Luật đô thị Mỹ: Hiện tại và cải cách (Tiếp theo)

LTS: Nếu tính từ Luật Phân vùng Quy hoạch của TP New York năm 1916, Luật Đô thị Mỹ đã trải qua quá trình phát triển gần 100 năm. Có thể nói, không ở đâu việc thi hành Luật Đô thị lại được thực thi triệt để – và như nhiều nhà nghiên cứu phê phán là “đi quá xa” như ở Mỹ. Trong TCKT số 5/2012, TCKT đã đăng tải kỳ 1 của bài báo Luật Đô thị Mỹ hiện tại và cải cách. Trong số này, TCKT tiếp tục đăng kỳ 2 (và hết) của bài báo – giới thiệu cải cách trong Luật Đô thị Mỹ như: Luật Quy hoạch thông minh (Smartcode và Generative Code)
 Một khu trung tâm NewYork
Những cải cách trong Luật Quy hoạch Mỹ- Smartcode và Generative Code
Nhận thức rõ tính chất không bền vững của Luật Phân khu quy hoạch – zoning, những cải cách gần đây trong Luật Quy hoạch đô thị Mỹ hướng tới việc sửa chữa các khiếm khuyết này. Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất của Luật Phân khu quy hoạch-zoning1 là đô thị được tạo ra theo luật này có tính chất không thể đoán định trước (unpredictability): Mặc dù Luật phân khu quy hoạch có vẻ cung cấp một loạt các thông số chắc chắn (như khoảng lùi, tỷ lệ giữa diện tích sàn và diện tích lô đất, chiều cao tối đa v.v…) nhưng nhà đầu tư, chính quyền và người dân không thể biết trước được là mình sẽ nhận được không gian đô thị kiểu gì từ zoning đó. Nói cách khác, liệu Luật Phân khu quy hoạch có tạo nên một không gian mang tỷ lệ nhân văn? Không gian có tính chất kết nối các khu vực, hay không gian khuyến khích phát triển theo định hướng đi bộ hay không? – Hầu như Luật Phân khu quy hoạch hiện tại không thể trả lời được các câu hỏi liên quan đến các vấn đề có tính nguyên tắc của phát triển bền vững như trên.
Vấn đề thứ hai của Luật Phân khu quy hoạch cũng đồng thời liên quan đến vấn đề thứ nhất – đó là tính chất quá cứng nhắc của cơ chế sử dụng đất. Mặc dù đưa ra một số thông số và hứa hẹn sự tự do phát triển của hình thức đô thị nhưng sự tự do này chỉ là một hứa hẹn hão huyền (trong tiếng Anh gọi là proscriptive – tức là đưa ra một số điều kiện hạn chế còn từ đó cho phát triển thoải mái- nó đối lập với prescriptive tức là đưa ra một loạt các thông số mô tả cụ thể đặc điểm tương lai của khu vực). Sự cứng nhắc của zoning đã được nói tới trong kỳ I của bài viết như: đưa ra chỉ tiêu sử dụng đất tối thiểu quá lớn (ví dụ yêu cầu thửa đất phải lớn hơn 5000 m2), hoặc quá hạn chế chiều cao công trình (không được xây dựng cao quá hai tầng). Vì vậy các cải cách trong Luật Đô thị Mỹ nhằm hiệu chỉnh một trong hai khiếm khuyết trên.
 Hình ảnh của thành phố New York
SmartCode – sự điều chỉnh nhu cầu có thể đoán định trước của không gian đô thị
Các nhà đầu tư, chính quyền và cả người dân có nhu cầu chính đáng: mong muốn có một không gian đô thị có thể đoán định trước được – họ cần biết cái không gian đô thị tương lai sẽ như thế nào có đảm bảo tỷ lệ nhân văn, có tạo nên một cảm giác được bao bọc, có phát triển theo định hướng giao thông công cộng, có phát triển theo định hướng khu lân bang truyền thống2 hay không?… Luật Quy hoạch dựa theo hình thức (form-based code- FBC) ra đời để đáp ứng nhu cầu trên. FBC là một loại luật đô thị theo hình thức, nó cung cấp các thông số để tạo ra một không gian đô thị xác định (chẳng hạn không chỉ xác định về số tầng cao mà còn xác định cả về màu sắc, vật liệu hình thức mặt đứng). Theo Viện nghiên cứu Luật dựa theo hình thức (Form-based Code Institute) (2008) thì FBC: …Là một phương pháp chế tài hoạt động xây dựng để đạt đến một hình thức đô thị cụ thể. FBC tạo ra môi trường công cộng có thể dự đoán được, chủ yếu bằng cách kiểm soát không gian hình thể (physical form) mà ít chú ý đến chức năng sử dụng đất…FBC đề cập đến mối quan hệ giữa mặt đứng công trình và không gian công cộng (public realm), mối quan hệ qua lại giữa hình thức và khối tích của tòa nhà, tỷ lệ và loại đường phố và khối phố (block)…FBC mang tính chế tài về mặt pháp lý”….
Một trong những FBC nổi bật là SmartCode3 do KTS Andres Duany và các cộng sự tại công ty Duany Plater-Zyberk lập nên vào những năm 1990. Phần xương sống của SmartCode chính là khái niệm transect – tức là mặt cắt địa lý – một khái niệm có liên hệ chặt chẽ tới ý tưởng về mặt cắt qua thung lũng của Nhà Quy hoạch đô thị người Scotlen đầu thế kỷ XX Patrick Geddes khi ông nói về việc tìm kiếm“nhịp điệu của hợp quần đất đai trên trái đất…từ vùng băng tuyết tới biển cả, từ cao nguyên tới đồng bằng” (Geddes, 1915, p.xviii) và cả ý tưởng về sự tôn trọng nơi chốn của Ian McHarg trong quyển “Thiết kế với tự nhiên” (1995). Ý tưởng chính của transect là xác định các thành phần đô thị phù hợp với mật độ và tính chất hoạt động của chúng. Các thành phần có cường độ hoạt động cao thì phải được bố trí tại các vùng càng gần trung tâm đô thị, trong khi đó các thành phần thuộc nông thôn hoặc vùng phụ cận phải nằm ở đất nông nghiệp. Transect chia đất đô thị thành 6 vùng sinh thái:
Vùng nông nghiệp bảo tồn
Vùng nông nghiệp dự trữ
Vùng ngoại ô
Vùng đô thị chung
Trung tâm đô thị
Lõi đô thị
Khi các vùng T thay đổi từ T1-T6 thì ta cũng có cường độ hoạt động trong đô thị tăng dần. 
SmartCode được tổ chức trên ba quy mô: 
Quy mô vùng (được gọi là Quy hoạch Khu vực)
Quy mô đô thị (được gọi là Quy hoạch Cộng đồng)
Quy mô tiểu khu vực hay khu vực lân bang láng giềng (được gọi là Quy hoạch Địa điểm)
Tương ứng với mỗi quy mô là một kiểu tổ chức các vùng T (T-zone) khác nhau. 
Vậy rõ ràng trong SmartCode, người ta có thể hình dung tường tận không gian đô thị tương lai sẽ như thế nào, trải dài từ vùng lõi đô thị ra đến khu vực ngoại vi. Nó thiết lập vị trí đúng đắn với từng loại hoạt động đô thị. Điều quan trọng nhất là SmartCode đạt được các mục tiêu phát triển bền vững như: tính kết nối, khuyến khích sử dụng đất hỗn hợp nhờ thế nâng cao tính đa dạng trong đô thị v.v…Lợi điểm quan trọng kế tiếp của SmartCode là nó sử dụng cùng một loại ngôn ngữ của hệ thống quan liêu trong quy hoạch hiện thời nên dễ áp dụng, phù hợp với tập quán làm quy hoạch Mỹ. Nói cách khác, nó có thể “êm ru lẻn vào” hệ thống quy hoạch hiện thời và làm thay đổi theo hướng tích cực bản chất của công tác quy hoạch môi trường xây dựng ở Mỹ.
Tuy có nhiều ưu việt nhưng vẫn có tiếng nói chê trách SmartCode cũng như các loại FBC khác, nói chung, chúng vẫn còn máy móc và hạn chế sự sáng tạo của KTS. Dù chúng ta đều hiểu như Andres Duany rằng trong kiến trúc đương đại sự sáng tạo thì ít mà cái tầm tầm trung bình thì lại phổ biến (trích trong Talen, 2012), do đó SmartCode vẫn để lại một mặt trận hở sườn cho những kẻ ưa công kích. Điều này được cho là nhược điểm hạn chế sự sáng tạo – thiếu tính mềm dẻo của SmartCode. Một thuộc tính mà luật generative4 có thể bổ sung.
Các công trình đồ sộ bên sông Hudson nhìn ra cảng New York
Generative code biểu hiện tính mềm dẻo của Luật Quy hoạch
Một thuộc tính mà các nhà nghiên cứu mong muốn ở đô thị là không khí thoải mái, sống động, không bị gò ép cùng với tính phức hợp đa dạng muôn hình muôn vẻ của các thành phố Mỹ trước Thế chiến II. Người ta cũng quan sát được các thuộc tính này trong các đô thị truyền thống như Viên, Venice, London, hay Paris. Ở đó, cái phẩm chất sống động của không gian đô thị không những không bị mai một đi mà lại càng được tôn trọng và tăng cường thông qua các nỗ  lực bảo tồn của chính quyền và người dân.
Lý giải điều này, Christopher Alexander, Besim Hakim, Nikos Salingaros và nhiều nhà nghiên cứu đều thống nhất ở một điểm: các đô thị kể trên được tạo lập từ quá trình phát triển hàng trăm năm. Các lớp phát triển mới chồng chất lên cái cũ, không những bồi bổ thêm cái đã có mà còn tăng cường thêm toàn bộ cấu trúc- cái toàn thể. Các quy luật để định hướng quá trình phát triển này có khi được biểu lộ rõ ràng thành luật lệ, có khi nằm ở cơ chế kinh tế và văn hóa của một xã hội nhưng đều theo hướng chung là tăng cường tính hài hòa, tăng cường tính toàn thể của đô thị. 
Alexander (1979) đã tổng hợp các quy luật phát triển trên thành một quá trình mà ông gọi là quá trình generative (Timeless). Đây là quá trình phát triển tuân theo trình tự (sequences), trong đó cái phát triển sau luôn tôn trọng điều kiện hiện có nhằm nâng cao tính toàn thể của cấu trúc. Ở đây, ta có thể hiểu tính toàn thể từ quan niệm toàn diện trong đó không có phần nào bị coi là phần thừa hoặc bị tách rời khỏi các thành phần còn lại của cấu trúc. 
Quá trình phát triển tính toàn thể này dựa trên khái niệm trường trung tâm, trong đó các trường trung tâm hoạt động như thành phần cốt lõi để khi mỗi trường trung tâm mạnh thêm thì “toàn thể” cũng được tăng cường. Vậy trường trung tâm là gì? Đó có thể là bất cứ phần không gian nào, từ quy mô các thành phần nội thất tới quy mô vùng đô thị. Mỗi một trường trung tâm ở một mức độ nào đó gắn với khái niệm kiểu dạng (pattern) được miêu tả trong cuốn “Một Ngôn ngữ Kiểu dạng” của Alexander và các cộng sự (1977). Trong tài liệu này mỗi kiểu dạng là một giải pháp tổ chức không gian liên hệ rất mật thiết với các điều kiện văn hóa, xã hội và tâm lý. Mỗi kiểu dạng đồng thời cũng là một giải pháp tổ chức được thừa hưởng từ truyền thống văn hóa. Nó luôn mang tính chất thích ứng với điều kiện địa phương đồng thời phải đáp ứng các điều kiện mới. 
Chẳng hạn kiểu mẫu số 159 “Ánh sáng ở hai phía của mỗi phòng” (Alexander et al, 1977), Alexander và các cộng sự đã giải thích nhu cầu căn bản của con người là phải có sự tổ chức các phòng với ánh sáng từ hai phía, sao cho chúng ta sẽ có một thứ ánh sáng đều cho phòng, không có phần nào trong phòng bị chói quá hoặc tối quá. Kiểu mẫu này cho phép người ta đọc được các biểu hiện ở khuôn mặt người đang đối thoại một cách rõ ràng, thấy được chuyển động của cơ thể dễ dàng.
Tương tự như vậy, kiểu mẫu số 180 “Chốn cửa sổ” giải thích tầm quan trọng của một nơi chốn được bố trí cẩn trọng cho cửa sổ (1977), Alexander và các cộng sự nêu lên các yêu cầu thiết kế cho nơi chốn này đó là một chỗ ngồi thoải mái được chiếu sáng tốt cho cửa sổ nhằm giải quyết hai mâu thuẫn thường gặp trong bất kỳ một nội thất nào. Một là nhu cầu muốn đến gần cửa sổ, nơi được chiếu sáng tốt và nơi người ta có thể phóng tầm mắt ra bên ngoài. Và nhu cầu còn lại là một chỗ ngồi thoải mái trong phòng. Kiểu mẫu “Chốn cửa sổ” có khả năng hóa giải hai nhu cầu thường mâu thuẫn trên. 
Ngôn ngữ kiểu dạng còn miêu tả mối liên hệ lẫn nhau giữa các kiểu dạng nhờ đó người thiết kế có thể kết nối các kiểu dạng, theo điều kiện cụ thể của địa điểm và theo ý muốn của mình. 
Như vậy mỗi kiểu dạng có thể đại diện cho một trường trung tâm và điều mà những người cùng định hình nên không gian đô thị cần làm là đảm bảo cho quá trình tăng trưởng một cách tự nhiên của cấu trúc bằng cách tăng cường, làm mạnh thêm các kiểu dạng/các trường trung tâm này.
Những kiểu dạng/trường trung tâm này tạo thành ngôn ngữ kiểu dạng- hợp phần quan trọng nhất của quá trình generative. Hợp phần thứ hai là ngôn ngữ hình thức- chính là các quy luật tổ chức hình thể của quá trình generative. Christopher Alexander đã nghiên cứu và hình thành nên 15 thuộc tính của ngôn ngữ hình thức này. 
Có thể một số người đọc bị nhầm lẫn bởi tên gọi mang hơi hướng một chút lãng mạn của một số thuộc tính, cho rằng chúng chỉ là biểu hiện của một ý thích cảm tính của một nghệ sĩ, nhưng cần biết rằng chúng là các kết quả của quá trình nghiên cứu gần 30 năm của một nhà toán học, KTS, người mà sản phẩm ngôn ngữ kiểu dạng của ông và các cộng sự đã được giới thiết kế lập trình tin học vận dụng rộng rãi từ lâu (ví dụ trong ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng). Điều quan trọng hơn, các thuộc tính này đã được các ngành khoa học mới khẳng định: đó là khoa học về các hệ phức hợp tự thích ứng (science of complex adaptive systems) hay khoa học về các fractals1. 
Vậy toàn bộ tính chất kỳ ảo đầy hứng khởi này của quá trình generative phải được luật hóa như thế nào? Alexander (1987) và các đồng sự đã thực nghiệm quá trình này và mô tả nó trong quyển “A New Theory of Urban Design”. Kết quả là nó đã được mã hóa thành các quy luật cho một quá trình phát triển [giả lập] tại một cộng đồng ở San Francisco, một bộ luật (ordinance) cho sự phát triển một neighborhood tại Pasadena và Harbor Hill Brook tại bang Oregon (Alexander, 2002; Alexander and Smidt, 2005). Michael Mehaffy (2008) đã tổng kết lại các bước thực hiện theo generative process như sau:
1- Luật xác định quá trình phát triển – quá trình generative
2- Luật quy định rằng trong quá trình này, hành động của con người sẽ theo các quy luật, phối hợp với các đánh giá dựa trên cảm xúc (cảm xúc cũng là cái đo lường được và là dữ kiện đáng tin), trong việc thích ứng với cái đã có trước.
3- Tại mỗi bước, luật dựa trên các điều kiện-đã-trở-thành -tồn tại như một tổng thể
4- Tại mỗi bước, nó xác định phần yếu nhất của cấu trúc và hành động để cải thiện, tăng cường cấu trúc
5- Tại mỗi bước, nó có thể áp dụng các kiểu mẫu và các giải pháp đã được luật hóa trước đó, thay đổi chúng theo điều kiện mới.
6- Tại mỗi bước, nó phân biệt không gian theo một sơ đồ gọi là các “trung tâm”
7- Các trung tâm được phân biệt thông qua 15 quá trình biến đổi duy trì cấu trúc [đã nói ở trên].
8- Cở sở hạ tầng theo sau. Giống như quá trình biến đổi hình thức của cơ thể sống (morphogenesis), các mô được hình thành trước, sau đó là các mạch máu. Các kiểu mẫu nhân văn (human pattern) và không gian nhân văn phải đi trước sau đó mới là đường xá, mạng lưới đường ống thoát nước, và những thứ tương tự theo sau- không phải ngược lại
9- Sự biểu hiện thị giác theo sau. Các kiểu mẫu và không gian nhân văn đi trước, các [công trình] biểu hiện thị giác và các công trình tạo điểm nhấn theo sau- không phải ngược lại. Nếu không chúng ta chỉ đơn giản buộc mọi người sống trong các khối điêu khắc không liên hệ
10- Vào cuối mỗi chu kỳ, kết quả được đánh giá và chu kỳ được lặp lại
Có lẽ “nhược điểm” duy nhất của generative code là nó đòi hỏi sự quan sát và cái óc tinh tế của người làm quy hoạch, đồng thời nó cũng yêu cầu phải có thời gian để những người thực thi quy hoạch trải nghiệm từng hành động. Các yêu cầu mà những người hoạch định chính sách tại các địa phương không phải lúc nào cũng đáp ứng được. 
 
Nhìn về tương lai- top-down kết hợp với bottom up hay liệu có thể kết hợp các thành phần generative cho SmartCode. 
Một chủ đề thường xuất hiện trong các thảo luận về đô thị là nên phát triển một thành phố theo định hướng nào: hoặc quy định từ trên xuống – Ý nói xây dựng và phát triển thành phố theo ý chí của một cá nhân, một cơ quan có thẩm quyền hay một nhóm chuyên gia. Hay từ dưới lên (bottom-up). Một vài ví dụ điển hình cho hành động top-down là công cuộc quy hoạch thủ đô Brazilia của Louis Costa, hay quy hoạch Berlin dưới thời Đức Quốc Xã của Albert Speers. Mặc dù SmartCode  ra đời trong khuôn khổ của một chế độ dân chủ điển hình như ở Mỹ, nơi mà sự tham dự của người dân trong công tác quy hoạch vẫn được xem như một thuộc tính thiết yếu của hoạt động quy hoạch, thì SmartCode vẫn phản ảnh rất nhiều đặc điểm của quá trinh top-down. Chẳng hạn hoạt động phân chia đô thị thành các vùng căn cứ vào cường độ hoạt động của chúng. Hay cung cấp các thông số cố định cho từng vùng T. Những hành động như thế rõ rằng mang bản chất top-down. Một câu hỏi nảy sinh tự nhiên là liệu có thể “mềm” hóa SmartCode hay không?
Một trong những giải pháp được đề xuất đề “mềm” hóa SmartCode là kết hợp tính dự đoán của SmartCode với tính chất hữu cơ và mềm dẻo của luật generative. Những người ủng hộ phương pháp này mong muốn xây dựng các modules generative sao cho chúng có thể cài vào (tương tự như các plug-in trong một phần mềm máy tính) trong SmartCode. Tương tự như khi chúng ta kiến tạo nên một giàn hoa, tức là xây dựng một cái khung cứng- một cấu trúc top-down rồi sau đó để cho giàn hoa tự phát triển theo các điều kiện địa phương (như hướng chiếu sáng, độ ẩm, chế độ thổ nhưỡng v.v…). Cuối cùng chúng ta có một cấu trúc vừa trật tự vừa phong phú đa dạng không cùng. Chúng ta có thể nhớ lại hoạt động cải tạo Paris của Nam tước Haussmann vào thế kỷ 19 như một sự kết hợp giữa top-down và bottom-up. Trên cái nền của một cấu trúc bottom-up của Paris thời Trung cổ, Haussmann đã cấu trúc nên một khung sườn phát triển cho Paris hiện đại bằng các đại lộ, các công viên và vườn hoa. Vậy hoàn toàn có thể hy vọng được những nỗ lực kế tiếp của nền quy hoạch Mỹ nằm ở sự kết hợp thành công giữa các thành phần bottom-up của các modules generative với cái khung sườn top-down của SmartCode.
 
Nguyễn Hồng Ngọc
Ths. KTS. Nghiên cứu sinh Đại học Arizona State