS thế giới – bà Louise Cox; Chủ tịch Hội KTS châu Á – KTS George Kunihiro; Chủ tịch Hội KTS Việt Nam – KTS Nguyễn Tấn Vạn; Bí thư tỉnh ủy – Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng – Ông Nguyễn Bá Thanh; Đại diện các đoàn đại biểu đến từ châu Âu; Đại diện 19 đoàn đại biểu Hội KTS châu Á: Ấn độ, Banglades, Hàn Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Macau, Malaysia, Mông Cổ, Nhật Bản, Nepal, Pakistan, Philippin, Singapore, Srilanka, Thailand, Trung Quốc, Lào, Cambodia và đông đảo các KTS nước chủ nhà – Việt Nam.
Lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị KTS châu Á, với sự kiện này, Forum Acasia 16 chính là dịp để KTS châu Á cũng như các KTS Việt Nam gặp gỡ, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm phát triển kiến trúc, quy hoạch xây dựng đô thị… trên cơ sở giữ gìn và phát huy bản sắc đô thị của mỗi nước, tăng cường khả năng ứng phó của đô thị trước những nguy cơ của biến đổi khí hậu, đồng thời hướng đến xu hướng kiến trúc hiện đại: xanh và phát triển bền vững.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Để các đô thị phát triển bền vững trong thế kỷ XXI, các KTS châu Á cần nghiên cứu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và tham mưu cho Chính phủ các giải pháp hợp lý, tiết kiệm, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Các đô thị châu Á cần phải có bản sắc văn hóa đặc trưng, thân thiện với con người, với môi trường, tiết kiệm năng lượng và an toàn trước hiểm họa thiên nhiên. Tôi hy vọng rằng, từ diễn đàn này, trên tinh thần hợp tác và hữu nghị, Hội KTS Việt Nam và Hội KTS châu Á tiếp tục phát triển mối quan hệ hợp tác có hiệu quả, tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau tìm ra những giải pháp trong dự báo, thiết kế, quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị để thích ứng trước các biến động phức tạp, trong đó có biến đổi khí hậu – để đô thị các nước châu Á phát triển bền vững, thịnh vượng và giàu bản sắc…”
Chia sẻ những cảm xúc khi tham dự Diễn đàn KTS châu Á, bà Louis Cox tâm sự: “Chúng tôi đã rất ấn tượng với những bài phát biểu và chủ đề của Diễn đàn. Cảm ơn các bạn, cảm ơn Đà Nẵng – một thành phố đẹp nhất Việt Nam. Đây là cơ hội để chia sẻ những hiểu biết, kinh nghiệm, cùng thảo luận để tìm ra giải pháp,  để làm cho các thành phố của mình ngày càng đẹp hơn. Tôi đến đây là để lắng nghe!”
Diễn đàn gồm ba phiên họp, tập trung vào các nội dung chính: “Toàn cầu hóa và sự phát triển đô thị ở châu Á”, “Xu hướng phát triển kiến trúc đô thị hiện đại châu Á”, “Bản sắc kiến trúc và đô thị hiện đại ở châu Á”. Với gần 20 bài tham luận được trình bày, nhiều ý kiến được trao đổi thảo luận ngay trong Diễn đàn cũng như bên lề hội thảo, Arcasia 16 thực sự là một cơ hội để đông đảo KTS trao đổi kinh nghiệm, nhằm tìm ra những lời giải sáng tạo cho bài toán kiến trúc và quy hoạch đô thị. Theo KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam: “Tại Diễn đàn này, các KTS trong khu vực một lần nữa hướng đến một nền quy hoạch và kiến trúc không bị hạn định bởi một khuôn khổ nào – đa dạng và thân thiện ở châu Á. Chúng ta cùng phấn đấu vì một nền kiến trúc hiện đại song mang đâm bản sắc. Tất cả những mục tiêu đó đều được kỳ vọng đạt được ở Diễn đàn tại TP Đà Nẵng”

Bản sắc văn hóa – bài toán khó giải trong tiến trình phát triển
Nếu như thế kỷ XIX là “Thế kỷ Anh”, thế kỷ XX là “Thế kỷ Mỹ” thì thế kỷ XXI được coi là thế kỷ của châu Á với các đô thị được mở rộng với tốc độ chưa từng có trong tiền lệ. Sự thay đổi diện mạo các đô thị châu Á đem lại những cơ hội mới cho phát triển  đồng thời cũng kèm với những thách thức lớn trên các bình diện: kinh tế, văn hóa, dân số, năng lượng, môi trường, đặc biệt là các nguy cơ thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra. KTS Christian Pédelahore De Loddis (Pháp) nhấn mạnh: “Kiến trúc và quy hoạch đô thị là tâm điểm trong sự hình thành bản sắc: hữu hình và vô hình, thiết thực và tượng trưng… Toàn cầu hóa về kinh tế khiến cho tính đồng nhất về không gian của các thành phố trở nên phổ biến và làm mai một những bản sắc văn hóa lâu đời với hàng ngàn năm tuổi.”
Bài toán đặt ra là: Làm thế nào để các đô thị châu Á (trong đó có Việt Nam) phát triển theo hướng hiện đại nhưng vẫn giữ được những giá trị văn hóa kiến trúc địa phương?
KTS Richard Hawkins (Vương quốc Anh) nêu bật quan điểm: “Một thành phố sống tốt phải như một cơ thể sống, có khả năng phát triển và chuyển đổi – với dòng chảy năng động của người dân, của năng lượng, không khí và nước, dòng tiền, thông tin và kiến thức. Không nơi nào khác trên thế giới này giống vậy hơn các thành phố lớn của châu Á trong thế kỷ XXI”. Chia sẻ những kinh nghiệm thiết kế đô thị tại Hongkong, ông phân tích các khía cạnh tạo thành một thành phố sống tốt (lấy ví dụ cụ thể từ Khu Văn hóa Tây Kowloon, HK) – có thể xem như bài học đối với các đô thị châu Á, đó là các đặc điểm: sáng tạo, khả năng tiếp cận, kết nối, tích hợp, sống động, độc đáo và bền vững.
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn (Mỹ) thì sự phát triển nhanh chóng của các đô thị châu Á chứa đựng những cơ hội và thách thức lớn đối với vai trò, trách nhiệm của KTS. Ông nêu 10 vấn đề thách thức chính mà giới KTS châu Á sẽ phải đương đầu trong thế kỷ XXI: Việc thiết kế sao cho tương hợp với sự thay đổi của đô thị, Nghiên cứu đa ngành, Hợp tác nhóm, Cân bằng âm dương trong đô thị, Xử lý mật độ đô thị với chất lượng cao, Bảo vệ môi trường, Chiến lược phát triển và tái phát triển, Bản sắc và sinh hoạt đô thị, Chia sẻ lợi ích đô thị, Tạo động lực  tự nhiên cho phát triển đô thị…
Các KTS tham dự Diễn đàn đã cùng trao đổi kinh nghiệm về việc duy trì bản sắc kiến trúc và gìn giữ các khía cạnh văn hóa của các thành phố điển hình như Karachi (Pakistan), Khu vực di sản Dadaocheng (Đài Loan), Lumbini (Nepal), Phố cổ Hà Nội (Việt Nam)…
Bản sắc không phải là điều gì dễ định nghĩa, mỗi đô thị, mỗi quốc gia, mỗi nền văn hóa… có những đặc điểm nhận dạng riêng, không dễ gì xác định được bằng hình thái một tòa nhà, một khu phố mà phải được xem xét trong tổng hòa các mối quan hệ giữa các hình thái có liên quan. Đó cũng là điều PGS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông muốn nói trong tham luận của mình – “… Nhiều nhà nghiên cứu có chung nhận định về toàn cầu hóa bằng ba từ: nóng,  phẳng và chậm – bao hàm cả nhận thức, cách ứng xử và cảnh báo  nguy cơ. Đó chính là bản chất của quá trình phát triển hiện đại mà mỗi quốc gia, trên cở sở đó và tùy vào thực tiễn của mình, phải lựa chọn cho mình cách phát triển phù hợp…”
Hay nói như KTS Man-wai NG Danny (Hongkong): “Bản sắc kiến trúc của các thành phố châu Á có thể được phát triển theo hướng đa dạng hóa, kết hợp giữa các đặc điểm địa phương và quốc tế, và điều quan trọng là tất cả phải hiện hữu một cách hài hòa trong cùng một khung cảnh…”
Có thể đó chưa phải là giải pháp thỏa đáng, song điều này đã khẳng định những nỗ lực của giới KTS trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản kiến trúc cũng như văn hóa bản địa tại các quốc gia châu Á. Trong thế kỷ XXI, kỷ nguyên của đô thị châu Á hội nhập và phát triển, bản sắc văn hóa và nhận dạng kiến trúc địa phương vẫn là bài toán khó với nhiều ẩn số. Và, câu trả lời còn đang bỏ ngỏ cho tương lai…


Xu hướng kiến trúc đô thị hiện đại châu Á: Xanh là tất yếu
    Các đại biểu tham dự Diễn đàn thống nhất quan điểm: xu hướng phát triển kiến trúc đô thị hiện đại châu Á là kỹ thuật và công nghệ tiên tiến kết hợp với bản sắc văn hóa đặc trưng từng địa phương – kiến trúc xanh là một xu thế tất yếu. Với nội dung này, phần trình bày của KTS Võ Trọng Nghĩa (Việt Nam) đã thu hút sự chú ý và nhận được sự tán thưởng của các đồng nghiệp. KTS Võ Trọng Nghĩa cho biết: “Theo xu hướng của thế giới, kiến trúc bền vững và kiến trúc xanh là giải pháp đối phó với sự biến đổi khí hậu và suy thoái kinh tế… Trong điều kiện kinh tế xã hội và kỹ thuật xây dựng ngày nay, công trình xanh và bền vững là một bài toán khó cho kiến trúc Việt Nam. Lấy thiên nhiên và con người làm gốc, chúng tôi thể hiện sự khác biệt bởi tư duy kiến trúc mới, giảm thiểu sử dụng năng lượng và gần gũi với phong thổ, văn hóa và con người Việt Nam…”
    Nhiều dự án, công trình, và kinh nghiệm thiết kế đã được các KTS đến từ Bangladesh, Pakistan, Trung Quốc… chia sẻ trên diễn đàn. Tuy nhiên, trên thực tế, mức độ phổ cập và triển khai các giải pháp kiến trúc xanh và bền vững còn chưa cao. Như KTS Fariha A. Ubaid (Pakistan) thừa nhận: “Hiện nay ở Pakistan vẫn chưa có công trình nào được cấp giấy chứng nhận công trình xanh hay có một tiêu chí cụ thể nào để xác định những công trình dạng này. Hầu hết những tòa nhà trong phần trình bày của tôi mới chỉ đang là đề xuất. Có thể sẽ chưa thể có ngay được màu xanh hoàn hảo nhưng tôi nghĩ sẽ có sự cập nhật, thích nghi và biến đổi một cách từ từ và hiệu quả..”
    Kiến trúc là một môi trường nhân tạo, cần phải được phát triển hài hòa, công bằng và thân thiện với môi trường tự nhiên. Đó chắc chắn là quan niệm và cách làm đúng để tạo dựng môi trường cư trú thực sự an toàn, chất lượng cho cư dân thành phố – Đó cũng là quan điểm chung của Diễn đàn KTS châu Á về xu hướng kiến trúc đô thị hiện đại châu Á trong quá trình phát triển và hội nhập.


Giải pháp nào cho các đô thị Việt Nam?
    Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện có tốc độ đô thị hóa cao nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, cũng như nhiều nước đang phát triển, đô thị Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức của quá trình đô thị hóa. Theo PGS. TS.KTS Nguyễn Hồng Thục thì: “Đô thị hóa là hệ quả tự nhiên của công nghiệp hóa ở phương Tây. Ít ai nhận ra rằng ở Việt Nam quá trình này bị đảo ngược: đô thị hóa xảy ra nhiều năm trước công nghiệp hóa, khiến cho các mô hình và tư duy đô thị gặp khủng hoảng lớn… Đô thị hóa rộng khắp và các dự án mọc lên như nấm, nhưng về phong cách và tính thẩm mỹ, thậm chí cả công năng lại tụt hậu so với các thời kỳ trước. Có thể nói “thành phố của dự án” tương đồng với thuật ngữ “thành phố bị phá vỡ cấu trúc” đang đại diện cho kiến trúc đô thị nước ta thời mở cửa”
    Trước thực tế đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt định hướng phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2025 – tầm nhìn 2050 với mục tiêu chiến lược là: từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị Việt Nam phát triển theo mô hình mạng lưới đô thị, có cở sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; có môi trường và chất lượng sống đô thị tốt; có nền kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc… Chính phủ Việt Nam cũng chỉ đạo các Bộ, ngành tập trung xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động giảm nhẹ thiên tai, trong đó vai trò của quy hoạch đô thị có ý nghĩa chiến lược theo hướng phát triển bền vững, đô thị sinh thái, kiến trúc xanh…
    Để làm được điều này, theo PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh (nguyên hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) chúng ta phải có định hướng đúng, quy hoạch phù hợp và cân bằng với thiên nhiên. Từ những bài học về phát triển đô thị rút ra từ thực tiễn, ông khẳng định đường lối phát triển bền vững là mục tiêu duy nhất cho các đô thị Việt Nam, đồng thời đề xuất áp dụng đồng bộ 5 nhóm giải pháp: Tái cấu trúc lãnh thổ và phân bố lại dân cư đô thị, nông thôn; Cải cách thể chế phát triển đô thị; Tăng cường đổi mới quy hoạch và quản lý đô thị; Ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và phòng chống thiên tai; Tăng cường tài chính và các nguồn lực phát triển đô thị.
    PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục đưa ra gợi ý tìm giải pháp từ các nguồn lực kiến trúc, bao gồm nguồn lực từ nhu cầu kinh tế – xã hội – văn hóa thời kỳ đô thị hóa; nguồn lực từ con người; nguồn lực từ chính sách và thể chế.
    Giải pháp cho các vấn đề đô thị của Việt Nam cần được nghiên cứu kỹ trên cả hai khía cạnh vi mô và vĩ mô, cũng không thể đòi hỏi sự chuyển biến tức thì – Đó phải là một quá trình, một chiến lược dài hơi với sự suy xét kỹ lưỡng của các nhà quản lý, sự nghiên cứu nghiêm túc của các chuyên gia và sự vào cuộc của cộng đồng dân cư đô thị. Và, điều quan trọng hơn cả là quá trình này phải được thực hiện trên nền tảng văn hóa đô thị – lấy con người làm trung tâm, với định hướng xây dựng môi trường sống tốt và đô thị phát triển bền vững.

    Với gần 700 đại biểu tham gia, trong đó có khoảng hơn 200 đại biểu quốc tế, Diễn đàn KTS châu Á lần thứ 16 đã cung cấp cái nhìn toàn diện về những vấn đề của đô thị châu Á: những thách thức trong quá trình phát triển, thời kỳ toàn cầu hóa, bản sắc văn hóa và định hướng phát triển bền vững. Phát biểu bế mạc Diễn đàn, KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam nhận xét: “Các ý kiến thảo luận tại diễn đàn cho thấy những cách tiếp cận đa chiều cũng như sự đa dạng của kiến trúc và đô thị châu Á. Tôi hy vọng những vấn đề được trao đổi ở đây sẽ có ích cho các bạn trong quá trình hành nghề, xây dựng thành phố sống tốt và bảo vệ bản sắc văn hóa địa phương. Hy vọng Arcasia luôn là diễn đàn hấp dẫn, sân chơi hữu ích đối với giới nghề, đồng thời đóng góp cho sự phát triển chung của toàn xã hội…”. Diễn đàn KTS châu Á – Arcasia đã khép lại  nhưng với nhiều đại biểu, mối quan tâm lớn chính là tìm lời giải đáp cho câu hỏi: Đô thị của chúng ta trong tương lai sẽ như thế nào? Về điều này, xin được hẹn gặp lại Arcasia trong những năm tới!

PV Bích Vượng