KTS Trẻ – Sống được làm nghề!

Đó chính là thông điệp được nhiều người đồng tình tại Liên hoan KTS Trẻ toàn quốc “Âm vang xứ Thanh” 2015 tại Thanh Hóa. Các phiên bản khác của thông điệp này là: “Sống được với nghề!”, “Làm nghề sống được!”…
Chặng đường gian nan để sống được với đam mê sáng tạo của nghề kiến trúc đã thực sự bắt đầu khi các bạn nhận bằng tốt nghiệp KTS. Nhiều bạn KTS trẻ đã chọn cách đi và học hỏi, từ những kỹ năng nghề nghiệp đến cách dung hòa công việc và cuộc sống…

Bên cạnh bài viết “7 bí quyết để được tuyển dụng”, chuyên mục KTS Trẻ trên Tạp chí Kiến trúc đã ghi nhận vài ý kiến chia sẻ của một số KTS trẻ mới ra trường về nghề kiến trúc, kinh nghiệm khởi nghiệp và những bài học ban đầu. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Nguyen Bình Vĩnh ĐứcKTS NGUYỄN BÌNH VĨNH ĐỨC
K11 – trường Đại học Kiến trúc TPHCM (ra trường 2016)

KTS cần dung hòa công việc – khoa học – nghệ thuật và kiếm sống

Là một sinh viên kiến trúc chuẩn bị bước vào thực tế hành nghề, mong muốn lớn nhất của em cũng như đa số các bạn khác là có thể tìm được một công việc phù hợp, tích lũy kinh nghiệm và thỏa lòng đam mê kiến trúc. Trong bối cảnh nền kiến trúc Việt Nam đang có một thị trường mở, với nhiều công ty lớn nhỏ trong và ngoài nước cùng cạnh tranh, đòi hỏi chúng em phải tích cực hoàn thiện thêm nhiều kỹ năng cho bản thân, làm sao có thể cân bằng giữa những nhu cầu về kinh tế, việc làm và mong muốn giữ vững đam mê, nâng cao giá trị và bản sắc thiết kế của mình. Theo em, một KTS có thể gọi là thành công hiện nay cần dung hòa được giữa công việc kiến trúc vừa mang tính hoạt động khoa học – nghệ thuật hấp dẫn, vừa đem lại nguồn thu nhập về kinh tế ổn định cho bản thân và gia đình.
Đối với cá nhân em, điều em thực sự mong muốn là có thể hiểu rõ và áp dụng những đặc trưng kiến trúc bản địa của quê hương xứ sở, kết hợp với những kiến thức khoa học kỹ thuật hiện đại trong thiết kế và xây dựng, từ đó tìm ra bản ngã của riêng mình – phát triển một phong cách kiến trúc hội nhập nhưng cũng mang tính địa phương. Đó cũng là động lực đã giúp em hoàn thành đồ án tốt nghiệp, với đề tài một nhà máy chế biến lúa gạo có dây chuyền sản xuất và hình thức kiến trúc hiện đại, đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt của quốc tế về xây dựng, hoạt động, an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời cũng có tính lãng mạn, hòa hợp với thiên nhiên, với con người nơi quê lúa miền Tây hiền hòa và bình dị.

KTS NGUYỄN THÀNH ĐÔ
Khóa 13 – trường ĐH Bình Dương (ra trường 2015)

Hãy cứ đi và học hỏi thật nhiều

Tôi may mắn tốt nghiệp đúng hạn với tấm bằng loại khá, kiến thức – kỹ năng tương đối, trong quá trình kiếm việc cũng nhờ sự giúp đỡ của bạn bè thầy cô mà tôi có dịp trải qua nhiều môi trường làm việc khác nhau, nhiều loại công ty khác nhau với cách thức làm việc – trả lương – bóc lột khác nhau. Khi bắt đầu với nghề kiến trúc, người thầy dạy tôi từng nói: Học ngành này phải đi nhiều để biết đây biết đó, tới lúc ra trường đi xin việc thì tôi mới thực sự hiểu rõ câu nói này của thầy: Đừng tìm kiếm sự ổn định trong công việc, hãy cứ đi, cứ nhảy việc thật nhiều! Vì khi trải qua một công ty bạn sẽ hiểu được cách thức hoạt động cũng như định hướng của công ty đó. Tôi còn trẻ, tôi cần phải cống hiến  và cần phải thu về cho mình giá trị kinh nghiệm để phát triển bản thân, chứ không chỉ làm vì đồng tiền, miếng cơm manh áo. Có như vậy thì mới tích lũy được kinh nghiệm cho bản thân để có thể làm việc độc lập, để trở thành một KTS thật sự.
Khi phỏng vấn thì nhà tuyển dụng có vô số chiêu trò cũng như cách thức để ép lương, cũng như đưa ra viễn cảnh tươi đẹp nào đó để “đánh lừa” các bạn sinh viên mới ra trường. Mọi thứ các bạn cần chuẩn bị là sự tự tin, tỉnh táo để tìm hiểu thật kỹ công việc trước khi nhận lời làm việc. Tiền bạc không quan trọng, điều bạn cần quan tâm là không khí hiện tại trong phòng làm việc, các dự án của công ty liệu có hợp với bạn và đem lại kinh nghiệm bạn cần hay không. Để có được sự tự tin này thì chỉ có cách duy nhất là phải học và trau dồi kiến thức – kỹ năng thật nhiều khi còn trên ghế nhà trường.

Đối với các bạn không có được sự tự tin cần thiết thì đừng nản lòng, hãy cứ làm bằng mọi giá, để người khác “bóc lột” càng nhiều càng tốt đến khi nào có “giá” thì các bạn mới làm là các bạn đã thành công một phần. Học hỏi, hết mình vì công việc là các bạn đã tích lũy được thêm kinh nghiệm quan trọng. Và cuối cùng là ra đi tìm công ty khác, xem nhà tuyển dụng mới nói gì về bạn, nếu người ta trả lương cao hơn tức là bạn đã hoàn toàn có thể đứng vững và có thể độc lập phát triển con đường riêng của bạn!

Đõ Như Ý -1KTS ĐỖ NHƯ Ý
Học tại Đại học Kiến trúc Đà Nẵng (ra trường 2015)

KTS trẻ – Thuận lợi thì ít khó khăn thì nhiều

Khi mới ra trường, đa số các bạn sinh viên chưa biết nhiều nhưng tuổi trẻ có tinh thần nhuyệt huyết cao, không ngại đi công tác xa, rất ham học hỏi. Tuy nhiên, họ cũng gặp nhiều khó khăn: chưa hoàn thiện các kỹ năng (từ kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc, chưa có mối quan hệ).
Đại đa số công ty tư vấn thiết kế hay thi công ở Việt Nam đều nhỏ, tuyển người là chọn nhân viên chứ đâu phải tuyển dụng để đào tạo tốn kém; công ty lập ra để làm việc chứ đâu phải trường dạy, tuyển nhân viên để làm riêng hay team thì cũng là chung đâu phải tuyển vào lên phương án ai dám cho KTS mới “binh” phương án.
Cho nên, KTS mới ra trường thuận lợi thì ít mà khó khăn thì nhiều! Tinh thần nhiệt huyết để làm gì khi không biết việc cũng như kỹ năng làm việc.
Bản thân tôi, học nghề KTS tại Đà Nẵng, thị trường nhỏ, xây dựng ít, kéo theo lương cũng ít, khó có cơ hội mở rộng sự nghiệp. Khi bắt đầu vào TP HCM thì có nhu cầu phong phú, ít nhiều bị thua thiệt các KTS học ở TP HCM vì họ vó nhiều mối quan hệ, có lần từng nghe các đàn anh nói: “ở Việt Nam 80 % các hợp đồng là từ mối quan hệ trên bàn nhậu”. Trước đây, tôi đã có định hướng đi học việc trước, từ năm 3 đại học, nên cũng đỡ vất vả hơn các bạn.
Từ những kinh nghệm bản thân, lời khuyên cho các em đang còn học hay theo đuổi kiến trúc là:
Ghế giảng đường không là tất cả, hãy học ngoài công trình, ngoài xã hội;
Hãy luyện kỹ năng mềm cũng như trang bị kỹ năng hành nghề khi còn đi học, đừng trông đợi đến list giảng dạy của trường, bất kể trường nào, đừng để đợi đến lúc tốt nghiệp rồi mới học việc thì đã muộn.

KTS ĐẶNG HOÀNG SƠN
(K10 – Trường Đại học Kiến trúc TPHCM, ra trường năm 2015)

Tôi hy vọng có thể làm việc trong môi trường BIM ngay tại Việt Nam

Hiện tại tôi đang làm việc tại Tokyo, Nhật Bản cho công ty Okinawa DigitalVision. Tôi nhận công việc hiện tại do sự hợp tác của công ty với nhà trường. Vào khoảng tháng 6/2014, một số công ty trong lĩnh vực kiến trúc của Nhật Bản đã liên kết với trường đại học Kiến Trúc TP HCM tổ chức cuộc thi BIM Competition. Một năm sau đó, 2 trong số các công ty đã tài trợ cho cuộc thi đã tổ chức tuyển dụng các sinh viên đã từng tham gia và có kết quả tốt.
Thời điểm đó các sinh viên tham gia tuyển dụng có cơ hội lựa chọn làm việc ở Singapore (cho công ty Kajima KOA) và ở Nhật Bản (cho công ty Okinawa DigitalVision). Tôi đã quyết định chọn Nhật Bản là 1 trong 2 sinh viên được lựa chọn trong số 8 ứng cử viên được phỏng vấn trực tiếp.
Okinawa DigitalVision là một công ty chuyên về lĩnh vực BIM – Building Information Model. Khách hàng là những công ty xây dựng lớn cùng với các văn phòng thiết kế lớn của Nhật Bản. Sản phẩm của công ty là những mô hình BIM trên máy tính, từ những mô hình trong giai đoạn thiết kế concept cho đến mô hình khai triển thi công hoàn thiện.
Vị trí công việc hiện tại của tôi là một BIM Operator, người trực tiếp xây dựng những mô hình BIM hoàn chỉnh từ dữ liệu là các bản thiết kế 2D của khách hàng.
Khó khăn lớn nhất mà tôi gặp phải là quá trình học tập ngôn ngữ mới. Khác với làm việc ở các nước nói tiếng Anh hay các ngôn ngữ dựa trên hệ thống ký tự la tinh. Tiếng Nhật thực sự là một thách thức lớn trong công việc với hệ thống chữ viết và cấu trúc ngôn ngữ hoàn toàn khác. Do đặc thù công việc cần phải xử lý rất nhiều dữ liệu nhận được từ khách hàng, đồng thời luôn luôn yêu cầu phải trao đổi với các đồng nghiệp trong cùng dự án, nên đến hiện tại, sau 6 tháng làm việc chính thức tôi vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, do những đặc thù về kiến trúc Nhật Bản khác nhiều với kiến trúc Việt Nam nên khi làm việc tôi vẫn phải nghiên cứu thêm rất nhiều những tiêu chuẩn, quy chuẩn của kiến trúc Nhật Bản.
Tôi hi vọng trong thời gian làm việc tại Nhật Bản, sẽ có nhiều cơ hội để học hỏi về chuyên môn trong công việc thực tế của BIM nói riêng và ngành Kiến trúc nói chung.
Tôi cũng rất hi vọng trong tương lai sẽ có cơ hội làm việc trong môi trường BIM rất mới mẻ ngay tại Việt Nam.

Phan Hoàng NamKTS PHAN HOÀNG NAM
K10 – Trường Đại học Kiến trúc TPHCM (ra trường năm 2015)

Thất bại chỉ là khi bạn không cố gắng nữa!

Tốt nghiệp trường ĐH KiếnTrúc TPHCM vào tháng 8/2015, cũng như các bạn bè cùng khóa, tôi nộp hồ sơ và đi làm ở công ty. Sau hơn 1 năm, ít nhiều tôi cũng đã có cái nhìn của riêng mình về lĩnh vực kiến trúc.
Lúc vừa tốt nghiệp, tôi được nhận vào làm ở một công ty kiến trúc ở Quận 3, gần với nhà trọ hiện tại tôi đang sống. Làm việc một thời gian, tôi quyết định nghỉ việc và chuyển qua nghề tay trái là dạy đồ họa cho các bạn sinh viên. Nhìn lại khoảng thời gian đi làm trong công ty, tôi thấy mình đã có thể tự tay kiếm tiền, tạo thu nhập cho bản thân để không bị phụ thuộc vào kinh tế của gia đình. Học được cách làm việc trong môi trường tập thể, biết cách dung hòa tính cách của bản thân với mọi người trong công ty, học được thêm nhiều kiến thức thực tế, các vấn đề về kỹ thuật, thi công… Quan trọng hơn, tôi biết cách để dung hòa được yêu cầu của khách hàng và ý tưởng của bản thân để có thể đưa ra một sản phẩm tốt nhất
Tuy nhiên, khi đi làm tôi chỉ được phân công làm ở một mảng cố định, nên không học thêm được nhiều về những mảng khác trong quá trình thiết kế. Nhân viên mới thường xuyên phải tăng ca, đi làm vào cả buổi chiều thứ 7 trong khi đó tiền lương vẫn không được tăng, áp lực công việc cao khiến tôi cảm thấy số tiền lương nhận được cuối tháng chưa tương xứng với sức lao động đã bỏ ra.
Sau khi nghỉ việc, tôi nhận ra rằng, khi làm hồ sơ xin việc không nên chọn qua loa mà nên tìm hiểu, chọn những công ty phù hợp với thế mạnh của bản thân và có thể giúp mình khắc phục được những điểm yếu về chuyên môn cũng như kỹ năng. Nên gặp gỡ, tiếp xúc nhiều hơn với những anh chị đi trước để có thể mở rộng mối quan hệ, học hỏi được thêm những kinh nghiệm sống quý báu.
Hiện tại, tôi vẫn đang dạy đồ họa, vẫn đang trau dồi thêm kiến thức, học thêm tiếng Anh, trang bị thêm kỹ năng, vẫn luôn suy nghĩ để tìm cho mình một hướng đi dài hơn, bền vững hơn trên con đường kiến trúc đầy chông gai mà mình đang theo đuổi. Và bản thân vẫn luôn tin rằng không có gì là thất bại, thất bại chỉ là khi bạn không còn cố gắng nữa!!

ki-hoa-phong-canh-zestart (22)KTS LÊ NGHIÊM THẢO
K17 – Trường Đại học Văn Lang – TP. HCM (ra trường 2016)

Nên sống khiêm tốn và tin tưởng vào Thầy
Hành trang đầu tiên tôi có khi bước vào nghề kiến trúc là niềm tin mình sẽ sống được với nghề – nhất định phải cố gắng với nghề.
Tôi may mắn tham gia vào một nhóm học viên revit, mọi người lần lượt (hoặc trước đó) tìm được công việc để làm. Tôi chọn làm cho một công ty nhỏ, chuyên làm cải tạo – nội thất nhà phố, biệt thự. Mục đích của tôi là: Nâng cao kỹ năng vẽ máy, hiểu rõ quy trình khi làm trọn vẹn một công trình nhà phố. Vì là những công trình nhỏ nên ngoài học ở văn phòng thì tôi học ở công trình là chính, kết hợp làm việc với các nhà thầu nhỏ khác. Thật sự công việc với hình dung rất khác khi còn đi học, tôi được học lại mọi thứ một cách chính xác, cụ thể và phải làm được.
Và bên cạnh tinh thần học hỏi, tôi nghĩ thái độ khi đi làm cũng quan trọng. KTS thường có cái tôi lớn, sinh viên mới ra trường lại càng có những ý tưởng bay bổng. Đó là khuyết điểm lớn, nên sống khiêm tốn và tin tưởng vào sếp (hoặc người quản lý, leader) – người thầy sẽ dạy nghề thật sự cho mình.

Dang Hoang SonKTS ĐẶNG HOÀNG SƠN
K10 – Trường Đại học Kiến trúc TPHCM (ra trường năm 2015)

Giới thiệu về bản thân:
Tôi là Đặng Hoàng Sơn, là sinh viên khóa K10 của trường đại học Kiến Trúc Tp Hồ Chí Minh. Tôi vừa tốt nghiệp với kết quả tương đối tốt trong năm 2015 vừa rồi. Hiện tại thì tôi đang làm việc tại Tokyo, Nhật Bản cho công ty Okinawa DigitalVision.
Về quá trình tuyển dụng:
Tôi đã được nhận vào vị trí công việc hiện tại là do sự hợp tác của công ty với nhà trường. Vào khoảng tháng 6/2014, một số công ty trong lĩnh vực kiến trúc của Nhật Bản đã liên kết với trường đại học Kiến Trúc TpHCM tổ chức cuộc thi BIM Competition. Một năm sau đó, 2 trong số các công ty đã tài trợ cho cuộc thi đã tổ chức tuyển dụng các sinh viên đã từng tham gia và có kết quả tốt.
Thời điểm đó các sinh viên tham gia tuyển dụng có cơ hội lựa chọn làm việc ở Singapore cho công ty Kajima KOA và ở Nhật Bản cho công ty Okinawa DigitalVision. Tôi đã quyết định chọn Nhật Bản vì bản thân rất yêu thích văn hóa và đất nước Nhật Bản. Kết quả là tôi đã được là 1 trong 2 sinh viên được lựa chọn trong số 8 ứng cử viên được phỏng vấn trực tiếp.
Về công việc hiện tại:
Okinawa DigitalVision là một công ty chuyên về lĩnh vực BIM – Building Information Model. Khách hàng là những công ty xây dựng lớn cùng với các văn phòng thiết kế lớn của Nhật Bản. Sản phẩm của công ty là những mô hình BIM trên máy tính, từ những mô hình trong giai đoạn thiết kế concept cho đến mô hình khai triển thi công hoàn thiện.
Vị trí công việc hiện tại của tôi là một BIM Operator, người trực tiếp xây dựng những mô hình BIM hoàn chỉnh từ dữ liệu là các bản thiết kế 2D của khách hàng.
Về những thuận lợi và khó khăn trong quá trình tiếp cận với công việc mới:
Do đã có những kiến thức nhất định về ngành kiến trúc được trau dồi trong quá trình học tập, cùng với đó là kỹ năng phần mềm sẵn có và khả năng học các phần mềm làm việc mới rất nhanh chóng nên tôi đã có thể tiếp cận công việc mới tương đối nhanh và hiệu quả. Năng suất lao động của đa số người Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo tôi đánh giá là khá cao và hiệu quả, so với người bản địa. Đặc biệt là với những sinh viên có khả năng linh hoạt trong công việc do đã tham gia nhiều các cuộc thi, các hoạt động ngoại khóa trong những năm học tập.
Đi kèm theo đó cũng có rất nhiều những khó khăn. Khó khăn lớn nhất mà tôi gặp phải là quá trình học tập ngôn ngữ mới. Khác với làm việc ở các nước nói tiếng Anh hay các ngôn ngữ dựa trên hệ thống ký tự la tinh. Tiếng Nhật thực sự là một thách thức lớn trong công việc với hệ thống chữ viết và cấu trúc ngôn ngữ hoàn toàn khác. Do đặc thù công việc cần phải xử lý rất nhiều dữ liệu nhận được từ khách hàng, đồng thời luôn luôn yêu cầu phải trao đổi với các đồng nghiệp trong cùng dự án, nên đến hiện tại sau 6 tháng làm việc chính thức tôi vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó do những đặc thù về kiến trúc Nhật Bản khác nhiều với kiến trúc Việt Nam nên khi làm việc tôi vẫn phải nghiên cứu thêm rất nhiều những tiêu chuẩn, quy chuẩn của kiến trúc Nhật Bản.
Kỳ vọng vào công việc trong tương lai:
Tôi hi vọng trong thời gian làm việc tại Nhật Bản, sẽ có nhiều cơ hội để học hỏi về chuyên môn trong công việc thực tể của BIM nói riêng và ngành Kiến Trúc nói chung.
Đồng thời, tôi cũng rất hi vọng trong tương lai sẽ có cơ hội làm việc trong môi trường BIM rất mới mẻ ngay tại Việt Nam.

KTS Nguyễn Bích Hoàn

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2016)