Tạn mạn chuyện Luật Kiến trúc

Tôi đang hoài nghi về một “mối tình” 30 năm của tôi – “Tình Kiến trúc”.  Một công việc tôi theo đuổi trên 30 năm với đầy đủ cay đắng ngọt bùi. Tôi thuộc loại lạc quan nhất trong số những người làm nghề mà tôi biết. Tôi thường không thất vọng, hay chê bai một trường phái kiến trúc nào, hay một biểu hiện nào mà kiến trúc đã để lộ ra khiến xã hội đàm tiếu. Khi đứng trước những xu hướng đó, tôi chỉ nghĩ rằng: rồi nó sẽ thay đổi, sẽ được xóa đi và làm lại bởi vì nó không hợp quy luật. Mà không hợp quy luật thì tất yếu là tự nó rồi sẽ phải thay đổi. Tuy vậy, chuyện đời đâu đơn giản. KTS chúng ta ngày càng chịu nhiều áp lực của xã hội, những gì cần làm ngay không thể đợi để mong ngày mai thay đổi theo những phép  “thử sai”.
Một câu hỏi đặt ra là KTS có phải thực sự là những người nghệ sĩ, là người làm nên văn hóa, làm nên diện mạo cho cuộc sống một xã hội? – Môi trường nào là môi trường dành cho họ để thi thố nghệ thuật? Hội KTS được Nhà nước công nhận là một thành viên của Hội Liên hiệp các Hội Văn học và Nghệ thuật – Có nghĩa đây là tổ chức của một nhóm người làm nghệ thuật. Như vậy, chúng tôi chịu trách nhiệm với xã hội cũng giống như các nghệ sĩ Sân khấu, Nhiếp ảnh, Họa sĩ, Điêu khắc gia… Đó là những con người hoạt động trong một vùng trời sáng tạo, mà đã gọi là sáng tạo thì có “Luật Sáng tạo” hay không?
Gần đây, giới KTS tham gia góp ý cho dự thảo Luật Kiến trúc đang được soạn thảo bởi BXD. Câu hỏi chúng tôi đặt ra là: Điều gì khác biệt giữa Luật Kiến trúc và Luật Xây dựng? Tại sao không phải là Luật Kiến Trúc Sư giống như Luật Luật Sư? Tôi có đọc hết danh mục các loại Luật có tại VN thì may ra có Luật Điện ảnh là có dính líu đến một lãnh vực của nhóm làm nghệ thuật này. Nhưng Luật Điện ảnh chỉ gói gọn trong việc “sản xuất, phát hành và lưu trữ…”
Trong Dự thảo Luật Kiến trúc, người  ta đề cập đến việc “giữ gìn bản sắc dân tộc”, “kiến trúc xanh” – là một trong số các tiền đề để đưa vào luật.(!?). Tôi tự hỏi: trong sáng tạo, nhỡ kiến trúc mình hơi lai Tây một chút là phạm luật? Hoặc nhỡ không “xanh”, không “tiết kiệm điện” lắm cũng phạm luật? Nếu thiết kế gây ô nhiễm thì phạm Luật Môi trường nhưng nếu gây “ô nhiễm Kiến trúc” lấy thước nào đo?.  Không biết rồi lỡ sai thì theo điều khoản nào, khung hình phạt nào? và nhất là dành cho ai?
Tôi vẫn chưa hình dung ra điều gì sẽ thuộc Luật Kiến Trúc và điều gì sẽ thuộc Luật Xây dựng và đến lúc thực thi thì điều gì sẽ xảy ra giữa hai bộ Luật này?.
Cho nên, trong anh em KTS chúng tôi vẫn thường thiên về một giải pháp cho Luật KTS, nghĩa là luật kiểm soát hành vi của người làm công việc Kiến trúc. Bởi vì đây là điều kiện để Nhà nước bảo vệ quyền lợi của người làm nghề và cả cho người tiếp nhận thành quả là xã hội. Còn tất cả các điều khoản để có thể ràng buộc bằng chữ nghĩa và con số cho một công trình chỉ có thể xuất hiện ở Luật Xây dựng. Ở Pháp có Luật Kiến trúc nhưng không có Luật Xây Dựng và ở Singapore có Luật Kiến Trúc Sư. Ở đó, hành vi của KTS trong chuyện làm nghề là phải tôn trọng các Tiêu chuẩn xây dựng (code) và tôn trọng các điều khoản được quy định bởi các luật khác như luật Doanh Nghiệp, Luật tác quyền, Luật nhà ở, Luật Xây dựng…
Những câu chuyện tản mạn dưới đây cho thấy ta cần có Luật bảo vệ cho KTS nếu không muốn những chuyện tương tự xảy ra.
Tôi tham dự cuộc thi “Ý tưởng kiến trúc Tháp Hùng Vương lần hai” do UBND Tỉnh Phú Thọ, Ban Giám đốc Khu Di tích Lịch sử Đền Hùng cùng Hội KTS Việt Nam và Viện Kiến Trúc phối hợp tổ chức. Cuộc thi đem đến cho chúng tôi niềm phấn khích được đóng góp cho đất nước, nên cho dù việc tài trợ chỉ vẻn vẹn 10 triệu đồng cho mỗi đơn vị (chỉ đủ tiền vé tàu bay đi về cho chuyến tham quan) thì chúng tôi vẫn không màng. Việc tham gia của các công ty tư vấn cũng rất đông đảo, có đơn vị làm cả mô hình, trên mạng, chúng tôi còn xem được clip video quay cảnh Hội đồng tuyển chọn rất hoành tráng. Danh sách được công bố trên…mạng. Và tất cả chỉ có thế. Và đã ba năm nay, không một thư thông báo, không một buổi phát giải và mọi việc chỉ được biết trên thông tin của một trang web, thậm chí không một câu trả lời thỏa đáng từ các quan chức trong Ban Tổ chức mà tôi đã cất công hỏi trực tiếp. Trong khi theo điều 9 của Quy chế cuộc thi ghi rất rõ ràng: “03 Giải nhất 80 triệu đồng, 05 đồ án được giải khuyến khích mỗi giải 30 triệu đồng…. – 03 đồ án đạt giải A từ cuộc thi lần 1, các phương án đạt giải lần 2 sẽ được BTC trưng bày, giới thiệu tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng vào dịp lễ hội Đền Hùng năm 2010.”… Riêng tôi, không mong đến một khoản tiền thưởng bởi ngay bản thân số tiền thưởng cũng không xứng đáng với công sức thực sự nhưng điều mất mát lớn nhất chính là sĩ diện, niềm tin vào một hệ thống bảo vệ cho môi trường nghề nghiệp của mình. Điều này sẽ xuất hiện ở “Luật Kiến Trúc” hay “Luật cho Kiến Trúc Sư”?
Một câu chuyện khác: Trước cửa nhà tôi, cách 5m có một công trình kiến trúc xấu có thể vào bậc nhất trên thế giới. Đó là căn chòi của “Đội dân phòng”. Thời gian gần đây, hàng vài trăm căn chòi như thế mọc lên khắp thành phố Hồ Chí Minh. Điều đáng nói là căn chòi này không phải bằng gỗ, ọp ẹp rẻ tiền mà là một căn bằng khung thép, vách thép, mái tôn – Có nghĩa là khá kiên cố và nếu bỏ đi sẽ uống phí một khoản ngân sách kha khá. Tôi không nghĩ đây là một tác phẩm của một KTS, bởi vì một KTS kém sĩ diện nhất cũng không thể vẽ một tác phẩm như thế này. Chúng ta có thể thấy dễ dàng những căn chòi này nằm bên cạnh những tòa nhà hiện đại nhất ở trung tâm của TP. Đấy, quý vị thấy đấy, đâu phải chuyện nào KTS chúng tôi cũng được tham gia để làm, đâu phải lúc nào tiếng nói của chúng tôi cũng được cộng đồng địa phương lắng nghe. Quy chế nào cho KTS tham gia chuyện xóm làng, chuyện giữ gìn màu sắc cho quê hương. Rồi lại trở lại những câu chuyện nhàm chán của việc “người nước ngoài nói một câu thì dỏng tai lên nghe chăm chú” còn tiếng nói người nhà thì nghe ..vo ve.
Nói đến đây sực nhớ lại, cách đây 15 năm, tôi có rất nhiều bạn đồng nghiệp nước ngoài thường xuyên liên lạc, lui tới. Họ qua Việt Nam tìm đến các văn phòng KTS trong nước để liên kết, mời gọi làm cộng sự. Thời đó phải nói là “dập dìu ong bướm”. Bởi vì, ở các nước Châu Á khác như Thái Lan, Hàn Quốc, chính sách bảo hộ cho KTS trong nước vẫn tồn tại – nghĩa là ai đến làm nghề Kiến trúc đều phải có trách nhiệm liên kết với người nội địa trong những dự án xây dựng. Sau này, do có chính sách cho người nước ngoài hành nghề trong nước với vốn 100% nước ngoài, ai cũng có thể mở được riêng cho mình mà không cần liên kết với KTS nội địa nữa nên tôi mất dần sự lui tới của họ. Và, cũng chợt nhận lúc này cuộc cạnh tranh đã cực kỳ khốc liệt và KTS Việt Nam cầm chắc phần thua trên sân nhà do ý thức sính ngoại vẫn chiếm lĩnh. Chưa kể những câu chuyện cay đắng của các chủ đầu tư trong nước thú nhận đã sai lầm khi trao thân gửi phận cho các công ty nước ngoài mà không rõ nhân thân. Nhưng khi hiểu ra thì cả hai anh chàng nội địa: KTS và chủ đầu tư đều mất mát. Vậy, thứ Luật nào được sinh ra để bảo vệ cho cả hai đối tượng nếu không ngoài Luật cho người làm Kiến trúc và nghiệp đoàn của họ?
Thực ra, không phải bộ phận nào của giới làm nghề Kiến trúc chúng ta cũng đều mong bị Luật ràng buộc, bởi vì lợi ích của một nhóm người nào đó vẫn còn tồn tại trong một bối cảnh quản lý còn  tù mù. Ngay cả khi có Luật, chúng ta cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng bao giờ cũng vậy, cuộc chơi cũng chỉ có thể thú vị khi có “luật chơi” rõ ràng và người ta cũng sẽ có được kết quả tốt đẹp khi được  hiểu giống như nhau trong mọi diễn biến. Nhất là đối với nghề kiến trúc của chúng ta: một nghề có ảnh hưởng rất mạnh đến bộ mặt xã hội, tài chính, văn hóa và lịch sử xã hội…
KTS Dương Hồng Hiến