Gary Sharp – Tổng giám đốc PTW Vietnam

“Một nét vẽ của KTS có thể tác động đến cuộc sống của hàng ngàn người…” tôi xin mượn câu nói nổi tiếng của KTS Frank Lloyd Wright để nhắn nhủ đến các đồng nghiệp, KTS trẻ Việt Nam: “Một Kiến trúc sư giỏi chưa hẳn được tạo nên từ một bộ óc thông minh mà hơn hết từ một trái tim nhân hậu & giàu nhiệt huyết”
 
 
Phóng viên (P/V): Ông có thể chia sẻ những nguyên tắc dùng cho thiết kế công trình Kiến trúc Xanh.
 
KTS Gary Sharp: Trước hết, cám ơn Tạp chí Kiến trúc đã cho tôi có cơ hội được trò chuyện với bạn đọc ngày hôm nay.
Khi nói về Kiến trúc Xanh (KTX), có nhiều KTS ngộ nhận rằng: cứ đưa nhiều cây xanh hoặc sử dụng vật liệu tự nhiên như tre, nứa, gỗ đá vào công trình là được. Trên thực tế, đó chỉ là một trong những giải pháp đơn giản nhất. Với chúng tôi, nguyên tắc đầu tiên để tiếp cận KTX được nhìn rộng hơn – không chỉ trong các công trình đơn lẻ mà phải đi từ giải pháp Quy hoạch tổng thể. Một đồ án Quy hoạch Xanh tự nhiên sẽ tạo ra các sản phẩm công trình KTX bên trong nó. Nguyên tắc thứ hai là: giải pháp thiết kế bền vững cần uyển chuyển, linh động, thay đổi theo các vùng miền với vị trí địa lý và văn hóa khác nhau. Nguyên tắc thứ ba là: tại PTW, chúng tôi không coi KTX là một loại “Mốt” thời thượng mà là một cái “Đích” để hướng tới. Chúng tôi luôn khuyến khích, động viên tất cả các nhân viên trong Công ty, từ Chủ nhiệm đồ án, chủ trì bộ môn, đến KTS làm kỹ thuật đưa ra các giải pháp về KTX cho mỗi hạng mục trong các công trình họ tham gia. Công trình KTX phải được nghiên cứu tổng thể từ phương án quy hoạch đến từng chi tiết cấu tạo nhỏ nhất như giải pháp chắn nắng, thoát nước,…
 
P/v: Những kinh nghiệm của Ông trong việc thiết kế các công trình Kiến trúc Xanh tại Việt Nam và trên thế giới.
 

KTS Gary Sharp: PTW may mắn có nhiều cơ hội thiết kế tại các quốc gia trên thế giới. Ở những nước phát triển, thiết kế công trình KTX trở nên dễ dàng hơn do họ đã có lịch sử áp dụng KTX từ lâu, cũng như có các tiêu chí đánh giá cụ thể và tiêu chuẩn rõ ràng để các KTS làm theo. Ví dụ, ở Mỹ có hệ thống đánh giá LEED, ở Anh có BREEAM hoặc ở Úc có Green Star… Khoa học công nghệ và sự đa dạng của vật liệu cũng là yếu tố thuận lợi. Không những thế chúng tôi lại đươc sự ủng hộ của các Nhà đầu tư vì họ ý thức được rất rõ lợi ích lâu dài và thiết thực của các công trình KTX mang lại.
 
Ở Việt Nam, các bạn có một nền lịch sử và văn hoá lâu đời nên KTX ở một chừng mực nào đó cũng đã hiện hữu từ rất lâu trong các công trình kiến trúc như đình chùa hay nhà cổ truyền. Tôi còn nhớ, hồi mới qua đây có một người bạn KTS Việt Nam đã nói cho tôi một vài câu tục ngữ của các bạn như: “Lấy vợ hiền hoà, làm nhà hướng Nam” hoặc là: “Trước cau, sau chuối”. Các giải pháp xử lý về hướng, hình dáng kiến trúc, vật liệu xây dựng, cảnh quan cây xanh,… ở các công trình cổ được đúc kết qua thời gian, có nhiều giá trị về tính bền vững trong Kiến trúc, chỉ là chưa được hệ thống hoá mà thôi. 
 
Ở các công trình PTW đang thiết kế tại Việt Nam, trong điều kiện kinh tế hiện tại, quan điểm của chúng tôi là không đưa ra các giải pháp tốn kém như sử dụng vật liệu, công nghệ đòi hỏi suất đầu tư cao. Thay vào đó, chúng tôi khai thác các yếu tố khí hậu như hướng nắng, hướng gió, vật liệu bền vững tại địa phương; nghiên cứu giải pháp thông thoáng tự nhiên; tái sử dụng nước mưa để làm sạch bề mặt công trình và tưới tiêu cho cây xanh,… Ví dụ, trong các thiết kế nhà chung cư chỉ cần khéo léo một chút là chúng tôi có thể tổ chức được những không gian với sự thông thoáng và chiếu sáng tự nhiên. 
 
P/v: Nghề Kiến trúc có những đặc thù riêng, Nhân ngày Kiến trúc Việt Nam (27/4), Ông có thể tâm sự những suy nghĩ về nghề với các KTS trẻ Việt Nam.
 
KTS Gary Sharp: Vâng, đúng là nghề này có đặc thù rất riêng. Thông thường, Kiến trúc chỉ được ví với Hội hoạ và Điêu khắc – hai bộ môn nghệ thuật hình ảnh gần nhất với Kiến trúc. Nhưng đặc thù của Kiến trúc chính là ở sự ảnh hưởng rộng lớn tới Xã hội. Chính vì vậy, mà nhà điêu khắc nổi tiếng Constantin Brancusi đã từng nói “Kiến trúc là nghệ thuật điêu khắc sống” (Architecture is inhabited sculpture).
 
Trong thời gian làm việc tại Việt Nam, tôi nhận thấy ở đất nước các bạn lực lượng KTS trẻ  rất hùng hậu.  Họ là những người năng nổ, có tài năng và nhiệt huyết. Ở đất nước chúng tôi, bạn phải là KTS có đủ độ tuổi và nhiều kinh nghiệm mới đủ tư cách để tham gia các công trình lớn. Còn ở đây, do tốc độ đô thị hoá diễn ra nhanh chóng, các KTS trẻ Việt Nam được trao nhiều cơ hội tham gia các công trình có qui mô lớn, những công trình phức hợp, nhà cao tầng. Một điều tôi cảm nhận là nhiều KTS trẻ tuy có năng lực và giỏi về nghề nhưng vẫn chưa ý thức được trọng trách nặng nề của họ đối với người sử dụng nói riêng và xã hội nói chung. Điều này thường chỉ được nhận ra ở các KTS có tuổi và có thâm niên trong nghề. Trong giới KTS chúng tôi thường nói: “Nếu bạn làm quy hoạch, một nét vẽ của bạn có thể tác động đến cuộc sống của hàng nghìn thậm chí hàng trăm nghìn người, còn bạn làm công trình thì một nét vẽ cũng sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm người”.  Ở đây tôi muốn nói đến một khái niệm ít được đề cập tại Việt Nam trong giới KTS trẻ đó là “Đạo đức nghề nghiệp” (professional ethic). Trong khi đó, trên thế giới đây là yếu tố không thể thiếu trong hành nghề Kiến trúc chuyên nghiệp. Ở các nước khác, ngay từ khi còn đang theo học, các sinh viên Kiến trúc đã được đào tạo rất bài bản về các quy tắc hành xử theo đúng đạo đức. Môn học có tên là “Professional ethic” dạy các KTS trẻ những điều nên và không nên làm khi hành nghề trong tương lai. Một trong những khía cạnh được đề cập rất nhiều đó là trách nhiệm của những KTS đối với xã hội và không vì lợi nhuận tài chính từ Nhà đầu tư mà quên đi người sử dụng – những người thực sự là Chủ nhân sau này của công trình. 
 
Cuối cùng, tôi xin mượn câu nói nổi tiếng của KTS Frank Lloyd Wright để nhắn nhủ đến các đồng nghiệp, KTS trẻ Việt Nam: “Một Kiến trúc sư giỏi chưa hẳn được tạo nên từ một bộ óc thông minh mà hơn hết từ một trái tim nhân hậu & giàu nhiệt huyết” (A great architect is not made by way of a brain nearly so much as he is made by way of a cultivated, enriched heart)! 
 
P/v: Xin cảm ơn Ông về cuộc trò chuyện!
 
Kim Thúy (thực hiện)