Mở rộng với những vấn đề “nóng” của kiến trúc đương đại

Đúng như chủ đề “Kiến trúc và phát triển đô thị Việt Nam, thể chế – lý luận và thực tiễn”, hội nghị Hội đồng Kiến trúc mở rộng do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức ngày 16/8 tại Hà Nội đã đề cập đồng thời đến nhiều nội dung thực tiễn của kiến trúc đương đại. Hội nghị có sự tham gia của Ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; đại diện Ban Tuyên giáo TW, Hội đồng Lý luận phê bình Văn học – Nghệ thuật TW, đại diện Ủy ban toàn quốc các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, các Ủy viên Hội đồng Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam và đông đảo các KTS, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kiến trúc – xây dựng….
Về công tác nghiên cứu lý luận – phê bình và phản biện kiến trúc, Hội đồng Kiến trúc cho rằng nên tập trung và tổ chức thực hiện vấn đề gì mà thực tiễn kiến trúc và hành nghề kiến trúc đòi hỏi. Đó là vấn đề hiện đại – dân tộc trong kiến trúc hay đi thẳng vào những chuyên đề lớn như đô thị Việt Nam – thực trạng – mô hình phát triển; nhà ở đô thị-nông thôn…
Về hành nghề KTS, nhận định đây là vấn đề lớn, tác động toàn diện đến chất lượng kiến trúc và đô thị, Hội đồng đặt câu hỏi: Thể chế nào cần có và phù hợp trong giai đoạn này để đổi mới chất lượng hành nghề, chất lượng sáng tác kiến trúc. Luật KTS (hay Luật Kiến trúc) đang được Nhà nước và Bộ Xây dựng quan tâm, tổ chức nghiên cứu. Phải chăng Luật KTS sẽ là chìa khóa để cải thiện và mở ra thời kỳ đổi mới cho kiến trúc, hành nghề của KTS, của công tác đào tạo KTS, của bản quyền tác giả kiến trúc, quyền lợi và trách nhiệm của KTS trước xã hội và đất nước?

Ông Nguyễn Hồng Vinh – Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học – Nghệ thuật TW

Một vấn đề khác cũng được Hội đồng tập trung đề cập là vấn đề đào tạo KTS. Theo Hội đồng, hiện nay cả nước ta đã có 22 cơ sở đào tạo KTS, công lập, dân lập, cổ phần. Chất lượng sáng tác kiến trúc sẽ đi cùng với chất lượng đào tạo; nhu cầu cần có KTS ở các vùng, miền; mâu thuẫn giữa yêu cầu được học tập của thanh niên với năng lực và khả năng đáp ứng của giáo viên cũng như cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo.… đó là những vấn đề cần được Hội KTS Việt Nam tham dự và đề xuất.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã cùng thảo luận về vấn đề phát triển và quản lý đô thị cùng những nhiệm vụ trọng tâm của Hội KTS Việt Nam trong thời gian tới. TS Phạm Sỹ Liêm (Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng) đề cập đến xu hướng phát triển đô thị, ông cho rằng tư duy xính ngoại không phải không có cơ sở – “Vì tư vấn trong nước làm không bao lâu đã lạc hậu, phải điều chỉnh, thậm chí là làm lại. Nên chăng, Hội KTS và các hội nghề nghiệp khác liên kết tổ chức đào tạo lại những người đang làm quy hoạch. KS, KTS chuyên nghiệp luôn phải học – không chỉ những kiến thức mới, công nghệ mới mà còn phải nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật và đạo đức nghề nghiệp…”. Hội nghị cũng thống nhất quan điểm của TS Phạm Sỹ Liêm: cái yếu nhất hiện nay là quản lý đô thị theo quy hoạch, trong tư duy phát triển còn nặng tư duy bao cấp và công cụ quản lý còn sơ sài….
Đặc biệt quan tâm đến công tác lý luận phê bình kiến trúc, Ông Nguyễn Hồng Vinh (Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học – Nghệ thuật TW) đồng tình với ý kiến của GS.TS.KTS Nguyễn Việt Châu: “Những năm qua, chúng ta mới chỉ chú trọng phần khen mà còn ngại ngần, hoặc có phần né tránh phần chê, chính vì thế công tác lý luận, phê bình còn nhiều hạn chế. Mặt khác, phần lớn ý kiến cho rằng: chất lượng sáng tác đi cùng với chất lượng đào tạo – nhưng tôi cho rằng, cần nhìn nhận vấn đề này ở cấp độ cao hơn: chất lượng sáng tác phụ thuộc vào chất lượng đào tạo. Đánh giá đúng mức mối quan hệ này sẽ giúp chúng ta có định hướng đúng đắn cho sáng tác cũng như cho công tác giáo dục, đào tạo…”
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng ghi nhận những đóng góp của giới KTS, Hội KTS Việt Nam trong lĩnh vực kiến trúc – quy hoạch; đồng thời, Ông cũng chia sẻ những khó khăn của Bộ Xây dựng và những hạn chế trong công tác quản lý phát triển đô thị – đó là những băn khoăn: hướng đi của kiến trúc Việt Nam còn chưa rõ, tính dân tộc thể hiện như thế nào trong các công trình hiện đại, phải giữ gìn bản sắc trong quá trình đô thị hóa như thế nào…??? Ông nhấn mạnh: “Bộ Xây dựng sẽ luôn luôn lắng nghe, thảo luận và ủng hộ giới KTS. Trong tương lai, quá trình đô thị hóa sẽ diễn ra nhanh hơn, quy mô lớn hơn. Vì thế, vai trò của những người làm xây dựng, nhất là KTS lại càng quan trọng. Cần xác định rõ những việc cần làm là: Tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng nói chung, trong đó có Luật kiến trúc (bao gồm những vấn đề hành nghề KTS, quy định về đào tạo KTS, nâng cao chất lượng đào tạo và sáng tác..). Luật do Bộ chủ trì nhưng không thể thiếu vai trò của các Hội nghề nghiệp; Sau quy hoạch phải có có kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn, quản lý phát triển chặt chẽ… việc này sẽ tiết kiệm nguồn lực, khắc phục tình trạng bong bóng bất động sản; Xây dựng các nghị định trong lĩnh vực phát triển nhà ở, quan tâm đặc biệt đến nhà ở xã hội, tạo sự đồng bộ, kết nối giữa các quy hoạch chuyên ngành và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội; Tập trung nâng cao công tác lý luận phê bình, gắn với việc trả lời các câu hỏi: bản sắc nông thôn Việt Nam trong quá trình đô thị hóa, kiến trúc nhà ở xã hội, kiến trúc ứng phó với biến đổi khí hậu; vai trò của các hội nghề nghiệp trong việc phản biện, xây dựng chiến lược, chương trình, định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam; đồng thời chú trọng thông tin, tuyên truyền đến đông đảo người dân, cũng như nâng cao chất lượng đào tạo và năng lực của các KTS chuyên nghiệp… ”
Hội nghị Hội đồng Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam đã chạm đến những vấn đề “nóng” của kiến trúc – xây dựng đương đại và nhận được nhiều ý kiến xác đáng về thực trạng cũng như giải pháp cho đô thị Việt Nam. Đây sẽ là cơ sở, động lực để Hội KTS Việt Nam hoàn thiện Chương trình hoạt động trong thời gian tới, nhằm hoạt động tích cực hơn, hiệu quả hơn, tác động rõ nét hơn đến diện mạo đô thị, diện mạo kiến trúc nước nhà – hướng đến một tương lai bền vững…

Thanh tâm