KTS Việt Nam – Tự định vị mình trong thế cạnh tranh Đông Nam Á

Bước vào năm 2013, tình hình kinh tế, nhất là ngành kiến trúc-xây dựng hầu như chững lại khắp nơi trên thế giới và cả ở Việt Nam. Phải chăng đây là dịp để chúng ta dừng lại, cùng suy nghĩ và xác định lại vị trí nền kiến trúc Việt, nhìn ra được các thế mạnh – yếu của mình để định hướng cho đúng mà bước tới. Trong thời gian qua, thực sự ta đã tiếp thu được gì từ kinh nghiệm bạn bè láng giềng? Các giải thưởng kiến trúc của ta đã xứng tầm chưa? Làm sao tạo được nội lực để cạnh tranh với thị trường khu vực và quốc tế?… Đó là những câu hỏi còn đang bỏ ngỏ với tất cả chúng ta… 
 
Các bài học chưa được tiếp thu đúng mức
 
Điều đầu tiên đáng lưu ý là ta chưa học được các kinh nghiệm phát triển kiến trúc-xây dựng của bạn bè đồng nghiệp quanh ta. Định vị được mình để tìm cách vươn lên là bài học chung mà tôi đã nhìn thấy tại các nước láng giềng mà khởi nghiệp cũng vất vả không kém ta.   
 
Có dịp ghé lại Trung Quốc vào nhiều thời điểm khác nhau suốt 20 năm qua, tôi đã thảo luận với đồng nghiệp và chứng kiến những thành tựu vượt bực của họ trong ngành kiến trúc – xây dựng. Khi mở cửa vào đầu những năm 1980, ý thức bản thân còn lạc hậu về nhiều mặt so với thế giới, họ đã mạnh dạn thuê thiết kế và thi công từ nước ngoài, nhất là từ Nhật Bản, Đức và Hoa Kỳ, với điều kiện bắt buộc là công ty nước ngoài phải hợp tác với các đơn vị tương đương trong nước. Họ đã thực sự gài được một lớp trẻ Trung Quốc vào học hỏi qua các công trình này, để ngày nay họ đã tự hào có thể thiết kế và thi công các công trình có trình độ ngang ngửa với phương Tây.    
 
Hàn Quốc lại có một chiến lược khác. Vào các năm 1960, họ đã chuyển các đơn vị công binh (không còn sử dụng nhiều vào thời bình) được đào tạo  theo kỹ thuật tiên tiến kiểu Mỹ thành các đội thầu thi công quy mô lớn, có kỷ luật và giá rẻ tung ra khắp thế giới. Xa lộ vành đai Đại Hàn ở Sài Gòn xây dựng vào những năm 1960 là điển hình của sách lược đó. Mặt khác họ cũng tập trung đào tạo một đội ngũ kiến trúc và xây dựng ưu tú, đặc biệt mạnh dạn gửi người đi học hỏi nắm bắt kỹ thuật tiên tiến ở nước ngoài. Nay thì đội ngũ thiết kế và thi công của Hàn Quốc so ra không thua kém phương Tây chút nào.
 
Gần ta hơn, tôi đã nhìn thấy khả năng thiết kế kiến trúc và tay nghề xây dựng của đồng nghiệp Singapore, Malaysia và Thái Lan nhìn chung đã vượt hơn xa chúng ta. Bài học rút ra là phải làm sao xác định được các thế mạnh – yếu của mình để đề ra sách lược vươn tới. 
 
 Bar Gió và nước – KTS Võ Trọng Nghĩa
 
 Sự tương phản trong phát triển đô thị
 
Các giải thưởng kiến trúc đã xứng tầm chưa? 
 
Hiện nay, phải chăng không ít anh em mình vẫn còn chủ quan – phản ánh qua các phát biểu, bài viết – cho rằng KTS ta so với thế giới không thua kém ai. Nhưng những ai đã từng thực sự cọ xát với các cuộc thi kiến trúc quốc tế hoặc thi công công trình nước ngoài đều có thể chứng minh điều ngược lại. Nếu ta dám khẳng định mình ngang tài với đồng nghiệp nước ngoài, thì ta phải chấp nhận thi thố tài năng và thắng họ tại chính đất nước họ. Và thực tế khách quan đã xác nhận ta đã thua!
Gần đây, các công trình được Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia phải nói là những công trình đẹp, thể hiện các giải pháp thiết kế thông minh trong điều kiện kinh tế và kỹ thuật còn hạn chế. Tuy vậy, các công trình này chưa thể tiêu biểu cho nền kiến trúc hiện đại của nước ta trong giai đoạn hội nhập, mà mới chỉ dừng ở mức áp dụng các kỹ thuật và các giải pháp kiến trúc đã khá phổ biến từ nhiều năm qua ở phương Tây. 
Cho tới nay, tôi chưa nhìn thấy được công trình nào ở Việt Nam, kể cả do người trong nước hay nước ngoài thiết kế, có thể xem là tiêu biểu xuất sắc cho giai đoạn phát triển hiện đại của Việt Nam. Tôi vẫn trăn trở về câu hỏi: tại sao nước mình có nhiều giải thưởng là thế, mà vẫn không tìm được một vài công trình có thể thực sự được gọi là thành tựu đánh dấu cho nền kiến trúc hiện đại VN, ngang tầm với thế giới?.
Thời gian qua,với sự xuất hiện của KTS Võ Trọng Nghĩa, qua các giải thưởng, tạo được quan tâm của  quốc tế với một số công trình nhỏ, kinh phí thấp nhưng mới lạ về ý tưởng. Công trình “Nhà phố xanh” đã tạo nên những không gian khác biệt có giá trị, nhờ vào sự bố trí sáng tạo về lam chống nắng, mái bằng, bồn hoa,… Tuy vậy, khái niệm “xanh” đưa ra chưa có gì mới lạ hoặc mang tính đột phá, và công trình này vẫn chưa thật sự là một kiến trúc xanh đúng nghĩa, cho dù có trồng nhiều cây xanh.
Về “định hướng kiến trúc xanh” mà giới kiến trúc chúng ta thường hay nói đến, theo tôi, Việt Nam hiện chưa xây dựng được hệ thống đánh giá kiến trúc xanh chính thức để đưa vào áp dụng trong thực tế, cho nên ta không nên vội nghĩ đến Giải thưởng Kiến trúc xanh. Ngay cả vấn đề thế nào là kiến trúc xanh, vẫn còn nhiều ngộ nhận trong giới chuyên môn và chưa có sự đồng tình chung về cách đánh giá. Điển hình là Giải thưởng Công trình Xanh của Hội KTS Việt Nam năm 2012, trao cho dự án Ecopark, từng tạo ra nhiều dư luận không thuận cả trong và ngoài nước. Ta nên khuyến khích Hội đồng Xanh Việt Nam hoàn thiện bộ tiêu chí kiến trúc xanh Lotus cho Việt Nam. 
Ngành quy hoạch kiến trúc ngày nay phát triển rất rộng, không còn gói gọn trong lĩnh vực thiết kế, mà còn là các vấn đề quản lý, kinh tế, văn hoá và xã hội… Do vậy, nếu không thận trọng khi trao giải dự án quy hoạch kiến trúc, dễ gây lạm dụng, tạo sự tự mãn “ảo” cho một số KTS, không thể phủ nhận rằng còn có nhiều chuyên gia giỏi đang đóng góp rất nhiều cho xã hội, nhưng họ không hề quan tâm đến những giải thưởng, đặc biệt là trong cơ chế thường phải “xin” thì mới được “cho”.
 
Làm sao tạo được nội lực để cạnh tranh ?
 
Muốn vươn lên cạnh tranh ngang ngửa với người, ta phải chú tâm đến các mặt đào tạo và hành nghề.
 
Về  việc đào tạo KTS, trước hết phải soạn thảo lại giáo trình và phương cách đào tạo để bằng cấp của ta phải được thế giới công nhận. Như vậy, ta mới có khả năng bàn đến việc các tác phẩm kiến trúc của KTS Việt Nam được công nhận, mới có thể tham gia các cuộc thi thiết kế quốc tế. Trên nguyên tắc khi nước mình cho phép KTS nước bạn hành nghề tại Việt Nam thì họ phải cho phép ngược lại. Nếu không, thì ngay từ vòng loại (xem xét về năng lực thiết kế) mình đã bị loại rồi. 
 
Về hành nghề kiến trúc: thật ra nghề này không xa lạ tại các nước phát triển trên thế giới (cũng giống như các nghề luật sư, bác sĩ). Xin phép xây dựng công trình kiến trúc, sửa chữa cải tạo nhà cửa đều phải qua một văn phòng KTS (chịu trách nhiệm về mặt mỹ thuật công trình, theo đúng quy hoạch đô thị). Tất cả KTS muốn hành nghề phải là thành viên của Đoàn KTS có tư cách pháp nhân, chịu trách nhiệm trước Nhà nước về hoạt động nghề nghiệp của thành viên (quản lý, bảo vệ, duy trì kỷ luật, chuẩn đạo đức nghề nghiệp của thành viên). Muốn nghề kiến trúc ổn định, Luật hành nghề KTS phải sớm được ra đời.
 
Điều quan trọng nhất là ta phải sớm nhận thức nghề kiến trúc đang trở thành một dịch vụ kỹ thuật, sẽ phải tham gia vào một môi trường hành nghề cạnh tranh quyết liệt. Hội KTS Việt Nam sẽ làm gì để củng cố lực lượng KTS, chủ yếu vẫn là được hoạt động nghề nghiệp trong môi trường tốt nhất. Trước mắt là phải tạo được một đội ngũ KTS lành nghề và thực sự có nội lực thông qua các phương thức:
-Thường xuyên nâng cao tay nghề (qua đào tạo lại, cập nhật kiến thức). Tích cực tạo việc chuyển giao công nghệ (từ nguồn KTS Việt kiều, bạn bè quốc tế, quan hệ vùng Đông Nam Á, Đông Á).
-Đoàn kết nhau, tập họp lại, đa dạng hoá ngành nghề để tạo nội lực (quy tụ trong các công ty kiến trúc – xây dựng quy mô lớn nhằm tạo sức mạnh cạnh tranh quốc tế). 
 
Nhân Ngày KTS Việt Nam 27-4, cũng là dịp kỷ niệm 65 năm thành lập Hội KTS Việt Nam, tôi lại nhớ câu nói của Lý Quang Diệu – cha đẻ của huyền thoại phát triển thần kỳ Singapore – từng lưu ý chúng ta rằng: “Mỗi quốc gia phải tự giải quyết bài toán tự định vị mình trong một “thế giới đang thay đổi”. Phải trung thực, vì dừng lại là chết trong cơn lốc cạnh tranh toàn cầu”. 
 
Đó cũng là điều chúng ta cần lưu tâm và thực hiện trên chặng đường dài phía trước… 
 
KTS Nguyễn Hữu Thái