KTS trẻ – Đấu trường nào cho thời hội nhập?

Bước vào thế kỷ XXI, nghề KTS khắp thế giới chuyển biến mạnh mẽ ra sao? Giới kiến trúc đang đối mặt với các vấn đề gì và đấu trường của các bạn trẻ KTS Việt Nam sẽ như thế nào trong bối cảnh này? Đó là nội dung cuộc trò chuyện với sinh viên và KTS trẻ của KTS Nguyễn Hữu Thái tại Quỹ học bổng Huỳnh Tấn Phát* vừa qua tại TP.HCM.

Tòa tháp đôi trước Chợ Bến Thành

Văn phòng kiến trúc nhường chỗ cho công ty kiến trúc – xây dựng

Trong tình hình kinh tế khó khăn chung bao trùm cả thế giới và Việt Nam, nhiều câu hỏi đã được giới nghề đặt ra: Liệu nghề KTS kiểu truyền thống có tồn tại trong thời đại mới? Muốn tồn tại nghề này phải chuyển đổi ra sao? Ta đã chuẩn bị được gì để có thể hội nhập tích cực vào khu vực và thế giới?  

Suốt mấy thập kỷ qua, giới kiến trúc phương Tây đã theo sát những vấn đề sống còn của nghề kiến trúc. Họ từng tiến hành nghiên cứu những xu thế xã hội, các công nghệ, kỹ thuật mới đang ảnh hưởng đến ngành thiết kế, đến phương pháp hành nghề, khả năng KTS đáp ứng yêu cầu của thị trường và khách hàng tương lai. Giới kiến trúc ngày nay đang đối mặt với những đổi thay dữ dội, không chỉ công nghệ làm thay đổi sâu sắc quy trình thiết kế mà các biến động to lớn về kinh tế – xã hội, môi trường xây dựng cũng có tác động quyết định đến nghề kiến trúc. Mặt khác, KTS đang bị sức ép từ nhiều phía: Khách hàng tinh tế và đòi hỏi nhiều hơn, vì lợi ích cộng đồng nên yêu cầu chất lượng thiết kế và quy hoạch phải rất linh hoạt, sự cạnh tranh mãnh liệt thu hẹp vai trò KTS, trách nhiệm pháp lý chi phối nhiều trong quá trình thiết kế trong khi thù lao tỏ ra chưa tương xứng…  

Bước vào thời hậu – công nghiệp, các nghề truyền thống, trong đó có nghề KTS đánh mất dần vai trò người chủ trì công trình (Master Builder) chỉ đạo thiết kế lẫn quá trình thi công. 

Tuy nghề kiến trúc bị cạnh tranh gay gắt và khó tìm việc làm, nhưng vẫn còn khá hấp dẫn đối với lớp trẻ ở phương Tây. Số lượng tuyển sinh vào trường kiến trúc vẫn khá cao, nhưng giống như nghề y, nghề kiến trúc nay được đào tạo dưới nhiều dạng chuyên sâu về thi công, kỹ thuật khác của quá trình thiết kế. Với số lượng KTS tăng gấp đôi trong thời gian qua, nhiều người tốt nghiệp kiến trúc phải tìm việc trong các ngành nghề khác. Họ tìm công việc tại các công ty thầu xây dựng, địa ốc, quản lý dự án, trang trí, các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng… 

Văn phòng thiết kế kiến trúc kiểu cũ ngày càng nhường chỗ cho các văn phòng tư vấn xây dựng công trình “A & E (Architects & Engineers) Office” quy mô ngày càng lớn, cung cấp các dịch vụ đa dạng bao gồm địa ốc, quy hoạch xây dựng và kinh tế, quản lý chương trình và quản lý xây dựng, quản lý công trình công cộng và thậm chí tìm kiếm nguồn tài chính đầu tư xây dựng. Công ty tổng hợp quy hoạch – kiến trúc – xây dựng này được quản lý chặt chẽ hơn và hoạt động kinh doanh theo định hướng, và sẽ sử dụng người quản lý không chỉ tốt nghiệp ngành kiến trúc mà còn là những doanh nhân và luật sư. Họ cạnh tranh ráo riết và tìm cách cung ứng những dịch vụ khác với dịch vụ thiết kế truyền thống, nhằm phục vụ công trình xây dựng từ A đến Z.

Thực trạng làm nghề KTS ở nước ta hiện nay

Xây cất ở Việt Nam thì nhiều, nhưng hỗn độn, chất lượng kém và chưa có nét riêng. Mặt khác, không ít KTS trong nước than vãn là không thể hành nghề một cách nghiêm túc được. Đông đảo lớp trẻ công việc không ổn định, phải xoay xở làm nhiều nghề khác kiếm sống. Vì sao có tình trạng nêu trên?

Người có kinh nghiệm làm nghề trước năm 1975 ở Sài Gòn cho rằng: Hiện nay chúng ta chưa làm tốt khâu hành nghề thiết kế, tổ chức và quản lý hành nghề kiến trúc kiểu không tạo môi trường làm việc nghiêm túc cho giới sáng tác kiến trúc. Luật Kiến trúc loay hoay cả chục năm nay chưa ra nổi.

Đặc biệt, giải pháp giao cho người nước ngoài thiết kế nhiều công trình đã tạo ra lãng phí, khi không sử dụng đội ngũ KTS Việt Nam. Trừ một số công trình đặc biệt, phần lớn công trình do nước ngoài thiết kế có đơn giá quá cao, điều hành bảo quản tốn kém, không phù hợp với điều kiện sử dụng tại Việt Nam (phung phí năng lượng, lạm dụng điều hòa nhiệt độ, ít tận dụng ánh sáng, thông thoáng tự nhiên, không phù hợp với thời tiết khí hậu nhiệt đới). Và điều oái ăm là công ty thiết kế nước ngoài thuê mướn lại KTS trong nước triển khai thiết kế thay cho họ với giá rẻ mạt!

Nếu có quy định phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các khâu thiết kế và thi công, việc quản lý xây dựng công trình sẽ đơn giản, mọi vi phạm đều có pháp luật xử lý. Riêng trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc cần làm rõ ngay những vấn đề sau:

– Chủ trì thiết kế, hay tác giả đồ án (còn gọi là “nhạc trưởng”) là phần việc của KTS. Do đó, các bản vẽ kiến trúc từ khâu sơ phác, sơ bộ, chi tiết phải được xem là khâu sáng tác chủ đạo, quyết định phần công năng và mỹ thuật kiến trúc của công trình.

– Các khâu khác trong thiết kế như kết cấu, điện, nước, mạng lưới kỹ thuật phải bám sát theo thiết kế kiến trúc, thể hiện đúng theo ý đồ kiến trúc. 

Tóm lại, bên thiết kế chủ yếu bảo đảm công năng sử dụng, mỹ thuật kiến trúc, giám sát công trình. Do uy tín nghề nghiệp, trách nhiệm trước pháp luật, cạnh tranh về chất lượng, đơn vị thi công thường tự tổ chức giám sát riêng, với đội ngũ chuyên viên có trình độ.

Thói quen bao cấp nay vẫn còn đeo đẳng nghề kiến trúc. Theo thông lệ quốc tế trong nền kinh tế thị trường, văn bằng cấp phát ở đại học chỉ là một chứng chỉ xác nhận trình độ đào tạo chuyên môn, “Đoàn nghề nghiệp” mới là tổ chức quyết định về việc hành nghề tư vụ. Tốt nghiệp bất cứ một ngành học nào, sau một thời gian thực tập ta có thể thi để lấy chứng chỉ hành nghề, do tổ chức nghề nghiệp cấp phát. Đây là một dạng thi tuyển làm nghề, do Nhà nước ủy quyền cho Đoàn nghề nghiệp thực hiện theo đúng luật hành nghề chuyên môn nào đó. Đối với nghề thiết kế kiến trúc cũng phải tổ chức như vậy, giống như Đoàn Luật sư (hiện nay ở nước ta), và các Đoàn Bác sĩ, Đoàn Kỹ sư, Đoàn Kiến trúc sư… (có mặt ở miền Nam trước 1975 và ở nước ngoài).

Nhìn ra các nước Đông Nam Á, phải nói là hầu hết đã ổn định việc đào tạo kiến trúc theo kiểu Âu-Mỹ và tổ chức nghề nghiệp phổ biến dưới dạng “Đoàn nghề nghiệp KTS”. Chỉ ở nước ta lâu nay vẫn còn tình trạng nhập nhằng giữa kinh tế hoạch định và thị trường. Muốn hội nhập với thế giới, nghề kiến trúc phải sớm giải quyết các vấn đề sau:

– Trước hết, cần nhanh chóng nâng cấp đào tạo KTS của ta ngang tầm với thế giới, chuyển đổi theo các chuẩn quốc tế và phải được thế giới công nhận.

– Kế đó là phải tạo khung pháp lý cho nghề kiến trúc (qua Luật Kiến trúc), xác định lại vai trò thiết kế của KTS, tập hợp lực lượng, tổ chức lại nghề nghiệp chuyên môn của mình. Đặc biệt phải tạo được nội lực để giới kiến trúc trong nước hội nhập ngang tầm với đồng nghiệp thế giới. 

Về việc đào tạo KTS, trước hết phải soạn thảo lại giáo trình và phương cách đào tạo để bằng cấp của ta phải được thế giới công nhận. Như vậy, ta mới có khả năng bàn đến việc các tác phẩm kiến trúc của KTS Việt Nam được công nhận, mới có thể tham gia các cuộc thi thiết kế quốc tế. Trên nguyên tắc khi nước mình cho phép KTS nước ngoài hành nghề tại Việt Nam thì họ phải cho phép ngược lại. Nếu không, thì ngay từ vòng loại (xem xét về năng lực thiết kế) mình đã bị loại rồi! 

Hiện nay, không ít KTS trong nước vẫn còn chủ quan khi cho rằng KTS ta so với thế giới không thua kém ai. Nhưng những người từng thực sự cọ xát với các cuộc thi kiến trúc quốc tế đều chứng minh điều ngược lại. Nếu ta dám khẳng định mình ngang tài với đồng nghiệp nước ngoài, thì ta phải chấp nhận thi thố tài năng mình và thắng họ tại chính đất nước họ.

Cần chuẩn bị gì cho hội nhập tích cực vào ASEAN và thế giới? 

Thuê quy hoạch lẫn thiết kế công trình và cả thi công đến từ bên ngoài đang là cái mốt mới khá phổ biến hiện nay. Không ít người đang lo ngại: Với đà toàn cầu hóa như hiện nay, phải chăng đô thị Việt Nam sẽ ngày càng quốc tế hóa, nặng phong cách kiến trúc hiện đại phương Tây? 

Gần đây, trong một tạp chí khá nổi tiếng ở Hoa Kỳ là Architectural Record (Kỷ lục Kiến trúc) đã đăng một bài dài với hàng tít lớn: “Phải chăng Việt Nam là điểm dừng chân mới cho các KTS?” Các KTS ở đây là nói về các KTS quốc tế, chủ yếu đến từ phương Tây. 

Hiện có khoảng 24 công ty thiết kế lớn các khu vực Bắc Mỹ và Tây Âu, Nhật Bản đang có các dự án lớn ở các nước Đông Nam Á, nhiều công ty đó có mặt ở Việt Nam. Nổi tiếng nhất là các công ty thiết kế  hàng đầu thế giới, mang tính đa quốc gia như  Foster & Partners (Anh), HOK, Skidmore, Owings & Merrill – SOM (Mỹ). FPT City ở Đà Nẵng và “Hanoi Green Tech City” (Thành phố công nghệ xanh) ở Hà Nội do SOM quy hoạch hiện đang tích cực triển khai xây dựng.  

Người đứng đầu công ty thiết kế Carlos Zapata có trụ sở tại Chicago là KTS Anthony Montalto cho biết: “Việt Nam đang bắt đầu quá trình hội nhập với ngày càng nhiều các toà nhà thiết kế theo kiểu phương Tây, bởi vì Việt Nam muốn tạo một dấu ấn trên trường quốc tế. Đang có một cơ hội thật sự để chúng ta thử nghiệm những điều mới mẻ”. Tòa tháp mang hình tượng búp sen nở Bitexco Financial 68 tầng ở TP.HCM do hãng này thiết kế. Và tại Hà Nội là khách sạn Marriott 450 phòng tựa như 1 chiếc vành móng ngựa cong nếu nhìn từ trên xuống.  

Theo KTS Ming Wu (nhà thiết kế chính cùng với các KTS của Ehrenkrantz Eckstut và Kuhn EE&K, do Perkins Eastman sở hữu), hiện nay có hàng tá công ty của Mỹ đang có mặt tại thành phố phía Nam của Long Xuyên: “Càng ngày càng có nhiều KTS đến làm việc tại Việt Nam.”

Các công ty thiết kế Anh, Đức cũng đang hoạt động tích cực tại Việt Nam, Công ty gmp (Đức) do giáo sư Meinhard von Gerkan đứng đầu đã từng thiết kế Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Nhà Quốc hội. Mùa thu năm ngoái, Foster & Partners đã tiến hành lễ động thổ xây dựng một Tổ hợp Ngân hàng tại Hà Nội. Họ cũng tích cực tham gia cuộc thi thiết kế  Nhà hát Thăng Long. Tại TP.HCM, các công ty thiết kế Mỹ (Sasaki), Nhật Bản (Nikkei Seikei) lẫn Pháp (Deso) đều tham gia quy hoạch Thủ Thiêm, khu trung tâm TP.HCM mở rộng. Các công ty quy hoạch và thiết kế Singapore khá bận rộn với các phương án quy hoạch khu đô thị mới Bình Dương.

Khuynh hướng giao cho các công ty quốc tế lớn thiết kế công trình ở Việt Nam có mặt tích cực là thổi một làn gió mới vào tiến trình phát triển đô thị mới ở nước ta, nhưng phải chăng nó cũng có mặt tiêu cực là làm cho bộ mặt đô thị mất dần đặc điểm kiến trúc truyền thống sinh thái mang tính nhiệt đới đặc trưng của Việt Nam. 

Làm sao tạo được nội lực để cạnh tranh

Ta phải sớm nhận thức rằng: Nghề thiết kế kiến trúc đang trở thành một dịch vụ kỹ thuật, sẽ phải tham gia vào một môi trường hành nghề cạnh tranh theo cơ chế thị trường thế giới. Đã đến lúc Việt Nam phải mở cửa cho các tổ chức thiết kế xây dựng quốc tế và khu vực vào hành nghề tự do theo thoả thuận AFTA (Asia Free Trade Agreement), Thương mại Thế giới WTO (World Trade Organization), rồi hướng tới hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP (Trans-Pacific Partnership). 

Đối với anh em làm việc trong các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ kỹ thuật thì việc hội nhập với những cam kết mậu dịch tự do quốc tế đang đặt ra thật nhiều vấn đề nan giải. Cái lo lắng nhất là nhìn thấy các tổ chức trong nước cứ “bình chân như vại”, không mấy quan tâm! Vậy mà mốc thời gian 2015 đã gần kề, theo như cam kết, Việt Nam sẽ buộc phải để chuyên gia đồng nghiệp các nước Asean vào hoạt động tự do ở nước ta. 

Việt Nam hiện đang có cả vạn KTS nhưng hoạt động nghề nghiệp còn rất manh mún, thiếu tổ chức, mạnh ai nấy lo. Chúng ta chưa tập hợp được lực lượng chung có tổ chức. Trong hành nghề ta vẫn còn mò mẫm, tự tìm cho mình lối đi riêng, phải rất vất vả cạnh tranh với tập thể KTS nước ngoài có tổ chức, được hỗ trợ khá mạnh về tài chính thì chắc chắn ta bị thua thiệt mà thôi. Hậu quả là KTS Việt Nam không có khả năng tham gia thiết kế những công trình quy mô lớn ngay tại đất nước mình, cuối cùng phải đi làm thuê cho các công ty nước ngoài hoặc phải chuyển ngành. 

Hội KTS sẽ làm gì để lực lượng KTS được hoạt động nghề nghiệp trong môi trường tốt nhất. Trước mắt là phải tạo được một đội ngũ KTS lành nghề và thực sự có nội lực, bằng cách:

– Thường xuyên nâng cao tay nghề (qua đào tạo lại, cập nhật kiến thức mới). Tích cực tạo việc chuyển giao công nghệ (từ nguồn KTS Việt kiều, bạn bè quốc tế, quan hệ vùng Đông Nam Á, Đông Á).

– Đoàn kết nhau, tập họp lại, đa dạng hoá ngành nghề để tạo nội lực (quy tụ trong các công ty kiến trúc – xây dựng quy mô lớn nhằm tạo sức mạnh cạnh tranh quốc tế). 

Như vậy, công việc trước mắt của chúng ta so với đồng nghiệp thế giới sẽ khó gấp đôi, vừa cùng lúc tổ chức lại nghề nghiệp vừa tạo nội lực cạnh tranh với đồng nghiệp bên ngoài. Phải biết chủ động thích ứng với thay đổi, chuẩn bị tốt hơn, sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm để sáng tạo trong môi trường xây dựng mới, thiết thực phục vụ các nhu cầu của nhân dân bước vào thế kỷ XXI. 

KTS Nguyễn Hữu Thái